Nguy hại khi con tim “xung kích” Không ít người dùng Facebook từng chứng kiến việc một ai đó đưa lên trang trạng thái màu đen cùng tin buồn của gia đình vì mất người thân. Phần biểu tượng cảm xúc có nhiều dạng song vẫn xuất hiện nhiều người bạn thả hình bàn tay like (thích) thậm chí share (chia sẻ). Không hiểu họ thích điều gì trước tin buồn và chia sẻ cho ai, làm gì? Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, hằng ngày mỗi người được tiếp cận cả rừng thông tin hỗn tạp, tốt xấu khó lường. Những thông tin nhạy cảm thường nhanh chóng tiếp cận tới cảm xúc mà ta hay gọi là trái tim người đọc. Đúng là mỗi người sống trên đời cần có một trái tim nóng, không thể vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Tuy nhiên, chúng ta còn có bộ óc lí trí để định hướng cho trái tim. Nếu cứ để con tim “xung kích” vào bất kì chỗ nào, tiếp cận bất kì ai thì sớm muộn nó cũng bị tổn thương, nhẹ hoặc nặng. Vụ cô gái trộm đồ tại một cửa hàng thời trang tại Thanh Hóa đang gây phẫn nộ dư luận, nhiều người quan tâm, bức xúc bởi lối hành xử vô pháp, tàn độc của vợ chồng chủ shop. Ai mà không đau xót, thương cảm cho một cô gái trẻ bị hành hạ nhẫn tâm như thế. Tuy nhiên, nhiều người như bỗng quên đi rằng hành vi của nạn nhân cũng rất cần lên án. Nạn nhân cũng là tội đồ Có một số báo điện tử, trang mạng lại đi sâu, miêu tả hoàn cảnh nghèo khó của gia đình cô gái này để làm nổi bật sự đáng thương, như thể vì hoàn cảnh mới nên nỗi!? Cư dân mạng với hàng nghìn “trái tim nóng” được thể cũng ào ào share, like, bình luận phụ họa. Đám đông như bão trên mạng khiến không ít người quên mất cô gái dù là nạn nhân nhưng cũng là tội đồ. Và, bỗng dưng cô gái trên như trở thành một tấm gương!? Tâm lí đám đông từ môi trường mạng chảy ào ra đời thực. Một Youtuber khá nổi tiếng trên mạng đã đăng tải video việc đến tận nhà thăm và tặng gia đình nữ sinh này 40 triệu đồng!!! Với lí do không có tiền mua váy nên ăn trộm. Váy áo là món đồ để các cô gái, thiếu nữ chưng diện, làm đẹp. Nhà nghèo mà lại muốn có thứ đó liệu có phải là thói đua đòi? Nghèo mà vào thư viện trộm cuốn sách để đọc cũng là điều không nên huống chi trộm cắp đồ thời trang? Nếu những người viết báo và cư dân mạng cứ để trái tim mình “xung kích” trong khi bộ óc lại “ẩn danh” thì thật nguy hại. Nguy hại cho những lòng thương bị đặt nhầm chỗ. Nguy hại cho cả những kẻ mang tật xấu vì họ đâu thấy được tội lỗi của mình để mà sửa chữa? Và biết đâu, từ một “hạt xấu”, cộng đồng lại ươm nó thành một “mầm ác” cho tương lai!/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 12 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét