Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Niềm tự hào bị tổn thương

 

Chủ quyền không gian mạng

Khi người ta phát minh ra World Wide Web (WWW) vào năm 1991, có thể coi đó là thời điểm ra đời “không gian mạng”.

Cũng từ đó, các quốc gia tham gia kết nối Internet đương nhiên có chủ quyền trên mạng toàn cầu này. Tương tự như thời kì con người mở mang bờ cõi, thám hiểm những vùng đất mới và xác lập chủ quyền quốc gia bằng luật pháp riêng, không gian mạng cũng cần được xác lập chủ quyền bằng pháp luật và công nghệ phù hợp.

Trong kỉ nguyên công nghệ 4.0, tốc độ của thực tiễn cuộc sống luôn bỏ xa “cỗ máy” luật pháp vốn cồng kềnh và nặng sức ì. Dù vậy nó vẫn là cơ sở, nền tảng để định hướng và kìm hãm “bản năng hoang dã” của công nghệ, bởi các quốc gia trên thế giới đều có chung mục tiêu quản lí, bảo đảm quyền lợi chính đáng.

Sự kiện bản quốc ca Việt Nam trong chương trình tường thuật trực tiếp giải AFF cup 2020 giữa 2 đội tuyền Việt Nam và Lào bị tắt tiếng giữa chừng không khác nào chủ quyền quốc gia bị vi phạm. Vụ việc gây tổn thương nghiêm trọng, đánh vào lòng tự tôn, tự hào dân tộc với những người theo dõi giải đấu trên kênh YouTube.


Quốc ca bị tắt tiếng - nỗi nhục đến vì bọn chỉ biết có tiền

Ngay sau sự cố trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định trước báo chí: Pháp luật của Việt Nam nghiêm cấm bất kì tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kì hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc ca của Việt Nam một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Được biết Next Sport - kênh YouTube trực thuộc đơn vị phát hành Next Media đã thực hiện việc làm trên cùng thông báo: “Vì lí do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ”. Next Media là kênh tổng hợp tin tức thể thao Việt Nam và quốc tế đã có hơn 600 triệu người theo dõi. Tại sao một hãng truyền thông với lượng người theo dõi như vậy mà lại không chắc chắn nội dung chính họ thực hiện trên môi trường mạng? Vậy các nội dung khác hãng này đã và đang thực hiện liệu có đáng tin? Phải chăng họ cũng như một công ty buôn lậu xuyên quốc gia, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, có thể bị phạt bất kì lúc nào!?

Sự non kém về pháp luật bản quyền cùng tư duy chỉ biết lợi riêng, bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc dẫn tới hành động của đơn vị truyền thông trên. Dư luận mong chờ việc xử lí nghiêm khắc của cơ quan quản lí với hành vi đáng hổ thẹn của Next Sport.

Cũng nhân việc này, Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp để quản lí hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, khi Luật An ninh mạng chưa thể bao quát hết mọi lĩnh vực. Sự việc từng có hãng truyền thông phát quốc ca khi sử dụng bản phối có bản quyền của bên thứ ba đã bị phạt, trong khi Quốc ca Việt Nam hoàn toàn miễn phí toàn dân là vấn đề không nhỏ. Vậy “bên thứ ba” khi khai thác quốc ca làm bản phối đã xin phép Nhà nước và được pháp luật Việt Nam cho phép hay chưa? Nếu có việc xin phép thì không thể xảy ra hạn chế tiếp cận hoặc sử dụng vì mục tiêu thương mại.

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng quan trọng như chủ quyền vật chất, địa lí, nhất là khi cả thế giới đã bước vào kỉ nguyên số./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 12 năm 2021

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Văn hóa người Tràng An

 

Nét làng nơi phố thị

Hồi những năm 80 thế kỉ trước, trong một chuyến công tác về Hà Nội tôi có ghé thăm nhà riêng người bạn làm báo.

Nhà người bạn ở con phố Cao Bá Quát, tôi đến đúng số nhà song bấm chuông hoài không thấy ai ra mở cửa. Bỗng thấy một bà chừng 50 tuổi ở số nhà bên cạnh mở cổng bước ra. Gật đầu chào tôi rồi bà nhẹ nhàng hỏi: “Chú là khách của chú Tuấn phải không? Chắc phải tầm hơn 11 giờ trưa chú ấy mới ở cơ quan về. Hiện nhà đi vắng cả, mời chú sang nhà tôi ngồi uống nước đợi chú ấy về”. Tuy là khách bất đắc dĩ song tôi được bà tiếp đón như thể khách đến nhà mình. Bà cẩn thận tráng ấm chén, pha trà mời khách. Ngồi tiếp tôi uống hết li trà vừa hỏi thăm về tôi, sau đó bà lấy mấy cuốn họa báo, sách để tôi đọc và dặn: “Chú ngồi đọc báo ráng đợi, tôi xin phép vì đang bận mấy việc vặt trong nhà”.

Sau này tôi còn đến nhà anh bạn nhiều lần. Tuy thi thoảng mới gặp bà bên ngoài nhưng lần nào bà cũng nhẹ nhàng chào tôi trước và vẫn nhớ tên khiến tôi có cảm giác như gặp lại người bác hàng xóm thân thiết nơi quê nhà. Anh bạn tôi cho biết đa số người dân ở dãy phố này cư trú tại Hà Nội đã mấy đời, có nếp sống đẹp, thanh nhã của người Tràng An xưa.

        Sống tại Hà Nội mấy chục năm tôi nhận thấy tại khác khu phố cũ, người Hà Nội đến nay vẫn giữ được nét văn hóa riêng. Trong phạm vi giao tiếp, nét thanh lịch được biểu hiện ở sự nhẹ nhàng, hoạt bát, thanh nhã trong lời ăn tiếng nói, sự lịch lãm, lịch thiệp trong ứng xử, sự nền nã, tự trọng và tự tôn, cách dụng ngôn tinh tế, khoáng đạt song chuẩn mực… Có thể thấy, văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa là một phần quan trọng của nền tảng văn hóa tinh thần trong tiến trình phát triển của một mảnh đất văn hiến nghìn năm tuổi.

Sự phát triển đô thị bùng nổ nhiều năm qua khiến những nét đẹp xưa rất khó và không kịp thẩm thấu tới những khu vực dân cư mới của Hà Nội. Trong khi đó mặt xấu, cái tiêu cực trong nếp sống phố thị lại rất nhanh tiêm nhiễm vào giới trẻ. Mối quan hệ cộng đồng không giữ được sự gắn kết, tình cảm, thậm chí “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Nhiều ngõ phố dù khang trang sạch đẹp song cư dân như những người xa lạ dù hằng ngày vẫn nhìn thấy mặt nhau.

Phong cách sống của người Tràng An đã mang lại cho người ta cảm giác ấm áp của tình cảm làng quê xưa nơi phố phường, hay nói đúng ra vẫn còn những nét “làng trong phố”.

Thật buồn, hiện nay tại nhiều làng quê dù đời sống có khá giả, sung túc hơn xưa nhưng lại đang mang đến cảm giác “phố trong làng” với những xô bồ, nhộn nhạo của phố chợ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình mục suy ngẫm, Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 12 năm 2021

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Thủ thuật kinh doanh?

 

Bất thường sẽ chìm vào “hư không”?

Tháng 4/2021 dư luận xôn xao chuyện chính quyền tỉnh An Giang đưa ra đấu giá 2 mỏ cát sông Tiền, sông Hậu có được giá “khủng” nhất từ trước đến nay: Khởi điểm chỉ 7,2 tỉ đồng nhưng được doanh nghiệp bỏ giá lên đến 2.811 tỉ đồng!

Cho đến nay chưa có thông tin gì thêm việc chính quyền đã thu được bao nhiêu tiền trong số hơn 2,8 nghìn tỉ đồng này. Báo chí cũng không thể liên lạc được với lãnh đạo doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home.

Vào tháng 5/2021 một doanh nghiệp mới đăng kí thành lập tại Hà Nội là Công ty CP tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu với vốn điều lệ lên tới 500 nghìn tỉ đồng. Đây là số vốn lớn hơn vốn điều lệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viettel và hầu hết tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam. Chủ doanh nghiệp là một người hơn 30 tuổi, xa lạ với các doanh nghiệp và chính quyền sở tại. Địa chỉ trụ sở doanh nghiệp tại số 43 Trích Sài, quận Tây Hồ, TP Hà Nội chỉ là khu đất nhỏ cùng căn nhà cấp 4 được thuê rửa xe. Đến nay đã quá hạn song doanh nghiệp trên không có động thái huy động số tiển như đăng kí. Chủ doanh nghiệp nói rằng “vốn nằm trong chất xám”!


4 lô đất "vàng" có ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) 

Những ngày qua, việc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỉ đồng (gấp 8,3 lần giá khởi điểm) khiến thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh và cả nước xôn xao. Việc huy động 1 tỉ USD để thanh toán đang là 1 vấn đề đặt ra, không ít chuyên gia cũng nghi ngại và cho rằng, nếu huy động thành công cũng là 1 câu chuyện cá biệt về dòng tiền!

Theo báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào thời điểm tháng 4/2020, công ty bất động sản trên có vốn chủ sở hữu chỉ là 1.902 tỉ đồng; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,4 và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 271 tỉ đồng. Vậy sau 30 ngày, doanh nghiệp này huy động đâu ra 50% (12.250 tỉ đồng) và sau 60 ngày huy động đủ 24.500 tỉ đồng? Theo tính toán, mỗi mét vuông tại lô đất này được doanh nghiệp trả giá 2,4 tỉ đồng, cao gấp hơn 8 lần giá tại thị trường cùng khu vực!

Sự kiện đấu giá với giá bất thường này lập tức tác động tới thị trường BĐS, chứng khoán và giá cổ phiếu BĐS tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều nhận định cho rằng doanh nghiệp trên “chém gió” có chủ đích, bởi đây là công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh - một doanh nghiệp BĐS lớn. Có khả năng công ty trên sẽ hủy kết quả đấu giá và chịu mất số tiền đặt cọc. Tuy nhiên, liệu số tiền đó có lớn hơn “quả ngọt” mà một số “ông lớn” BĐS hưởng lợi do giá thị trường được kích lên sau vụ đấu giá với giá bất thường? Đây là khả năng mà một số chuyên gia BĐS đã chỉ ra. Nếu thị trường biến động tăng giá theo sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho đầu tư và phát triển đô thị trong tương lai.

Mong sự bất thường trong cuộc đấu giá này sẽ không đi vào “hư không” như những vụ việc bất thường nghìn tỉ khác xảy ra thời gian vừa qua./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 12 năm 2021

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Đầu tư và kinh doanh

 

“Đa cấp” trái phiếu

Mô hình đa cấp biến tướng vẫn đang là thực trạng gây bức xúc xã hội và tạo nhiều hệ lụy xấu. Do mô hình này ngày một biến hóa tinh vi, lợi dụng công nghệ mới trên môi trường mạng nên rất khó khăn cho các cơ quan quản lí.

Với lãi suất cao ngất ngưởng cùng những “chuyên gia” tư vấn lọc lõi mánh khóe nên vẫn có nhiều người sa vào bẫy để mất tiền.

Nhiều người nhận biết được mô hình đa cấp nên đã chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác như ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp đang là kênh hấp dẫn nhất vì mức lãi suất luôn cao hơn gửi tiết kiệm hay đầu tư bất động sản, chứng khoán… cần có hiểu biết, kinh nghiệm đầu tư.

Với mô hình đa cấp, do không có sản xuất, kinh doanh gì tạo ra lợi nhuận để trả cho nhà đầu tư nên chỉ có cách duy nhất là lấy tiền người đầu tư sau trả cho người đầu tư trước. Đến một ngưỡng nhất định với số tiền đủ lớn, nó được “đánh sập” và chủ doanh nghiệp biến mất. CEO doanh nghiệp đó không biến mất, chỉ “tàng hình” và lại xuất hiện với một cái tên doanh nghiệp đa cấp mới. Quy trình huy động vốn được lặp lại và… lặp lại.

Thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. Từng có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc do dịch bệnh sản xuất khó khăn, đình đốn dù không có lợi nhuận vẫn mạnh bạo phát hành trái phiếu lợi suất cao nhằm cạnh tranh, thu hút vốn. Vậy khi đến kì hạn thanh toán cho nhà đầu tư họ lấy đâu ra tiền? Không còn cách nào khác, doanh nghiệp phát hành dạng này phải tiếp tục phát hành trái phiếu để lấy tiền cho thanh khoản. Lúc này, lợi nhuận của các nhà đầu tư trước được thanh toán bằng tiền của nhà đầu tư mới. Phương thức này mang bong dáng của mô hình đa cấp biến tướng kể trên.

Nhận thấy “sức nóng” và nguy cơ “bong bóng” trái phiếu doanh nghiệp, vừa qua Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Dù chậm song hi vọng động thái trên của Bộ Tài chính sẽ ngăn chặn được việc doanh nghiệp mang bóng dáng “đa cấp trái phiếu” không thể tiếp tục “bơm” cho “trái bóng” căng thêm và phát nổ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 12 năm 2021

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Phòng chống diễn biến hòa bình

 

Nhân quyền - Chót lưỡi chống phá và thực tiễn Việt Nam

Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhân quyền là những bảo đảm pháp lí toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Còn theo tiếng Anh human rights (nhân quyền) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào.

Theo khái niệm này, dưới chế độ phong kiến, thực dân, người dân Việt Nam bị tước bỏ hoàn toàn mọi quyền cơ bản nhất bởi kiếp sống nô lệ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhân dân ta đã bước sang trang sử mới. Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáng 2/9/1945 không chỉ là một văn bản pháp lí hiện đại, khai sinh một nước Việt Nam mới, mở ra một kỉ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam mà còn khẳng định quyền con người - một giá trị phổ quát của nhân loại và quyền công dân đã và đang được thực thi ở cả phương diện lí luận cũng như trong thực tiễn.

Ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến bị rũ bỏ, người dân Việt Nam bắt đầu được hưởng quyền cơ bản nhất của mình, đó là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Sau khi chính quyền về tay Nhân dân và sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ 2/7/1976 là Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), người dân đã được thực sự làm chủ vận mệnh, được sống, lao động và học tập để bảo đảm cho cuộc sống của chính mình, được tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.


 

Một làng NTM có 75% người dân là công giáo của xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, sự thật hiển nhiên về quyền con người tại Việt Nam chưa bao giờ được các thế lực chống đối, thù địch tại nước ngoài thừa nhận. Đó là lực lượng từng bám gót ngoại bang sau khi đất nước giành được độc lập, tàn dư của chế độ mà trước đó đã tước đoạt mọi quyền cơ bản của người dân. Đó là một số kẻ từng được thụ hưởng thành quả cách mạng và chế độ mới trong đó quyền con người của chính họ; song sự suy thoái, biến chất, bất đồng, bất mãn đã khiến họ nhảy sang phía phản bội lại Nhà nước, Nhân dân và dân tộc. Các lực lượng chống đối Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang miệt mài dùng chót lưỡi đầu môi để thực hiện cái gọi là “đấu tranh bảo vệ nhân quyền” cho người dân trong nước từ nước ngoài. “Bài bản”, thủ đoạn của chúng là vu cáo, xuyên tạc tình hình trong nước, tung hỏa mù khi có các vụ việc, sự kiện mà Đảng, Nhà nước ta thực hiện chủ trương, duy trì luật pháp, bảo vệ kỉ cương, phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm cuộc sống an toàn cho Nhân dân. Một số tổ chức thiếu thiện chí với Nhà nước ta như “Người Bảo vệ nhân quyền”, “Theo dõi nhân quyền thế giới” (HRW), “Ân xá quốc tế”,… luôn cổ súy và phụ họa cho các thế lực chống đối, đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Nhà nước ta, vu cáo Việt Nam “đàn áp nhân quyền”!?…

Những thành tựu từ sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại Việt Nam là bằng chứng không một cá nhân hay tổ chức nào có thể phủ nhận hoặc bôi nhọ.

Chỉ đơn cử về thành tựu 5 năm qua về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã có thể thấy Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu cho quyền con người ra sao. Vào cuối năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 9,88% đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 3,75% và hết năm 2020 là dưới 3%. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỉ của LHQ về giảm nghèo. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến khu vực trung tâm, 99% khu trung tâm xã và hơn 80% thôn/ bản có điện, 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, 80% thôn có đường giao thông cho xe cơ giới, trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí… Đó là con số của giai đoạn chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, không chỉ bảo đảm thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông...

Từ một nước nghèo, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với mức GDP bình quân đầu người vào năm 2020 là 2.786 USD/người. Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Quốc hội có mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD/người.

Những thành tựu toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội mấy chục năm qua không gì khác nhằm bảo đảm cho Nhân dân có quyền con người đầy đủ nhất. Đương nhiên, thế lực chống đối, thù địch không bao giờ thừa nhận cũng như chúng chưa bao giờ thừa nhận thể chế Nhà nước của dân, do dân, vì dân tại Việt Nam hiện nay.

Còn nhớ và cuối năm 2013, tại cuộc bỏ phiếu tại trụ sở chính của LHQ ở New York, Việt Nam đã nhận được số phiếu bầu cao nhất trong các quốc gia ứng cử, với 184/193 phiếu hợp lệ, trở thành quốc gia nhận được số phiếu bầu cao nhất trong 14 quốc gia được bầu chọn vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Đặc biệt vào năm 2019, Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kì 2020-2021 với số phiều gần như tuyệt đối 192/193, số phiếu kỉ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Hai sự kiện trên chẳng khác nào những “cái tát trời giáng” vào mặt những kẻ đã bao năm mượn danh nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Thành tựu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân ta giành được trong thực hiện mục tiêu kép suốt 2 năm qua vừa chống dịch, bảo đảm sức khỏe Nhân dân, vừa giữ vững và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, an sinh, để “không một ai bị bỏ lại phía sau” thêm một lần nữa khẳng định với thế giới về thực tiễn bảo đảm quyền con người tại Việt Nam hiện nay./.

 Đinh Hoàng

Bài Nghiên cứu - Trao đổi đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15 tháng 12 năm 2021

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Nông dân cô đơn

 

 Nông dân chăn nuôi đang nuôi ai?

Câu hỏi quá đỗi đơn giản bởi ai cũng biết nông dân chủ yếu đang nuôi gia súc, gia cầm và thủy, hải sản. Đó cũng là kế mưu sinh để nuôi chính họ và gia đình. Thế nhưng thực tế cho thấy, không ít người chăn nuôi đang nuôi… những người khác.

Với những nông dân nuôi lợn, mấy tháng qua giá thịt liên tục giảm sâu, nhiều thời điểm xuống mức dưới giá thành nên càng nuôi nhiều càng lỗ lớn. Như vậy, dù là nghề cực nhọc, vất vả song họ đang không nuôi nổi chính mình.

Theo một số khảo sát, tại phía Nam có thời điểm giá lợn hơi bán tại trại giảm chỉ còn 41.000 - 44.000 đồng/kg. Còn tại phía Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn một số tỉnh như Bắc Giang, Hà Nam… lúc thấp nhất xuống còn 32.000 - 36.000 đồng/kg. Gần đây giá đã nhích lên nhưng cũng chỉ đạt mức 46.000 - 50.000 đồng/kg. Những chủ nuôi trụ được sau thời gian giảm sàn thì nay cũng chỉ là đang gắng bù vào số lỗ mấy tháng trước. Ai đã đóng chuồng nếu nay tái đàn thì chưa biết sau Tết Nguyên đán giá còn giữ được hay lại tụt xuống? Cuộc mưu sinh bằng chăn nuôi đang tiềm ẩn may rủi như thể “đánh bạc”!

Có vẻ người chăn nuôi đang không nuôi nổi mình và mọi nỗ lực của họ dường như để nuôi... những người khác! Vậy “người khác” có những ai?

Một “người bạn đồng hành” không thể thiếu của nông dân chăn nuôi là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Tuy nhiên, hình như họ không phải là những “bạn tốt” bởi thời gian qua giá thịt và giá thức ăn chăn nuôi đang đi theo hai hướng trái ngược. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 40% trong khi nó chiếm 80 - 85% giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo tính toán của người chăn nuôi, với giá thức ăn chăn nuôi và mọi chi phí đầu vào tăng cao, giá thịt khi ở mức thấp như kể trên, họ phải bán dưới giá thành sản xuất từ 20-30 nghìn đồng/kg. Khi đó, người chăn nuôi chịu lỗ hàng triệu đồng trên mỗi con lợn bán ra. Nếu giữ được mức giá 46.000-50.000 đồng/kg như hiện tại thì người chăn nuôi mới bắt đầu có lãi.

Người bạn nữa không thể thiếu với nông dân, đó là các thương lái, người đảm nhiệm khâu trung gian và tiểu thương, siêu thị bán hàng sau cùng. Với lực lượng thương lái, chưa bao giờ thấy họ phàn nàn về giá lợn cao hay thấp. Thời gian giá lợn hơi giảm xuống đáy, bà bán thịt ngoài chợ cũng không thể bán theo “giá trên ti vi” khi khách hàng thắc mắc, đó là lúc giới thương lái “ăn” đậm nhất!

Rõ ràng chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi đang có quá nhiều bất cập. Sự bất cập diễn ra triền miên nhiều năm nhưng nay vẫn chưa thấy tia sáng. Các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng mạnh ai nấy làm, chỉ lo cho lợi nhuận riêng.

Quản lí, điều hành chuỗi cung ứng là việc của nhà quản lí.

Cung cấp thông tin, định hướng sản xuất cho nông dân cũng là trách nhiệm của nhà quản lí.

Tiền thuế của người chăn nuôi cũng góp một phần trong đồng lương của người quản lí.

Thế nhưng, người nông dân chăn nuôi như đang bị bỏ rơi!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 12 năm 2021

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

Văn hóa ẩm thực Hà thành

 

Phở Hà Nội đang thất truyền!

Phở Hà Nội được biết đến là món đặc sản của người Hà thành, món ăn mà ai đến đây cũng muốn nếm thử. Còn người Hà Nội nay thì coi phở sáng là món điểm tâm thường xuyên, phổ biến nhất.

Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… rất nhiều văn nhân đã viết về phở Hà Nội, riêng nhà thơ Tú Mỡ năm 1934 đã sáng tác hẳn một bài thơ dài về phở mang tên “Phở đức tụng”.

Theo cụ Nguyễn Tuân, phở Hà Nội ngon phải theo phong cách phở xưa, được nấu vào những năm đầu thế kỉ XX, khi người ta ăn cả phở vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. 

Công thức nấu phở Hà Nội xưa là phải nấu từ thịt bò, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn nhưng không dai… và đầy đủ các loại nguyên liệu ăn kèm khác. Trong công thức nấu nước dùng phải có xương bò, tôm he, ngũ vị hương (quế, hồi, đinh hương, trần bì, thảo quả), hành khô, gừng và đặc biệt, không thể thiếu một nguyên liệu tạo vị ngọt của nước phở chính là sá sùng khô, loại hải sản ngon nức tiếng của vùng biển Quảng Ninh. Xương bò ninh phải đến độ có xẩu (thịt nhừ, bong khỏi xương) mới đạt.

Ngày xưa quán phở chỉ đếm trên đầu ngón tay, được đặt với những cái tên thuần Việt như phở Cồ, phở Sứt, phở Lộc, phở Gù… và có cả phở gánh hàng rong mang tên Phở Gánh. Ngày nay, bất kì con phố nào cũng có hàng phở nhưng kiếm được quán phở ngon thì rất hiếm hoi. Đa số hàng phở tại Hà Nội nay có hương vị quá khác xưa. Nước dùng không có hương vị thơm lừng của công thức cổ ngũ vị hương dù nó luôn ngọt lừ bởi trên bàn chế biến không thiếu bát tô đựng đầy mì chính thay thế cho sá sùng và tôm he khô. Chất liệu chính cho phở không chỉ có bò mà còn có gà, thậm chí cả thịt ngựa. Cụ Nguyễn Tuân đã viết: “Có thể có nhiều thứ thịt loài bốn chân, loài ở nước, loài bay trên trời, nó ngon hơn thịt bò, nhưng đã phở thì phải là bò”. Và cụ cảnh báo: “Có phải là vì muốn chống công thức mà người ta đã làm phở vịt, phở xá xíu, phở chuột? Cứ cái đà tìm tòi ấy, thì rồi sẽ có những hàng phở ốc, phở ếch, phở dê, chó, khỉ, ngựa, tôm, cá chép, bồ câu, tắc kè... nghĩa là loạn”.

Không đến mức “loạn” như lo lắng của cụ Nguyễn Tuân nhưng với món phở nay người ta đang quá dễ dãi. Dễ dãi để mở một hàng phở, dễ dãi khi chế biến một bát phở, còn người ăn cũng dễ dãi, tặc lưỡi dùng vậy! Chỉ cần có thịt bò, thịt gà, nồi nước ninh vài khúc xương “cho có”, tống đại mì chính vào, thế là làm được bát phở mang danh Hà Nội. Ai kĩ tính, khi vào quán phở gọi món và yêu cầu không cho mì chính, khi đó sẽ biết chất lượng nước dùng.

Phở dần không theo truyền thống xưa, chẳng có cách gọi nào khác là đang… thất truyền!

Đinh Hoàng

Bài mục Suy ngẫm, Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 12 năm 2021

Bài thi của sinh viên có phải là tài sản của nhà trường?

 

 Ứng xử với “bài thi” có thể tăng giá trị

Hồi nhỏ, khi còn học phổ thông tôi và một số người bạn có sở thích lưu lại bài kiểm tra do thầy cô giáo chấm đạt điểm giỏi vì coi đó như một thành tích cá nhân cần lưu lại kỉ niệm đẹp. Có những bạn đạt điểm xuất sắc được thầy cô mời đọc cho cả lớp học tập, sau đó học sinh cũng được nhận lại.

Tôi chưa thấy trường nào mình từng học mà nhà trường giữ lại bài kiểm tra của học sinh. Riêng bài thi tốt nghiệp có lẽ sau khi chấm đánh giá kết quả, lưu trữ một thời gian nhất định thì nhà trường cũng sẽ hủy.

Hiện có câu chuyện nhà trường giữ lại bài thi tốt nghiệp của sinh viên đại học mĩ thuật khiến dư luận quan tâm. Đó là chuyện một số sinh viên của một trường đại học mĩ thuật danh tiếng ra trường đã nhiều năm, nay tình cờ thấy “bài thi” của mình trôi nổi ngoài thị trường! Đó là những bức tranh dự thi tốt nghiệp do nhà trường giữ lại, không trả cho sinh viên và được lưu trữ. Được biết, việc giữ lại và lưu trữ một tỉ lệ nhất định là việc được nhà trường thực hiện từ lâu.

Mỗi trường đại học hằng năm có hàng nghìn sinh viên ra trường, nếu tất cả bài thi đều được lưu trữ thì chẳng trường nào có đủ kho tàng để chứa. Với bài thi là tác phẩm hội họa thì lại càng khó khăn hơn vì kích cỡ không nhỏ cùng yêu cầu bảo quản phức tạp, dễ hư hỏng. Nếu nhà trường giữ bài thi lại rồi lại mang đi tiêu hủy thì vừa tốn kém lại vừa lãng phí, vì dù sao đó cũng là những tác phẩm, sản phẩm trí tuệ của nhiều cá nhân. Việc “bài thi” nghệ thuật phát hiện trôi nổi ngoài thị trường không tránh khỏi nghi ngờ nó đã bị “thất thoát” bằng một cách nào đó.

Họa sĩ Hà Huy Mười mua lại bài tập thời sinh viên từ một gallery  

Không như các chuyên ngành khác, bài thi tác phẩm hội họa là một sản phẩm nghệ thuật có thể tăng thêm giá trị theo thời gian. Rất nhiều câu chuyện về tác phẩm hội họa có giá trị nhưng không phải ban đầu nó đã được thừa nhận. Điển hình như câu chuyện của họa sĩ Vincent van Gogh (qua đời năm 1890 khi mới 37 tuổi). Sinh thời, ông là nghệ sĩ tài năng song không được ghi nhận và hiếm khi ông bán được tranh. Ông sống trong nghèo khổ và mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, sau khi qua đời nhiều năm, tranh của ông liên tục tăng giá và đã đạt tới hàng triệu đô la mỗi bức. Kỉ lục có bức Chân dung bác sĩ Gachet được bán vào năm 1990 với giá 82,5 triệu USD.

Chân dung Bác sĩ Gachet của họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh

Giả sử một số trong hàng vạn sinh viên của trường đại học mĩ thuật trên trở thành tài năng nổi trội, khi đó liệu tác phẩm dự thi tốt nghiệp của họ có tăng giá trị? Thật tiếc và lãng phí nếu tác phẩm của họ đã bị tiêu hủy! Nhưng thật đáng trách nếu những tác phẩm đó đã bị tuồn ra ngoài.

Nếu tác phẩm của họ bỗng xuất hiện ngoài thị trường và giá trị tăng cao thì khi đó danh tiếng của nhà trường có tăng lên?

Có lẽ đã đến lúc các trường đào tạo mĩ thuật, nghệ thuật cần coi trọng và trả lại các bài thi cho sinh viên đồng thời ứng xử đó như một tác phẩm hoàn chỉnh của cá nhân./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 12 năm 2021

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Không ươm mầm xấu

 

 Nguy hại khi con tim “xung kích”

Không ít người dùng Facebook từng chứng kiến việc một ai đó đưa lên trang trạng thái màu đen cùng tin buồn của gia đình vì mất người thân. Phần biểu tượng cảm xúc có nhiều dạng song vẫn xuất hiện nhiều người bạn thả hình bàn tay like (thích) thậm chí share (chia sẻ). Không hiểu họ thích điều gì trước tin buồn và chia sẻ cho ai, làm gì?

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, hằng ngày mỗi người được tiếp cận cả rừng thông tin hỗn tạp, tốt xấu khó lường. Những thông tin nhạy cảm thường nhanh chóng tiếp cận tới cảm xúc mà ta hay gọi là trái tim người đọc. Đúng là mỗi người sống trên đời cần có một trái tim nóng, không thể vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Tuy nhiên, chúng ta còn có bộ óc lí trí để định hướng cho trái tim. Nếu cứ để con tim “xung kích” vào bất kì chỗ nào, tiếp cận bất kì ai thì sớm muộn nó cũng bị tổn thương, nhẹ hoặc nặng.

Vụ cô gái trộm đồ tại một cửa hàng thời trang tại Thanh Hóa đang gây phẫn nộ dư luận, nhiều người quan tâm, bức xúc bởi lối hành xử vô pháp, tàn độc của vợ chồng chủ shop. Ai mà không đau xót, thương cảm cho một cô gái trẻ bị hành hạ nhẫn tâm như thế. Tuy nhiên, nhiều người như bỗng quên đi rằng hành vi của nạn nhân cũng rất cần lên án.

Nạn nhân cũng là tội đồ

Có một số báo điện tử, trang mạng lại đi sâu, miêu tả hoàn cảnh nghèo khó của gia đình cô gái này để làm nổi bật sự đáng thương, như thể vì hoàn cảnh mới nên nỗi!? Cư dân mạng với hàng nghìn “trái tim nóng” được thể cũng ào ào share, like, bình luận phụ họa. Đám đông như bão trên mạng khiến không ít người quên mất cô gái dù là nạn nhân nhưng cũng là tội đồ. Và, bỗng dưng cô gái trên như trở thành một tấm gương!? Tâm lí đám đông từ môi trường mạng chảy ào ra đời thực. Một Youtuber khá nổi tiếng trên mạng đã đăng tải video việc đến tận nhà thăm và tặng gia đình nữ sinh này 40 triệu đồng!!!

Với lí do không có tiền mua váy nên ăn trộm. Váy áo là món đồ để các cô gái, thiếu nữ chưng diện, làm đẹp. Nhà nghèo mà lại muốn có thứ đó liệu có phải là thói đua đòi? Nghèo mà vào thư viện trộm cuốn sách để đọc cũng là điều không nên huống chi trộm cắp đồ thời trang?

Nếu những người viết báo và cư dân mạng cứ để trái tim mình “xung kích” trong khi bộ óc lại “ẩn danh” thì thật nguy hại. Nguy hại cho những lòng thương bị đặt nhầm chỗ. Nguy hại cho cả những kẻ mang tật xấu vì họ đâu thấy được tội lỗi của mình để mà sửa chữa?

Và biết đâu, từ một “hạt xấu”, cộng đồng lại ươm nó thành một “mầm ác” cho tương lai!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 12 năm 2021

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Chuyện lạ hay vụ lợi?

 

5 điều Bác dặn và 1.000 câu hỏi cho các em

Năm 1961 trong một bức thư Bác Hồ gửi thiếu niên nhi đồng, Người có những lời lời dặn ngắn gọn, giản dị trong 5 điều. Sau này được Bác chỉnh lại với 30 chữ: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Chữ “Khiêm tốn” được Bác bổ sung thêm.

Từ đó, 5 điều Bác dặn được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam. Theo lời Người, thiếu niên, nhi đồng các thế hệ suốt 60 năm qua đã hăng hái tham gia nhiều phong trào thi đua, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước. Ngày nay, 5 điều Bác dặn thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để các em ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo.

“Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, đó cũng là mong mỏi cao nhất của Bác với lứa tuổi nhi đồng.

Thật bất ngờ khi vừa qua ngành giáo dục một vài địa phương đã đưa các em thiếu niên, nhi đồng vào tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”!

Đó là chuyện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cùng có công văn gửi các nhà trường về việc “Triển khai, trang bị tài liệu Hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường”. Đồng thời ngành đã chỉ đạo các trường nên trang bị cho học sinh từ lớp 2 trở lên cuốn sách tài liệu trên (dày 276 trang do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản có giá bán 85.000 đồng/cuốn). Sách là sản phẩm của Công ty Cổ phần Môi trường và Thiết bị Giáo dục Việt Nam.

Với học sinh lớp 2 và hệ tiểu học theo chương trình quy định chỉ yêu cầu “bảo đảm có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kĩ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán”, nay được trang bị cuốn sách gần 300 trang mà đến người lớn đọc, thấm nhuần đã khó thì các em sẽ đọc, học và làm theo thế nào?

Cuốn tài liệu với hơn 1.000 câu hỏi liên quan đến 3 vấn đề: Lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay; Nội dung và giá trị tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh; Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam và Hồ Chí Minh với biển, đảo Việt Nam.


Phải chăng ngành giáo dục các địa phương trên muốn đưa trẻ em vào hoạt động chính trị xã hội cùng với yêu cầu của viên chức, công chức, cán bộ, đảng viên?

Nếu không phải lí do trên thì chỉ có mục đích khác, đó là bán sách cho học sinh, sinh viên! Với hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước, đây sẽ là một “mỏ vàng”!

Dù doanh nghiệp bán sách đã có văn bản gửi tới các đơn vị, địa phương thông báo xin thu hồi công văn giới thiệu và dừng phát hành cuốn tài liệu trên sau khi có dư luận báo chí. Tuy nhiên, rất mong những người có trách nhiệm trong chuyện này hãy trả với chỉ 1 câu hỏi (chứ không phải 1.000 câu cho trẻ), là: Vì sao lại thế!?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 8 tháng 12 năm 2021