Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Văn hóa

 

Di tích lịch sử văn hóa hay địa chỉ mê tín?

Đền thờ Bà chúa Kho tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.

Đền Bà Chúa Kho

Tương truyền vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho, bên cạnh dòng Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Bà đã bị giặc giết khi phát lương cứu đỡ dân làng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1077). Ghi nhận công đức và thương tiếc, nhà vua phong cho Bà là Phúc Thần.

Không rõ từ khi nào người ta đã biến một di tích danh nhân thanh liêm, đức độ thành địa chỉ mê tín dị đoan cầu lợi? Hằng năm, cao điểm vào tháng cuối năm và đầu năm âm lịch, khách từ khắp cả nước đến để xin lộc, “vay vốn” từ “kho” của Bà để cầu tài, cầu may mắn. Ai đến cũng sắm lễ, tiền vàng, người ít thì dăm bảy trăm nghìn, người nhiều thì hàng triệu đồng hoặc hơn với tâm niệm là phải có lễ (khi xin, vay) và trả lễ (khi năm hết Tết đến) thì Bà mới phù hộ, nếu thất lễ thì Bà sẽ quở trách!?

Tệ chạy chọt, hối lộ ngoài đời thường đã lây lan sang chốn tâm linh tôn nghiêm. Đền Bà Chúa Kho nay mặc nhiên trở thành nơi để người ta chạy chọt thần linh, đồng nghĩa làm xấu đi hình tượng danh nhân lịch sử văn hóa.

Một danh nhân cả đời thanh liêm, dũng cảm hi sinh cứu dân, vì nước, được vua khen thưởng liệu có sẵn sàng bán danh dự của mình để ăn “của đút lót” rồi “tuồn” công quỹ cho người trên trần? Những câu chuyện đồn thổi truyền tai chỉ là trò mê tín người ta vẽ ra, tự nhủ để hi vọng. Người làm ăn được thì nghĩ là do Bà Chúa phù trì, kẻ kinh doanh thất bát, thua lỗ thì nghĩ khiếm khuyết điều gì đó nên bị “Bà quở trách”. Chuyện làm ăn kinh doanh lúc thuận lợi, khi khó khăn là lẽ thường tình và chủ yếu do con người, chẳng thần linh lào có thể phù giúp. Nếu được như vậy thì có lẽ những kẻ làm ăn bất chính sở hữu hàng kho tiền, cả đống tài sản như Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, Hà Văn Thắm, Bầu Kiên… chẳng bao giờ phải vào tù.

Lò hóa vàng mã tại đền Bà Chúa kho đỏ lửa hang tháng trời dịp cuối năm cũ, đầu năm mới.

Không chỉ làm “bẩn” danh tiếng Bà Chúa Kho, hoạt động mê tín đang gây ô nhiễm môi trường không khí nơi đây. Những tháng cao điểm khách lễ thì lò hóa vàng mã tại đền (rộng bằng gian nhà) rực lửa suốt ngày đêm. Chỉ riêng lượng giấy vàng mã được “hóa” mỗi ngày cũng đến cả tấn, hàng trăm triệu đồng được đốt cháy để tạo thêm ô nhiễm.

Có lẽ do nguồn lợi từ hoạt động mê tín thu được không nhỏ cho cả cá nhân và ban quản lí đền nên địa phương không có động thái nào hạn chế những mặt trái tại đây. Việc tuyên truyền tấm gương, công lao của danh nhân Bà Chúa Kho là rất cần thiết nhưng có lẽ nằm ngoài hoạt động của ban quản lí.

Việc người dân sùng tín đến thăm và hành lễ tại đền không thể cấm đoán. Tuy nhiên, việc cấm sử dụng và đốt hương, vàng mã gây nhiều hệ quả không tốt chẳng lẽ nằm ngoài tầm tay của địa phương?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 12 năm 2020

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Kinh tế

 

Lãnh địa và chuỗi giá trị

 

Từ lãnh địa từ xưa thường để chỉ vùng đất thuộc quyền chiếm hữu và cai quản của lãnh chúa. Nay từ này đôi khi vẫn được dùng để ám chỉ khu vực, phạm vi, quyền quản lí của cá nhân, tổ chức như một phạm vi riêng, độc quyền. Không ít người nay vẫn còn ảnh hưởng tư duy lãnh địa xưa, muốn thu nguồn lực công về địa phương, ngành, cơ quan, tổ chức mình.    

Tư duy lãnh địa, cát cứ có thể tăng quyền lực, sức mạnh của một chủ thể hạn hẹp nhưng sẽ hạn chế sức mạnh của một tập thể lớn, ở tầm vĩ mô nó sẽ hạn chế tới sức mạnh, làm phân tán nguồn lực quốc gia. Hình tượng chiếc đũa và bó đũa nói lên điều này.

Ví dụ như trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, hiện đang có tình trạng nhiều địa phương chạy đua xin xây dựng sân bay. Hà Nội có 2 sân bay Nội Bài, Gia Lâm nhưng đề xuất thêm sân bay tại huyện Ứng Hòa. Tỉnh Ninh Thuận chỉ cách sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) chừng 60km cũng đang đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn. Còn Hà Tĩnh nằm giữa hai sân bay Vinh (Nghệ An) và Đồng Hới (Quảng Bình) cũng đề xuất xây dựng sân bay riêng. Trong khi sân bay Điện Biên đìu hiu hành khách thì tỉnh miền núi Cao Bằng cũng xin xây sân bay... Trong số 22 sân bay hiện hữu ngoài vài ba sân bay lớn có lợi nhuận, còn lại hầu hết năng lực khai thác khiêm tốn, không ít đang kinh doanh thua lỗ vẫn phải chi phí vận hành bộ máy gây ra lãng phí lớn nguồn lực quốc gia.

 

Sân bay Điện Biên thường xuyên vắng khách

Trong công tác quản lí của cơ quan chức năng cũng tồn tại tư duy cát cứ “quyền anh, quyền tôi”. Một bộ luật chuyên ngành nhưng trách nhiệm vận hành không chỉ của một ngành. Gần đây có đề xuất chia Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, do hai cơ quan soạn thảo lại. Có lẽ do bất cập trong phối hợp thi hành luật dẫn đến chồng chéo, “dẫm chân” nhau. Song nếu việc “tách luật” được Quốc hội thông qua liệu guồng máy có vận hành thuận lợi và tốt hơn hay sẽ sinh ra những lỗ hổng?

Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sau hàng chục năm công nghiệp hóa song tới nay nền khoa học, công nghệ của ta như vẫn “bên rìa” chuỗi giá trị đó với một số sản phẩm phụ trợ. Từ chiếc điện thoại thông minh cho đến chiếc ô tô đời mới, doanh nghiệp Việt mới chỉ gia công những chi tiết đơn giản, giá trị thấp. Muốn sở hữu công nghệ hiện đại phải có nguồn lực lớn để đầu tư. Các doanh nghiệp của ta mạnh ai nấy làm, chưa cùng nhau tạo nên sức mạnh. Nếu các doanh nghiệp không liên kết với nhau sẽ khó tạo được nguồn lực đủ lớn để có những công nghệ hiện đại.

Samsung đến đầu tư đã lâu song VN cũng chỉ tham gia sản xuất vài chi tết giản đơn

 Hi vọng ngày nào đó, một sản phẩm như chiếc ốc vít made in Vietnam có thể lắp ráp trên chiếc xe Mercedes bên châu Âu; cuộn dây dẫn điện Cadivi có thể lắp trên chiếc Boeing bên Mỹ... Tuy nhiên, tư duy cát cứ, lãnh địa vẫn tồn tại đang là rào cản lớn. Khi “chuỗi giá trị nội địa” vẫn còn nhiều vấn đề bất cập thì để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là câu chuyện xa xôi./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 12 năm 2020

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Chính trị

 

Căn nguyên “bệnh” vô cảm

Con người hay bất cứ thực thể sống nào cũng đều có cảm xúc trước tác động của ngoại cảnh, không thể vô cảm.

Nhưng gần đây ta hay được nghe nhắc tới “bệnh” vô cảm trong những người có chức quyền của cơ quan quyền lực nhà nước. Vậy căn bệnh đó là thế nào và căn nguyên từ đâu?

 

Nước mắt dân oan Thủ Thiêm

Luật pháp không có chỗ cho cảm xúc, đặc biệt là chốn công đường. Hình tượng Bao Công trên phim ảnh cho ta cảm nhận một sự lạnh lùng, nhưng lạ thay vẫn thấy một Bao Công đầy tình người vì những phán quyết luôn đúng đắn, luôn là chân lí.

Ngược lại, những phán quyết dựa trên điều chưa đúng đắn, không phải là chân lí khiến mọi người cảm nhận được sự vô cảm. Do vậy, tồn tại bệnh vô cảm thường gắn liền với những bất cập, lỗ hổng, thậm chí sai lầm trong chính sách, pháp luật. Người thực thi chính sách có thể có niềm tin hoặc cố để tin rằng những việc mình làm là đúng đắn, là chân lí dù nó dựa trên những chính sách được ban hành không đúng đắn.

Tham nhũng chính sách gần đây đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc tới không dưới một lần.

Nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách. Thẩm quyền đó lại thông qua những con người cụ thể. Đó là những người có quyền hoạch định chính sách, thẩm định và thông qua chính sách, dù họ cần được hệ thống tập thể, dân chủ (Hội đồng Nhân dân, Quốc hội) “đóng dấu” để thực thi. Một cá nhân khó có thể cài cắm ý tưởng tư lợi vào chính sách, nhưng một “nhóm lợi ích” đủ mạnh thì có thể làm được điều này. Và khi đó, việc “tham nhũng chính sách” coi như đã hoàn thành.

Một số chuyên gia luật pháp, kinh tế đã chỉ ra, tham nhũng chính sách mang lại lợi ích siêu lớn cho những kẻ tham nhũng, đồng thời cũng để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đất nước. Một chính sách phát triển ngành, địa phương méo mó được thông qua có thể mang lợi lợi ích rất lớn cho một số người, nhưng đồng thời cũng làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước. Một quyền năng không chính đáng được cài vào trong luật có thể hợp pháp hóa sự nhũng nhiễu vô tận của một số công chức, nhưng đồng thời cũng làm cho đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp vào vòng khốn đốn.

Mấy năm trước, khi nước mắt dân oan Thủ Thiêm vỡ òa thì nhiều người mới hiểu rằng người dân nơi đây đã bị sự vô cảm “phong tỏa” quá lâu, bị đè nén quá nặng nề. Nhưng có thể một số hoặc không ít người chức quyền vẫn tin rằng họ thực thi đúng pháp luật, họ có chỗ dựa là những quy định, quy hoạch, điều luật còn hiện hữu… vì vậy, họ không thể cảm nhận nỗi đau của người dân.

Muốn ngăn ngừa và sửa được bệnh vô cảm thì trước tiên phải ngăn ngừa được những chính sách sinh ra không xuất phát từ sự đúng đắn, không phải là chân lí./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 12 năm 2020

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Pháp luật-Xã hội

 

Cần vạch mặt những kẻ “núp bóng ma”

 

Vừa qua một số tờ báo đưa tin, tại Bình Dương có 5 người quá cố bỗng “sống lại” đến một số bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh để khám chữa bệnh (KCB), như vậy họ vẫn đang hưởng các chính sách bảo hiểm y tế (BHYT)!

 

Cả 5 người “cõi âm” trên nhập viện và xuất viện cùng trong ngày, tổng số tiền BHYT phải chi trả hết gần 1,4 triệu đồng.

Vụ việc tại Bình Dương kể trên không phải là cá biệt. Năm 2019, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam qua kiểm tra dữ liệu hưởng BHXH, dữ liệu thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh năm 2018 và 8 tháng năm 2019 đã phát hiện tại 59 tỉnh, thành phố có 826 trường hợp đã chết vẫn phát sinh 1.780 lượt KCB bằng BHYT với số tiền lên đến 7,58 tỉ đồng. Ở Hà Tĩnh có trường hợp người bệnh đã qua đời hơn 3 tháng vẫn đến KCB tại một bệnh viện 12 lượt và được thanh toán BHYT với hơn 8,5 triệu đồng!

Quản lí BHYT chặt nhưng vẫn nhiều lỗ hổng 

Ai cũng biết, chẳng có “ma” nào cần chữa bệnh mà phải đến bệnh viện, cơ sở y tế. Chỉ có những con “ma sống” lợi dụng người chết để moi tiền từ quỹ BHYT. Và, khi “ma” mà họ vẫn núp bóng được thì người sống liệu có những vụ đi khám “như ma” tại bệnh viện, tức họ chẳng đến viện vẫn có người thanh toán giúp viện phí từ BHYT?

Sau kiểm tra và phản ánh của BHXH năm trước, đến nay hầu như chưa thấy địa phương nào xử lí người đứng đầu cơ sở KCB hay bệnh viện vi phạm pháp luật, đưa họ ra ánh sáng. Phải chăng “ma” không thể làm chứng vạch mặt những kẻ trục lợi?

Hồi cuối năm 2017, dư luận từng ngạc nhiên khi quỹ BHYT tồn dư tới 47 nghìn tỉ đồng chưa dùng hết! Sau đó Bộ Y tế có thông tư điều chỉnh giá chi phí một số dịch vụ, tăng trung bình chỉ 3,2%. Và ngay năm 2019 có vẻ không còn chuyện kết dư quỹ BHYT quá nhiều, khi TP Hồ Chí Minh cho biết đã hụt quỹ BHYT đến 1.800 tỉ đồng!

Thực tiễn còn không ít vật tư y tế, thuốc chữa bệnh vẫn “nằm ngoài”, chưa được BHYT thanh toán. Ngay người viết bài này (hưởng 100% BHYT) từng đi khám bệnh vẫn phải chi 90.000 đồng mua 3 gói thuốc xổ, dù quy trình nội soi không thể thiếu loại thuốc này. Có vẻ ngành bảo hiểm mới chỉ quan tâm chặt chẽ trong danh mục chi BHYT mà chưa có giải pháp quyết liệt cùng ngành y tế trong kiểm soát chi tại các cơ sở KCB. Dù chưa “rộng tay” danh mục chi KCB của BHYT song giải ngân nguồn quỹ này bỗng tăng vọt vài năm gần đây chắc chắn có liên quan tới việc những “bóng ma” đi KCB cùng những “ma thuật” thanh toán viện phí tại các bệnh viện, cơ sở KCB.

Nếu không vạch mặt những kẻ “núp bóng ma” để bòn rút tiền thì quỹ BHYT sẽ còn thất thoát. Thiệt thòi nhất cuối cùng là những người sống đang hưởng chế độ BHYT./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19  tháng 12 năm 2020

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Kinh doanh-Pháp luật

Doanh nghiệp “đá” doanh thu

Theo khái niệm kinh doanh, doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế của doanh nghiệp (DN) thu được trong kì kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường và các hoạt động khác của DN, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu (theo chuẩn mực kế toán VAS 01 của Bộ Tài chính).

Bất kì DN nào cũng mong muốn đạt doanh thu lớn và không ngừng tăng lên, có như vậy lợi nhuận mới tăng theo.

Một trong những vấn đề gây bức xúc với DN vận tải hành khách lâu nay, đó là trong khi hầu hết chịu thế doanh thu 10% thì lại có loại hình kinh doanh tương tự (vận tải thông qua ứng dụng công nghệ) không chịu thuế doanh thu. Sự bất bình đẳng này xảy ra từ khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm ứng dụng gọi xe công nghệ với hãng Uber, Grab. Đã xảy ra vụ kiện giữa hãng taxi Vina Sun với DN Grab. Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án Grab phải bồi thường cho Vina Sun 4,8 tỉ đồng. Sau vụ kiện này, và Bộ GTVT có Nghị định số 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Vừa qua Chính phủ lại có Nghị định 26/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lí thuế. “Đường ray” luật pháp được định hình để các DN bình đẳng kinh doanh trong một thị trường chung.

Có lẽ mấy năm liền được hưởng “ưu ái”, thu lợi nhuận lớn do chỉ nộp khoản thuế ít ỏi vài ba phần trăm nay bỗng phải nộp 10% khiến hãng taxi công nghệ thấy “sốc”. Nghị định 26 quy định taxi công nghệ và taxi truyền thống đều chịu mức thuế như nhau mà không phải là quy định tăng thuế. Thế nhưng hãng Grab lại có cách hành xử khác thường, phần doanh thu tăng lên so với trước đây họ chuyển hết sang cho tài xế và cuối cùng là khách hàng gánh chịu. Ai cũng biết, làm như vậy lợi nhuận của Grab sẽ được giữ vững. Tài xế muốn giữ ổn định thu nhập bắt buộc phải tăng giá cuốc xe. Trong tình hình thị trường giá cước đã định hình, tương đồng thì việc tăng giá cước đồng nghĩa mất đi khách hàng, nếu muốn giữ khách thì tài xế phải tự giảm đi thu nhập.

Phản ứng trước động thái bất công của hãng Grab tăng 5-6% giá dịch vụ, vừa qua hàng nghìn tài xế của hãng này đã biểu tình và tắt ứng dụng đòi hỏi chủ DN có chính sách phù hợp, đúng pháp luật với người lao động.

Các tài xế hang Grab biểu tình phản đối giới chủ tăng giá cuốc xe

Grab cũng bị phản đối tại Indonesia

Việc tài xế Grab phải bỏ tiền đầu tư công cụ sản xuất (chiếc xe), chỉ hưởng lương trích từ mỗi cuốc xe, không có bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) chắc chắn chủ hãng phải biết. Họ thu đầy đủ doanh thu từ mỗi người lao động, không chịu khấu hao tài sản nhưng thuế lại dồn chủ yếu xuống vai người trực tiếp sản xuất? Liệu có loại hình kinh doanh nào “nhẹ nhàng” và thu lợi như thế, khi đó chỉ là vận hành một phần mềm ứng dụng đặt xe trên nền tảng Internet?

DN kinh doanh ở bất kì thể chế kinh tế nào cũng cần thực hiện văn minh, đạo đức kinh doanh và thượng tôn pháp luật, không thể có ngoại lệ hay đặc ưu./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 12 năm 2020

 

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Giáo dục

 

Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn

 

Không chỉ cán bộ, giáo viên, học sinh hệ giáo dục phổ thông mà toàn xã hội đều phấn khởi đón nhận một thông tư của ngành giáo dục. Đó là Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (có hiệu lực từ 1/11/2020).

Điểm được coi là nhân văn, tiến bộ hơn thông tư cũ trong công tác quản lí, giáo dục học sinh, đó là bỏ quy định về xử lí kỉ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Ảnh minh họa

Bạo lực trong giáo dục tồn tại lâu nay cả tại gia đình và nhà trường với nhiều hình thức khác nhau. Những kì thị, cưỡng bức về thể chất hay tinh thần đều có thể coi là bạo lực. Một lời phê phán công khai đôi khi còn gây tổn thất tinh thần hơn nhiều lần những roi vọt.

Bỏ quy định xử lí kỉ luật học sinh như thể “bêu gương” trước tập thể chính là loại bỏ một dạng thức bạo lực tinh thần, sẽ tránh được tình trạng học sinh cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, thậm chí bỏ học…

Trong thời đại công nghệ 4.0 thì chỉ một cái nhấp chuột đã có thể cập nhật những thông tin về văn bản quy phạm pháp luật mới nhất. Nhế nhưng có vẻ Thông tư 32 nói trên đang “chậm chạp” đi tới nơi nó cần đến để “thẩm thấu” vào hoạt động giáo dục.

Tròn một tháng Thông tư 32 có hiệu lực đã xảy ra một vụ việc đau lòng từ hệ quả công tác xử lí kỉ luật học sinh. Uất ức trước việc bị nêu tên trước toàn trường, một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã tự tử ngay trong khuôn viên trường học để lại lá thư tuyệt mệnh đẫm nước mắt. Vụ việc càng gây bức xúc dư luận khi thông tin nghi vấn nguyên nhân sâu xa bởi học sinh không chịu tham gia học thêm (có thu phí) các môn học mà trường tổ chức.

Một góc Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang)

Mái trường, bục giảng xưa nay được coi là nơi tôn nghiêm, trân quý. Thầy cô mô phạm, trọng liêm sỉ thường không muốn vướng bận chuyện tiền nong với học trò. Việc mở lớp học thêm, dạy thêm vốn được coi là nhân văn, hỗ trợ học sinh tiến bộ nhưng đồng nghĩa người ta tự nhận chất lượng dạy của mình không đạt yêu cầu. Song khi cả học sinh giỏi cũng được vận động học thêm (nữ sinh lớp 10 kể trên là học sinh giỏi nhiều môn) thì thực chất mục tiêu dạy thêm đã chệch hướng.

Lạm thu, lạm dạy thêm, học thêm là thực trạng nhức nhối bao năm dù ngành giáo dục muốn loại bỏ song vẫn đang bất lực. Thực trạng buồn này chính là nguyên nhân sâu xa khiến môi trường vốn trân quý mất đi bản chất nhân văn cần có.

       Nơi mà người thầy, lãnh đạo nhà trường là những tấm gương mẫu mực, vô tư, “tất cả vì học sinh thân yêu”, còn học trò cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, đó mới là môi trường có thể nuôi trồng được những nhân cách cho tương lai./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 12 năm 2020 

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Văn hóa

 

Trông chờ “hậu” hoa hậu

Những ngày qua dân mạng xao xôn chia sẻ hình ảnh tân hoa hậu Đỗ Thị Hà được quê hương tổ chức lễ rước đón như nguyên thủ quốc gia.

Ban đầu tôi bán tín bán nghi vì nghĩ từ xưa đến nay, cả trong nước và thế giới chưa thấy nơi nào làm cái việc này cả. Sau khi báo chí chính thống đưa tin tôi mới tin đây là chuyện có thật.

Có lẽ sau hơn 30 năm cuộc thi hoa hậu do báo Tiền Phong tổ chức, đây là lần đầu tiên một thí sinh của cuộc thi sắc đẹp được chính quyền địa phương đón tiếp long trọng, hoành tráng tựa người hùng.

 

Nam thanh nữa tú và người dân xếp hàng để chào đón tân Hoa hậu. Ảnh: Lao Động

Khác với nhiều cuộc thi, hoa hậu sau khi đăng quang luôn được dư luận đặc biệt quan tâm, “săm soi”. Với nhan sắc, nhân cách và tài năng phát lộ từ cuộc thi, dư luận trông chờ những việc làm cụ thể trong xử thế và đóng góp cho cộng đồng sau khi đăng quang. Đã có hơn chục hoa hậu kể từ cuộc thi đầu tiên song số những người đẹp để lại dấu ấn, được cộng đồng nghi nhận có thể đếm trên đầu ngón tay. Những hoa hậu như Hà Kiều Anh, Đặng Thị Ngọc Hân, Đỗ Mỹ Linh, H'Hen Niê… đã và đang có những nỗ lực cống hiến, đóng góp thiết thực cho cộng đồng thì lại quá ít. Còn số hoa hậu sau đăng quang như chìm vào lãng quên lại là con số vượt trội hoặc thậm chí không ít người đẹp đã gây ra những “scandal” làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Cảnh sát dẹp đường đón hoa hậu Đỗ Thị Hà trở về quê nhà. Ảnh: Lao Động

Có lẽ do kì vọng, áp lực và cả những động cơ lợi ích đã khiến một số cuộc thi để lại tai tiếng trong dư luận. Điều này đôi khi làm dư luận có cái nhìn nghi ngờ về tính khách quan và chất lượng một số cuộc thi.

Cha đẻ của cuộc thi hoa hậu Báo Tiền Phong - nhà báo Dương Kỳ Anh từng chia sẻ với báo chí: Mục đích ban đầu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988 là tạo ra một sinh hoạt văn hoá mới để định hướng thẩm mĩ cho các bạn trẻ chứ không phải như bây giờ. Bây giờ, các bạn trẻ xem hoa hậu là một “nghề” có thể giúp họ được tung hô, kiếm tiền một cách dễ dàng.

Tôn trọng sắc đẹp, nhân cách và tài năng người phụ nữ, đó là điều hoàn toàn đúng đắn không phải bàn cãi. Nhưng sắc đẹp là nhất thời. Nhân cách, tài năng mới là điều tồn tại lâu dài cùng năm tháng và là cái cốt yếu để cộng đồng trông đợi vào hoa hậu. Trong cuộc sống còn nhiều những tấm gương về phẩm giá, tài năng có thể biết đến qua một cuộc thi hoặc thầm lặng ít người nhìn thấy nhưng cần được chính quyền trân trọng.

Sự tung hô thái quá người đẹp sau một cuộc thi sẽ là áp lực lớn cho chính họ vì phía trước “hậu hoa hậu” là một chặng đường dài không chỉ có hoa thơm./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 12 năm 2020

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

Kinh doanh-Pháp luật

 

Giá trị của “tour 0 đồng”

Tour du lịch 0 đồng một thời “nở rộ” ở thành phố thu hút nhiều người hào hứng tham gia.

Không mất tiền mà lại được đi tham quan, du lịch, đó quả là tour hấp dẫn, nhất là với người thu nhập không cao.

Đối tượng mà tour du lịch dạng này hướng tới thường là người cao tuổi, người đã nghỉ hưu có chút tích lũy nhất định, có quỹ thời gian nhàn rỗi.

Mấy năm trước, khu phố nơi tôi sống đã một số người tham gia tour du lịch 0 đồng. Ban đầu cũng nhiều người tin tưởng, hồ hởi vì trong công văn giới thiệu có bút tích của cán bộ phường. Nhưng sau mỗi tour du lịch ngắn trở về ai nấy nhận ra rằng, nó cũng có giá nhất định. Thường phần du lịch tham quan khá chóng vánh như “để có” và kết thúc bằng một bữa ăn bình dân miễn phí. Phần tiếp theo có lẽ là quan trọng nhất - giới thiệu sản phẩm và bán hàng “khuyến mãi”.

Sau mỗi chuyến đi ai nấy ngán ngẩm lắc đầu vì chuyến du lịch thực ra chỉ là chuyến đi mua hàng gia dụng, phí thời gian. Người thì xót xa vì trót mua những thứ hàng được quảng cáo “cực tốt” nhưng lại kém chất lượng với giá cao ngất ngưởng. Vì vậy hiện nay tại các thành phố, “tour 0 đồng” hầu như bị tẩy chay.

MC chương trình đang giới thiệu về "sữa dinh dưỡng cho người cao tuổi". Ảnh cắt từ clip.

Gần đây tour du lịch 0 đồng tái xuất nhằm tìm kiếm những khách hàng chưa biết giá thực của tour 0 đồng. Chẳng hạn tour tham quan Công ty cổ phần tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế New Zealand đặt tại Nghệ An mà một số đoàn hội viên người cao tuổi được mời. Kịch bản vẫn như “truyền thống”: Tham quan một nhà máy sản xuất sữa “hiện đại” (vừa được dựng lên) rồi dự “hội thảo” về sản phẩm sữa. Nhà máy hiện đại nhưng khách tham quan chỉ đứng ngoài nhìn qua ô kính thấy được vài công nhân đang đóng gói sản phẩm. Thế rồi khách được mời vào hội trường nghe quảng bá sữa và thuyết phục mua sản phẩm. Với tài năng thuyết trình của MC khiến ai nấy như “nay mới nhận ra” loại sữa của nhà máy này quá tốt, nhất là với người cao tuổi. Người bán tín bán nghi thì nghĩ, họ chu đáo với mình như vậy (xe đưa đón, tham quan, ăn uống miễn phí) thì cũng nên mua ủng hộ đôi chút. Người thực sự tin tưởng thì mở ví không ngần ngại. Và thế là nhiều người xuống tiền, ít thì dăm bảy trăm, nhiều thì hàng triệu. Giá cả, chất lượng sản phẩm không ai rõ, chỉ có niềm tin vào người tổ chức tour đã được gây dựng.

Có câu “tiền nào của nấy”, bỗng dưng chẳng ai cho không ai cái gì. Nhà tổ chức tour 0 đồng đâu chỉ uống nước lã và hít khí trời để sống. Họ cũng chẳng phải những nhà từ thiện mà là người kinh doanh. Đã kinh doanh thì lợi nhuận luôn là mục tiêu quan trọng nhất, cũng là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại.

Hầu hết người đi tour du lịch dạng này chỉ cần 1 lần là nhận ra “giá trị” thực của “tour du lịch 0 đồng”.

Dù biết bị lừa nhưng chẳng mấy người dám kêu vì lo người khác chê cười nên cuối cùng chỉ biết tự trách mình vì đã trót tham “0 đồng”./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 12 năm 2020

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Pháp luật và đời sống

 

Không thể mãi nhân văn với vi phạm

Khi nữ bệnh nhân số 17 tại Hà Nội biết nhiễm bệnh, cố tính trốn tránh cách li, gây phát tán dịch Covid-19 ra cộng đồng hồi đầu tháng 3 đã làm rúng động dư luận Thủ đô. Thiệt hại từ hành vi vô trách nhiệm của một cá nhân là quá lớn. Bức xúc trước hành vi vô ý thức của bệnh nhân này, đã có nhiều ý kiến đề nghị cần xử lí nghiêm theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) để làm gương, răn đe những người kém ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng.

Không rõ vì lí do gì mà sau đó nữ bệnh nhân này không bị xử lí hình sự. Trước những bức xúc, phê phán của cộng đồng mạng, chị em bệnh nhân này còn trả lời báo chí nước ngoài bịa đặt, nói xấu đất nước, nơi họ sinh ra, đã cưu mang, cứu chữa họ và người thân khỏi bệnh.

Có lẽ chưa có những “tấm gương” được xử lí nghiêm minh bằng pháp luật nên đến nay vẫn còn một số người “hồn nhiên” vô ý thức, thiếu trách nhiệm trước cộng đồng khi nguy cơ dịch bệnh đang rình rập.

Đường Phạm Văn Chí, quận 6, TPHCM nơi bị phong tỏa tối 1/12 vì có ca nhiễm nCoV.

Trường hợp nam tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines (BN số 1342) làm việc trong môi trường này chắc chắn nhận thức được bản thân thuộc một trong các trường hợp phải cách li y tế. Tuy nhiên anh ta đã cố tình đi lại và tiếp xúc nhiều người, không thực hiện các biện pháp an toàn và đã làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Theo điểm c, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) thì trường hợp trên sẽ bị xử lí về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”.

Trong đó, khung hình phạt thấp nhất đối với tội danh này là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; còn khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Có thể thấy, điều luật khá nghiêm khắc.

Chỉ vì ý thức kém của bệnh nhân trên mà hàng nghìn người trên địa bàn thành phố đông dân nhất cả nước bị đảo lộn cuộc sống, công việc. Thiệt hại về công tác phòng chống dịch bệnh, thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… của tổ chức và cá nhân và cả nền kinh tế khó có thể đong đếm. Đặc biệt rất nhiều người, nhất là người cao tuổi đứng trước nguy cơ nhiễm Covid-19.

Tuyên truyền đã nhiều. Quy định điều luật khá đầy đủ, nghiêm minh. Nhà nước không thể mãi nhân văn, “nương tay” trước những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội.

Có lẽ cơ quan chức năng đã nhận thức được điều này nên ngày 3/12 Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” kể trên.

Có thể coi đây là vụ xét xử làm điểm để giáo dục chung, duy trì kỉ luật, trật tự xã hội giữa đại dịch. Pháp luật nghiêm minh mới tạo được môi trường an toàn, yên tâm phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 12 năm 2020