“Đa cấp” trái phiếu Mô hình đa cấp biến tướng vẫn đang là thực trạng gây bức xúc xã hội và tạo nhiều hệ lụy xấu. Do mô hình này ngày một biến hóa tinh vi, lợi dụng công nghệ mới trên môi trường mạng nên rất khó khăn cho các cơ quan quản lí. Với lãi suất cao ngất ngưởng cùng những “chuyên gia” tư vấn lọc lõi mánh khóe nên vẫn có nhiều người sa vào bẫy để mất tiền. Nhiều người nhận biết được mô hình đa cấp nên đã chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác như ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp đang là kênh hấp dẫn nhất vì mức lãi suất luôn cao hơn gửi tiết kiệm hay đầu tư bất động sản, chứng khoán… cần có hiểu biết, kinh nghiệm đầu tư. Với mô hình đa cấp, do không có sản xuất, kinh doanh gì tạo ra lợi nhuận để trả cho nhà đầu tư nên chỉ có cách duy nhất là lấy tiền người đầu tư sau trả cho người đầu tư trước. Đến một ngưỡng nhất định với số tiền đủ lớn, nó được “đánh sập” và chủ doanh nghiệp biến mất. CEO doanh nghiệp đó không biến mất, chỉ “tàng hình” và lại xuất hiện với một cái tên doanh nghiệp đa cấp mới. Quy trình huy động vốn được lặp lại và… lặp lại.
Thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. Từng có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc do dịch bệnh sản xuất khó khăn, đình đốn dù không có lợi nhuận vẫn mạnh bạo phát hành trái phiếu lợi suất cao nhằm cạnh tranh, thu hút vốn. Vậy khi đến kì hạn thanh toán cho nhà đầu tư họ lấy đâu ra tiền? Không còn cách nào khác, doanh nghiệp phát hành dạng này phải tiếp tục phát hành trái phiếu để lấy tiền cho thanh khoản. Lúc này, lợi nhuận của các nhà đầu tư trước được thanh toán bằng tiền của nhà đầu tư mới. Phương thức này mang bong dáng của mô hình đa cấp biến tướng kể trên. Nhận thấy “sức nóng” và nguy cơ “bong bóng” trái phiếu doanh nghiệp, vừa qua Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư. Dù chậm song hi vọng động thái trên của Bộ Tài chính sẽ ngăn chặn được việc doanh nghiệp mang bóng dáng “đa cấp trái phiếu” không thể tiếp tục “bơm” cho “trái bóng” căng thêm và phát nổ./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 12 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét