Muốn đào tạo hay muốn có tiến sĩ? Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 (gọi tắt là Đề án 89) bắt đầu được triển khai từ năm 2021. Dự thảo hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89 do của Bộ Tài chính soạn thảo đang được dư luận quan tâm và tranh luận. Với mức học phí tối đa được cấp cho giảng viên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài là 25.000 USD/năm và mức chi sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng (tổng cộng chi mỗi năm gần 1 tỉ đồng/người), đây quả là số tiền không nhỏ với mỗi du học viên. Đã có 2.500 giảng viên đăng kí học theo đề án này.
Đề án này nhắc mọi người nhớ tới hai Đề án 322 (Quyết định số 322QĐ-TTg) và Đề án 911 (Quyết định số 911/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ. Theo Đề án 322 “Đào tạo cán bộ khoa học, kĩ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”, kế hoạch ban đầu thực hiện trong 5 năm (2000 - 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỉ đồng. Kết thúc đề án, số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học, cũng đồng nghĩa kết quả chỉ đạt 50% và chưa có số liệu đánh giá về hiệu quả sử dụng 50% số tiến sĩ tốt nghiệp ra sao. Vậy việc thực hiện các đề án trước đây khi tổng kết đánh giá đã chỉ rõ mặt được là gì và hạn chế bất cập thế nào, đã có giải pháp gì khắc phục hạn chế, bất cập? Nếu không, rất dễ Đề án 89 lại theo “vết xe” của các đề án trước ít hiệu quả, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Ngân sách bao cấp cho đào tạo cán bộ những năm qua vẫn mang bóng dáng “xin - cho” và chưa có cơ chế ràng buộc. Cơ chế này bộc lộ dễ xảy ra tiêu cực, trục lợi và khó bảo đảm chất lượng bởi đi học dạng cử tuyển chứ không phải thi tuyển cạnh tranh. Nhiều địa phương từng cử cán bộ đi học nước ngoài, khi về lại không phục vụ nơi bỏ kinh phí cử đi học, hoặc có người không trở về đất nước, lúc đó địa phương lại vất vả đi đòi lại ngân sách. Câu chuyện “thả gà ra đuổi” trong cử cán bộ đi du học đã từng xảy ra ở một số địa phương là một bài học chưa cũ. Với hàng chục nghìn tiến sĩ hiện có trong nước, nguồn lực đất nước không thiếu những người tài. Vậy tại sao nhà nước không dùng nguồn tài chính cho đào tạo nước ngoài tiềm ẩn rủi ro, thất thoát để tuyển dụng và ưu đãi sử dụng ngay số tiến sĩ hiện có trong nước? Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 4 tháng 12 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét