Nét làng nơi phố thị Hồi những năm 80 thế kỉ trước, trong một chuyến công tác về Hà Nội tôi có ghé thăm nhà riêng người bạn làm báo. Nhà người bạn ở con phố Cao Bá Quát, tôi đến đúng số nhà song bấm chuông hoài không thấy ai ra mở cửa. Bỗng thấy một bà chừng 50 tuổi ở số nhà bên cạnh mở cổng bước ra. Gật đầu chào tôi rồi bà nhẹ nhàng hỏi: “Chú là khách của chú Tuấn phải không? Chắc phải tầm hơn 11 giờ trưa chú ấy mới ở cơ quan về. Hiện nhà đi vắng cả, mời chú sang nhà tôi ngồi uống nước đợi chú ấy về”. Tuy là khách bất đắc dĩ song tôi được bà tiếp đón như thể khách đến nhà mình. Bà cẩn thận tráng ấm chén, pha trà mời khách. Ngồi tiếp tôi uống hết li trà vừa hỏi thăm về tôi, sau đó bà lấy mấy cuốn họa báo, sách để tôi đọc và dặn: “Chú ngồi đọc báo ráng đợi, tôi xin phép vì đang bận mấy việc vặt trong nhà”.
Sau này tôi còn đến nhà anh bạn nhiều lần. Tuy thi thoảng mới gặp bà bên ngoài nhưng lần nào bà cũng nhẹ nhàng chào tôi trước và vẫn nhớ tên khiến tôi có cảm giác như gặp lại người bác hàng xóm thân thiết nơi quê nhà. Anh bạn tôi cho biết đa số người dân ở dãy phố này cư trú tại Hà Nội đã mấy đời, có nếp sống đẹp, thanh nhã của người Tràng An xưa. Sống tại Hà Nội mấy chục năm tôi nhận thấy tại khác khu phố cũ, người Hà Nội đến nay vẫn giữ được nét văn hóa riêng. Trong phạm vi giao tiếp, nét thanh lịch được biểu hiện ở sự nhẹ nhàng, hoạt bát, thanh nhã trong lời ăn tiếng nói, sự lịch lãm, lịch thiệp trong ứng xử, sự nền nã, tự trọng và tự tôn, cách dụng ngôn tinh tế, khoáng đạt song chuẩn mực… Có thể thấy, văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa là một phần quan trọng của nền tảng văn hóa tinh thần trong tiến trình phát triển của một mảnh đất văn hiến nghìn năm tuổi.Sự phát triển đô thị bùng nổ nhiều năm qua khiến những nét đẹp xưa rất khó và không kịp thẩm thấu tới những khu vực dân cư mới của Hà Nội. Trong khi đó mặt xấu, cái tiêu cực trong nếp sống phố thị lại rất nhanh tiêm nhiễm vào giới trẻ. Mối quan hệ cộng đồng không giữ được sự gắn kết, tình cảm, thậm chí “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Nhiều ngõ phố dù khang trang sạch đẹp song cư dân như những người xa lạ dù hằng ngày vẫn nhìn thấy mặt nhau. Phong cách sống của người Tràng An đã mang lại cho người ta cảm giác ấm áp của tình cảm làng quê xưa nơi phố phường, hay nói đúng ra vẫn còn những nét “làng trong phố”. Thật buồn, hiện nay tại nhiều làng quê dù đời sống có khá giả, sung túc hơn xưa nhưng lại đang mang đến cảm giác “phố trong làng” với những xô bồ, nhộn nhạo của phố chợ./. Đinh Hoàng Bài bình mục suy ngẫm, Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 12 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét