Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Nồi canh và váng bọt

      Ai làm nội trợ hẳn biết khi mua xương về hầm, nấu canh thường thấy váng bọt nổi lên khá nhiều. Người cẩn thận sẽ vớt dần cho hết thứ váng đó đi vì đó là thứ bẩn độc. Lúc đó nhìn nồi nước canh sẽ trong veo, hấp dẫn và… ngon!
      Thực ra những váng bọt đó chỉ là bề nổi hình thức. Hiện nay việc chăn nuôi gia cầm phần lớn sử dụng thức ăn công nghiệp. Thực phẩm sản xuất công nghiệp dùng cho con người mà còn bị cho vào hóa chất, phẩm màu thì thức ăn chăn nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh… là điều khó tránh.
      Việc vớt bỏ những váng bẩn trong nồi canh chỉ là để “khuất mắt cho qua”, cái độc hại đã tan hòa trong nước, nếu cẩn thận chỉ có đổ đi, mua nồi xương thịt khác được chăn nuôi sạch trong tự nhiên.

Phụ huynh Trường Mầm non Thanh Khương bức xúc cho rằng con mình ăn phải thịt lợn bẩn, gà nát tại trường.
Phụ huynh Trường Mầm non Thanh Khương bức xúc cho rằng con mình ăn phải thịt lợn bẩn, gà nát tại trường
      Chợt nghĩ đến vụ hàng nghìn gia đình học sinh mẫu giáo ở Thuận Thành, Bắc Ninh ùn ùn đổ về bệnh viện tại Hà Nội xét nghiệm vì nghi nhiễm kí sinh trùng từ thức ăn. Có sự đó bởi họ đã phát hiện thịt lợn nổi nhiều hạt gạo trắng được nhập về bếp ăn của Trường mầm non Thanh Khương. Phụ huynh bức xúc phản ánh và đề nghị nhà trường có biện pháp chấn chỉnh. Tiếc rằng sau đó phụ huynh lại tiếp tục phát hiện thịt gà bị mủn nhũn đưa vào bếp ăn của trường này. Được biết đơn vị cung ứng thực phẩm này còn cung cấp cho nhiều trường khác trong huyện. Việc người dân tự đưa con em đi xét nghiệm bởi họ đã mất niềm tin. Sự việc đã gây một “cơn bão dư luận” và bức xúc trong phụ huynh học sinh không chỉ ở Thuận Thành.

 
 Phụ huynh ở Thuận Thành ăn đợi nằm chờ ở bệnh viện để xét nghiệm cho con. Ảnh: TPO

      Nhưng rồi thì sao? Vị giám đốc bệnh viện trung ương phát biểu trong một cuộc họp thông tin về vụ việc đã tươi cười chia sẻ, ý rằng việc nhiễm kí sinh trùng (sán lợn) này là rất bình thường, không có gì nguy hiểm, điều trị ít ngày sẽ khỏi. Một lãnh đạo bệnh viện khác thì nói tỉ lệ nhiễm kí sinh trùng của các cháu là trung bình trong cộng đồng dân cư (không biết tỉ lệ này căn cứ vào đâu và có khảo sát cụ thể chưa). Tiếp đến, lãnh đạo địa phương trấn an và hứa toàn bộ chi phí xét nghiệm cho các cháu sẽ do tỉnh chi trả. Rồi nữa, bệnh viện tổ chức về từng trường (có lẽ là 19 trường trong huyện) để lấy máu xét nghiệm, các gia đình không cần tự đi làm… Tất cả những bức xúc dường như được giải tỏa nhanh nhanh như “vớt váng nồi canh”. Dư luận tựa một quả bóng xì hơi...

Chuyến Tham quan, học tập kinh nghiệm tại Thái Lan năm 2018 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Thành có cả bà Hương (ngoài cùng bên trái) là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Hương Thành - đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non. Ảnh Báo GDVN

      Tờ báo điện tử nọ vừa có bài (và cả hình ảnh) phản ánh: Chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Thái Lan năm 2018 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Thành có mặt bà Giám đốc công ty Hương Thành (đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhiều trường trong huyện). Có lẽ bà này cũng đi học tập kinh nghiệm cung cấp thực phẩm cho mô hình bếp mẫu giáo? Nếu không phải thế thì chắc giữa cơ quan quản lí với bà chủ doanh nghiệp này phải có mối thâm tình lắm lắm!
      Dù vậy, sau vụ thịt nhiễm sán, công ty Hương Thành khó mà được tiếp tục cung ứng thực phẩm.
      Nhưng rồi cũng phải có một công ty Hương Nhài, Hương Mơ nào đó cung cấp thực phẩm chứ?…
      Thật xót xa và đáng lo cho các cháu mẫu giáo, tí tuổi mà đã bị loài kí sinh bòn rút sức khỏe!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
ngày  28 tháng 3 năm 2019

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Tắc ở tư duy

Dư luận nóng lên sau khi một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin với báo chí thành phố sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến, có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông.
Cách làm này được coi nhằm hạn chế xe máy, chống ùn tắc. Tuy nhiên nhớ lại nhiều năm trước Hà Nội từng đưa ra một biện pháp để hạn chế xe máy, đó là quy định mỗi người chỉ được đăng kí xe máy 1 lần. Thế nhưng cách làm này đã nhanh chóng thất bại, để lại sự bất tiện, tốn kém cho người dân và gây khó cho việc quản lí phương tiện vì nhiều người đã đổ về tỉnh thành khác để đăng kí xe.
Trong sự lúng túng giải bài toán ách tắc giao thông ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cơ quan quản lí như vẫn chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Cảnh ùn tắc giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi, TP Hà Nội.

Bài toán giao thông đô thị cần một lời giải tổng hợp và đồng bộ. Việc cấm phương tiện này, ngăn đường phố nọ sẽ chẳng thể là đáp số của bài toán khó, thậm chí sẽ phát sinh hệ lụy khác. Cũng không thể làm kiểu “xây dựng điểm” rồi nhân rộng như tuyến BRT của Hà Nội. Tuyến buýt nhanh “điểm” này có vẻ không thành công và nay chưa thấy ai đề xuất “nhân rộng”? Tuyến đường sắt trên cao của Hà Nội sau gần chục năm khởi công nay mới sắp khánh thành, nếu thực sự hiệu quả thì cũng chỉ giải quyết phần nhỏ nhu cầu giao thông ở đây.
Khi đưa ra tính toán tìm lời giải cho giao thông, cơ quan chức năng thường viện dẫn kinh nghiệm nước này, cách làm nước kia. Mỗi quốc gia có đặc thù riêng về kinh tế, văn hóa, tập quán sinh hoạt, kinh doanh... Ở Việt Nam ta, tại đô thị lượng người kinh doanh nhỏ, tiểu thương nhiều hơn bất kì nơi nào trên thế giới, chiếc xe máy còn là phương tiện mưu sinh không thể thiếu của tầng lớp bình dân, tiểu thương. Trong khi đó hệ thống xe buýt công cộng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được 10% nhu cầu giao thông và sự kết nối còn rất nhiều bất cập. Nếu cấm xe máy chắc chắn lượng xe ô tô dưới 9 chỗ sẽ tăng vọt vì giá phương tiện này không cao, thậm chí ô tô cũ giá còn thấp hơn chiếc xe máy loại sang. Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á không cấm xe máy song loại phương tiện này thấy ít trên đường phố. Cảnh tắc đường nghiêm trọng chủ yếu lại do ô tô, như tại Thái Lan. Đây cũng sẽ là hình ảnh không xa tại đô thị lớn của ta nếu cứ cấm xe máy theo ý chí chủ quan.
Bài toán cho giao thông đô thị cần sự tham gia của cả các ngành khác như quy hoạch, xây dựng, bố trí dân cư, nâng cấp hạ tầng, phát triển các loại hình giao thông công cộng… Hiện nay một số bộ, ngành vẫn nấn ná giữ đất đai trụ sở nội đô, nhiều bệnh viện, trường đại học… đang “hút” dân hằng ngày phải vào nội thành. Trong khi đó những khu đất đẹp khi được giải phóng lại không ưu tiên cho giao thông mà tiếp tục mọc lên chung cư cao tầng chót vót… Thực tiễn đó đang là lời thách thức trước cách xử lí bài toán giao thông thụ động, chắp vá và lối tư duy… khó thì cấm!./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày  27 tháng 3 năm 2019

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Vàng rơi

Ca dao xưa có câu “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”. Nay rất nhiều người khá giả đang cầm vàng, tuy chẳng phải lội sông mà đôi lúc cũng thấy bất an như thể “lội sông”.
Năm 2012 một anh bạn (là người khá giàu) hỏi tôi như muốn thăm dò vì tôi đang cộng tác với một tờ báo điện tử Trung ương, ít nhiều được tiếp cận thông tin vĩ mô: “Theo anh vàng có lên giá nữa không, nên giữ vàng hay gửi tiết kiệm ngân hàng?”.

Giá vàng thế giới thường biến động theo tình hình chính trị, kinh tế.

Chẳng phải chuyên gia kinh tế nên tôi không dám đưa ra lời khuyên chắc chắn, cụ thể, chỉ nói chung chung: “Vàng lên xuống do nhiều yếu tố, nhất là tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Giữ vàng luôn tiềm ẩn may rủi, may thì được, rủi thì chịu. Nay kinh tế vĩ mô khá ổn, lạm phát không cao, đồng tiền vẫn giữ được giá, theo tôi gửi tiết kiệm an toàn hơn, dù có thể lãi suất không cao”.
Câu hỏi của anh bạn tôi đưa ra vào cuối năm 2012, sau khi vàng lên chừng 45-47 triệu/lượng và bắt đầu có dấu hiệu giảm khiến những người đang giữ nhiều vàng lo lắng, phân vân. Khi đó lãi suất tiết kiệm cũng đang giảm xuống còn 11-12% (năm trước ở mức 14%).

Đồng tiền Việt Nam ổn định giá trị do tỷ lệ lạm phát thấp nhiều năm qua.

Có lẽ không ít người bị ám ảnh bởi câu chuyện gửi tiết kiệm sau hàng chục năm từ giá trị tiền bằng cả căn nhà giữa phố nay rút ra chỉ mua được một bát phở! Nhưng cũng ít ai tìm hiểu cặn kẽ để biết đó là hệ quả của giai đoạn kinh tế đầy bất ổn, lạm phát phi mã đến cả 3 con số và chính sách của nhà nước chưa thực sự quan tâm quyền lợi người gửi tiền.
Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, chính sách huy động tiền gửi của các ngân hàng đã có sự thay đổi, luôn bảo đảm người gửi tiền có lãi suất thực dương (cao hơn mức lạm phát). Mấy năm qua lãi suất thực dương của người gửi tiền luôn đạt chừng 3-5% trên mặt bằng lãi suất tiền gửi 6-8,2%. Lấy giả dụ anh bạn tôi kể trên bán đi 1 lượng vàng năm 2012 được 45 triệu, chuyển vào gửi tiết kiệm (tính lãi suất bình quân 7%) thì tới nay, sau 7 năm số tiền lãi lũy kế chí ít cũng được chừng 25 triệu đồng và tránh được cái rủi ro mất chừng 8 triệu đồng (vì giá vàng hiện nay chỉ còn khoảng 37 triệu đồng/lượng).
Theo một số chuyên gia kinh tế, hiện số vàng tồn trữ trong dân chừng 500 tấn (khoảng 60 tỉ đô la). Đây là một nguồn lực không nhỏ như đang bị để “ngủ đông” vô cùng lãng phí trong khi Nhà nước, các doanh nghiệp phải đi vay tiền từ các định chế tài chính nước ngoài cho đầu tư với lãi suất không còn ưu đãi như khi ta còn là nước nghèo.
Cùng với việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, tâm lí găm trữ vàng, Nhà nước cũng cần có những chính sách, giải pháp mang tính cam kết, tạo được lòng tin của người gửi tiền. Khi người dân có lòng tin, nguồn lực giá trị sẽ được giải phóng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 20 tháng 3 năm 2019

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Liệu có cái “lồng pháp luật”?

Trong không ít những cuộc lễ kỉ niệm, hội nghị, lễ hội, dự khán thường phải nghe lời giới thiệu tràng giang đại hải họ tên, chức vụ các vị đại biểu đáng kính. Dù vậy nhưng cũng nhiều ban tổ chức lễ, hội phải nghe lời phàn nàn, chê trách rằng đã giới thiệu thiếu người này, sót người kia. Lẽ thường là vậy, càng kể ra nhiều vị thì chắc chắn sẽ thiếu những vị nào đó.
Chuyện tương tự như trên nay còn xảy ra cả với việc biên soạn văn bản pháp luật.
Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ra một Thông tư Ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu được phép lưu hành tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2019 và sẽ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam gồm 18 loại: Ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô (cỏ khô, cỏ tươi các loại, rơm, vỏ trấu các loại), phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc, mía, củ các loại (khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ), các loại bã, thức ăn có nguồn gốc từ thuỷ sản, thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu cá, dầu - mỡ. Hết!
Lợn chờ thức ăn công nghiệp quy chuẩn. Ảnh minh họa.

Như vậy có thể hiểu, với những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm sử lưu hành tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi thông dụng, vốn được sử dụng phổ biến ở các vùng thôn quê bao đời nay để tiết kiệm chi phí như bèo tây, thân cây chuối, nhiều loại rau (rau muống, rau lang, su hào, cà chua, cà rốt)… sẽ không được phép lưu hành!
Điều 33 Hiến pháp 2013 khẳng định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hiểu nôm na là những gì mà pháp luật không cấm thì người dân được làm. Cách làm để ra bản thông tư trên có vẻ đi ngược với tinh thần Hiến pháp: Cái gì pháp luật cho phép người dân, doanh nghiệp mới được làm!


Cuộc sống rất sinh động và luôn biến chuyển muôn hình vạn trạng. Người làm luật luôn muốn tạo được những chiếc “lồng thép” nhằm giữ cho quyền quản lí của mình vững chắc, dễ dàng. Tuy nhiên, khó có thể gom hết thực tiễn cuộc sống vào trong một chiếc lồng nhỏ bé, cứng nhắc. Chỉ có quyền lực mới cần được đưa vào “lồng thép” thể chế để tránh lạm quyền, còn pháp luật phải bám sát, vừa quản lí, vừa tạo điều kiện cho thực tiễn phát triển lành mạnh trong sự công bằng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 3 năm 2019

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Bảo trì khi nào?

Câu chuyện tranh chấp quản lí quỹ bảo trì chung cư đang “bùng nhùng” tại rất nhiều dự án nhà ở trong mấy năm qua, kể cả một số chung cư được coi là cao cấp.
“Ôm rơm nhặm bụng” nhưng “ôm tiền” có vẻ nó mang lại sự “ấm áp” nên nhiều người rất muốn “ôm giữ” trong đó có các chủ đầu tư dự án nhà chung cư tại đô thị. Với tỉ lệ 2% phí tính từ giá trị căn hộ người mua nhà phải nộp vào quỹ bảo trì dự án nhà thì đây là số tiền không nhỏ. Với dự án nhà bình dân, giá chỉ 1,5 tỉ đồng thì mỗi khách hàng cũng phải nộp chừng 30 triệu đồng. Với những chung cư cao cấp, giá trị căn hộ từ 3-4 tỉ, thậm chí 10-15 tỉ đồng thì số tiền nộp vào quỹ này là rất lớn. Chính vì vậy hầu hết các chủ đầu tư dự án đều muốn thu ngay quỹ này nhưng khi có ban quản lí chung cư thì việc bàn giao tiền quỹ lại vô cùng khó khăn!

Nhiều chung cư tại Hà Nội, TP HCM xảy ra tranh chấp.

Công việc bảo trì nhà chung cư chỉ bắt đầu thực hiện khi nhà chung cư đi vào vận hành, có ban quản lí với các thành phần cụ thể. Với chất lượng công trình nhà chung cư hiện nay, nhiều hạng mục nhà có thể 5-10 năm sau mới cần tới quỹ bảo trì. Những việc cần làm sớm khi vận hành nhà chung cư ngoài phí dịch vụ thu của dân cư thì phần chi bảo trì phần sở hữu chung chiếm tỉ lệ nhỏ so với số thu 2% của quỹ này. Việc thu ngay cả “đống tiền” quỹ bảo trì rồi “để đấy” là không cần thiết. Việc để cho chủ đầu tư dự án “thu hộ” quỹ bảo trì khi bán căn hộ rất dễ dẫn tới hệ lụy chiếm dụng phần vốn này và đến khi có ban quản lí nhiều dự án hàng năm sau vẫn chưa “đòi” được tiền quỹ để bảo trì. Cách làm này chẳng khác nào “thả gà ra để đuổi”!

Quỹ bảo trì và diện tích sử dụng chung thường xảy ra tranh chấp tại các khu chung cư.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, thống kê sơ bộ cả nước có khoảng 3.000 tòa chung cư nhưng tính đến hết quý II/2018 có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư trong đó có nhiều tranh chấp về quỹ bảo trì. 
Để hạn chế tình trạng trên, tại sao Bộ chủ quản không nghiên cứu đề xuất sửa quy định pháp luật theo hướng khác. Ví như chuyển việc thu quỹ bảo trì cho chính ban quản lí tòa nhà và mức thu có thể chia nhỏ theo thời gian 5 năm hoặc 10 năm (mỗi năm từ khi cư dân đến cư trú đóng từ 0,2-0,4%)?
Luật Nhà ở ra đời đã được 5 năm. Với sự phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa đang bộc lộ những bất cập trong quản lí dự án nhà chung cư cần được điều chỉnh luật pháp cho phù hợp thực tiễn. Nếu chưa có luật riêng về nhà chung cư thì cũng cần nghiên cứu sửa đổi những bất cập tại Luật Nhà ở trong đó có việc thu, quản lí, sử dụng quỹ bảo trì./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày  13 tháng 3 năm 2019

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

 Bởi không quản được?

Trong cuộc sống không ít người trong chúng ta sơ sểnh để mất, thậm chí bị kẻ gian đánh cắp mất chiếc ví.
Có thể hiện nay không nhiều người để lượng tiền lớn trong ví, thế nhưng rất có thể tới đây bạn sẽ mất hàng chục triệu đồng nếu chẳng may bị mất chiếc ví dù trong đó không có tiền. Bởi trong chiếc ví thường có cả một số giấy tờ quan trọng, nhất là chiếc bằng lái xe…
Ngày 6/3, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất "tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại" với lí do nhằm tránh tình trạng lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thứ 3 hoặc người bị giữ bằng do vi phạm, bỏ bằng cũ, khai gian dối để xin cấp mới...

Quản lí GPLX giữa các bộ chưa có liên thông nên gặp nhiều lúng túng.

Ai cũng biết, hành trình thi lấy chiếc bằng lái xe tốn kém thời gian, công sức và cả tiền bạc. Mục đích của việc thi cấp bằng nhằm bảo đảm người được cấp có đủ kĩ năng tay nghề, nắm được luật lệ khi sử dụng phương tiện giao thông trên đường. Với người mất bằng lái vì lí do khách quan như kể trên hoặc gặp thiên tai, hỏa hoạn… thì họ đâu có mất đi nhận thức luật lệ hay năng lực sử dụng phương tiện? Việc thi lại là hoàn toàn vô dụng, không cần thiết, gây lãng phí cho cá nhân và cả nguồn lực của xã hội.
Một vài cán bộ công quyền hiện nay vẫn tồn tại tư duy “không quản được thì cấm” và thói quen “chuyển phần khó sang cho người dân”. Việc bắt buộc thi để cấp lại bằng lái xe khi bị mất là cách làm gây khó cho dân.
Được biết, cách đây hơn chục năm hệ thống y tế nước Bỉ đã thực hiện sổ y bạ điện tử, dữ liệu người bệnh được cập nhật, liên thông trong toàn hệ thống giúp người dân, cơ quan bảo hiểm và các bệnh viện vừa tiện dụng vừa tiết kiệm rất nhiều về chi phí khám chữa bệnh.
Hiện nay, Việt Nam ta cũng bắt đầu tiến trình xây dựng chính phủ điện tử nhằm bắt kịp sự phát triển trong cuộc cách mạng 4.0. Để tiến trình này được nhanh chóng, hiệu quả thì từ cơ sở đến các bộ, ngành phải tiếp cận phương pháp quản lí hiện đại ngay tại cơ quan, đơn vị mình chứ đâu phải chờ Chính phủ hoàn thiện thể chế, hạ tầng kĩ thuật? Ví như câu chuyện quản lí chiếc bằng lái xe kể trên, lẽ nào việc quản để khắc phục tình trạng gian dối xin cấp bằng thứ 2 trở lên lại khó đến vượt tầm tay? Chỉ cần cơ quan chức năng có phần mềm lưu trữ thông tin cấp bằng, quản lí số bằng bị thu giữ do vi phạm pháp luật liên thông với nhau (giữa các Bộ) thì sao phải buộc người từng có bằng đi thi lại? Những trường hợp vi phạm buộc phải thi lại đã có Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của chính Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rất cụ thể tại Khoản 14, Điều 33 và các nội dung về xác minh, cấp lại bằng, trách nhiệm của cơ quan chức năng ra sao tại các Điều 34, 35 Thông tư này…
Nếu thực hiện như đề xuất trên thì không những đẩy cái khó cho người dân mà chính Bộ chủ quản cũng mất công xây dựng lại thông tư thay thế Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày  13 tháng 3 năm 2019

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

 Vị chát nước mắm

Món gia vị nước mắm là đặc sản ban đầu chỉ có ở Việt Nam, nay hương vị của nó bay xa ngoài phạm vi lãnh thổ.
Hiếm mâm cơm gia đình Việt nào lại thiếu món nước mắm trong mỗi bữa ăn. Dù thành phần chỉ đơn giản là muối và cá, hai thứ có sẵn nhất của biển nhưng với công thức, quy trình, kinh nghiệm truyền nối từ hàng nghìn năm, món nước mắm luôn giữ được vị thơm ngon, bổ dưỡng. Vậy mà đôi năm trước, bỗng dưng món nước mắm Việt bị Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam “hắt” vào một vị đắng chát mang tên asen. Dù “được vạ” nhưng “má đã sưng”, người làm nước mắm cả nước một phen lao đao vì không ít thượng đế đã quay lưng, chuyển sang ăn nước chấm công nghiệp.

Cá biển cùng muối là 2 nguyên liệu sản xuất nước mắm truyền thống.

Tưởng tai họa đã qua nhưng rất có thể nước mắm truyền thống thêm một lần chát đắng. Cơ quan quản lí chuẩn bị cho ra bản dự thảo TCVN-12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Có lẽ người soạn thảo văn bản này chưa được thực hành sản xuất nước mắm, chủ yếu nghiên cứu sách vở, lí luận cao siêu, xa thực tiễn. Liệu có công sức nào để moi ruột từng con cá cơm? Rồi cá không được ươn! Họ đưa ra tiêu chuẩn kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển! Liệu có loài cá nào ngoài đại dương được chăm sóc bằng thức ăn công nghiệp, tiêm kháng sinh để phơi nhiễm? Tất nhiên, họ nói đây là những nội dung có tính “khuyến nghị”, chỉ là “quá trình”… không bắt buộc thực hiện. Cách giải thích lập lờ, rất khó hiểu với những người chỉ biết sớm tối đội nắng phơi mưa làm theo quy trình, kinh nghiệm truyền nối. Lẽ thường, khi đã có khuyến nghị được hiểu nên làm theo, nhất là lời khuyên của cơ quan quyền lực!

Là sản phẩm từ tự nhiên, nước mắm cá bổ dưỡng và an tòan.

Những năm gần đây một số nhãn hàng nước chấm công nghiệp có hương vị gần giống nước mắm cá đang dần chiếm lĩnh thị trường, đẩy bát nước mắm truyền thống ra khỏi mâm cơm nhiều gia đình. Một số người thích dùng sản phẩm này bởi giá rẻ, dễ bảo quản và xem ra… cũng ngon miệng. Món nước chấm này có thể cũng được pha chế tỉ lệ nhất định nước mắm cá, ngoài ra nó còn được bổ sung một số thành phần như điều vị, tạo màu và cả chất bảo quản, thứ mà bất đắc dĩ người ta mới cho vào thực phẩm. Để cạnh tranh, các hãng nước chấm công nghiệp luôn đặt tên sản phẩm na ná nước mắm. Họ tăng cường quảng cáo trên chương trình truyền hình quốc gia, luôn lập lờ khiến người tiêu dùng tưởng sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu cá biển tại Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang…
Nền công nghiệp mang đến cho cuộc sống nhiều loại hàng hóa sản xuất hàng loạt, giá rẻ. Những thức ăn nhanh như mì gói, phở khô, tương, nước chấm chế biến sẵn… giúp người ta tiết giảm tối thiểu chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, sản phẩm truyền thống, gần gũi thiên nhiên, ít bị tác động hóa chất luôn có tác dụng tốt cho sức khỏe cả trước mắt và lâu dài. Quản lí nhà nước cần có những giải pháp mang tính kiến tạo, hỗ trợ để các sản phẩm truyền thống phát triển. Những cách quản lí máy móc không những cản trở ngành nghề cần khuyến khích, mà rất có thể tạo cơ hội cho một nền sản xuất, tiêu dùng không sạch.
 Đinh Hoàng 
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
 và Báo điện tử Ngày mới online ngày  12 tháng 3 năm 2019

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Thả trẻ vào rừng

Cuộc cách mạng thông tin bước vào giai đoạn bùng nổ như đang tan hòa thực tại với ảo, ảo với thực tại.
Không gian mạng có thể ví như một “cánh rừng” toàn cầu. Cánh rừng đó ban đầu khá nguyên sơ, ít cám dỗ và hiểm họa. Thế rồi trong rừng xuất hiện ngày càng nhiều cư dân (tốt có, xấu có) và cả những con thú săn mồi hoang dã.

Kết quả hình ảnh cho trẻ nghiện games
Trước đây, nhiều người đã biết hội chứng lẫn lộn thực - ảo với một số người nghiện games do dành quá nhiều thời gian sống trong môi trường trò chơi trên máy tính. Nay thì hội chứng đó đã có mặt ở nhiều hình thức khác nhau trong không gian mạng, kể cả những chương trình giải trí có uy tín nhất định như YouTube.
Vừa qua tại Anh đã xảy ra câu chuyện về cô bé 7 tuổi Callie Astill. Từ bé ngoan hiền, Callie thường xuyên có những biểu hiện lạ như đờ đẫn, không dám đi vệ sinh một mình, la hét, đòi rời trường về nhà, thậm chí tự đập đầu vào tường. Sau gia đình mới được em kể là hoảng sợ vì quái vật Momo xuất hiện trong các video trên YouTube Kids - kênh mà nhiều phụ huynh nghĩ là an toàn với các con. Một nạn nhân nữa là cậu bé Harry Giblin, 5 tuổi  (cũng ở Anh), rơi vào hoảng loạn sau khi hình ảnh Momo đột ngột nhảy lên trong video Peppa Pig. Hơn 24 giờ tiếp theo, cậu bé dù rất sợ hãi vẫn không dám tiết lộ nguyên nhân vì video đe dọa sẽ giết cả gia đình em nếu kể về Momo cho người khác…
Quái vật Momo xuất hiện trên YouTube Kids

Với những đứa trẻ, lời đe dọa của Momo thực sự đáng sợ. Các em không dám làm trái ý nó vì sợ quái vật sẽ giết người thân. Nhiều em buộc phải tiếp tục xem các video và càng thêm hoảng loạn. Với trò chơi tham gia thử thách Momo, một số đứa trẻ ở Argentina, Ấn Độ, Pháp, Bỉ và Philippines đã tự sát…
Đó là một vài ví dụ về hệ quả việc để trẻ em tự do giải trí trên môi trường mạng.
Hiện nay vì tính tiện dụng, nhiều bà mẹ trẻ thích dùng chiếc smartphone làm công cụ để giỗ dành trẻ nhỏ, cho xem phim như thứ “mồi” để dụ chúng chịu ăn. Ít người nghĩ rằng đây là bước đầu tiên tạo hứng thú cho trẻ chập chững bước vào “khu rừng hoang dại” mà bản thân họ cũng không thể biết trong đó sẽ có những gì. Vốn tính hiếu kì, trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng làm chủ một công cụ giao tiếp hiện đại. Khi đã thông thạo và sở hữu chiếc điện thoại, máy tính… xem như trẻ đã ngoài tầm kiểm soát của người lớn, dễ dàng mất hút trong khu rừng thông tin bát nháo và nguy hiểm.

Trẻ em dùng điện thoại sớm có thể gây nhiều tác hại.

Mấy năm trước từng xuất hiện trào lưu trên mạng xã hội tẩy chay tiêm vaxin khiến nhiều người tin theo. Hôm nay, nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam ta đang phải vất vả chống đỡ một dịch bệnh từng bị loại khỏi từ lâu, đó là bệnh sởi… Đây là hệ quả của trào lưu phản khoa học nói trên.
Vậy là cả với người trưởng thành, có kiến thức và kĩ năng sống nhưng vẫn có thể bị u mê, lạc lối trong khu rừng thông tin. Vậy thì việc “thả trẻ vào rừng” vô tình đẩy các em đối mặt hiểm họa, hậu quả khôn lường là điều rất khó tránh khỏi./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 07 tháng 3 năm 2019

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Tiền “ẩn nấp”

Người ta thường nhắc nhau rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Nay có thể thêm câu là “đồng tiền ẩn nấp là đồng tiền khôn”!
Đã từng xảy ra một số vụ trộm đột nhập nhà lãnh đạo rồi mới phát lộ ra chủ nhân rất giàu có (vì trước đó nhìn cách sống giản dị, ai cũng nghĩ người đó thu nhập trung bình). Gần đây, khi xảy ra vụ cướp tại trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thì nhiều người mới biết rằng số tiền thu hằng ngày tại các trạm thu phí BOT rất lớn.

Trạm BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ luôn có mật độ giao thông cao

Câu chuyện doanh thu tại trạm BOT từng xảy ra lùm xùm, mâu thuẫn trong nội bộ chủ đầu tư tại dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ làm phát lộ chênh lệch số tiền thu mỗi ngày 582 triệu đồng khiến dư luận khi đó bất ngờ. Tưởng sau vụ này cơ quan quản lí sẽ có giải pháp quản lí chặt chẽ doanh thu tại các trạm BOT. Thế nhưng sự việc xảy ra tại trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khiến nhiều người nhận ra việc quản lí dường như chưa có sự thay đổi, thậm chí có thể bị buông lỏng. Nhiều ý kiến tính toán, trong 1 ca (8 giờ), trạm thu phí này thu được hơn 2 tỉ đồng, vậy với 3 ca/ngày, cao tốc có thể thu được số tiền lên đến 6-8 tỉ đồng (vì thời điểm sau 30 tết, các loại phương tiện đóng phí cao như xe tải, xe container rất ít). Nhưng một vị lãnh đạo doanh nghiệp BOT lại thanh minh rằng số tiền đó là tồn đọng của cả mấy ngày!
Mọi người đều biết doanh thu dự toán trong phương án tài chính khi nhà đầu tư xây dựng lên là cơ sở định giá vé, thời gian thu phí mỗi dự án BOT. Doanh thu được thẩm định bởi cơ quan quản lí Nhà nước và cần điều chỉnh phù hợp thực tiễn vì phương tiện giao thông luôn biến động theo chiều hướng tăng. Qua những cuộc kiểm toán dự án BOT của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua cho thấy, hầu hết các dự án đều bị điều chỉnh giảm thời gian thu phí vì nhiều chi phí xây dựng bị “vống” lên. Sự thiếu minh bạch từ lúc xây dựng đến cả khi khai thác vận hành đường BOT khiến Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.

Trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Một trong những giải pháp nhằm minh bạch hóa việc khai thác, vận hành đường BOT là lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại trạm thu phí đang bị “khất lần” vì nhiều lí do, nhất là yếu tố kĩ thuật được chủ đầu tư và cả cơ quan quản lí nhấn mạnh. Cuộc cách mạng 4.0 được nhiều người nhắc tới như câu cửa miệng nhưng giải pháp thu phí không dừng dường như vẫn đang ở giai đoạn “không có chấm”! “Không có chấm” phải chăng là sự “vô tình” đang mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư BOT? Chỉ tại một trạm thu phí mà mức doanh thu tới mấy tỉ đồng mỗi ngày, thử hỏi hàng chục trạm thu phí trên cả nước, số tiền rất dễ che khuất này là bao nhiêu?
Rõ ràng những đồng tiền biết cách “ẩn nấp” là đồng tiền… “rất khôn”!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 06 tháng 3 năm 2019

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

Bước ngoặt hòa bình vẫn là hi vọng

Những ngày này cộng đồng quốc tế đang hướng về Hà Nội, Việt Nam với niềm hi vọng cho một nền hòa bình bền vững lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Người dân hai miền Nam, Bắc Triều tiên hi vọng đẩy nhanh tiến trình hòa bình và khát khao thống nhất một đất nước đã quá nửa thế kỉ chia cắt. Người dân Mỹ hi vọng vào một nền hòa bình có bảo đảm, không còn mối đe dọa mang tên hạt nhân. Người dân Việt Nam hi vọng đất nước mình trở thành một địa chỉ tin cậy, trách nhiệm, góp phần kiến tạo cho nền hòa bình thế giới… Tất cả những hi vọng đó trông chờ vào các hoạt động ngoại giao sôi động diễn ra hai ngày qua bên Hồ Gươm thơ mộng, thanh bình.

Cộng đồng quốc tế hi vọng cho một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội.

Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên sự kiện gặp mặt thượng đỉnh Mỹ - Triều lại chọn Hà Nội, thành phố vì hòa bình có Hồ Hoàn Kiếm làm địa chỉ để các bên trao gửi niềm tin.
Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần vào đầu thế kỉ XV. Theo truyền thuyết, sau khi thắng giặc Minh, trong một lần Lê Lợi dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho rùa thần… Sau đó đất nước đã trải qua hàng trăm năm thái bình thịnh trị dưới triều Lê.


Cuộc chiến tranh Triều Tiên xảy ra từ giữa năm 1950 đến năm 1953. Sau ba năm, chiến cuộc tạm ngưng khi hai miền đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27/7/1953. Vì không có hiệp định hòa bình nên trên thực tế, cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc cho đến hôm nay. Thực trạng này khiến quan hệ hai miền Triều Tiên, quan hệ Triều Tiên - Hoa Kỳ luôn trong tình thế có một cuộc chiến tranh được “bảo lưu” kéo theo bao hệ lụy và bất ổn. “Thanh gươm” chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên từng được các bên rút ra, đến nay như thể vẫn chưa được “tra vào bao”.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng từng có những trang đau buồn. Bằng sự nỗ lực, chân thành của hai bên với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, sau 20 năm kết thúc chiến tranh, mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ đã được thiết lập. Hơn 20 năm tiếp theo là tiến trình phấn đấu không mệt mỏi của cả lãnh đạo và Nhân dân hai nước để xây dựng một mối quan hệ đặc biệt giữa hai thể chế khác biệt nhưng có thể cùng bắt tay vì sự phát triển trên trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và lợi ích của nhau. Đến nay hai nước đã trở thành đối tác toàn diện, như một hình mẫu thành công của sự chuyển đổi mối quan hệ từ cựu thù thành đối tác tin cậy.
Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc điện đàm sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội.

Cũng như Nhân dân các nước trên thế giới, người dân trên bán đảo Triều Tiên mong mỏi và có quyền được sống trong hòa bình, tự do phát triển để có một cuộc sống hạnh phúc. Những mong mỏi, hi vọng đó hướng về các nhà lãnh đạo hiện diện bên cạnh Hồ Gươm, Hà Nội để nỗ lực, mong làm nên bước ngoặt hòa bình. Tuy nhiên, biết bao niềm hi vọng có thể vẫn cần thêm thời gian trên con đường chưa hết chông gai cho một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 01 tháng 3 năm 2019