Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Vênh vang khi có quốc tịch ngoại

 

Quốc tịch và Tổ quốc

Mỗi con người được cha mẹ sinh ra tai một vùng quê, vùng quê ấy thuộc về một đất nước. Đất nước được người dân gọi một cách linh thiêng và tự hào bằng hai từ Tổ quốc.

Tổ quốc có được là do công lao của cha ông bao đời khai khẩn, dựng xây, đổ mồ hôi, xương máu để chống chọi với thiên tai, giặc dã tạo dựng nên. Lớp lớp các thế hệ kế tiếp nhau cùng tiếp tục dựng xây, bảo vệ thành quả để cùng thừa hưởng và truyền lại cho con cháu muôn đời sau.

Con người có thể lựa chọn thay đổi mọi thứ, có thể từ bỏ cha mẹ nhưng không thể thay đổi được nguồn cội, trước tiên là người đã sinh ra mình.


Diễn viên Hoàng Anh gây bức xúc khi có quốc tịch ngoại đã khoe và bỏ tên tiếng Việt 

Quốc tịch không phải là Tổ quốc. Quốc tịch chỉ là một văn bản pháp lí công nhận một cá nhân có những quyền, nghĩa vụ theo luật định tại một quốc gia khác khi hội đủ các điều kiện, dù họ không sinh ra tại quốc gia đó. Việc có được tấm quốc tịch của một quốc gia khác không phải là việc khó khăn hoặc không thể. Tại nhiều nước chỉ cần có một khoản tiền đầu tư đủ lớn là họ cho nhập quốc tịch. Ý nghĩa về tinh thần thì quốc tịch lại càng không đồng nghĩa với Tổ quốc. Điều này càng thể hiện rõ với một số nước giàu có, hiện đại nhưng vẫn tồn tại tệ phân biệt chủng tộc, nhất là đối với người khác màu da (thường là người da đen, da vàng). Chẳng tự hào, vẻ vang gì khi cùng quốc tịch với nhau mà vẫn bị phân biệt, miệt thị trong quan hệ giao tiếp, ứng xử.

Thật lạ là hiện nay không ít người Việt lại thấy vẻ vang, tự hào khi có được tấm quốc tịch của một nước khác. Chưa đóng góp hoặc có công lao gì cho quốc gia đó, không được kế thừa truyền thống gì về văn hóa, lịch sử của họ, mới chỉ được cấp tấm giấy xác nhận “ngụ cư” hợp pháp thì sao đáng tự hào?

Những ngày qua cộng đồng mạng xôn xao tranh luận, chủ yếu là “ném đá” với một nam diễn viên khoe nhập được quốc tịch nước ngoài, đó là diễn viên trẻ Hoàng Anh. Đây là một diễn viên chưa được nhiều người biết tên. Anh đã từ bỏ nghiệp diễn, quyết ra nước ngoài để thoát nghèo. Cư dân mạng sẽ không phẫn nộ công kích, bình luận nhiều như thế nếu nam diễn viên không chia sẻ: “Giờ đừng hay gọi tôi với ‘Nguyễn Hoàng Anh’ như trước nữa. Mà hãy gọi với cái tên khác ‘Hoang Anh Nguyen’, đọc ngược lại với bỏ dấu. Nhớ nhé”. Có thể hiểu, nam diễn viên này đã đoạn tuyệt với cái tên thuần Việt Nguyễn Hoàng Anh khi có một cái tên mà người nước ngoài khi đọc hay nói về một danh từ tiếng Việt.  

Tục ngữ Việt xưa có câu “Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo”. Câu tục ngữ của cha ông nhằm giáo dục cho con cháu về nhân cách một con người, đó là phải biết hiếu kính và tri ân tổ tiên, nguồn cội và quê hương. 

Rất nhiều Việt kiều từng ra đi cách đây mấy chục năm, đã có quốc tịch nước ngoài từ lâu song vẫn một lòng đau đáu với đất nước, dõi theo sự phát triển của quê hương. Ngày càng nhiều Việt kiều xin nhập lại quốc tịch Việt Nam song song với quốc tịch nơi quốc gia họ đang sinh sống vì hiểu rằng, đây mới là nguồn cội, nơi có tổ tiên của mình./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04/10/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét