Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

Bài thi của sinh viên có phải là tài sản của nhà trường?

 

 Ứng xử với “bài thi” có thể tăng giá trị

Hồi nhỏ, khi còn học phổ thông tôi và một số người bạn có sở thích lưu lại bài kiểm tra do thầy cô giáo chấm đạt điểm giỏi vì coi đó như một thành tích cá nhân cần lưu lại kỉ niệm đẹp. Có những bạn đạt điểm xuất sắc được thầy cô mời đọc cho cả lớp học tập, sau đó học sinh cũng được nhận lại.

Tôi chưa thấy trường nào mình từng học mà nhà trường giữ lại bài kiểm tra của học sinh. Riêng bài thi tốt nghiệp có lẽ sau khi chấm đánh giá kết quả, lưu trữ một thời gian nhất định thì nhà trường cũng sẽ hủy.

Hiện có câu chuyện nhà trường giữ lại bài thi tốt nghiệp của sinh viên đại học mĩ thuật khiến dư luận quan tâm. Đó là chuyện một số sinh viên của một trường đại học mĩ thuật danh tiếng ra trường đã nhiều năm, nay tình cờ thấy “bài thi” của mình trôi nổi ngoài thị trường! Đó là những bức tranh dự thi tốt nghiệp do nhà trường giữ lại, không trả cho sinh viên và được lưu trữ. Được biết, việc giữ lại và lưu trữ một tỉ lệ nhất định là việc được nhà trường thực hiện từ lâu.

Mỗi trường đại học hằng năm có hàng nghìn sinh viên ra trường, nếu tất cả bài thi đều được lưu trữ thì chẳng trường nào có đủ kho tàng để chứa. Với bài thi là tác phẩm hội họa thì lại càng khó khăn hơn vì kích cỡ không nhỏ cùng yêu cầu bảo quản phức tạp, dễ hư hỏng. Nếu nhà trường giữ bài thi lại rồi lại mang đi tiêu hủy thì vừa tốn kém lại vừa lãng phí, vì dù sao đó cũng là những tác phẩm, sản phẩm trí tuệ của nhiều cá nhân. Việc “bài thi” nghệ thuật phát hiện trôi nổi ngoài thị trường không tránh khỏi nghi ngờ nó đã bị “thất thoát” bằng một cách nào đó.

Họa sĩ Hà Huy Mười mua lại bài tập thời sinh viên từ một gallery  

Không như các chuyên ngành khác, bài thi tác phẩm hội họa là một sản phẩm nghệ thuật có thể tăng thêm giá trị theo thời gian. Rất nhiều câu chuyện về tác phẩm hội họa có giá trị nhưng không phải ban đầu nó đã được thừa nhận. Điển hình như câu chuyện của họa sĩ Vincent van Gogh (qua đời năm 1890 khi mới 37 tuổi). Sinh thời, ông là nghệ sĩ tài năng song không được ghi nhận và hiếm khi ông bán được tranh. Ông sống trong nghèo khổ và mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, sau khi qua đời nhiều năm, tranh của ông liên tục tăng giá và đã đạt tới hàng triệu đô la mỗi bức. Kỉ lục có bức Chân dung bác sĩ Gachet được bán vào năm 1990 với giá 82,5 triệu USD.

Chân dung Bác sĩ Gachet của họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh

Giả sử một số trong hàng vạn sinh viên của trường đại học mĩ thuật trên trở thành tài năng nổi trội, khi đó liệu tác phẩm dự thi tốt nghiệp của họ có tăng giá trị? Thật tiếc và lãng phí nếu tác phẩm của họ đã bị tiêu hủy! Nhưng thật đáng trách nếu những tác phẩm đó đã bị tuồn ra ngoài.

Nếu tác phẩm của họ bỗng xuất hiện ngoài thị trường và giá trị tăng cao thì khi đó danh tiếng của nhà trường có tăng lên?

Có lẽ đã đến lúc các trường đào tạo mĩ thuật, nghệ thuật cần coi trọng và trả lại các bài thi cho sinh viên đồng thời ứng xử đó như một tác phẩm hoàn chỉnh của cá nhân./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 12 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét