Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Niềm tự hào bị tổn thương

 

Chủ quyền không gian mạng

Khi người ta phát minh ra World Wide Web (WWW) vào năm 1991, có thể coi đó là thời điểm ra đời “không gian mạng”.

Cũng từ đó, các quốc gia tham gia kết nối Internet đương nhiên có chủ quyền trên mạng toàn cầu này. Tương tự như thời kì con người mở mang bờ cõi, thám hiểm những vùng đất mới và xác lập chủ quyền quốc gia bằng luật pháp riêng, không gian mạng cũng cần được xác lập chủ quyền bằng pháp luật và công nghệ phù hợp.

Trong kỉ nguyên công nghệ 4.0, tốc độ của thực tiễn cuộc sống luôn bỏ xa “cỗ máy” luật pháp vốn cồng kềnh và nặng sức ì. Dù vậy nó vẫn là cơ sở, nền tảng để định hướng và kìm hãm “bản năng hoang dã” của công nghệ, bởi các quốc gia trên thế giới đều có chung mục tiêu quản lí, bảo đảm quyền lợi chính đáng.

Sự kiện bản quốc ca Việt Nam trong chương trình tường thuật trực tiếp giải AFF cup 2020 giữa 2 đội tuyền Việt Nam và Lào bị tắt tiếng giữa chừng không khác nào chủ quyền quốc gia bị vi phạm. Vụ việc gây tổn thương nghiêm trọng, đánh vào lòng tự tôn, tự hào dân tộc với những người theo dõi giải đấu trên kênh YouTube.


Quốc ca bị tắt tiếng - nỗi nhục đến vì bọn chỉ biết có tiền

Ngay sau sự cố trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định trước báo chí: Pháp luật của Việt Nam nghiêm cấm bất kì tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kì hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc ca của Việt Nam một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Được biết Next Sport - kênh YouTube trực thuộc đơn vị phát hành Next Media đã thực hiện việc làm trên cùng thông báo: “Vì lí do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ”. Next Media là kênh tổng hợp tin tức thể thao Việt Nam và quốc tế đã có hơn 600 triệu người theo dõi. Tại sao một hãng truyền thông với lượng người theo dõi như vậy mà lại không chắc chắn nội dung chính họ thực hiện trên môi trường mạng? Vậy các nội dung khác hãng này đã và đang thực hiện liệu có đáng tin? Phải chăng họ cũng như một công ty buôn lậu xuyên quốc gia, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, có thể bị phạt bất kì lúc nào!?

Sự non kém về pháp luật bản quyền cùng tư duy chỉ biết lợi riêng, bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc dẫn tới hành động của đơn vị truyền thông trên. Dư luận mong chờ việc xử lí nghiêm khắc của cơ quan quản lí với hành vi đáng hổ thẹn của Next Sport.

Cũng nhân việc này, Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp để quản lí hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, khi Luật An ninh mạng chưa thể bao quát hết mọi lĩnh vực. Sự việc từng có hãng truyền thông phát quốc ca khi sử dụng bản phối có bản quyền của bên thứ ba đã bị phạt, trong khi Quốc ca Việt Nam hoàn toàn miễn phí toàn dân là vấn đề không nhỏ. Vậy “bên thứ ba” khi khai thác quốc ca làm bản phối đã xin phép Nhà nước và được pháp luật Việt Nam cho phép hay chưa? Nếu có việc xin phép thì không thể xảy ra hạn chế tiếp cận hoặc sử dụng vì mục tiêu thương mại.

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng quan trọng như chủ quyền vật chất, địa lí, nhất là khi cả thế giới đã bước vào kỉ nguyên số./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 12 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét