Đảng viên, công chức làm giàu thế nào?
Dân giàu thì nước mạnh, đó là chân lí cha ông ta đúc kết từ xa xưa. Sau nhiều năm đổi mới, thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc sản xuất kinh doanh được “cởi trói” nên đời sống người dân ngày một khá giả. Cùng với người dân, mức sống cán bộ, công chức hưởng lương cũng được cải thiện nhiều. Ở làng quê hay khối phố, người ta đều thấy có những cán bộ, đảng viên giàu có, thậm chí rất giàu. Một biệt phủ của cán bộ ở Yên Bái được thanh minh là từ làm kinh tế riêng mà có Có người cho rằng, làm cán bộ, đảng viên phải giàu, như vậy mới lãnh đạo, điều hành kinh tế xã hội giúp người dân noi gương cùng làm giàu. Điều đó rất đúng nhưng lại chưa đầy đủ. Trong nền kinh tế nước ta hiện nay mọi người đều có quyền làm giàu chính đáng trong khuôn khổ pháp luật, kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm. Nhưng, với đảng viên, cán bộ, công chức sẽ làm giàu và bằng cách nào? Với đảng viên, tại Quy định số 15/QĐ-TW năm 2006 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X đã nêu: Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải trực tiếp tham gia lao động (lao động quản lí, điều hành sản xuất, kinh doanh; lao động kĩ thuật hoặc lao động chân tay); có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; phải gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Như vậy, với đảng viên thường thì việc làm giàu chính đáng là hoàn toàn có thể. Khi không đảm nhiệm cương vị, chức vụ gì, là một đảng viên thường họ định kì tham gia sinh hoạt chi bộ xây dựng nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, sau đó vừa trực tiếp làm kinh tế, vừa tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, nghị quyết chi bộ. Đã có những đảng viên thường làm giàu, trở thành tỉ phú nhờ bàn tay, khối óc của mình. Song với đảng viên đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lí trong Đảng, trong tổ chức chính quyền hay tại doanh nghiệp nhà nước… thì lại là vấn đề khác, đặc biệt là người có quyền hành, người nắm giữ tài sản công. Với cương vị, nhiệm vụ được giao, họ phải dành trọn vẹn tâm trí, sức lực cho công việc chung mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Không thể có chuyện một chủ tịch huyện hay bí thư tỉnh… vẫn còn thời gian làm kinh tế. Nếu họ làm kinh tế riêng nhiều khả năng sẽ vi phạm vào thời gian làm việc công hoặc chất lượng công việc chung bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, với cương vị, quyền lực trong tay họ có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tạo lợi thế cho việc làm kinh tế riêng, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước. Khi không làm kinh tế tư nhân, cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn sống chủ yếu bằng thu nhập từ tiền lương, khó ai có thể trở nên giàu có. Những đảng viên nắm chức quyền trong bộ máy của hệ thống chính trị đang sở hữu nhiều tài sản, tiền bạc vượt quá khả năng thu nhập từ đồng lương nếu không muốn đánh mất đi uy tín cá nhân thì họ cần tự minh bạch, công khai khối tài sản đó, kể cả nguồn thu nhập của vợ, con. Đó cũng là mong đợi của Nhân dân, nhất là trước mỗi kì đại hội Đảng./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 11 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét