Nông dân chăn nuôi đang nuôi ai? Câu hỏi quá đỗi đơn giản bởi ai cũng biết nông dân chủ yếu đang nuôi gia súc, gia cầm và thủy, hải sản. Đó cũng là kế mưu sinh để nuôi chính họ và gia đình. Thế nhưng thực tế cho thấy, không ít người chăn nuôi đang nuôi… những người khác. Với những nông dân nuôi lợn, mấy tháng qua giá thịt liên tục giảm sâu, nhiều thời điểm xuống mức dưới giá thành nên càng nuôi nhiều càng lỗ lớn. Như vậy, dù là nghề cực nhọc, vất vả song họ đang không nuôi nổi chính mình. Theo một số khảo sát, tại phía Nam có thời điểm giá lợn hơi bán tại trại giảm chỉ còn 41.000 - 44.000 đồng/kg. Còn tại phía Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn một số tỉnh như Bắc Giang, Hà Nam… lúc thấp nhất xuống còn 32.000 - 36.000 đồng/kg. Gần đây giá đã nhích lên nhưng cũng chỉ đạt mức 46.000 - 50.000 đồng/kg. Những chủ nuôi trụ được sau thời gian giảm sàn thì nay cũng chỉ là đang gắng bù vào số lỗ mấy tháng trước. Ai đã đóng chuồng nếu nay tái đàn thì chưa biết sau Tết Nguyên đán giá còn giữ được hay lại tụt xuống? Cuộc mưu sinh bằng chăn nuôi đang tiềm ẩn may rủi như thể “đánh bạc”! Có vẻ người chăn nuôi đang không nuôi nổi mình và mọi nỗ lực của họ dường như để nuôi... những người khác! Vậy “người khác” có những ai?
Một “người bạn đồng hành” không thể thiếu của nông dân chăn nuôi là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Tuy nhiên, hình như họ không phải là những “bạn tốt” bởi thời gian qua giá thịt và giá thức ăn chăn nuôi đang đi theo hai hướng trái ngược. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 40% trong khi nó chiếm 80 - 85% giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo tính toán của người chăn nuôi, với giá thức ăn chăn nuôi và mọi chi phí đầu vào tăng cao, giá thịt khi ở mức thấp như kể trên, họ phải bán dưới giá thành sản xuất từ 20-30 nghìn đồng/kg. Khi đó, người chăn nuôi chịu lỗ hàng triệu đồng trên mỗi con lợn bán ra. Nếu giữ được mức giá 46.000-50.000 đồng/kg như hiện tại thì người chăn nuôi mới bắt đầu có lãi. Người bạn nữa không thể thiếu với nông dân, đó là các thương lái, người đảm nhiệm khâu trung gian và tiểu thương, siêu thị bán hàng sau cùng. Với lực lượng thương lái, chưa bao giờ thấy họ phàn nàn về giá lợn cao hay thấp. Thời gian giá lợn hơi giảm xuống đáy, bà bán thịt ngoài chợ cũng không thể bán theo “giá trên ti vi” khi khách hàng thắc mắc, đó là lúc giới thương lái “ăn” đậm nhất! Rõ ràng chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi đang có quá nhiều bất cập. Sự bất cập diễn ra triền miên nhiều năm nhưng nay vẫn chưa thấy tia sáng. Các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng mạnh ai nấy làm, chỉ lo cho lợi nhuận riêng. Quản lí, điều hành chuỗi cung ứng là việc của nhà quản lí. Cung cấp thông tin, định hướng sản xuất cho nông dân cũng là trách nhiệm của nhà quản lí. Tiền thuế của người chăn nuôi cũng góp một phần trong đồng lương của người quản lí. Thế nhưng, người nông dân chăn nuôi như đang bị bỏ rơi!/. Đinh Hoàng Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 12 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét