Visa cửa rừng
Tôi có anh bạn sống tại Khu đô thị (KĐT) Ecopark và từng nghe anh hết lời ca ngợi về một KĐT “đáng sống” của Hà Nội. Theo anh, nếu đô thị nào cũng được như mô hình Ecopark thì Việt Nam ta sẽ trở thành một quốc gia xanh. Nghe anh khen vậy tôi chỉ cười và nói: Sản phẩm của Ecopark đúng là hay, đáng sống, nhất là với người có đủ tiền, nhưng dự án nào cũng học mô hình này chưa hẳn đã ổn.
Những con đường rợp bóng cây tại KĐT Ecopark
Tôi chưa được sống và tận hưởng không gian xanh Ecopark nhưng đã đi qua KĐT này một đôi lần. Quả thực đây như một khu công viên xanh, đẹp. Được biết cách đây hơn 2 năm, KĐT này đã được Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018, trao hai giải thưởng: “Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất” và “Dự án KĐT tốt nhất”. Không gian cây xanh - mặt nước với tổng diện tích lên tới 110ha, tỉ lệ cây xanh ở mức 125 cây trên đầu người, Ecopark được coi là cao so với hầu hết các KĐT ở miền Bắc. Không chỉ tại Ecopark, tại rất nhiều KĐT mới từ Bắc vào Nam, các tổ hợp công trình bất động sản hiện nay các chủ đầu tư đều rất quan tâm tạo cảnh quan có cây xanh. Khi KĐT hoàn thành cũng đồng thời có ngay cảnh quan xanh, đẹp. Như lời Bác Hồ dặn, muốn có lợi ích 10 năm phải trồng cây. Nay những công trình vừa mọc lên đã phủ cây xanh bóng mát, vậy những thứ tối thiểu cần 10 năm ấy “đến” từ đâu? Cách đây hơn 2 năm, Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ 1 xe tải và 2 xe container chở cây cổ thụ quá khổ, quá tải lưu thông trên quốc lộ 1A. Cây lớn phải dùng xe contairner, xe kéo rơ mooc chuyên chở không thể trồng trong vài chục năm, nó phải có tuổi đời 50-60, thậm chí hàng trăm năm. Cây được vận chuyển cho một công ty cơ khí tại Quảng Bình có lẽ cũng không sử dụng làm vật liệu chế tác vì nó chỉ được xén bớt cành và giữ cả bộ rễ lớn. Nếu suôn sẻ, biết đâu có thể “ông Cây” này đã “đứng lên” tại một KĐT hoặc dự án bất động sản nào đó. Từ năm 1991, đã có Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2004, Quốc hội khóa 11 ban hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng đầy đủ, hoàn thiện hơn, với 6 chương, 88 điều. Tham khảo các chương điều trong Luật này và từ những chuyện xảy ra trong thực tiễn tôi thấy hình như vẫn có “lỗ hổng” thất thoát rừng. Nên chăng cần có điều khoản về “rừng di cư”, nghĩa là cho phép cây rừng được “định cư” ở nơi khác với tấm “Visa”. Đây không phải là chuyện khai thác thương mại vì cây không mất đi, nó chỉ từ nơi này đến “sống” ở nơi khác. Tin rằng có không ít cây rừng đã di cư đến các KĐT dạng như Ecopark kể trên. Từ cây cổ thụ đến những nhánh đào rừng đang từng ngày “lén xuất cảnh” về đô thị khiến rừng thưa dần. Cũng chưa thấy ai chịu trách nhiệm trước thực trạng “rừng di cư”! Đã đến lúc ngành lâm nghiệp cần xem xét cấp “Visa” cho những cây rừng để chúng có thể “xuất cảnh” hợp pháp và an toàn./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 11 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét