Giá của danh dự, nhân phẩm Nhân phẩm con người là vô giá, chẳng tiền bạc nào mua được.
Mất đi nhân phẩm cũng chẳng thể dùng tiền của để ngày một ngày hai chuộc lại.
Chính vì thế cha ông ta từ cổ xưa đã dặn “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”,
làm người ai nấy phải xây đắp, giữ gìn nhân cách, bảo vệ danh dự. Vậy khi ta không bán danh, không tự đánh mất nhân phẩm nhưng
lại bị kẻ khác bôi nhọ danh dự, vấy bẩn nhân phẩm thì có thể lấy lại, đòi bồi
thường bằng cách nào và cái giá bao cho đủ? Ngày 26/7, trên nhiều trang mạng xã hội đã lan truyền thông
tin một số nam giới bị lây nhiễm HIV từ một nữ nhân viên Công ty TNHH Samsung
Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Cùng với thông tin này, một video ghi lại
hình ảnh nhạy cảm được cho là của nữ nhân viên bị chia sẻ, phát tán trên mạng
xã hội. Sau khi điều tra vụ việc, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xác định đây là
thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ
quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Công ty Samsung (ở TP Phổ
Yên, tỉnh Thái Nguyên) cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh khẳng định trường
hợp nữ công nhân được đồn đoán trong các thông tin đăng tải trên mạng xã hội
đó không phải là nhân viên của công ty. Danh sách những người bị lây nhiễm
HIV cũng không phải là nhân viên và không liên quan đến Công ty Samsung. Nữ nhân viên Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam bị bôi nhọ danh dự Vậy là chỉ với một thông tin bịa đặt, vu khống đã có hàng chục
nạn nhân bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, phía sau họ còn là gia đình, họ hàng,
bạn bè cùng những tổn thất về tinh thần, cuộc sống đảo lộn. Còn với Công ty
Sam sung, một doanh nghiệp tầm cỡ thế giới đã bị bôi nhọ, chắc chắn uy tín,
thương hiệu cũng sẽ ảnh hưởng và thiệt hại về vật chất, tiền của. Các đối tượng vi phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, quy
định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự tại vụ việc cô gái nói trên đã bị khởi tố
và sẽ phải nhận hình phạt xứng đáng trước pháp luật. Tuy nhiên một đối tượng
nữ đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến vụ việc này lại chỉ bị xử
phạt vi phạm hành chính với mức 7,5 triệu đồng. Mức phạt này từng được áp
dụng với nhiều trường hợp vi phạm có hình thức tương tự trong thời gian qua
tại các địa phương. Đây là quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị
định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện,
công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Còn tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị
định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về tội vu khống, bôi nhọ danh
dự người khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Xem ra quy định xử phạt chưa thể bao quát hết về mức độ, tính
chất và hành vi vi phạm nên mức phạt còn quá “nhẹ tay” với một vi phạm để lại
hậu quả nặng nề. Phải chăng chỉ cần bỏ ra mấy triệu đồng là người ta có thể dễ
dàng làm tổn hại nhân phẩm một con người, hủy họai thanh danh một tổ chức,
một doanh nghiệp?/. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 29/8/2024 |