Xếp hạng lòng nhân ái Truyền thống bao dung, nhân ái,
thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của người Việt có từ hàng
nghìn năm qua. Truyền thống ấy thường bùng lên vào
những lúc có người gặp khó khăn hoạn nạn. Chính vì thế sau mỗi đợt vùng này,
miền kia gặp thiên tai, hoạn nạn là không ai bảo ai đều nghĩ tới việc làm sao
để giúp đỡ các nạn nhân kịp thời và thiết thực. Người có tiền giúp tiền,
người có gạo giúp gạo, người không có tiền của sẵn sàng giúp bằng công sức và
sự sẻ chia tinh thần. Việc quyên góp ủng hộ đồng bào chịu
hậu quả cơn bão số 3 vừa qua thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi
nhận, nhất là khi các bản sao kê được công bố đầy đủ từ người, tổ chức có
đóng góp cao nhất đến cá nhân chỉ có mấy nghìn đồng, tất cả đều xuất phát từ
lòng nhân ái, một giá trị vô giá, không có thứ hạng cao thấp. Học sinh tại TP.HCM tham gia ủng hộ sau bão số 3 Thế nhưng không phải không có những
tư duy cho rằng người ủng hộ nhiều tiền là có tâm thiện lớn hơn, đáng vinh
danh hơn. Tư duy đó đã nảy sinh việc một số cá nhân làm chuyện “phông bạt” để
đánh bóng tên tuổi. Mới đây có câu chuyện tại trường
tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã khen thưởng cho những
học sinh ủng hộ bão lụt từ 100.000 đồng trở lên khiến dư luận không đồng
tình, nhất là các phụ huynh. Theo cách làm này thì lòng nhân ái của các em đã
được đánh giá bằng thứ hạng khác nhau, thước đo chính là giá trị đồng tiền. Thực
ra với cách khen thưởng phân loại như thế này, nhà trường đã đang thiếu nhân
văn với chính tấm lòng nhân ái của học sinh. Các em học sinh tiểu học đang tuổi
ăn tuổi học, chưa làm ra đồng tiền. Tiền ủng hộ chỉ là của cha mẹ đưa để tiêu
vặt mà các em tích cóp được. Việc tổ chức quyên góp ủng hộ từ học sinh cốt để
các em nhận thức về ý nghĩa và giá trị lòng nhân ái, sự chia sẻ, đồng cảm
trước nghịch cảnh chứ đâu cần đồng tiền nhiều hay ít. Rất may sự việc khen thưởng trên chỉ
là cá biệt tại một trường tại TP Hồ Chí Minh. Trái lại, tại trường liên cấp Lômônôxốp
ở Hà Nội, học sinh được kêu gọi quyên góp nhưng với một mức giới hạn không được
quá 30.000 đồng. Cách làm khá tinh tế này thể hiện sự cảm thông, tôn trọng
hoàn cảnh của từng học sinh, không tạo ra sự áp lực, phân biệt điều kiện kinh
tế, khuyến khích các em tham gia bằng tấm lòng, chứ không bằng con số ít hay nhiều. Trong môi trường giáo dục, mọi hoạt
động, phương pháp tuyên truyền, vận động và ứng xử cần hết sức tinh tế, cẩn
trọng vì đó cũng chính là bài học giáo dục nhân cách con người cho học sinh./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 01/10/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét