Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

 Giá điện… ô-van!


Thời gian dài trước đây hễ xăng dầu, than tăng giá là y như rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại nhấp nhổm đòi tăng giá với lí do đầu vào sản xuất tăng. Nay giá xăng dầu giảm đã mấy tháng, xuống gần 70% song có vẻ giá điện đang “án binh bất động”. Cách đây chưa lâu khi hàng loạt hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, khiến dư luận bức xúc, EVN đã phải trình 3 phương án bậc thang giá để chuyên gia, người dân tham khảo, lựa chọn. Tuy nhiên cái “thang” ấy chiều cao không đổi, tức giá điện cao nhất vẫn là 2.587đồng/kW. Vậy là các đối tượng dùng điện phải tự thỏa thuận với nhau xem theo phương án nào có lợi.
Cái “thang” giá điện có gì bí mật, phải chăng đó là bí quyết kinh doanh của EVN? Chưa trông đợi việc giảm giá song ta hãy xem cái “thang” giá điện hiện nay đã hợp lí hay chưa?
Hãy hình dung chiếc thang tre để xem EVN đã vận dụng "đóng" giá điện bậc thang ra sao: Thông thường chiếc thang được đóng theo nguyên tắc bậc ở chân thang rộng, càng lên cao càng thu hẹp lại để bảo đảm an toàn chịu lực. Nhưng EVN đã thiết kế “thang” giá điện theo nguyên tắc khác biệt, chỉ thu lợi cho người “bán thang” chứ không phải vì người “leo thang”. Xem khoảng cách giữa các bậc thang của EVN đã “đóng”: Bậc 1: 1.484 đồng/kW; bậc 2: 1.533 đồng/kW; bậc 3: 1.786 đồng/kW; bậc 4: 2.242 đồng/kW; bậc 5: 2.503 đồng/kW; bậc 6: 2.587 đồng/kW. Tương ứng độ rộng các bậc thang lần lượt là: 49 đồng; 253 đồng; 456 đồng; 261 đồng và 84 đồng. (Lúc này bậc 6 cao hơn bậc khởi đầu là 1.103 đồng, tương đương tăng 74%).
Sơ đồ “thang” giá này cho thấy khoảng từ bậc 2 đến 5 có độ rộng “khủng” nhất. Lẽ ra theo nguyên tắc “thang tre” khi bậc đầu độ rộng là 49 đồng thì các bậc trên phải ngắn dần (chẳng hạn là 47; 45; 43; 41 đồng…). Nhưng EVN đã không theo nguyên tắc đó, bảng giá của họ thực ra là giá điện… ô-van, phình rất to ở giữa chứ đâu phải hình thang. Với "chiếc ô-van" giá này, chỉ người dùng bậc đầu (50kW) hưởng giá thấp. Tuy nhiên với mức sống và tiêu thụ điện của dân ta hiện nay thì số người dùng bậc giá đầu không nhiều, nếu không nói là rất ít. Mức tiêu thụ điện phổ biến các hộ ở nông thôn đều trên 50 đến 100kW. Con số người dùng điện ở các mức là bí mật của EVN, cùng với sự không minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện có lẽ là “bí quyết kinh doanh” của họ. EVN cho rằng giá điện bình quân đang là 1.622,01đ/kWh, cần nâng lên. Tuy nhiên nếu cộng 6 mức giá điện tại bảng trên chia 6 thì phải là 2.202đ/kW. Không hiểu vì sao kết quả lại được EVN hạ xuống như vậy. Thực tiễn tiêu thụ điện còn khác xa cái gọi là giá bình quân. Ví dụ số hộ dùng bậc 1 là 1, số hộ dùng bậc 3, 4, 5… là 100 thì giá điện bình quân là bao nhiêu? Nhìn vào “chiếc ô-van” giá trên đây mọi người có thể đoán ra, số hộ dùng điện ở những bậc nào là nhiều nhất, và bên bán điện lợi nhiều hay ít chính là ở nhóm này.
Tại sao EVN không theo nguyên tắc “đóng thang” đúng nghĩa? Tại sao họ không hạ độ cao của cây thang (2.587đ) xuống 1.747đ hay 1.800đ… chẳng hạn? Lẽ ra với mức tiền điện nhiều hộ tăng vọt như mấy tháng Hè vừa qua, EVN phải lắng nghe rồi thu hẹp “chiều rộng” bậc và hạ chiều cao “cây thang” giá xuống cho phù hợp mức sống của người dân? Nhưng EVN vẫn đang “chùng chình” giữ giá điện hiện nay và biết đâu khi có thời cơ sẽ tăng giá tiếp để tối đa hóa lợi nhuận. 
EVN là doanh nghiệp nhà nước, đang độc quyền mua bán điện. Cái mà EVN mang lại lợi ích lớn nhất cho Quốc gia chính là tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ vì lợi nhuận của EVN để so đo, tính toán thì nền kinh tế sẽ thiệt hại không nhỏ, lợi riêng đó cao đến mức nào cũng không thể bù đắp. Nếu người lãnh đạo vĩ mô nhìn rõ điều này thì rất cần có bàn tay cứng rắn để “uốn nắn” EVN, trước hết là “chỉnh” lại cách đóng "chiếc thang ô-van" giá điện.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

 Đa cấp - "botay.com”

…“Tại sao lại nói chỉ cần ngồi nhà đếm tiền? Xin thưa, đó 100% là sự thật. Cụ thể thế này, khi các bác góp 6 triệu đồng tham gia thành viên, ngay lập tức 2 triệu trong số tiền đó đã là của các bác, nếu cần có thể rút ra ngay. Rồi các bác động viên anh em, bạn bè tham gia. Khi giới thiệu mỗi người vào hệ thống, các bác sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng trong khi chính họ cũng được ngay 2 triệu như các bác mới dự. Như vậy, nếu các bác giới thiệu được 4 người thì đã mang về 6 triệu rồi, coi như chẳng phải đóng tiền mà vẫn là thành viên, lại có 2 triệu đồng. Rồi còn nữa, người được các bác giới thiệu nếu mời được thành viên mới thì mỗi người thêm (cấp 2) ấy các bác cũng được hoa hồng 500 nghìn đồng vân vân…Cứ như thế có phải là tiền tự chảy về túi mình không? Có phải chỉ ngồi ở nhà đếm tiền không ạ?...
…Nhưng, để có thể sử dụng tiền đầu tư, xin các bác chớ nói chuyện này với con cháu, người thân hoặc những người dị ứng với từ đa cấp. Đúng là có một vài công ty làm ăn không chân chính, chỉ con sâu làm rầu nồi canh thôi. Công ty chúng cháu làm ăn nghiêm túc nên mới vinh dự được các bác cán bộ cấp cao tham gia như các bác đã xem băng video giới thiệu ban nãy đấy ạ. Chúng cháu làm sao lừa được cán bộ cao cấp ạ…”.
Đây là trích đoạn bài tuyên truyền của một báo cáo viên đa cấp trong buổi vận động thành viên. Cách "rót mật vào tai" như trên làm sao mà nhiều người không tin, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa? Rồi cả chuyện "xui" khôn để mọi người không bị ngăn cản mang tiền nộp cho đa cấp!
Đa cấp biến tướng thành lừa đảo đã và đang xảy ra ở hết vùng này đến vùng khác từ những năm đầu thế kỉ XXI. Khi không còn lừa được người thành thị nay chuyển về nông thôn, miền núi. Những cái tên như Lô Hội, Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty CP liên kết Việt, Công ty Noni Vina…từng bị báo chí phanh phui, không hiểu sao có công ty vẫn tiếp tục đi lừa đảo. Gần đây một công ty có cái tên rất nhân văn "Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong xây dựng nông thôn mới" đã và đang lợi dụng lòng tốt, dụ hàng nghìn người dân ở Thanh Hóa nộp tiền theo hình thức trên để trục lợi. Biết bao người đã "nướng" tiền vào đa cấp và đồng tiền "một đi không trở lại", nhiều gia đình vương vào nợ nần, nghèo càng thêm nghèo. Một hậu họa nữa là các công ty đa cấp biến tướng đã biến người lương thiện thành kẻ lừa chính người thân, bạn bè mình và mọi người. Họ không biết rằng đồng tiền hoa hồng có được là từ đồng tiền người thân, bạn bè...chứ đâu phải của công ty đa cấp. Cứ như thế, người bị lừa lại tiếp tục đi lừa để có tiền hoa hồng…
Đằng sau sự hoành hành trên là sự im lặng, thờ ơ của các cơ quan chức năng. Rất hiếm thấy trùm lừa của công ty đa cấp hầu tòa, bị trừng trị. Tại sao cơ quan tuyên truyền không có những bài tuyên truyền "phản đa cấp" hay như tuyên truyền đa cấp để nâng cao nhận thức cho người dân? Vì sao cơ quan quản lí không bịt được kẽ hở pháp luật để đa cấp biến tướng lợi dụng? Với lực lượng hùng hậu nhiều cấp, được “nuôi” bằng tiền thuế của dân nhưng xem ra cơ quan chức năng chưa có động thái hữu hiệu đủ bảo vệ người dân.
"Đa cấp" đang thắng và nhiều cấp đang... bó tay “chấm com”!
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Chuyện vui:

 Ngọc Hoàng phán quyết

      Hai quốc gia láng giềng ven Biển Xanh là Đại Bò và Tiểu Rồng vốn có xích mích từ ngàn năm nay. Đại Bò cậy lớn luôn gây sự, chèn ép, thôn tính nên dân Tiểu Rồng chưa bao giờ được yên.
      Gần đây Đại Bò dựa vào mấy nét vẽ bậy của một con dân từng chấp chính, vẽ trên tấm bản đồ cũ đã đòi chủ quyền gần hết Biển Xanh, liếm vào sát bờ biển dài dặc của Tiểu Rồng cùng nhiều nước khác với lý luận đường Lưỡi Bò lịch sử không thể tranh cãi!
      Tuy nhỏ nhưng dân Tiểu Rồng vốn dũng cảm, thông minh, chưa bao giờ khuất phục Đại Bò. Một họa sỹ của Tiểu Rồng đã có sáng kiến cũng vẽ một đường gọi là Lưỡi Rồng. Đường Lưỡi Rồng này ôm trọn cả đường Lưỡi Bò của Đại Bò. Sáng kiến này đã được cả chính quyền và muôn dân Tiểu Rồng nhất trí chọn làm đường biên giới trên Biển Xanh, khảng định chủ quyền của mình.
      Sự tranh dành giữa hai quốc gia không thể ngã ngũ. Sự việc đẩy lên cho Ngọc Hoàng phán xử.
      Sau khi nghiên cứu, Ngọc Hoàng thấy phần lý của Tiểu Rồng có vẻ hơi đuối vì đường Lưỡi Rồng rõ ràng là học theo Lưỡi Bò và chỉ mới được vẽ ra. Tại tòa Ngọc Hoàng chất vấn:
      - Trước hết Đại Bò nói ta nghe cái lý của nước ngươi?
      Sứ giả Đại Bò khúm núm, xun xoe:
      - Dạ thưa, lước ngộ hoàn toàn có đủ chứng cứ liệc dử về chủ quyền trên Biển Xanh dồi à. Nó  lược con dân lước ngộ vẽ ra gần trăm lăm lay dồi à. Bên Tiểu Rồng dõ dàng là bắc chước lước ngộ, chỉ vừa vẽ da thôi à…
      Ngọc Hoàng gật gù, quay sang sứ giả Tiểu Rồng:
      - Rõ ràng nước ngươi bắc chước, mới vẽ ra chứ đâu có chứng cứ lịch sử gì?
      - Dạ, thần xin hỏi Ngọc Hoàng một câu có được không ạ?- Sứ giả Tiểu Rồng không trả lời mà hỏi lại Ngọc Hoàng.
      - Được, ta cho phép ngươi hỏi - Ngọc Hoàng.
      - Dạ, theo Ngọc Hoàng, thế nào là chứng cứ lịch sử ạ?
      - Là sự kiện nó đã tồn tại lâu qua năm tháng, dần dà thì gọi là lịch sử.
      - Đúng thế ạ. Đường Lưỡi Bò, theo con biết, nó mới được vẽ chưa đầy trăm năm. Vậy cái đường Lưỡi Rồng của nước con, sau 100 năm nữa nó có là chứng cứ lịch sử không ạ?
      - Ừ nhỉ, lúc đó thì Lưỡi Rồng cũng là chứng cứ lịch sử rồi còn gì! -Ngọc Hoàng gật gù như chợt nhận ra bản chất vấn đề. Sau mấy phút suy tư, nhớ lại những quy ước của Luật Trời, Ngọc Hoàng phán quyết:
      - Hai sứ giả Đại Bò, Tiểu Rồng nghe đây. Phên dậu, biên giới quốc gia đã được phả hệ Thiên Đình quy định hàng nghìn năm nay rồi. Các ngươi phải tuân theo Luật Trời, không phải cứ tùy hứng, vẽ hươu vẽ vượn ra rồi lấy cớ tranh chấp của nhau là được. Hãy về xem lại bản đồ của tổ tiên ngàn năm trước xem nó thế nào, cứ thế mà thi hành. Bãi triều!
      Nghe phán quyết vậy, sứ giả Tiểu Rồng phấn khởi ra mặt, vội lạy bẩm cáo từ ngay.
      Sứ giả Đại Bò đứng như trời trồng. Rồi gãi đầu gãi tai định trình bày thêm với Ngọc Hoàng nhằm vớt vát. Chưa kịp nói, Ngọc Hoàng nhắc luôn:
      - Nói riêng với ngươi, nước ngươi là nước lớn, phải tỏ ra quân tử đại trượng phu chứ. Xưa nay ta thấy các ngươi nhỏ nhen lắm, tranh từng tí đất, tí sông, cậy thân Bò to xác ăn hiếp thiên hạ. Nói nhỏ với ngươi, cái Lưỡi Rồng thè ra còn có kẻ sợ vì dẫu sao đó cũng là giống rắn, giống rồng. Lưỡi bò nhà ngươi mà thè ra liếm láp lung tung, nó mà cắt đem xào tỏi thì các ngươi có sống được không?
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

 Bệnh viện tương lai

Tiện ra thành phố thăm con, ông Minh đến một bệnh viên lớn khám răng đau.
- Vé! - Vừa dắt xe vào bãi gửi ông Minh giật mình vì tiếng quát. Ông quên lấy vé xe.
Tại cửa tiếp đầu tiên, cô nhân viên đẹp nhưng nét mặt lạnh tanh, chẳng nhìn khi ông đưa vé thứ tự:
- Khám gì?
- Tôi bị đau răng.
Ghi nhanh phiếu khám, vẫn chẳng nhìn lên, tay đưa ông, mắt cô chăm chú vào chiếc điện thoại.
- Tôi khám tiếp ở đâu cô ơi? - Ông hỏi.
Vẫn giọng ngắn gọn:
- Xem phiếu!
Đọc ông mới hiểu, phiếu đủ thông tin: “Tầng 3, Khoa RHM, Phòng X”.
Vì chữ RHM mà mãi ông mới tìm được nơi khám, đó là Phòng Răng Hàm Mặt. Biển ghi đủ, không viết tắt RHM.
Tại đây, nam bác sĩ đang bận với chiếc máy tính nên kiệm lời chỉ tay ra chiếc ghế khám. Ông hiểu và ng lưng vào ghế, chờ. Bác sĩ đến trước ông, tay hất hất chiếc panh i-nốc. Ông chưa hiểu. Bác sĩ vừa hất panh vừa tự há mồm. Ông đã hiểu, há miệng. Khám nhanh, chưa đến 2 phút. Ông nhận 3 tờ phiếu chỉ định: Xét nghiệm máu, sinh hóa, chụp X-quang. Rút kinh nghiệm, ông không hỏi, đọc kĩ từng phiếu rồi đi tìm nơi xét nghiệm.
Chạy đôn đáo, chen chúc trưa muộn ông mới xong xét nghiệm, quay về bác sĩ ban đầu. Liếc nhanh 3 tập kết quả mà ông toát mồ hôi mới có, bác sĩ lôi tờ giấy ghi đơn thuốc điều trị rồi đẩy ra phía ông, mắt lại chăm chú vào chiếc máy tính. Ông sững sờ vì tốc độ kết luận bệnh quá nhanh. “Không hiểu anh ta có đọc từ nào trong các tờ xét nghiệm? rồi phim chụp?” - Ông băn khoăn, cám ơn, bước ra.
Quầy thu ngân, cô nhân viên cũng gương mặt vô cảm, ghi hóa đơn, đẩy ra. Hết 590 ngàn đồng, ông đưa hai tờ 500 ngàn, cô ta đẩy trả một tờ, nói:
- Tiền lẻ!
Cô ta không có tiền lẻ. May ông đổi nhờ được một người bên cạnh.
Ra về ông Minh buồn, suy nghĩ mung lung. Bệnh viện lớn, đẹp thế mà y bác sĩ ai cũng như không hồn. Tiếp người bệnh, vẻ mặt lạnh lùng, vô cảm giống hệt nhau. Từ khi vào đến lúc ra khỏi cổng bệnh viện ông chỉ được nghe mấy câu cụt ngủn, khuyết chủ ngữ.
Về nhà, tâm tư nặng trĩu. Ông Minh bật ti-vi, chợt thấy tin nói về triển lãm rô-bốt của Nhật Bản tại Việt Nam với nhiều loại có thể làm việc như người. Ông chợt nghĩ: “Có lẽ mình khám đúng ngày họ diễn tập cho một mô hình bệnh viện tương lai, khi mà phòng khám chỉ toàn rô-bốt.”
Nghĩ vậy tự dưng ông thấy nhẹ cả người.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)
 Sử dụng biểu tượng danh dự thế nào?


Sau những năm tháng công tác, cống hiến, mỗi người ít nhiều được khen thưởng, thấp thì biểu dương, lao động tiên tiến, tặng giấy khen, bằng khen, cao hơn có danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Huân chương, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác. Cùng với việc khen thưởng thường có các biểu tượng danh dự để người được khen có thể sử dụng công khai như một sự tôn vinh.
Những biểu tượng kèm theo khen thưởng thường được cất giữ cẩn thận hoặc treo trong nhà ở những vị trí trang trọng. Trong những dịp lễ tết, ngày truyền thống cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… người có công dùng đeo trên ngực. Được sử dụng nhiều nhất có lẽ là những tấm Huân chương, Huy chương, Huy hiệu… Đó là niềm vinh dự, tự hào của người được khen, cũng là để thế hệ kế tiếp nhìn vào học tập, noi theo, như một cách giáo dục truyền thống trực quan, hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay những biểu tượng vinh dự đôi khi được sử dụng không đúng mục đích hoặc lạm dụng vì động cơ khác, không thể hiện sự tôn vinh. Có khi người được vinh danh bị đối tượng xấu thuê đi làm những việc không đúng, chẳng hạn trong đoàn đi khiếu kiện đôi khi thấy có những người già ngực đeo Huân, Huy chương trong những bộ quần áo nhếch nhác...
Một biểu tượng được sử dụng nhiều hiện nay có tấm Huy hiệu thương binh. Đây là biểu tượng được trao cho những thương binh đã cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc. Nhìn vào người đeo tấm huy hiệu này mọi người thêm trân trọng, quý mến. Lẽ ra biểu tượng cao quý đó chỉ nên được sử dụng vào những ngày truyền thống, ngày lễ hay những hoạt động quan trọng của các cơ quan, tổ chức… nhưng nay đang bị một số người lạm dụng. Phổ biến nhất là việc vẽ thành "lô-gô" dán lên phương tiện giao thông cá nhân. Thực tiễn chẳng có chiếc "xe thương binh" mà chỉ có người sử dụng xe gắn "mác" thương binh. Việc gắn biểu tượng như vậy không hề có trong quy định của pháp luật. Vừa qua Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra một số xe gắn biểu tượng này khi vi phạm quy định an toàn giao thông đã phát hiện nhiều người không hề là thương binh điều khiển. Có thể là con, cháu, người thân, thậm chí là thuê xe của thương binh. Gắn biểu tượng như vậy vô hình trung bất kì ai ngồi điều khiển chiếc xe cũng được nhìn nhận như một thương binh. Khi họ chấp hành nghiêm thì không sao, nhưng khi họ có hành vi vi phạm pháp luật thì đương nhiên hình ảnh người thương binh đã bị bôi xấu. Không những thế, hiện nay một số đối tượng xấu còn lôi kéo, thuê một số người đeo biểu tượng cao quý này tham gia vào những vụ tranh chấp, kể cả đi đòi nợ thuê… gây phản cảm và bức xúc cho người dân và các cựu chiến binh.
Thiết nghĩ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và cơ quan liên quan có quy định cụ thể sử dụng các biểu tượng danh dự, trong đó có Huy hiệu thương binh. Bên cạnh đó cần phối hợp với chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người trân trọng và sử dụng biểu tượng danh dự đúng quy định. Cần khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiên hiện nay, làm xấu đi hình ảnh cao đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Những người “chịu trách nhiệm”

      Sau mấy ngày phục vụ thanh tra với bao nhiêu bê bối về việc quản lý kinh doanh được lôi ra đã làm ông Nhiệm mệt bải hoải. Tại sao mọi thứ cứ đổ hết lên đầu mình vậy nhỉ. Cái sự lỗ bê bết này nó còn bắt nguồn từ những năm trước, khi ông còn là một anh trợ lý quèn cơ mà. Những suy nghĩ mông lung đã đưa ông Nhiệm vào giấc ngủ mê mệt.
      Trong giấc mơ, ông đang đến nhà ông Nguyễn Tài, cựu Bí thư Đảng ủy Công ty Đại Thanh cách đây 10 năm, người đã ký cái nghị quyết đưa ra chủ trương vay vốn kinh doanh với lãi suất ngất ngưởng. Hiện nay, cứ mỗi ngày mở mắt ra là Công ty ông đã mất hàng chục triệu tiền lãi.
      Xe vừa đến cổng nhà ông Tài, ông Nhiệm thấy nhiều người chạy ra chạy vào vẻ mặt nghiêm trang. Nhà này có chuyện gì chăng?- Vừa nghĩ ông vừa bước vào. Gặp một người đi ra, ông Nhiệm vội hỏi:
      - Nhà mình đang có chuyện gì thế?
      - Cụ sắp đi rồi, đang trăng trối với con cái. - Người đó nói rồi vội đi ra.
      - Này, “cụ” là ai thế?- Ông Nhiệm hỏi với theo.
      - Cụ Tài chứ còn ai ở nhà này nữa!
     Thế là hết hi vọng cụ Tài thanh minh giúp Công ty với thanh tra. Ông Nhiệm lầm lũi rút lui.
      À, còn ông Chính, cựu Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Công ty, cùng thời ông Tài. Ông ấy cũng phải chịu trách nhiệm giải trình chứ? Ông lệnh cho lái xe đến thẳng nhà ông Chính.
      Bấm chuông đến gần 5 phút mới thấy một gã thanh niên to, dáng bặm trợn xuất hiện. Vừa đẩy cửa, ngáp và gãi tai dáng điệu như con nghiện, gã hất hàm:
      - Việc gì?
      - Tôi là Nhiệm, Giám đốc Công ty Đại Thanh. Cậu là con bác Chính phải không?
      - Rất tiếc là như vậy! Có gì nói nhanh đi.
      - Chả là khi đang công tác, bác Chính có nhận trách nhiệm một số chuyện. Tôi muốn mời bác đến để cùng giải trình với thanh tra…
      Gã thanh niên bỗng trợn mắt, hất hàm:
      - Ông có bị thần kinh không? Nếu đúng thần kinh thì sang ngay bệnh viện Trâu Quỳ nhé. Còn nếu định đến để gây sự, ông có tin là tôi sẽ cho vỡ mặt ngay tại đây không? Biến nhanh cho tôi nhờ. Xuống nghĩa trang Văn Điển mà gặp lão ấy nhé! Đúng là đồ điên…
      Ông nhiệm hoảng hồn bừng tỉnh giấc, toàn thân túa mồ hôi ướt đẫm. “Liệu có đúng là các “hắn” đi cả rồi không nhỉ”? - Ông Nhiệm vẫn mung lung suy nghĩ về những người chịu trách nhiệm.
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

 “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”

 Đó là lời dạy người xưa cả trong dụng việc lẫn dùng người. Nhưng có một thời người ta vận đảo lại “quý hồ đa, chẳng kể hồ tinh”. Đó là giai đoạn các “đại gia” thế lực kinh doanh vui và rôm rả, kiếm tiền dễ tựa "thò tay vào hang bắt cua". Vậy nên “ông buôn viễn dương” cũng lên bờ xây bán biệt thự; “ông đào mỏ” nhảy ra mở nhà băng; “ông trồng rừng” về thị thành “chơi” chứng khoán; “ông nhà đèn” ngẩng cao đầu bán sóng viễn thông… có nghĩa ai cũng có thể kinh doanh bất kể cái gì, nghề “tay trái” có khi kiếm nhiều tiền hơn “tay phải”.

Ví von hình tượng là vậy nhưng thực tiễn nền kinh tế từng có chuyện na ná. Cách đây chừng hơn chục năm có lẽ là thời kinh doanh đa ngành nở rộ. Lúc đó cảm giác những giá trị ảo cũng đem lại “tiền tươi thóc thật”, khi mà bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… phát triển "nóng rực". Rồi kinh tế cũng trở lại đúng quy luật, giá trị trở lại sự trần trụi của nó. Kiếm đồng tiền phải đổ mồ hôi, "sôi" nước mắt. Mọi người chứng kiến những “ông đa ngành” đổ như ngả rạ, được "lệnh" nhanh chóng thoái vốn ngoài ngành. Xin điểm một vài cái tên lớn: Công ty mẹ EVN vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng nhưng đầu tư ra ngoài ngành đến hơn 121.000 tỉ đồng (2011) không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng; Tập đoàn Dầu khí kinh doanh đa ngành hơn 6.700 tỷ đồng (trong đó 5.636 tỷ đồng đổ vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản); Tập đoàn Công nghiệp cao su cũng đầu tư ra ngoài hơn 3.800 tỷ đồng…

Làn gió thị trường đã thổi lan "Bệnh đa ngành" sang lĩnh vực giáo dục. Cùng với "nở rộ" trường đại học cao đẳng, khoa y, dược tại các trường cũng được mở tràn lan. Chuẩn tuyển sinh hạ thấp như thể "vét" sinh viên vào để thu học phí. Ngoài các trường y, dược đào tại chuyên ngành từ trước, nay rất nhiều trường mở khoa này. Xin điểm một số cái tên đại học tư thục, ngoài công lập non trẻ có đào tạo y, dược: Đại Nam, Võ Trường Toản, Công nghệ Đồng Nai, Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, Lạc Hồng, Quốc tế Miền Đông, Tây Đô, Thành Tây, Tân Tạo, Nam Cần Thơ v.v. Nếu kể hết thì có cả thảy 70 trường. Nhận thấy điều chưa ổn này nên năm 2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ban hành quy định tạm dừng tuyển sinh đào tạo ngành y, dược với các trường mở khoa ngoài ngành đào tạo chính. Điều này là cần thiết bởi đã có nghịch lí sinh viên thi vào Đại học Y Hà Nội 26, 27 điểm vẫn trượt nhưng có sinh viên chỉ đạt điểm sàn vẫn đỗ vào khoa y, dược các trường khác.
Dư luận sẽ ít quan tâm hơn nếu không có chuyện vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo bỗng dưng cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở khoa y, dược. Dù lãnh đạo Bộ này đã lên VTV thanh minh “Trường chuẩn bị điều kiện ở mức… cao hơn so với quy định”, song lí do này khó thuyết phục được dư luận, bởi không ít trường cũng thỏa mãn được những điều kiện như vậy. 

Điều quan trọng nhất của cơ quan quản lí nhà nước là tạo một môi trường bình đẳng thông qua những chính sách nhất quán. Hệ lụy đa ngành kinh tế đã gây thiệt hại lớn tiền của, tài sản xã hội, một bài học chưa xa. Đa ngành trong đào tạo y, dược hệ lụy còn nguy hiểm gấp bội vì nó liên quan đến tính mạng con người. Đào tạo cử nhân y khoa không thể coi như huấn luyện những nhân viên thú y. Lương y cần "quý hồ tinh, bất quý hồ đa".
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

 Hợp thức

Trong chi tiêu kinh phí có thuật ngữ hợp thức. Hiểu nôm na là một khoản chi tiêu không hợp lệ được thanh, quyết toán bằng một sự hợp lệ, hợp pháp. Ví như thủ trưởng đi tiếp khách song quy định tài chính rất khắt khe, hạn chế việc này, trong khi kinh phí chi cho văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng vẫn còn “dư giả”, thế là được “quân sư” tham mưu thanh toán khoản tiếp khách đó bằng hóa đơn mua văn phòng phẩm. Khoản chi sai này nếu truy đến cùng và không có sự chấp thuận của người chủ trì thì sẽ khó lọt qua. Nếu mua hàng hóa thì cần có khâu nhập kho, xuất kho, kí nhận trách nhiệm của từng người cụ thể. 
Có lẽ cũng từ chuyện hợp thức diễn ra trong thực tế mà chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực đã có “sáng kiến” hiến tặng Hà Nội phần công trình sai phép phải tháo dỡ. Giả sử Hà Nội chấp nhận ý kiến trên thì chủ đầu tư đã dùng một “mũi tên” đạt 2 đích: Giảm nhẹ mức độ vi phạm (vì họ đã đóng góp một phần tài sản cho Nhà nước); thứ nữa là không phải bỏ ra hàng tỉ đồng cùng thời gian, công sức tháo dỡ phần công trình xây trái phép. Rất may lãnh đạo Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định không chấp nhận đề xuất hợp thức sai phạm trên.
Câu chuyện xóa nợ thuế khi bàn về Luật Quản lí thuế tại nghị trường Quốc hội đã để lại những băn khoăn trong dư luận và cả đại biểu. Đã có đề xuất “cần thiết phải quy định xóa nợ thuế” đối với một số trường hợp. Lí do được đưa ra là: Doanh nghiệp nhà nước sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu mà có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế, để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện sắp xếp lại; doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước đó; doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể còn nợ tiền thuế, tiền phạt... Tóm lại là để lược bớt vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, một công việc rất cấp bách hiện nay.
Chúng ta có thể khẳng định, với mọi lí do, việc chây ì, nợ thuế quá hạn là vi phạm quy định của pháp luật. Nếu nguyên nhân nợ thuế không phải do đối tượng nộp thuế thì trách nhiệm sẽ thuộc cơ quan quản lí nhà nước. Không có sai phạm nào lại không có “chủ nhân”. Nếu việc xóa nợ thuế được chấp nhận thì mọi trách nhiệm trước sai phạm đó coi như được “xí xóa”, đồng nghĩa sẽ có “ai đó” thoát tội. Tại Quốc hội rất nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất trên. Có đại biểu nghi ngờ “lợi ích nhóm” nằm sau đề xuất này. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) còn khẳng định “Quốc hội là cơ quan ban hành các chính sách nhưng làm chính sách mà hợp thức hóa tiêu cực là không được!”.
Đúng vậy, dù lí do gì cũng không thể hợp thức sai phạm. Tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc phải làm song trong quá trình đó không thể bỏ qua việc tái cấu trúc đội ngũ cán bộ, nhất là "tái cấu trúc trách nhiệm" của đội ngũ này.
Hiện số nợ thuế đã lên tới 67.000 tỉ. Bộ Tài chính đang hi vọng sẽ thu hồi được chừng 34 ngàn tỉ để bù cho ngân sách trong năm tới đang thiếu hụt. Đồng ý xóa nợ thuế khác nào khuyến khích doanh nghiệp chây ì, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Hợp thức cho sai phạm chẳng khác gì “đồng phạm”. Một khi sai phạm được hợp thức, hệ lụy về kỉ cương, phép nước sẽ đối diện với thảm họa khôn lường!
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

 Câu hỏi khó

     Hôm nay bé Mi phải dậy sớm, dù là thứ Bảy lẽ ra được nghỉ. Mẹ sẽ đưa bé tới thăm 4 thầy, cô là giáo viên lớp và trường của bé đang học nhân Ngày nhà giáo. Mi có vẻ không vui vì bị mẹ đánh thức. Em vẫn muốn ngủ thêm hơn là đi thăm cô giáo.
     Ông nội bé đã hơn 70 tuổi. Thấy ông dậy sớm đang ngồi uống trà. Chợt Mi nhớ ra ông nội mình trước cũng là thầy giáo, nay đã nghỉ hưu liền hỏi ông:
-     Ông dậy sớm chờ khách hả ông?
     - Không phải, hôm nào ông cũng dậy sớm, có khách khứa gì đâu. Sao cháu lại nghĩ ông có khách?
     - Ông cũng là thầy giáo mà không có học sinh đến thăm à? Thế là học sinh của ông hư rồi!
     - Không phải đâu, học sinh của ông lớn rồi, phải đi làm.
     Bé lại hỏi mẹ:
     - Thế mẹ có đi thăm thầy cô của mẹ không, hôm nay mẹ được nghỉ mà?
     Bố con nhìn nhau. Cả hai người như chững lại chưa biết trả lời bé như thế nào cho trung thực. Ừ nhỉ, ai chẳng có người thầy, người cô giáo của mình.
     Mọi người dù ít hay nhiều tuổi, mỗi chúng ta đều có những người thầy, người cô của mình khi ngồi trên ghế nhà trường. Biết bao ông, bà giáo tuổi đã 70, 80… ngày này liệu có ai được những người học trò cũ nhớ về thăm? Nếu có thì đó là điều hạnh phúc nhất của cuộc đời làm thầy.
     Mong sao ngày 20/11 hằng năm thực sự là ngày hạnh phúc giản dị của những người thầy mọi thế hệ.
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

 Đừng xóa đi điều thiêng liêng

Với gia đình là truyền thống dòng tộc, tổ tiên; với dân tộc, quốc gia là lịch sử truyền thống - đó là hồn cốt linh thiêng. Hạ thấp, coi nhẹ giá trị thiêng liêng sẽ để lại hệ lụy lâu dài. Vụ khủng bố tại toà báo ở phương Tây có ý kiến cho là bắt nguồn từ sự đụng chạm đến điều thiêng liêng của đạo Hồi - nhà tiên tri Mô-ha-mét. Hành động tàn sát những nhà báo là điều không thể chấp nhận. Tuy nhiên cũng cần có giới hạn trong phê phán, khi đó là một dân tộc, một đạo giáo, dễ đụng chạm đến quyền tự do tín ngưỡng.
Với mỗi người Việt Nam, hai từ lịch sử luôn là điều tự hào, niềm kiêu hãnh. Thế giới nghiêng mình trước Việt Nam, nể phục người Việt Nam cũng vì đó là những nhân chứng sống của một dân tộc quật cường, một Quốc gia có bề dày lịch sử sáng ngời.
Chúng ta lớn lên, được ăn học, thành một công dân có ích, thành người yêu nước, có trách nhiệm với quê hương, đất nước cũng từ điểm tựa lịch sử dân tộc và truyền thống gia đình.
Dân tộc Việt tồn tại được đến ngày hôm nay, không bị đồng hóa, đang ngẩng cao đầu trước nhân loại cũng từ nền tảng lịch sử huy hoàng của mình.
Khi nghe việc môn lịch sử sẽ không còn tên gọi trong những đầu môn giáo dục trong nhà trường tôi bỗng thấy ngỡ ngàng, chung chiêng, dẫu biết rằng môn ấy vẫn nằm ẩn khuất đâu đó sau hai từ “tích hợp”.
Không biết trong cái “rổ” tích hợp đó cái nào là chính, cái nào là phụ? Sao không giữ tên môn lịch sử rồi tích hợp môn khác vào? Học sinh có coi trọng, yêu thích môn lịch sử hay không chính bởi cách giảng dạy và cơ cấu môn thi của ta chứ đâu phải là môn không hấp dẫn? Rồi đội ngũ giáo viên cho môn này sẽ gọi tên thế nào, có "giáo viên tích hợp", "nhà tích hợp", "giáo sư tích hợp" không? 
Dù đã kiên trì giải thích, thuyết phục nhưng hầu hết các nhà khoa học, học giả tên tuổi vẫn chưa nhất trí với quan điểm mà đại diện Bộ GD&ĐT đưa ra trong buổi Hội thảo về môn lịch sử trong giáo dục phổ thông gần đây. Có nhà khoa học đã khẳng định: "Nếu tích hợp, lịch sử sẽ không còn là một môn khoa học riêng biệt mà chỉ còn là một mảng kiến thức trong chương trình giáo dục"!
Ngôi chùa dẫu ít khách vãng lai ta cũng không thể đưa nó vào một quần thể nhà văn hóa, hội trường, sân kho hợp tác xã… rồi đặt cho một cái tên mới để mong đông khách viếng thăm.
Giảm tải nội dung giáo dục là điều phải làm. Cải cách, đổi mới nền giáo dục quốc gia là mong mỏi của Nhân dân, là quyết tâm, cố gắng của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, sự nóng vội trong quá trình này sẽ không mang lại điều sáng suốt. Có những việc cẩn khẩn trương, cần nhanh hơn. Nhưng cũng có những việc cần hết sức bình tĩnh, thận trọng, khi đó là một khoa học, là điều trọng đại, linh thiêng, hồn cốt của cả một dân tộc.
Lịch sử dân tộc Việt có thể ví như một ngôi đền linh thiêng. Đừng vì một điều gì đó mà phá đi ngôi đền!
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

XÂY NHƯ THẾ NÀO LÀ TỐT NHẤT?

“Một lần dự phê duyệt quy hoạch thành phố Hà Nội, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó đã đề nghị Bác cho chuyển Thủ đô sang Vĩnh Yên, vì ở Hà Nội nay khí hậu rất nóng. Bác cười bảo:
- Từ xa xưa tổ tiên mình xây dựng Kinh đô bên này sông Hồng là có ý cả. Bây giờ đồng bào miền Nam hàng ngày hàng giờ gian khổ chiến đấu mà trái tim vẫn hướng về Thủ đô Hà Nội, nếu mình dời Thủ đô đi nơi khác thì đồng bào sẽ nghĩ thế nào? Thôi thì bây giờ chú cứ sang bên ấy, còn Bác ở lại bên này nhé!
Nghe vậy mọi người cười ồ nhưng vô cùng thấm thía. Một đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đề nghị xin chuyển Văn phòng Trung ương về vị trí trường An-be Sa-rô cũ (nay là Trường THPT Trần Phú, Hà Nội) vì ở đó vườn rộng hơn, vị trí đẹp hơn. Bác bảo ngay: Văn phòng Trung ương như thế đẹp rồi! Rồi Bác hỏi mọi người:
- Thế các chú có biết Văn phòng Trung ương xây dựng chỗ nào thì tốt nhất không? Thấy mọi người nhìn nhau, Bác chỉ tay vào ngực mình, nói tiếp:
- Xây ở trong này, trong lòng Nhân dân là tốt nhất!”.
Đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ như câu chuyện trên rất nhiều. Tôi chợt nhớ câu chuyện này bởi dư luân rất quan tâm khi Quốc hội đang bàn về phân bổ ngân sách 2016 cùng chuyện tiết kiệm, chống chi tiêu lãng phí. Biện pháp khoán xe công lại được đưa ra là một trong những giải pháp. Lãnh đạo một cơ quan của Quốc hội chia sẻ với báo chí rằng “cán bộ cấp Thứ trưởng người đi xe riêng, người đi tắc-xi, xem ôm đến dự họp nhìn không đẹp”! Người cán bộ “nhìn đẹp” là họ làm được cái gì cho dân, người dân học được cái gì từ họ chứ đâu cứ phải xe sang, trụ sở đẹp? Phải chăng quan niệm về cái đẹp của người cán bộ trong một số lãnh đạo thời nay đã khác xưa? Hiện nay phổ biến tình trạng mỗi khi một lãnh đạo được cất nhắc lên vị trí mới là hàng loạt yêu cầu vật chất được bảo đảm: Xe loại đắt tiền, còn tốt cũng được chuyển cho cấp dưới để thay chiếc mới; phòng ốc, thiết bị làm việc đều được tân trang, thay thế…, rất ít người dùng lại đồ “cũ” của người tiền nhiệm.
Liệu hình ảnh Bác Hồ khi còn sống mặc bộ quần áo nâu, chân trần, ngồi đạp guồng nước chống hạn cùng bà con nông dân nhìn có đẹp không? Liệu Thủ tướng một nước giàu như Ca-na-đa, ông Justin Trudeau vẫn hằng ngày đi làm bằng xe buýt, hay tỉ phú Bin Ghết đến Việt Nam, khi sang Từ Sơn (Bắc Ninh) vẫn đi chung xe 12 chỗ ngồi cùng mọi người… có đẹp không? Tôi nghĩ đó là những hình ảnh tuyệt vời.
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Trung ương Đảng phát động từ năm 2007. Gần chục năm qua biết bao tấm gương đã và đang miệt mài học và làm theo Bác bằng những việc làm bình dị rất đáng trân trọng. Vậy mà trong đội ngũ cán bộ việc học và làm theo Người vẫn chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Sự tiết kiệm chỉ “nghe” nhiều chứ chưa “thấy” nhiều. Cán bộ nay được trang bị cho làm việc, sinh hoạt chẳng thiếu thứ gì, nhưng nhiều cán bộ lại rất thiếu sự giản dị, gần dân. Trụ sở xa hoa, lộng lẫy, xe ô-tô đắt tiền… chưa biết có mang lại hiệu quả công việc hơn hay không nhưng rõ ràng khoảng cách giữa cán bộ với người dân cứ ngày một rộng ra.
Thật khó xây được lòng tin của Nhân dân bằng những xa hoa, phù phiếm.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người Cao tuổi)

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

 "Nhà khó" tiêu tiền 

Có câu "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Khi túng thiếu thì chi tiêu việc gì cũng khó, làm cái nọ phải bỏ cái kia. Việt Nam vừa bước khỏi ngưỡng nước nghèo, chưa phải là "nhà có", vẫn thuộc diện "nhà khó". Vậy “nhà khó” đang tiêu tiền thế nào?  
Người dân thật “choáng” khi nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT “bộc bạch” trước diễn đàn Quốc hội rằng “ngân sách cho năm 2016 chỉ còn 45 ngàn tỉ đồng, trả nợ xong là không còn tiền để chi tiêu”! Thì ra ngân sách của ta không phải là “khó” mà đã “kiệt”, làm ra không đủ chi tiêu. Phải vay nợ để chi thường xuyên đã thành hiện thực buồn! Và, nhiều phương án đã được cơ quan chức năng đề xuất: Dùng tiền thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (chừng hơn chục ngàn tỉ); phát hành trái phiếu Chính phủ ra quốc tế (tức đi vay); hay thu hồi số thuế nợ đọng (vốn rất khó) tại nhiều doanh nghiệp v.v.
Nghĩ từ số tiền 45 ngàn tỉ mới thấy con số “tiết kiệm được” từ một dự án giao thông thật “vĩ đại”. Đó là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, chỉ thông qua “sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ…” (như lời Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trước Quốc hội), mà đã tiết kiệm được 14.000 tỷ đồng! Có thể suy ngược lại, nếu Quốc hội và Chính phủ không “chỉ đạo, giám sát chặt” thì chẳng còn số tiền trên! Người dân và đại biểu Quốc hội băn khoăn về con số “tiết kiệm” này là có cơ sở, bởi không hiểu quy trình lập, xây dựng dự án đầu tư thế nào mà có thể tiết kiệm nhiều tiền đến vậy?
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ngay tại Thủ đô đang gây ách tắc giao thông và xảy ra nhiều vụ mất an toàn cũng được dư luận đặt câu hỏi về chi phí. Khi phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này là 8.769 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, sau khi tính toán điều chỉnh lại, trượt giá và nhiều nguyên nhân khác, đã tăng thêm 315 triệu USD (hơn 7 ngàn tỉ đồng)!
Đầu tư cho phát triển tốn kém là một lẽ, chi phí xây dựng các trung tâm hành chính (TTHC) và các công trình văn hóa cũng đang là điều đáng lo. Cách đây chưa lâu tỉnh nghèo Sơn La làm dậy sóng dư luận khi dự định xây tượng khu Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Tỉnh Cần Thơ cũng xin đang Trung ương “cấp” hơn 201 tỷ đồng để xây dựng “Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ. Học tập các địa phương giàu như Bình Dương, Đà Nẵng… đã có TTHC, tỉnh UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình xin phép xây dựng Khu đô thị, TTHC với tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. Nghệ An đã chọn phương án xây TTHC tỉnh 2 tòa tháp cao 27 tầng, diện tích 90.000 m2 với chi phí 2.178 tỉ đồng. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang lập quy hoạch xây dựng TTHC tổng mức đầu tư 1.800 - 2.200 tỉ đồng. UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng TTHC rộng hơn 18,7 ha, tổng mức đầu tư 2.060 tỉ đồng. “Hoành tráng” nhất có lẽ là TTHC của TP Hải Phòng. UBND thành phố này trình Thủ tướng đề án đầu tư TTHC 10.000 tỷ đồng nhưng “chỉ” xin Trung ương khoản kinh phí có… 8.000 tỉ đồng!  
Những con số dự kiến chi trên cho cảm giác ta đang tiêu tiền theo kiểu “nhà giàu”. Người xưa dạy “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè, làm thêm”. Làm ra của “núi” mà chi tiêu không tiết kiệm thì “núi” cũng lở. Các nước giàu như Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sỹ, Mỹ, Nhật… nên “bái phục” phong cách tiêu tiền của Việt Nam. Các nước giàu ngoài các yếu tố đầu tư, kinh doanh, một nguyên nhân quan trọng là họ cực kì tiết kiệm chi tiêu.
Đòi nợ, vay nợ, “bán” doanh nghiệp nhà nước… để lấy tiền “chữa cháy” chi tiêu không phải giải pháp căn cơ. Tiết kiệm mới là thượng sách cho nguồn ngân sách lâu bền. Với cách chi tiêu “xả láng”, kém hiệu quả như hiện nay thì chuyện vỡ nợ công của ta là tương lai gần. 
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Bài trên Báo Người cao tuổi


 Tăng mà giảm, giảm mà tăng 

Ở "xứ" ta có những cái lạ. Có chuyện phấn đấu giảm mãi nhưng càng "cố" lại càng tăng, có việc thì tăng hoài nhưng xem ra có vẻ lại đang giảm, đó là chuyện tinh giảm biên chế và việc tăng lương tối thiểu.
Về chuyện tăng lương tối thiểu, chỉ tính từ 2001 đến nay đã ngót chục lần, từ mức 180.000đ năm 2001 đến nay là 1.150.000đ. Tương tự lương đối tượng chính sách, người nghỉ hưu… cũng được tăng tương ứng, lần thấp là 8 - 9%, lần cao nhất (năm 2003) là 46%. Tuy nhiên, lương tối thiểu sau 15 năm, 9 lần với giá trị tuyệt đối tăng gần 7 lần nhưng hiện vẫn chỉ bảo đảm chừng 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Nói là tăng lương nhưng có những năm lương tăng chỉ cao bằng mức trượt giá, lẽ ra chỉ nên gọi là bù trượt giá do lạm phát. Năm 2014 và 2015 lương tối thiểu đang trì hoãn do chưa có nguồn bảo đảm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước…) vẫn tăng đều đặn. Điều đó đồng nghĩa mức sống người lao động, đối tượng chính sách, hưu trí vẫn bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm...
Cách đây hơn chục năm, cuối thế kỉ trước Đảng ta đã chủ trương tinh giảm biên chế để giảm áp lực chi tiêu bộ máy hành chính được coi là tương đối "cồng kềnh" để nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân. Mục tiêu là không tăng thêm, phấn đấu giảm 15% số công chức hiện có. Tuy nhiên, sang thập niên đầu thế kỉ XXI bộ máy công vụ vẫn được nhận định là khá "cồng kềnh", nhiều địa phương, bộ ngành biên chế không những không giảm mà lại tăng, có khi còn cao hơn tỉ lệ phấn đấu giảm 15%. Vì vậy, ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 
Vì sao biên chế ta phấn đấu giảm mãi vẫn tăng? Nguyên nhân khách quan hay chủ quan? Ai cũng hiểu muốn giảm số công chức thì bộ máy công vụ phải giảm. Tuy nhiên cơ cấu đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục trong mấy chục năm qua. Năm 1976 cả nước có 38 tỉnh, thành phố, sau đó tăng dần, đến năm 2004 là lúc cao nhất có 64, đến 2008 sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội còn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với tăng đơn vị hành chính cấp tỉnh thì cấp huyện, cấp xã cũng tăng, nhất là cấp quận, huyện. Đơn cử như Hà Nội, năm 1975 có 8 quận, huyện. Nay không tính số từ Hà Tây nhập vào thì Hà Nội cũng đã có 16 quận, huyện. Gần đây với lí do đặc thù, Hà Nội đã tách Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành 2 là Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch. Thiết nghĩ, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng sẽ "tìm ra" đặc thù tương tự Hà Nội... Các quận, huyện, tỉnh thành cứ nhỏ dần về diện tích, dân cư, tương ứng toàn cục thì bộ máy ngày một "to ra". Sự "to ra" ấy kéo theo số người trong bộ máy hành chính ngày thêm "đông đúc". Tiến trình này xem ra "ngược dòng" với quyết tâm giảm biên chế bộ máy hành chính. Bộ máy công vụ của Việt Nam ta nghe nói còn "đông" hơn bên Mỹ! (VN có 2,8 triệu, Mỹ là 2,1 triệu). Ngay nước láng giềng là Trung Quốc, diện tích gần 9,6 triệu km² (Việt Nam là 331.210 km²), dân số hơn 1,2 tỉ người nhưng cũng chỉ có 33 đơn vị hành chính tỉnh, thành, đặc khu hành chính… Điều này đáng để ta suy ngẫm, bởi người Việt ta và nhất là đội ngũ công vụ không phải không thông minh, tài giỏi. Nếu cán bộ công quyền năng lực tốt lại quản lí những đơn vị hành chính nhỏ bé xem ra không tương xứng và… lãng phí tài năng!
Phải chăng đã đến lúc cần thay đổi tư duy và cách làm trong thực hiện tinh giảm biên chế?

Đinh Hoàng

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Trong mắt người già (Báo Người cao tuổi):


 Giữ cho tiếng Việt sáng trong

          Tiến trình hình thành và phát triển lịch sử dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay đã hội đủ những yêu cầu cho sự nghiệp phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội. Mặc dù trải hàng ngàn năm Bắc thuộc, chịu sự đồng hoá của ngoại bang, hàng trăm năm đô hộ của thực dân, đế quốc song nền văn hoá của dân tộc Việt vừa được giữ vững, vừa chắt lọc, kế thừa những tinh hoa văn hoá nhân loại, làm giàu thêm nét đậm đà, có bản sắc riêng.  
          Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, ngôn ngữ tiếng Việt chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trong đó nổi bật là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... Từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng xã hội, ở đâu cũng thấp thoáng bóng dáng của ngôn ngữ nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Việc sử dụng một số từ nước ngoài trong các văn bản pháp quy dần dần mặc nhiên được thừa nhận bởi trong tiếng Việt còn thiếu. Đó là điều tất yếu với bất kì ngôn ngữ nào trong một thế giới ngày càng “phẳng” và “hẹp” hiện nay.
Tuy nhiên hiện đã có sự lạm dụng thái quá trong tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài. Đặc biệt, việc sử dụng tiếng Anh lai tạp, tuỳ tiện đã đến mức báo động trong giới trẻ, học sinh, sinh viên, kể cả trên truyền thông, báo chí. Trên các trang mạng, nhất là trên facebook, thư điện tử…, lứa tuổi học sinh, sinh viên đã biến thái tiếng Việt thành những kí hiệu kì quái khó hiểu. Một số người mẫu, ca sĩ phát thanh viên, dẫn chương trình truyền thông, báo chí khi nói thích đệm vào một vài từ tiếng Anh rất phản cảm. Người sử dụng ngoại ngữ như vậy rõ ràng không phải vì mục đích thông tin, nó chỉ thông tin cho người khác rằng họ biết ngoại ngữ.
Việc viết tên người, địa danh nước ngoài một số người cứ bê nguyên xi ngoại ngữ vào trang viết, trên chương trình phát sóng khiến khán, thính giả “bó tay chấm com”. Nhiều thuật ngữ đã được Việt hoá từ lâu như Ác-hen-ti-na, Bra-xin, a-xit, ba-zơ, can-xi... lại được thay bằng nguyên dạng hoặc gần dạng Anh, Pháp: Argentina, Brazil, acid, base, calcium... Còn cách đọc thì mỗi nơi một kiểu, chẳng hạn tên viết tắt của nhóm G7, G20 nơi đọc là “gờ bảy”, “gờ hai mươi”; nơi lại đọc là “giê bảy”, “giê hai mươi”; chữ GDP nơi đọc là “giê-đê-pê”, nơi đọc là “gi-đi-pi”; chữ CPI người thì đọc xê-pê-i, người đọc xi-pi-ai, v.v.
 Hiện các chữ cái tiếng Việt đang nhảy múa xoay quanh ba hệ thống thường chưa được thống nhất là “a-bờ-cờ, “a-bê-xê”, “ây-bi-xi” và cách phiên âm ra tiếng Việt. Ảnh hưởng của ngoại ngữ vô tình làm lệch chuẩn tiếng Việt. Chúng ta đều hiểu hệ “a-bờ-cờ’ là ngôn từ gốc để đánh vần ra tiếng Việt, nhất là với người bước vào học ngôn ngữ này. Ta đọc “bờ ô bô sắc bố” chứ không đọc “hay bi ô bô sắc bố”... Việc các chữ trong bảng chữ cái “nhảy múa” bằng cách gọi khác nhau đã làm tiếng Việt trở nên thiếu chặt chẽ và kém chính xác.  
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ trên thế giới đã thừa nhận vẻ đẹp, sự trong sáng, phong phú của tiếng Việt. Đây cũng là công cụ đã giúp cho Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... và bao thế hệ văn nhân, hào kiệt viết nên những áng văn bất hủ. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở: “Khi xã hội có nhiều người nói tiếng bồi, đó là một xã hội bị nô dịch về ngôn ngữ”. Là một quốc gia đầy tự hào với hàng ngàn năm lịch sử văn hiến, một đất nước anh hùng đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có nền độc lập tự chủ, lẽ nào ta lại tự đưa mình vào cái vòng “nô dịch” về ngôn ngữ?
Thời gian trước đây đã có một số ý kiến của các nhà giáo dục, nhà khoa học nêu lên sự cần thiết có một Bộ Luật về ngôn ngữ để thống nhất cách nói, cách viết tiếng Việt. Bẵng đi, nay ít người đề cập lại vấn đề này. Khi ngôn ngữ đã được luật hoá, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sự tiếp nhận ngôn ngữ bên ngoài để làm giàu tiếng Việt sẽ đi vào thực chất và bền vững. Và đó chính là cách làm khoa học, đúng đắn để tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ quốc gia, một công cụ giao tiếp và tư duy hữu hiệu để phát triển đất nước.  
Đinh Hoàng