Tự nhiên và trách nhiệm
Chối bỏ là phản ứng tự nhiên của không ít người khi bị quy việc này, việc kia sai là do họ, dù có thể chưa kịp nhìn nhận thấu đáo.Cũng không thể quy kết phản ứng tự nhiên đó là bản chất của cá nhân, vì nó đơn thuần là phản xạ tự vệ. Suy nghĩ này đến khi tôi xem các buổi đại biểu Quốc hội chất vấn tại nghị trường và phản ứng của các nhà quản lí ngành. Kì họp Quốc hội diễn ra khi thảm họa thiên nhiên thảm khốc tại miền Trung chưa khắc phục xong nên cử tri cả nước đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường là tất yếu. Câu hỏi nhiều cử tri quan tâm nhất: Có phải việc mất rừng là nguyên nhân trực tiếp của những thảm họa sạt lở núi và lũ lụt? Rừng bị mất đồng nghĩa trách nhiệm liên đới của nhiều Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quản lí phát triển rừng); Công Thương, Xây dựng (lấy đất rừng làm thủy điện); Tài nguyên & Môi trường (đánh giá tác động môi trường với các công trình lấy đất rừng).
Ảnh rừng 3 nước VN, Lào, Campuchia nhìn từ trên không (phần đồi trọc là của VN) Có thể nói, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có một câu trả lời “hoàn hảo”, gỡ khó cho cả 4 Bộ: “Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Trong vòng 30 năm, đất nước GDP còn thấp như vậy nhưng chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững. Phát triển rừng trọng yếu để phát triển môi trường. Cho đến nay, ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%”. Bộ trưởng quả quyết, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha! Thật tuyệt vời với thành tựu bảo vệ thiên nhiên của ta, nhiều nước nên tới học tập! Vì vậy, câu chuyện lâm tặc phá rừng lấy gỗ quý mà dư luận nóng từ năm này qua năm khác chỉ là tầm phào, bịa đặt! Ý kiến quy kết ngành công thương, xây dựng lấy đất rừng cho phát triển thủy điện cũng không có cơ sở. Dĩ nhiên, ngành tài nguyên môi trường cũng có phần trong thành tích tăng trưởng rừng. Sau hàng trăm năm hoặc hơn nhiều thế mới có một cánh rừng tự nhiên. Chỉ mấy chục năm, diện tích rừng tự nhiên không bị mất đi mà lại tăng lên, quả là câu chuyện thần kì! Không thể truy tìm “thủ phạm” của những thảm họa sạt lở núi, lũ lụt vừa qua, ta chỉ còn cách ngẩng mặt lên trời mà than: Vì sao vậy hả Trời? Và có người đã tìm được nguyên nhân chính của thảm họa: Chưa bao giờ mưa cấp tập với lượng lớn như thế. Rõ ràng ông Trời đang “thay đổi tính khí” với cái tật mang tên biến đổi khí hậu. Rừng không mất. Thủy điện đúng quy hoạch, quy trình. Đánh giá tác động môi trường đều chuẩn chỉnh khoa học. Do vậy, không thể nói cơ quan quản lí thiếu trách nhiệm trước thảm họa thiên nhiên! Có một thứ hiện nay nhiều nơi khá thiếu mà chẳng ai muốn nhận, đó là trách nhiệm. Không thấy được trách nhiệm đồng nghĩa khó có được giải pháp khắc phục hiệu quả trong tương lai. Liệu ông Trời có thừa nhận trách nhiệm trước thảm họa thiên nhiên!?/. Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 11 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét