Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Giáo dục

 

Trĩu nặng trách nhiệm và vinh quang

 

Nghề dạy học từ xưa đến nay luôn được tôn vinh, trân quý vì sản phẩm họ đóng góp cho đời là những con người trí tuệ, trưởng thành.

Cha ông ta từng dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Khi trong quân ngũ tôi từng tham gia huấn luyện chuyên môn kĩ thuật cho chiến sĩ và chưa bao giờ nghĩ mình là thầy giáo. Vậy nhưng đã gần 40 năm, thỉnh thoảng họp mặt đơn vị cũ, mấy chiến sĩ năm ấy dù đã lên ông nhưng gặp cũng cứ một câu thầy, hai câu thầy khiến tôi vừa hơi ngượng ngùng song cũng cảm nhận chút dư vị tự hào.

Để có được niềm tự hào, người thầy hôm nay phải mang trên vai biết bao áp lực.

Áp lực trước tiên là sự kì vọng của phụ huynh vào con em của mình. Dẫu biết nhà trường chỉ là một phần trong môi trường đào luyện hình thành nhân cách, phát triển tri thức nhưng hầu hết phụ huynh coi mái trường là nơi quyết định tương lai con em mình. “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, có lẽ từ suy nghĩ ấy mà nhiều phụ huynh quan tâm và kì vọng ở thầy cô thái quá. Khi phụ huynh càng quan tâm, chu đáo với mình hơn mức bình thường thì người thầy càng như cảm nhận thêm sức nặng và áp lực. Thông thường tỉ lệ học sinh giỏi thực chất chỉ khoảng 5-10% (không kể các lớp chọn, chất lượng cao), thế nhưng mọi phụ huynh đều muốn con em mình là học sinh giỏi và áp lực vô hình từ những kì vọng luôn đè lên vai người thầy. Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi nhưng không phải cứ có thầy giỏi thì mọi trò đều giỏi.

Ai cũng hiểu môi trường gia đình, xã hội cũng tác động không nhỏ tới quá trình trưởng thành của học sinh.

Môi trường quan trọng nhất với trẻ là gia đình nhưng nay không giống như cách đây 40-50 năm. Trước kia học sinh học ở trường một buổi, còn lại sống chủ yếu với gia đình nhiều thế hệ. Ngày nay học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở có khi cả ngày học bán trú, tối về gia đình thời gian ngắn ngủi, sáng sớm đã lại đi học nên thời gian tiếp xúc, hoạt động chủ yếu tại lớp. Bên cạnh đó nhịp sống công nghiệp, cha mẹ bận rộn công việc, quá ít thời gian chia sẻ và quan tâm tới con cái. Chính vì vậy, tâm lí phó thác con em cho nhà trường dần định hình ở đa số phụ huynh.

Phụ huynh luôn kì vọng và đòi hỏi ở người thầy nhưng đa số lại không nhớ đến công lao người thầy khi con em mình đã đỗ đạt, trưởng thành. Chỉ có những học trò nhân cách là không bao giờ quên ơn người đã nâng bước chân mình trên một chặng đường dù không dài.

Dịp Tết năm trước, cô giáo Đặng Thị Phúc của Trường Tiểu học Mai Lâm, Hà Nội nhận được lá thư tay của một học trò cũ, nay là Tổng Bí thưChủ tịch nước - ông Nguyễn Phú Trọng, hỏi thăm và chúc mừng. Đoạn cuối bức thư có câu: “Em vẫn giữ mãi những kỉ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.

Có lẽ niềm vinh quang và mong đợi nhất đối với người thầy là hình ảnh của họ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những học sinh thân yêu./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 11 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét