Cần sửa “bệnh” tự ti
Là đất nước có hàng nghìn năm ngoại bang đô hộ, sau này lại thêm trăm năm sống dưới chế độ thực dân, xâm lược nên trong tư duy một số người Việt luôn tự coi ta là một nước nhỏ, yếu. Có lẽ chính vì vậy mà khi một học giả nước ngoài tại hội thảo nọ mở đầu tham luận nói rằng ông có vinh dự được đến hội thảo ở một nước lớn là Việt Nam đã vô cùng ngạc nhiên và lúng túng khi thấy cả hội trường ồ lên, có người còn phì cười. Sau hồi ngơ ngác, hỏi rõ ông mới hiểu rằng nhiều người Việt đang coi mình là nước nhỏ, ít ai xưng Việt Nam là nước lớn. Ông nhất định không đồng ý điều này và đưa ra hàng loạt minh chứng: Lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giành độc lập, Việt Nam đánh thắng nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất trên thế giới; Việt Nam có nền văn hóa rực rỡ hàng nghìn năm, không thua kém nước nào; hiện nay nền kinh tế Việt Nam có hàng chục nông sản xuất khẩu đang đứng hàng nhất nhì thế giới; dân số gần trăm triệu, cao hơn nhiều quốc gia… Vậy tại sao lại coi Việt Nam là một nước nhỏ? Dù khó khăn song đến tháng 11 năm 2020, Việt Nam đã xuất siêu 19 tỉ USD. Gần đây, khi chuẩn bị mời thầu xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam, có ý kiến lãnh đạo cơ quan chức năng cũng cho rằng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực thắng thầu công trình lớn này, cần mời các đối tác nước ngoài, nhất là các nhà thầu Trung Quốc. Ý kiến này nhanh chóng bị dư luận phê phán, không đồng thuận. Có chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nhỏ chẳng qua họ chưa biết chung sức để tạo nên sức mạnh. Do chỉ lo vun vén lợi ích cục bộ, không vì cái chung, vì mục tiêu lớn nên nhiều “chiếc đũa” vẫn chẳng tạo được “cột cờ”. Trong kháng chiến chống Mỹ, bằng quyết tâm, sự đoàn kết và ý chí kiên cường toàn dân tộc mà ta đã làm được tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại (cả trên cạn và trên biển). Ta đã xây dựng được tuyến xăng dầu dài hàng nghìn cây số từ Bắc vào Nam như một kì tích khiến người Mỹ không tưởng tượng nổi… Những năm kháng chiến khó khăn trăm bề, trình độ kĩ thuật công nghệ sơ khai mà ta vẫn làm được, vậy nay với bao thuận lợi về công nghệ và tài chính sao lại “chùn bước”? Tự ti chính là việc tự đánh giá mình thấp hơn người khác, thiếu tự tin vào chính năng lực bản thân. Tự ti không phải sự khiêm tốn - khi người ta biết khả năng của mình nhưng không muốn phô trương. Bệnh tự ti xuất phát từ sự ngại khó, ích kỉ, sợ trách nhiệm. “Căn bệnh” này nhiễm vào từng cá nhân sẽ dẫn đến tư duy “nhược tiểu”, coi doanh nghiệp, địa phương và đất nước mình luôn nhỏ bé, yếu thế dù thực tiễn không phải vậy. Tự ti khiến người lãnh đạo không nhìn thấy tiềm năng, sức mạnh tự thân, sức mạnh cộng đồng, ỉ lại người khác và dẫn đến thói quen “không làm được thì thuê”, từ đó làm giảm sút ý chí tự cường. Đã đến lúc cần chữa trị “căn bệnh” tự ti, nhất là trong đội ngũ nắm giữ trách nhiệm./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 6 tháng 11 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét