Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Môi trường

 

Thủ phạm đang ngoài cuộc

 

Vấn nạn rác thải nhựa đang đe dọa môi trường sống của cả hành tinh.

Biết bao tấm gương, bao phong trào cùng những quyết tâm, nhiệt huyết của hàng triệu con người chung mục tiêu ngăn chặn, loại trừ nạn rác thải nhựa.

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy nạn ô nhiễm rác thải nhựa không những chưa thể ngăn chặn mà nó vẫn đang tăng lên. Phải chăng phương pháp “tác chiến” trong cuộc chiến với rác thải nhựa chưa đúng đắn, toàn diện?

 

Rác thải nhựa đang đe dọa cả hành tinh

Việc động viên, thuyết phục người dân hạn chế sử dụng trong tiêu dùng, tăng cường thu gom, phân loại rác tại nguồn… chỉ là những giả pháp trên ngọn.

Bạn hãy vào một siêu thị bán hàng tiêu dùng và thử tìm một mặt hàng gì đó có bao gói mà không có nilon hoặc pha nilon chắc sẽ vô cùng khó. Mọi mặt hàng từ bao bì, gói, hộp đến chai lọ, hầu hết được sản xuất từ nhựa polime hoặc hợp chất với polime. Thế nhưng lâu nay khi nói đến túi nilon người ta thường chỉ nghĩ tới những chiếc túi đựng của mấy bà đi chợ truyền thống được tặng miễn phí từ người bán hàng. Một bà đi chợ mỗi buổi chi chừng 200.000 đồng mua thực phẩm có thể sử dụng một vài chiếc túi nilon để bao gói. Thế nhưng với 200.000 đồng mua hai hộp mì tôm tại siêu thị gồm 60 gói mì có vỏ dùng chất liệu nilon hoặc pha nilon.

Đã có nhiều tấm gương đẹp tựa những hiệp sĩ hết lòng vì cộng đồng trong cuộc chiến chống rác thải nhựa nhưng chưa thấy những tấm gương, những mô hình doanh nghiệp có phát thải tiên phong, sáng tạo trong cuộc chiến này. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có bao gói nhựa hiện như những kẻ vô can và đang đứng ngoài cuộc. Đề xuất đánh thuế cao với mặt hàng bao bì nhựa đã được đưa ra song do chưa có cách làm, giải pháp cụ thể, chặt chẽ nên các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng vẫn “bình chân như vại”. Rõ ràng lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp chứ không phải vì môi trường, khi nó chưa chịu sức ép đủ để thay đổi nhận thức.

Một doanh nghiệp FDI Đài Loan sản xuất đồ nhựa

Trong một cuộc chiến, muốn dành chiến thắng thì người ta phải xác định được đối tượng. Ai từng đọc tác phẩm Don Quijote (Đôn Kihôtê) của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes có thể so sánh cuộc chiến với rác thải nhựa hiện nay na ná việc Hiệp sĩ Đôn Kihôtê đánh nhau với chiếc cối xay gió. Hiệp sĩ nỗ lực vô vọng trong cuộc chiến không cân sức vì ông xác định sai đối tượng, gió mới là thủ phạm để chiếc cối xay không dừng lại.

Cuộc chiến với rác thải nhựa phải chăng cũng đang chưa được xác định rõ đối tượng? Chúng ta đang nỗ lực dọn rác vì môi trường, còn doanh nghiệp lại đang “nỗ lực” xả rác vì mục tiêu lợi nhuận!

Khi giải pháp “đánh” vào lợi nhuận của doanh nghiệp chưa đủ sức nặng, khi mà doanh nghiệp vẫn như “kẻ ngoài cuộc” thì khi đó ta chưa thể dành phần thắng trong “cuộc chiến” với rác thải nhựa!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 11 năm 2020

 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Xây dựng đô thị

 

 Nền cốt vỉa hè

Ai sống lâu năm tại Hà Nội sẽ nhận ra một hoạt động mang “nét đặc trưng” là cải tạo, chỉnh trang vỉa hè lặp lại hằng năm.

Vỉa hè ở nhiều con phố cứ vài ba năm lại thấy ngành giao thông công chính chỉnh trang. Mấy năm trước dự án dùng đá khai thác ở Thanh Hóa về lát lại một số tuyến phố tốn không ít tiền ngân sách. Có lẽ với quan niệm “đắt xắt ra miếng” nên đá núi này được biết sẽ có độ bền 50-70 năm. Kể cũng bõ! Tuy nhiên, mới qua vài ba năm, nhiều nơi đá vỉa hè đã bong tróc, gẫy vỡ, không thể “chờ” được tới 50 năm!

Việc đào lên, lát lại hè thường diễn ra dịp cuối năm nên người dân thường tặc lưỡi: “Lại giải ngân”! Nói vậy có thể chỉ là suy diễn vì cũng không ít tuyến phố lâu không được chỉnh trang nên khá nhếch nhác.

Nhưng vì sao vỉa hè Hà Nội lại nhanh xuống cấp như vậy? Tin rằng những người trong ngành giao thông công chính, người chuyên về xây dựng công trình hiểu rõ điều này.

Ha Noi thay via he bang da xanh: Dat, ben lam gi?

 Đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cải tạo, trong đó vỉa hè được lát đá tự nhiên, nền cát.

Mấy chục năm trước, vỉa hè luôn được đảm nhiệm đúng chức năng là nơi dành cho người đi bộ nên dù xây dựng không quá kiên cố vẫn có tuổi thọ cao. Hiện nay phương tiện giao thông tăng, nhiều phương tiện trọng lượng lớn như ô tô, xe máy coi vỉa hè là nơi đỗ, thậm chí biến thành làn đường mỗi khi xảy ra ách tắc.

Cách lát vỉa hè thông thường là sau khi gạt phẳng nền đất, một lớp cát có trộn ít xi măng được trải lên, tưới nhẹ chút nước rồi đặt gạch xuống. Với lớp nền móng đơn giản như vậy thì độ bền vỉa hè hoàn toàn nhờ vào độ cứng của từng viên gạch. Nếu chỉ có người đi bộ hay xe đạp thì vỉa hè vẫn giữ được độ bền. Nhưng nếu nó phải đảm nhiệm trọng tải lưu thông của xe máy, ô tô thì tuổi thọ 1-2 năm đã là tốt.

Ai cũng biết, một ngôi nhà bền chắc cần có nền móng vững. Một lâu đài xây trên cát sẽ nhanh sụp đổ. Vỉa hè cũng không ngoài quy luật đó.  

Năm trước, tuyến phố Trích Sài ven Hồ Tây được một dự án chỉnh trang triển khai. Ban đầu cũng không tránh khỏi những câu chép miệng “lại giải ngân”. Tại dự án này, bó vỉa được dùng đá trắng tự nhiên còn gạch lát hè là bê tông giả đá, mặt phủ màu đen. Nhìn những viên gạch vỡ vụn khi thợ thi công không ít người ngán ngẩm nghĩ “chắc cũng chẳng được mấy bữa”! Tuy nhiên, nền móng vỉa hè lần này thi công khá bài bản. Móng được đầm gạt phẳng rồi đổ một lớp bê tông dày chừng 15cm. Sau khi bê tông ổn định mới lát gạch giả đá bằng vữa xi măng cát. Nhờ vậy, vỉa hè tuyến phố này đã qua hơn 1 năm sử dụng luôn giữ được độ bền chắc, không nứt vỡ dù không ít ô tô lớn nhỏ cũng đã đỗ, tránh khi lưu thông.

Vậy là những vỉa hè “đến hẹn lại sửa” chỉ tại nền móng yếu. Nền móng đúng tiêu chuẩn kĩ thuật thì sẽ bền. Còn “nền móng” trong tư duy hay mục đích của người làm vỉa hè là yếu tố cần xem xét lại.

Nếu người ta muốn “đến hẹn lại được sửa” thì cách cũ bao năm cứ vậy mà làm. Còn không, hãy lát vỉa hè như dự án bên Hồ Tây kia cũng ổn!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 11 năm 2020

Văn hóa

 

Bàn về một vài nét văn hóa

Theo khái niệm của UNESCO thì “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỉ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Định nghĩa này nhấn mạnh hoạt động sáng tạo gắn liền với tiến trình phát triển có tính lịch sử của mỗi cộng đồng trải qua một thời gian dài tạo nên những giá trị mang tính nhân văn phổ quát đồng thời có tính đặc thù của từng dân tộc. 

Còn văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Người nêu: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

Đi vào những vấn đề cụ thể của văn hóa thì lĩnh vực nào cũng sẽ có nét văn hóa riêng: Trong sinh hoạt hằng ngày có văn hóa giao tiếp, giao thông, xếp hàng, ứng xử nơi công cộng. Trong nghề nghiệp có văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp (văn hóa kinh doanh). Trong lãnh đạo, quản lí có văn hóa từ chức… Thời đại ngày nay, văn hóa và văn minh gắn chặt với nhau, tạo nên những giá trị làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội.

Có thể thấy, văn hóa là giá trị cả vật chất và phi vật chất, được hình thành từ thực tiễn cuộc sống, kết tinh từ những sáng tạo riêng biệt, được lặp đi lặp lại, truyền giữ qua các thế hệ và nhân lên thành những giá trị chung đẹp đẽ. Văn hóa không thể có được thông qua quyền lực chủ quan của con người. Quyền lực, sự chi phối, tác động chủ quan chỉ là một thành tố có thể tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm văn hóa.

Ví dụ như Hà Nội xưa đã hình thành được nét đẹp văn hóa người Tràng An biểu hiện bằng cách ứng xử lịch lãm, thanh tao, nền nếp từ trong gia đình đến cộng đồng xã hội. Ngày nay, sự du nhập dân cư nhanh chóng, mạnh mẽ vừa là cơ hội (tiếp thụ những nét đẹp văn hóa đa dạng) vừa có nguy cơ làm phai nhạt nét đẹp văn hóa Hà Nội xưa. Trước “mối nguy” đó, Hà Nội đã có nhiều giải pháp từ giáo dục, tuyên truyền, vận động đến ban hành các văn bản pháp quy, xây dựng các thiết chế vật chất cho văn hóa.

Trong nhiều yếu tố hình thành một nét văn hóa không thể phủ nhận vai trò có ý nghĩa trước tiên, quyết định nhất đó là tấm gương.

Cách đây 40-50 năm những ai trải qua mái trường phổ thông đều có thể nhớ một bài giáo dục luân lí, đó là bài đọc “Lê-nin trong tiệm cắt tóc”. Hình ảnh một vị lãnh đạo cao nhất của quốc gia vào tiệm cắt tóc cũng lặng lẽ ngồi xếp hàng chờ đến lượt, dù mọi người biết và nhường được phục vụ trước nhưng ông kiên quyết từ chối. Tin rằng hình ảnh đó có tác dụng nhất định tới nét đẹp văn hóa xếp hàng của thời bao cấp. Khi ai cũng nhận thức và chấp hành nghiêm túc, tự giác xếp hàng tại nơi dịch vụ công cộng sẽ hình thành nét đẹp Văn hóa xếp hàng.  

 

Có một thứ văn hóa được bàn cãi lâu nay của ta và chưa ngã ngũ rằng có hay chưa, đó là Văn hóa từ chức.

Phải thừa nhận tại nhiều nước dân chủ phương Tây, việc từ chức đã phần nào hình thành được nét văn hóa riêng, đó là sự tự trọng. Điều này cũng chính là sự tôn trọng của người lãnh đạo đối với cử tri, người dân đã tín nhiệm, đưa họ lên vị trí quyền lực. Khi không còn đáp ứng được sự tín nhiệm, lòng mong đợi của Nhân dân, họ sẵn sàng từ nhiệm. Việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức vì lí do sức khỏe là một ví dụ sinh động.

Việt Nam ta có một lãnh đạo cao cấp từ nhiệm được dân ca ngợi, đó là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp xin từ chức vào năm 2004. Có lẽ từ đó đến nay đã 16 năm cũng mới chỉ có “một cánh én” trong hàng ngũ cán bộ cấp trung ương nên chưa tạo thành “mùa Xuân”.

Văn hóa từ chức từng được một số đại biểu Quốc hội các khóa đề cập, chất vấn. Thể chế pháp luật đã có quy định cụ thể (Điều 30 và 54  Luật Cán bộ công chức 2008) song thực tiễn chưa có những tấm gương với số lượng “đủ” để hình thành một nét văn hóa./.

Đinh Hoàng

Bài Nghiên cứu trao đổi đăng Tạp chí Người cao tuổi

ngày 25 tháng 11 năm 2020

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Giáo dục

 

Trĩu nặng trách nhiệm và vinh quang

 

Nghề dạy học từ xưa đến nay luôn được tôn vinh, trân quý vì sản phẩm họ đóng góp cho đời là những con người trí tuệ, trưởng thành.

Cha ông ta từng dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Khi trong quân ngũ tôi từng tham gia huấn luyện chuyên môn kĩ thuật cho chiến sĩ và chưa bao giờ nghĩ mình là thầy giáo. Vậy nhưng đã gần 40 năm, thỉnh thoảng họp mặt đơn vị cũ, mấy chiến sĩ năm ấy dù đã lên ông nhưng gặp cũng cứ một câu thầy, hai câu thầy khiến tôi vừa hơi ngượng ngùng song cũng cảm nhận chút dư vị tự hào.

Để có được niềm tự hào, người thầy hôm nay phải mang trên vai biết bao áp lực.

Áp lực trước tiên là sự kì vọng của phụ huynh vào con em của mình. Dẫu biết nhà trường chỉ là một phần trong môi trường đào luyện hình thành nhân cách, phát triển tri thức nhưng hầu hết phụ huynh coi mái trường là nơi quyết định tương lai con em mình. “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, có lẽ từ suy nghĩ ấy mà nhiều phụ huynh quan tâm và kì vọng ở thầy cô thái quá. Khi phụ huynh càng quan tâm, chu đáo với mình hơn mức bình thường thì người thầy càng như cảm nhận thêm sức nặng và áp lực. Thông thường tỉ lệ học sinh giỏi thực chất chỉ khoảng 5-10% (không kể các lớp chọn, chất lượng cao), thế nhưng mọi phụ huynh đều muốn con em mình là học sinh giỏi và áp lực vô hình từ những kì vọng luôn đè lên vai người thầy. Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi nhưng không phải cứ có thầy giỏi thì mọi trò đều giỏi.

Ai cũng hiểu môi trường gia đình, xã hội cũng tác động không nhỏ tới quá trình trưởng thành của học sinh.

Môi trường quan trọng nhất với trẻ là gia đình nhưng nay không giống như cách đây 40-50 năm. Trước kia học sinh học ở trường một buổi, còn lại sống chủ yếu với gia đình nhiều thế hệ. Ngày nay học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở có khi cả ngày học bán trú, tối về gia đình thời gian ngắn ngủi, sáng sớm đã lại đi học nên thời gian tiếp xúc, hoạt động chủ yếu tại lớp. Bên cạnh đó nhịp sống công nghiệp, cha mẹ bận rộn công việc, quá ít thời gian chia sẻ và quan tâm tới con cái. Chính vì vậy, tâm lí phó thác con em cho nhà trường dần định hình ở đa số phụ huynh.

Phụ huynh luôn kì vọng và đòi hỏi ở người thầy nhưng đa số lại không nhớ đến công lao người thầy khi con em mình đã đỗ đạt, trưởng thành. Chỉ có những học trò nhân cách là không bao giờ quên ơn người đã nâng bước chân mình trên một chặng đường dù không dài.

Dịp Tết năm trước, cô giáo Đặng Thị Phúc của Trường Tiểu học Mai Lâm, Hà Nội nhận được lá thư tay của một học trò cũ, nay là Tổng Bí thưChủ tịch nước - ông Nguyễn Phú Trọng, hỏi thăm và chúc mừng. Đoạn cuối bức thư có câu: “Em vẫn giữ mãi những kỉ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.

Có lẽ niềm vinh quang và mong đợi nhất đối với người thầy là hình ảnh của họ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những học sinh thân yêu./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 11 năm 2020

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Môi trường

 Visa cửa rừng

Tôi có anh bạn sống tại Khu đô thị (KĐT) Ecopark và từng nghe anh hết lời ca ngợi về một KĐT “đáng sống” của Hà Nội. Theo anh, nếu đô thị nào cũng được như mô hình Ecopark thì Việt Nam ta sẽ trở thành một quốc gia xanh.

Nghe anh khen vậy tôi chỉ cười và nói: Sản phẩm của Ecopark đúng là hay, đáng sống, nhất là với người có đủ tiền, nhưng dự án nào cũng học mô hình này chưa hẳn đã ổn.

 

Những con đường rợp bóng cây tại KĐT Ecopark

Tôi chưa được sống và tận hưởng không gian xanh Ecopark nhưng đã đi qua KĐT này một đôi lần. Quả thực đây như một khu công viên xanh, đẹp.

Được biết cách đây hơn 2 năm, KĐT này đã được Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018, trao hai giải thưởng: “Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất” và “Dự án KĐT tốt nhất”. Không gian cây xanh - mặt nước với tổng diện tích lên tới 110ha, tỉ lệ cây xanh ở mức 125 cây trên đầu người, Ecopark được coi là cao so với hầu hết các KĐT ở miền Bắc.

Không chỉ tại Ecopark, tại rất nhiều KĐT mới từ Bắc vào Nam, các tổ hợp công trình bất động sản hiện nay các chủ đầu tư đều rất quan tâm tạo cảnh quan có cây xanh. Khi KĐT hoàn thành cũng đồng thời có ngay cảnh quan xanh, đẹp.

Như lời Bác Hồ dặn, muốn có lợi ích 10 năm phải trồng cây. Nay những công trình vừa mọc lên đã phủ cây xanh bóng mát, vậy những thứ tối thiểu cần 10 năm ấy “đến” từ đâu?

Cách đây hơn 2 năm, Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ 1 xe tải và 2 xe container chở cây cổ thụ quá khổ, quá tải lưu thông trên quốc lộ 1A. Cây lớn phải dùng xe contairner, xe kéo rơ mooc chuyên chở không thể trồng trong vài chục năm, nó phải có tuổi đời 50-60, thậm chí hàng trăm năm. Cây được vận chuyển cho một công ty cơ khí tại Quảng Bình có lẽ cũng không sử dụng làm vật liệu chế tác vì nó chỉ được xén bớt cành và giữ cả bộ rễ lớn. Nếu suôn sẻ, biết đâu có thể “ông Cây” này đã “đứng lên” tại một KĐT hoặc dự án bất động sản nào đó.

Từ năm 1991, đã có Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2004, Quốc hội khóa 11 ban hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng đầy đủ, hoàn thiện hơn, với 6 chương, 88 điều. Tham khảo các chương điều trong Luật này và từ những chuyện xảy ra trong thực tiễn tôi thấy hình như vẫn có “lỗ hổng” thất thoát rừng. Nên chăng cần có điều khoản về “rừng di cư”, nghĩa là cho phép cây rừng được “định cư” ở nơi khác với tấm “Visa”. Đây không phải là chuyện khai thác thương mại vì cây không mất đi, nó chỉ từ nơi này đến “sống” ở nơi khác. Tin rằng có không ít cây rừng đã di cư đến các KĐT dạng như Ecopark kể trên.

Từ cây cổ thụ đến những nhánh đào rừng đang từng ngày “lén xuất cảnh” về đô thị khiến rừng thưa dần. Cũng chưa thấy ai chịu trách nhiệm trước thực trạng “rừng di cư”!

Đã đến lúc ngành lâm nghiệp cần xem xét cấp “Visa” cho những cây rừng để chúng có thể “xuất cảnh” hợp pháp và an toàn./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 11 năm 2020

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Chính trị-Kinh tế

 

Đảng viên, công chức làm giàu thế nào?

 

Dân giàu thì nước mạnh, đó là chân lí cha ông ta đúc kết từ xa xưa. Sau nhiều năm đổi mới, thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc sản xuất kinh doanh được “cởi trói” nên đời sống người dân ngày một khá giả.

Cùng với người dân, mức sống cán bộ, công chức hưởng lương cũng được cải thiện nhiều. Ở làng quê hay khối phố, người ta đều thấy có những cán bộ, đảng viên giàu có, thậm chí rất giàu.

Một biệt phủ của cán bộ ở Yên Bái được thanh minh là từ làm kinh tế riêng mà có

Có người cho rằng, làm cán bộ, đảng viên phải giàu, như vậy mới lãnh đạo, điều hành kinh tế xã hội giúp người dân noi gương cùng làm giàu.

Điều đó rất đúng nhưng lại chưa đầy đủ.

Trong nền kinh tế nước ta hiện nay mọi người đều có quyền làm giàu chính đáng trong khuôn khổ pháp luật, kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm.

Nhưng, với đảng viên, cán bộ, công chức sẽ làm giàu và bằng cách nào?

Với đảng viên, tại Quy định số 15/QĐ-TW năm 2006 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X đã nêu: Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải trực tiếp tham gia lao động (lao động quản lí, điều hành sản xuất, kinh doanh; lao động kĩ thuật hoặc lao động chân tay); có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; phải gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Như vậy, với đảng viên thường thì việc làm giàu chính đáng là hoàn toàn có thể. Khi không đảm nhiệm cương vị, chức vụ gì, là một đảng viên thường họ định kì tham gia sinh hoạt chi bộ xây dựng nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, sau đó vừa trực tiếp làm kinh tế, vừa tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, nghị quyết chi bộ. Đã có những đảng viên thường làm giàu, trở thành tỉ phú nhờ bàn tay, khối óc của mình.

Song với đảng viên đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lí trong Đảng, trong tổ chức chính quyền hay tại doanh nghiệp nhà nước… thì lại là vấn đề khác, đặc biệt là người có quyền hành, người nắm giữ tài sản công. Với cương vị, nhiệm vụ được giao, họ phải dành trọn vẹn tâm trí, sức lực cho công việc chung mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Không thể có chuyện một chủ tịch huyện hay bí thư tỉnh… vẫn còn thời gian làm kinh tế. Nếu họ làm kinh tế riêng nhiều khả năng sẽ vi phạm vào thời gian làm việc công hoặc chất lượng công việc chung bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, với cương vị, quyền lực trong tay họ có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tạo lợi thế cho việc làm kinh tế riêng, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước.  

Khi không làm kinh tế tư nhân, cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn sống chủ yếu bằng thu nhập từ tiền lương, khó ai có thể trở nên giàu có.

Những đảng viên nắm chức quyền trong bộ máy của hệ thống chính trị đang sở hữu nhiều tài sản, tiền bạc vượt quá khả năng thu nhập từ đồng lương nếu không muốn đánh mất đi uy tín cá nhân thì họ cần tự minh bạch, công khai khối tài sản đó, kể cả nguồn thu nhập của vợ, con.

Đó cũng là mong đợi của Nhân dân, nhất là trước mỗi kì đại hội Đảng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 11 năm 2020

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Môi trường

 

 Tự nhiên và trách nhiệm

 

Chối bỏ là phản ứng tự nhiên của không ít người khi bị quy việc này, việc kia sai là do họ, dù có thể chưa kịp nhìn nhận thấu đáo.Cũng không thể quy kết phản ứng tự nhiên đó là bản chất của cá nhân, vì nó đơn thuần là phản xạ tự vệ.

Suy nghĩ này đến khi tôi xem các buổi đại biểu Quốc hội chất vấn tại nghị trường và phản ứng của các nhà quản lí ngành.

Kì họp Quốc hội diễn ra khi thảm họa thiên nhiên thảm khốc tại miền Trung chưa khắc phục xong nên cử tri cả nước đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường là tất yếu.

Câu hỏi nhiều cử tri quan tâm nhất: Có phải việc mất rừng là nguyên nhân trực tiếp của những thảm họa sạt lở núi và lũ lụt?

Rừng bị mất đồng nghĩa trách nhiệm liên đới của nhiều Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quản lí phát triển rừng); Công Thương, Xây dựng (lấy đất rừng làm thủy điện); Tài nguyên & Môi trường (đánh giá tác động môi trường với các công trình lấy đất rừng).

 

Ảnh rừng 3 nước VN, Lào, Campuchia nhìn từ trên không (phần đồi trọc là của VN)

Có thể nói, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có một câu trả lời “hoàn hảo”, gỡ khó cho cả 4 Bộ: “Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Trong vòng 30 năm, đất nước GDP còn thấp như vậy nhưng chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững. Phát triển rừng trọng yếu để phát triển môi trường. Cho đến nay, ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%”. Bộ trưởng quả quyết, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha!

Thật tuyệt vời với thành tựu bảo vệ thiên nhiên của ta, nhiều nước nên tới học tập! Vì vậy, câu chuyện lâm tặc phá rừng lấy gỗ quý mà dư luận nóng từ năm này qua năm khác chỉ là tầm phào, bịa đặt! Ý kiến quy kết ngành công thương, xây dựng lấy đất rừng cho phát triển thủy điện cũng không có cơ sở. Dĩ nhiên, ngành tài nguyên môi trường cũng có phần trong thành tích tăng trưởng rừng.

Sau hàng trăm năm hoặc hơn nhiều thế mới có một cánh rừng tự nhiên. Chỉ mấy chục năm, diện tích rừng tự nhiên không bị mất đi mà lại tăng lên, quả là câu chuyện thần kì!

Không thể truy tìm “thủ phạm” của những thảm họa sạt lở núi, lũ lụt vừa qua, ta chỉ còn cách ngẩng mặt lên trời mà than: Vì sao vậy hả Trời? Và có người đã tìm được nguyên nhân chính của thảm họa: Chưa bao giờ mưa cấp tập với lượng lớn như thế. Rõ ràng ông Trời đang “thay đổi tính khí” với cái tật mang tên biến đổi khí hậu.

Rừng không mất. Thủy điện đúng quy hoạch, quy trình. Đánh giá tác động môi trường đều chuẩn chỉnh khoa học. Do vậy, không thể nói cơ quan quản lí thiếu trách nhiệm trước thảm họa thiên nhiên!

Có một thứ hiện nay nhiều nơi khá thiếu mà chẳng ai muốn nhận, đó là trách nhiệm. Không thấy được trách nhiệm đồng nghĩa khó có được giải pháp khắc phục hiệu quả trong tương lai.

         Liệu ông Trời có thừa nhận trách nhiệm trước thảm họa thiên nhiên!?/.

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 11 năm 2020

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Pháp luật-Đời sống

 

  “Thú dữ” cần được nuôi nhốt

Thú dữ là động vật cấm nuôi tự do trong khu dân cư, người muốn nuôi buộc phải nhốt hoặc có các biện pháp bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Trong cuộc sống hiện có dạng “thú dữ” đang được sống với cộng đồng, đó là người nghiện ma túy.

Một số loại ma túy thế hệ mới có thể tạo ra ảo giác khiến con người không nhận thức đâu là thực, đâu là ảo, mất kiểm soát hành vi. Mọi người từng biết những vụ kẻ “ngáo đá” có hành vi điên rồ như trèo lên cột điện cao thế; nhìn người thân tưởng kẻ thù, ra tay sát hại dã man bố mẹ… Không ít kẻ nghiện tuy tỉnh táo nhưng đến cơn nghiện, thiếu tiền mua thuốc sẵn sàng bằng mọi cách để kiếm được tiền. Trường hợp hai kẻ nghiện chỉ vì cướp chiếc điện thoại đã đang tâm sát hại một nữ sinh đại học ngân hàng trên địa bàn Hà Nội vừa qua chỉ là một trong các ví dụ.

Những trường hợp kể trên có thể coi con nghiện thực sự đã trở thành thú dữ.

Người đàn ông nghi ngáo đá leo lên trên cột điện cao thế ở Bình Tân, TP HCM

Thời gian trước đây việc đưa người vào các cơ sở cai nghiện khá đơn giản, thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2016, theo quy định tại Nghị định 136/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 221/2013/NĐ-CP) về áp dụng chế độ xử lí hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khá chặt chẽ nhưng đồng thời tạo những “khoảng trống” kiểm soát người nghiện ma túy. Theo tinh thần Điều 3 của Nghị định trên thì người nghiện từ 18 tuổi nghiện ma túy sẽ có khoảng thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn, sau đó không đạt hiệu quả mới bắt buộc đi cai nghiên. Người dưới 18 tuổi đều được giáo dục tại cộng đồng (thực chất là tự cai nghiện). “Khoảng trống” chính là thời gian người nghiện được sống tại cộng đồng như người bình thường. Ngoài ra, thủ tục pháp lí để đưa vào cai nghiện chặt chẽ, nhiều khâu, nhiều cơ quan tổ chức tham gia cũng là một cản trở khiến số người nghiện sống trong cộng đồng ngày một gia tăng.

Quy định pháp luật chặt chẽ về cai nghiện được biết là để bảo đảm quyền cá nhân, tránh việc lạm dụng, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, những vụ việc đau lòng do người nghiện gây ra cho thấy sự tự do của họ tiềm ẩn mất an toàn xã hội, nguy cơ xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác. Đã có những ý kiến đề xuất cần điều chỉnh một số quy định trong các nghị định trên để mọi người nghiện nhanh chóng được quản lí tại các tổ chức một cách chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.

Tại châu Âu, quyền tự do cá nhân được đặt ở vị trí rất cao. Trong đại dịch Covid-19 những quyền đó vẫn được bảo đảm khiến dịch bệnh không thể khống chế. Có thứ còn cao hơn quyền tự do cá nhân, đó là quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng thì như bị lãng quên. Hàng trăm nghìn người chết vì đại dịch Covid-19 rất có thể trong đó nhiều người bị lây bệnh chỉ vì bảo đảm quyền tự do cho cá nhân.

Sự nhân văn với người này nhưng có thể gây hại cho người khác thì đó không còn là nhân văn.

Pháp luật bảo đảm quyền con người nhưng cao nhất là quyền sống hạnh phúc, an toàn, khỏe mạnh của đa số. Do vậy, không thể để mãi thực trạng người nghiện sống ngoài vòng kiểm soát./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 11 năm 2020

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

Văn hóa

 

 Cần sửa “bệnh” tự ti

Là đất nước có hàng nghìn năm ngoại bang đô hộ, sau này lại thêm trăm năm sống dưới chế độ thực dân, xâm lược nên trong tư duy một số người Việt luôn tự coi ta là một nước nhỏ, yếu.

Có lẽ chính vì vậy mà khi một học giả nước ngoài tại hội thảo nọ mở đầu tham luận nói rằng ông có vinh dự được đến hội thảo ở một nước lớn là Việt Nam đã vô cùng ngạc nhiên và lúng túng khi thấy cả hội trường ồ lên, có người còn phì cười. Sau hồi ngơ ngác, hỏi rõ ông mới hiểu rằng nhiều người Việt đang coi mình là nước nhỏ, ít ai xưng Việt Nam là nước lớn. Ông nhất định không đồng ý điều này và đưa ra hàng loạt minh chứng: Lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giành độc lập, Việt Nam đánh thắng nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất trên thế giới; Việt Nam có nền văn hóa rực rỡ hàng nghìn năm, không thua kém nước nào; hiện nay nền kinh tế Việt Nam có hàng chục nông sản xuất khẩu đang đứng hàng nhất nhì thế giới; dân số gần trăm triệu, cao hơn nhiều quốc gia… Vậy tại sao lại coi Việt Nam là một nước nhỏ?

Dù khó khăn song đến tháng 11 năm 2020, Việt Nam đã xuất siêu 19 tỉ USD.

Gần đây, khi chuẩn bị mời thầu xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam, có ý kiến lãnh đạo cơ quan chức năng cũng cho rằng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực thắng thầu công trình lớn này, cần mời các đối tác nước ngoài, nhất là các nhà thầu Trung Quốc. Ý kiến này nhanh chóng bị dư luận phê phán, không đồng thuận. Có chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nhỏ chẳng qua họ chưa biết chung sức để tạo nên sức mạnh. Do chỉ lo vun vén lợi ích cục bộ, không vì cái chung, vì mục tiêu lớn nên nhiều “chiếc đũa” vẫn chẳng tạo được “cột cờ”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bằng quyết tâm, sự đoàn kết và ý chí kiên cường toàn dân tộc mà ta đã làm được tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại (cả trên cạn và trên biển). Ta đã xây dựng được tuyến xăng dầu dài hàng nghìn cây số từ Bắc vào Nam như một kì tích khiến người Mỹ không tưởng tượng nổi… Những năm kháng chiến khó khăn trăm bề, trình độ kĩ thuật công nghệ sơ khai mà ta vẫn làm được, vậy nay với bao thuận lợi về công nghệ và tài chính sao lại “chùn bước”?  

Tự ti chính là việc tự đánh giá mình thấp hơn người khác, thiếu tự tin vào chính năng lực bản thân. Tự ti không phải sự khiêm tốn - khi người ta biết khả năng của mình nhưng không muốn phô trương. Bệnh tự ti xuất phát từ sự ngại khó, ích kỉ, sợ trách nhiệm. “Căn bệnh” này nhiễm vào từng cá nhân sẽ dẫn đến tư duy “nhược tiểu”, coi doanh nghiệp, địa phương và đất nước mình luôn nhỏ bé, yếu thế dù thực tiễn không phải vậy. Tự ti khiến người lãnh đạo không nhìn thấy tiềm năng, sức mạnh tự thân, sức mạnh cộng đồng, ỉ lại người khác và dẫn đến thói quen “không làm được thì thuê”, từ đó làm giảm sút ý chí tự cường.

Đã đến lúc cần chữa trị “căn bệnh” tự ti, nhất là trong đội ngũ nắm giữ trách nhiệm./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 6 tháng 11 năm 2020

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Văn hóa-Xã hội

 

Đòn him” gia cuc rượu

 

Bà Hoằng rất ấm ức ông chồng khi nhà có tiệc tùng bởi thường mệt nhoài hầu dọn cho cuộc nhậu nhẹt. Mỗi khi ông Hoằng kiếm cớ để mời bạn nhậu về là y như bà lại phải thu dọn “bãi chiến trường” nồng nặc do các “bợm nhậu” (thường có phần của chồng) thải ra.

Hôm nay có gia đình chú em trên thành phố về chơi, ông Hoằng được thể gọi luôn mấy ông bạn nhậu “truyền thống” tới. Cỗ chưa làm xong đã thấy ông “thửa” sẵn can rượu 3 lít đặt giữa nhà.

Cũng như mọi khi, các tay “bợm nhậu” sau mấy phút đầu trật tự ăn uống bắt đầu tìm 1001 cái “tứ” để mời nhau cạn li. Chẳng mấy chốc chiếc can 3 lít rượu đã vơi một nửa. Ông Hoằng hết mời mấy ông bạn lại đến chú em, li nào cũng “màn hình phẳng”. Là người không uống được nên chú em nhiều lần từ chối nhưng do các ông hàng xóm đưa ra những lí lẽ khó chối, chẳng mấy đã chuếnh choáng hơi men. Khi thấy bà Hoằng đưa điện thoại di động lên quay cảnh mâm rượu chúc nhau, ông Hoằng nâng li lên nói với chú em:

- Chú thấy không, bà xã anh rất tâm lí, luôn cổ vũ anh em mình trong các cuộc vui. Bà ấy đang ghi hình làm kỉ niệm đây này!

Bà Hoằng thủng thẳng:

- Kỉ với niệm gì. Tôi ghi hình để gửi cho “ông 117” đây. Ông có sợ không thì bảo.

 

Ông Hoằng lè nhè:

- Ông cảnh sát 113 tôi còn chẳng ngại thì sợ đếch gì ông nào!

Bà Hoằng:

- Ông 117 tức là Nghị định 117 ông giời ạ. Ai ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Tôi sẽ đưa video này lên phây búc và nhắn cho thằng Nghiên dưới văn hóa xã lưu lại làm bằng chứng. Hôm nọ nó nói là muốn xử phạt một vụ điểm để răn đe chung trong thôn mình về nạn ép nhau rượu chè triền miên. Ông chuẩn bị 3 triệu để nộp phạt là vừa!

Đang định cao hứng nói điều gì đó bỗng ông Hoằng chững lại:

- Ơ!... Thế ra có cái “ông 117” phạt rượu thật à? Thôi, thế thì bây giờ chúng ta uống tự nhiên theo nhu cầu vậy. Bà cất điện thoại đi, nhớ xóa cái hình đã ghi ấy nhé.

Sau câu chuyện, mâm rượu như chùng xuống. Trước “đòn hiểm”, cuộc nhậu kết thúc sớm hơn thường lệ và bà Hoằng không phải thu dọn “sản phẩm” cháo pha rượu mỗi khi tàn canh./.

Đinh Hoàng

Bài Chuyện làng chuyện phố đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 3 tháng 11 năm 2020