Ai xử Hội đồng?
Hiện nay trong xã hội có khá nhiều loại hội đồng: Đồng môn, đồng niên, đồng ngũ, đồng hương… Tuy nhiên, đây là những tổ chức tự phát, tự nguyện với cấu trúc lỏng lẻo, vô thưởng, vô phạt. Ở đây xin bàn câu chuyện về các hội đồng được cơ quan nhà nước thành lập, thời hạn tạm thời nhưng quyền lực không nhỏ và tác động lâu dài đến đời sống xã hội. Hội đồng đang được dư luận xã hội “mổ xẻ” nhiều gần đây phải kể đến Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Thành viên hội đồng là những giáo sư (GS), tiến sĩ, nhà khoa học tên tuổi và một số nhà giáo, chuyên viên có chức danh, chức sắc đáng ngưỡng mộ. Về năng lực, trình độ, với những học vị như trên khó ai có thể nghi ngờ. Ấy vậy mà bộ sách Tiếng Việt 1 (Cánh diều và cả một số sách Tiếng Việt 1 khác) cũng bỏ sót không ít “sạn”. Từ bà bán cá tới ông tiến sĩ, ai ai khi đọc kĩ sách Cánh diều cũng “nhằn ra” được cả tá “hạt sạn”! Vậy thì Hội đồng thẩm định sách này đã làm gì để thông qua cuốn sách - một “công cụ gieo trồng” thế hệ tương lai?
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ sách Cánh Diều có
quá nhiều “sạn”. Khi báo chí chất vấn, một GS (Phó Chủ tịch Hội đồng) chia sẻ rằng: “Những lỗi, sạn trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều mà báo chí, dư luận đưa ra thì Hội đồng thẩm định đã có ý kiến khuyến cáo nhóm tác giả phải sửa, nhưng do nhóm tác giả không chịu sửa nên nó mới như thế”. Theo GS này thì, trách nhiệm này thuộc nhóm tác giả! Người viết bài này thì nghĩ rằng, chính phát ngôn của vị GS trên cũng là một “hạt sạn to” khi ông đã chuyển chức năng Hội đồng thẩm định sang Hội đồng tư vấn! Vậy ra, những sai lỗi của sách không thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định! Một hội đồng khác cũng đã và đang để lại nhiều tranh luận, đó là Hội đồng xét tặng danh hiệu. Chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, học hàm GS, PGS năm nào cũng xảy ra những “lùm xùm” dư luận. Gần đây, một GS nguyên là thành viên Hội đồng GS Nhà nước nhận được thư điện tử tố cáo 21 ứng viên GS, PGS không đủ tiêu chuẩn đã được Hội đồng GS ngành y học thông qua. Có một PGS chỉ tháng 9 năm 2020 đã công bố 77 bài báo quốc tế mà theo ông, một “siêu nhân” cũng không thể làm được. Bài báo quốc tế theo tiêu chí là được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín tại nước có nền khoa học phát triển. Mỗi bài báo là đúc kết từ những phát kiến, công trình khoa học có thể thẩm định và ứng dụng. Mấy tháng mà ứng viên có tới 77 bài báo, nếu không phải là “siêu nhân” thì có thể là những bài trên báo “lá cải” hoặc “mua”! Hội đồng kể trên bị “qua mặt” thì họ đã không làm tròn trách nhiệm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Một công trình xây dựng khi sai phạm sẽ được thanh tra, kiểm toán làm rõ và quy trách nhiệm. Vậy, ai sẽ xem xét, xử lí trách nhiệm của các thành viên hội đồng khi mà sản phẩm họ duyệt, thẩm định sai, lỗi? Đã đến lúc cần có chế tài nghiêm minh để xử lí các hội đồng, thậm chí cả người ra quyết định thành lập, khi hội đồng sai phạm./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 3 tháng 11 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét