Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Xây dựng đô thị

 

 Nền cốt vỉa hè

Ai sống lâu năm tại Hà Nội sẽ nhận ra một hoạt động mang “nét đặc trưng” là cải tạo, chỉnh trang vỉa hè lặp lại hằng năm.

Vỉa hè ở nhiều con phố cứ vài ba năm lại thấy ngành giao thông công chính chỉnh trang. Mấy năm trước dự án dùng đá khai thác ở Thanh Hóa về lát lại một số tuyến phố tốn không ít tiền ngân sách. Có lẽ với quan niệm “đắt xắt ra miếng” nên đá núi này được biết sẽ có độ bền 50-70 năm. Kể cũng bõ! Tuy nhiên, mới qua vài ba năm, nhiều nơi đá vỉa hè đã bong tróc, gẫy vỡ, không thể “chờ” được tới 50 năm!

Việc đào lên, lát lại hè thường diễn ra dịp cuối năm nên người dân thường tặc lưỡi: “Lại giải ngân”! Nói vậy có thể chỉ là suy diễn vì cũng không ít tuyến phố lâu không được chỉnh trang nên khá nhếch nhác.

Nhưng vì sao vỉa hè Hà Nội lại nhanh xuống cấp như vậy? Tin rằng những người trong ngành giao thông công chính, người chuyên về xây dựng công trình hiểu rõ điều này.

Ha Noi thay via he bang da xanh: Dat, ben lam gi?

 Đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cải tạo, trong đó vỉa hè được lát đá tự nhiên, nền cát.

Mấy chục năm trước, vỉa hè luôn được đảm nhiệm đúng chức năng là nơi dành cho người đi bộ nên dù xây dựng không quá kiên cố vẫn có tuổi thọ cao. Hiện nay phương tiện giao thông tăng, nhiều phương tiện trọng lượng lớn như ô tô, xe máy coi vỉa hè là nơi đỗ, thậm chí biến thành làn đường mỗi khi xảy ra ách tắc.

Cách lát vỉa hè thông thường là sau khi gạt phẳng nền đất, một lớp cát có trộn ít xi măng được trải lên, tưới nhẹ chút nước rồi đặt gạch xuống. Với lớp nền móng đơn giản như vậy thì độ bền vỉa hè hoàn toàn nhờ vào độ cứng của từng viên gạch. Nếu chỉ có người đi bộ hay xe đạp thì vỉa hè vẫn giữ được độ bền. Nhưng nếu nó phải đảm nhiệm trọng tải lưu thông của xe máy, ô tô thì tuổi thọ 1-2 năm đã là tốt.

Ai cũng biết, một ngôi nhà bền chắc cần có nền móng vững. Một lâu đài xây trên cát sẽ nhanh sụp đổ. Vỉa hè cũng không ngoài quy luật đó.  

Năm trước, tuyến phố Trích Sài ven Hồ Tây được một dự án chỉnh trang triển khai. Ban đầu cũng không tránh khỏi những câu chép miệng “lại giải ngân”. Tại dự án này, bó vỉa được dùng đá trắng tự nhiên còn gạch lát hè là bê tông giả đá, mặt phủ màu đen. Nhìn những viên gạch vỡ vụn khi thợ thi công không ít người ngán ngẩm nghĩ “chắc cũng chẳng được mấy bữa”! Tuy nhiên, nền móng vỉa hè lần này thi công khá bài bản. Móng được đầm gạt phẳng rồi đổ một lớp bê tông dày chừng 15cm. Sau khi bê tông ổn định mới lát gạch giả đá bằng vữa xi măng cát. Nhờ vậy, vỉa hè tuyến phố này đã qua hơn 1 năm sử dụng luôn giữ được độ bền chắc, không nứt vỡ dù không ít ô tô lớn nhỏ cũng đã đỗ, tránh khi lưu thông.

Vậy là những vỉa hè “đến hẹn lại sửa” chỉ tại nền móng yếu. Nền móng đúng tiêu chuẩn kĩ thuật thì sẽ bền. Còn “nền móng” trong tư duy hay mục đích của người làm vỉa hè là yếu tố cần xem xét lại.

Nếu người ta muốn “đến hẹn lại được sửa” thì cách cũ bao năm cứ vậy mà làm. Còn không, hãy lát vỉa hè như dự án bên Hồ Tây kia cũng ổn!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 11 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét