Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Bất cập nhãn tiền về quản lí nhà nước

 

Lại thiếu “nhạc trưởng”

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định chấp thuận cấp phép thử nghiệm Mobile Money cho hai nhà mạng lớn tại Việt Nam là Vinaphone và MobiFone, đưa Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có nền tảng thanh toán Mobile Money.

Mô hình Mobile Money là bước tiến mới trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đây là một trong giải pháp thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Dịch vụ này giúp khách hàng sử dụng thuê bao điện thoại như một tài khoản ngân hàng với đầy đủ các chức năng nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ khác trong hạn mức 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, chỉ với chiếc điện thoại thông minh là mỗi cá nhân có thể thanh toán mọi dịch vụ thông thường, không cần mang theo tiền mặt hay thẻ ngân hàng trong túi… Với hơn 130 triệu thuê bao điện thoại di động, đây quả là thị trường đầy tiềm năng cho dịch vụ thanh toán, một đối thủ đáng gờm của các ngân hàng thương mại.

Ảnh minh họa

Thế nhưng, một vấn đề đã xuất hiện ngay từ khi mới chỉ có vài nhà mạng thực hiện Mobile Money, đó là sự liên thông, kết nối lẫn nhau. Theo mô hình Mobile Money thì hai mạng Vinaphone và MobiFone độc lập, nếu khách hàng nạp tiền và sử dụng tài khoản của Vinaphone thì nơi chấp nhận thanh toán cũng phải là Vinaphone. Tương tự với MobiFone cũng vậy. Và do đó, các cơ sở cung cấp dịch vụ, cá nhân kinh doanh nhỏ, thậm chí các bà hàng thịt, bán rau ngoài chợ… khi tham gia cũng chỉ thực hiện được một trong hai nhà mạng, nếu họ không đồng thời mở hai tài khoản mobile. Rồi sau này có thêm những nhà mạng di động khác, chẳng lẽ cũng phải có đủ tài khoản các nhà mạng khác nhau? Thị trường mà Mobile Money hướng tới là khu vực nông thôn, dịch vụ, buôn bán nhỏ nhưng sự bất tiện này sẽ là “điểm trừ” cho một mô hình mới bởi ngay từ đầu nó lẽ ra phải thể hiện được sự tiện dụng, ưu việt hơn tấm thẻ ngân hàng.

Từng xảy ra câu chuyện một loạt ứng dụng số hóa trong phòng dịch Covid-19 do thiếu “nhạc trưởng” đã gây khó khăn trong quản lí, vận hành, cuối cùng Thủ tướng Chính phủ phải giao Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có

Thiết nghĩ, cơ quan chủ quản (ngành ngân hàng và thông tin truyền thông) cần cùng nhau đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng, ngay từ đầu yêu cầu các nhà mạng phải có giải pháp kĩ thuật, bảo đảm sự liên thông trước khi chấp thuận cho việc ứng dụng mô hình Mobile Money.

Nếu không, sớm muộn sau này cũng sẽ phải xử lí sự bất cập đã nhận thấy nhãn tiền, mà khi đó có thể Mobile Money đã không còn hấp dẫn trong con mắt người sử dụng dịch vụ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 11 năm 2021

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Bài toán sai

 

 Giao thông “triệt hạ” nhau!

Cách đây hơn ba mươi năm, khi hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, ngành hàng không non trẻ và cũng không nhiều hành khách bình dân có điều kiện để đi, đó là giai đoạn đỉnh cao của giao thông đường sắt. Đúng như lời ca “Đường tàu mùa Xuân” là “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui”. Tuyến tàu Thống nhất Bắc - Nam khách đi trong dịp bình thường cũng phải chen chúc mua vé. Còn dịp Tết Nguyên đán nếu chậm chân chỉ có cách mua vé chợ đen. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải tổ chức mua vé tập thể từ trước Tết hai, ba tháng.

Trong khi ngành đường sắt đang “mơ màng” trong giấc mơ đẹp thì hai “người anh em” là đường bộ và hàng không từ từ bứt tốc.

Có vẻ như ngành giao thông đường bộ được ưu ái hơn bởi trong nhiều năm, nhất là vài chục năm lại đây, ngân sách đầu tư cho giao thông đường bộ luôn ở top đầu. Nhờ vậy mà hệ thống giao thông đường bộ và đường bộ cao tốc phát triển nhanh chóng, góp phần to lớn vào sự tăng trưởng của các ngành kinh tế.

Trong khi đó, nếu thử nhìn lại có thể nhận ra mấy chục năm qua chưa có tuyến đường sắt mới nào được xây dựng và đi vào vận hành. Hệ thống đường sắt cũ với khổ rộng 1.000mm (chiếm tới 83%) vẫn như được giữ nguyên từ thuở sơ khai, chỉ được tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm chạy tàu thường xuyên. Khổ đường chuẩn 1.435mm chỉ chiếm 6,8%, điều này đã hạn chế tốc độ và hiệu quả chạy tàu của toàn mạng đường sắt. Hệ thống đầu máy, toa xe cũng vậy, chủ yếu sửa chữa, chắp vá. Có lẽ vì thế mà ngành này đến nay cũng chỉ dám “mơ” mua được những đầu máy toa xe của nước Nhật đã dùng 40 năm đang muốn thải loại.


Ngành đường sắt muốn biến đường làng thành ngay cao tốc!

Đầu tư mạnh cho giao thông đường bộ là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên có vẻ như ngành giao thông đã lãng quên “đứa con” đường sắt quá lâu, nay nhà quản lí giật mình vội “sửa sai”. Và với nỗ lực tham mưu của ngành giao thông, quy hoạch đường sắt thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Tổng chi phí cho việc thực hiện quy hoạch này lên tới 56 tỉ USD, số tiền không nhỏ với cả nền kinh tế nước ta. Và đường sắt cũng không thể chỉ một trục Bắc Nam mà cần có hệ thống đường nhánh khác với hàng tỉ USD nữa. Với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (300-350km/h), những người đề xuất quy hoạch có mục tiêu rõ ràng là cạnh tranh với “người anh em” hàng không.

Như vậy là từ lãng quên nay lại chuyển sang thái cực ngược lại, hơi “ưu ái” nguồn ngân sách cho đường sắt. Rất “đáng lo” cho các hãng hàng không nếu đến năm 2050 khách hàng nội địa đổ xô hết sang đi tàu cao tốc! Có chuyên gia giao thông đã chỉ ra, đây là một “bài toán sai” về dữ liệu giả thuyết, khi các ngành giao thông “tranh giành khách”, triệt tiêu lẫn nhau mà lẽ ra nó cần bổ trợ để cùng phát triển. Đáng nói nữa, tuyến cao tốc chỉ để vận chuyển hành khách, không vận chuyển hàng hóa!

Nếu đúng là một “bài toán sai” thì hệ quả sẽ rất lớn với nền kinh tế trong tương lai, bởi khi nhận ra hệ quả xấu thì khi đó khó có thể “sửa sai”./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 11 năm 2021

 

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Triết lí giáo dục

 

“Tiên học lễ” và triết lí trồng người

Nền giáo dục hàng nghìn năm của dân tộc ta chịu ảnh hưởng sâu sắc nền nho học của Trung Hoa. Triết lí của nền giáo dục đó được đúc kết trong câu thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Suy rộng ra, có thể hiểu đây cũng là triết lí xây dựng trật tự xã hội và nền quản trị quốc gia.

Không thể phủ nhận quan điểm khoa học, tiến bộ của triết lí này vì nó đã đồng hành cùng nền giáo dục trong lịch sử phát triển văn hóa của dân tộc ta. Bao danh nhân, hào kiệt, văn sĩ tài năng lỗi lạc và nhân cách sáng ngời suốt chiều dài lịch sử là những minh chứng sống động cho nền giáo dục Việt Nam.

Thế nhưng đã có giai đoạn người ta tranh luận về việc có nên gỡ bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tại các trường học hệ giáo dục phổ thông. Một số ý kiến cho rằng đây là quan điểm cũ kĩ của phong kiến nho giáo, nay không còn phù hợp, nhất là dưới chế độ dân chủ, học sinh cần được cởi bỏ khỏi những khuôn mẫu, khuyến khích sự phản biện để phát huy tính sáng tạo.

Trong tiến trình phát triển, nền văn minh nhân loại hay nền văn hóa mỗi dân tộc luôn có tính kế thừa. Những giá trị văn hóa tinh hoa hàng nghìn năm nay vẫn được giữ vững, trường tồn, như truyền thống yêu nước thương nòi, ý chí bất khuất vượt qua phong ba bão táp khắc chế thiên nhiên, hay truyền thống đoàn kết trong đấu tranh chống ngoại xâm… Đó cũng là sản phẩm từ xã hội phong kiến kế truyền cho đến ngày nay.

Tư duy sáng tạo, ý thức phản biện của cá nhân không phải tới thời dân chủ mới có và nó không mâu thuẫn với kỉ cương, luật pháp và đạo đức. Khi vua Trần Thánh Tông từng vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Quốc Tuấn đã trả lời cương quyết: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Hay Chu Văn An thẳng thắn dâng “Thất trảm sớ” dù biết trái ý vua; rồi Cao Bá Quát bộc trực không e sợ quyền lực… Đó là những tấm gương tài năng nhưng cũng đầy dũng khí phản biện…

Chữ lễ trong câu thành ngữ trên cần hiểu một cách tổng quát, rộng mở, không nên bó hẹp, định kiến như một sự quy phục, yếu đuối. Học lễ là học lễ nghĩa, đạo đức làm người. Lễ ở đây là văn minh, kỉ cương, phép cư xử trong gia đình và xã hội, là những nền tảng luân lí, pháp luật, đạo đức để tổ chức gia đình, quản lí xã hội, quản trị quốc gia.

Lễ và văn (tri thức và văn hóa) với mỗi con người là hai mặt của một thể thống nhất, cân đối không thể thiếu mặt nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc nói chuyện với học sinh đã nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Trong quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay của Đảng ta, yếu tố nhân cách đạo đức bao giờ cũng giữ vị trí quan trọng, trước tiên. Một người tài giỏi đến đâu nhưng không tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, lối sống dẫn đến suy thoái về chính trị, tư tưởng thì sớm muộn sẽ sa vào sai phạm.

“Tiên học lễ, hậu học văn” không chỉ là triết lí giáo dục, nó còn là triết lí của cả nền quản trị từ vi mô tới vĩ mô./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 11 năm 2021

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa

 

 “Làm mới” khái niệm bảo tồn

Bảo tồn di sản (heritage preservation) được hiểu là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó.

Các nhà khoa học, sử học, triết gia cho rằng giá trị của đối tượng chính là yếu tố cốt lõi của hoạt động bảo tồn di sản.

Giá trị di sản là một khái niệm hết sức phức tạp, phụ thuộc vào những quy ước và sự thẩm định. Tháp Eiffel ở Paris từng bị người dân, các văn nghệ sĩ, chuyên gia kiến trúc, đô thị thời đó chê bai là “xấu xí”, “bộ xương”, “ống khói”… và suýt bị dỡ bỏ. Nay tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng nổi bật của Paris, có sức hút vượt xa nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng khác tại đây.

Cầu Long Biên, một công trình do Pháp xây dựng, cùng thời gian, nay cây cầu đã trở thành một di sản có giá trị lịch sử. Rất nhiều công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố còn lại đến nay vẫn có giá trị vì giữ được tính nguyên trạng, dần trở thành những di sản quý.

Dinh tỉnh trưởng tại Đà Lạt, một công trình do Pháp xây dựng với kiến trúc đặc trưng gắn với lịch sử đã trở thành một di sản quý của thành phố du lịch trên đất cao nguyên.

Khu đồi Dinh (Đà Lạt) sẽ không còn lại một mảng xanh hiếm hoi?

Không rõ nhằm mục tiêu gì, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị cho ý kiến về các phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình (TP Đà Lạt). Theo UBND tỉnh này, phương án 1 được đa số các ý kiến đồng thuận, cũng như đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh lựa chọn là phương án Hotel du Printemps, một cái tên lạ lẫm với di tích. Theo đó “Công trình (Dinh tỉnh trưởng) được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới (nâng cao 28 m), mở cửa cho mọi người…”. Và “để mang đến cho người dân, du khách thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại, khu vực bảo tồn sẽ có thêm khách sạn thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế… nhằm kết hợp giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại”…

Một công trình cần bảo tồn song lại “ở điểm cao mới” cùng quần thể khách sạn, trung tâm hội nghị (có thể sẽ “hoành tráng” hơn di sản hiện hữu…), vậy có còn ý nghĩa bảo tồn nguyên trạng? Cùng với di tích Dinh tỉnh trưởng, quần thể cây xanh ít ỏi còn lại không thể tách rời nay có nguy cơ “nhường đất” cho các công trình mới. Việc nâng cao lên 28m phải chăng để di tích không “lép vế” trước các công trình hiện đại chẳng liên quan tới “nhân vật chính” là Dinh tỉnh trưởng?

Có thể khẳng định, đây là cách “làm mới” khái niệm bảo tồn, chuyển từ một di sản lịch sử văn hóa thành quần thể dịch vụ, kinh doanh thu lợi nhuận. Liệu các công trình mới bổ sung có gắn kết và nâng lên giá trị cốt lõi, vốn có của di tích?

Đã có không ít di sản bỗng dưng biến mất hoặc “trẻ hóa” vì hoạt động bảo tồn tùy tiện, thiếu khoa học, không chuyên nghiệp.

Đà lạt là một thành phố du lịch nên rất cần bảo vệ, lưu giữ các di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái tự nhiên.

Mong rằng di tích Dinh tỉnh trưởng của Đà Lạt không theo những “tấm gương” bảo tồn kiểu “làm mới”./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2021

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

Mừng ngày 20/11

 

 Giữ trọn nghề cao quý

Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Từ xưa các cụ ta đã đặt vị trí trong xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ tử cùng những người thầy luôn là tầng lớp tinh hoa trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào sáng 11/11, về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tin rằng, đây chỉ là mong muốn của vị tân bộ trưởng nhằm đưa thực trạng dạy thêm, học thêm vào quy củ, chất lượng, tránh biến tướng chứ không vì lợi ích kinh tế riêng của thầy cô giáo.

Đã gọi là nghề kinh doanh thì có chủ thể và mặt hàng, đối tượng kinh doanh. Như vậy, nếu đề xuất được chấp nhận, thầy cô sẽ có thêm “nghề phụ” là dạy thêm, còn học trò cùng phụ huynh là đối tượng, “mặt hàng” chính là chất xám giáo viên.

Ai cũng biết, trong phạm vi lớp học, thầy cô chỉ truyền thụ lượng kiến thức nhất định, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người học. Bên cạnh đó khả năng nhận thức, tiếp thu của mỗi học sinh khác nhau sẽ dần tạo ra sự chênh lệch kiến thức. Khi đó, việc học thêm, dạy thêm là điều chính đáng, cần ủng hộ.

Một thời việc kèm cặp, phụ đạo cho học sinh yếu là việc làm vô tư, đầy trách nhiệm của người thầy với mục tiêu giúp các em vươn lên cho bằng chúng bạn cùng lớp, đồng trang lứa.

Dần dà việc phụ đạo được nâng lên thành dạy thêm, học thêm, phụ huynh cũng trả ơn thầy cô bằng những đồng tiền bồi dưỡng chính đáng để bù đắp sức lao động. Đến khi việc dạy ngoài giờ có thu tiền thì cũng là lúc hình thức kèm cặp, phụ đạo biến mất và người ta gọi đúng nghĩa hoạt động này là dạy thêm. Đi xa hơn chút nữa chính là những biến tướng. Đã có nhiều câu chuyện dạy thêm méo mó như “cài bài”, gợi ý bóng gió với phụ huynh để học sinh đến lớp dạy thêm của mình, khi học tại lớp sẽ có điểm cao và ngược lại… Lúc này, việc giảng dạy tại lớp cùng việc học thêm dễ bị “tung hứng”, biến thành những thủ thuật moi tiền phụ huynh!

Dạy thêm nếu được “luật hóa” liệu sau này bài giảng của cùng một thầy cô trong nhà trường tham gia dạy thêm thì nơi nào sẽ là “chính khóa”? nơi nào chất lượng tốt hơn?

Nhà trường là môi trường đào luyện, hình thành nên nhân cách, tri thức con người, nơi đây không thể có hàng hóa hay sự bán mua. Người ta không thể mua được tri thức và nhân cách con người.

Với người thầy, chỉ có một nghề cao quý, vẻ vang duy nhất - Nghề trồng người./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 11 năm 2021

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Du lịch hủy hoại môi trường

 

Những biến hóa “sinh thái nghỉ dưỡng”

Hệ sinh thái được hiểu là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung với nhau và phát triển trong cùng một môi trường nhất định, các quần thể sinh vật sống chung trong môi trường đó sẽ có quan hệ tương tác với nhau.

Khái niệm “du lịch sinh thái” nay được nhắc tới nhiều với hàm ý một dịch vụ giúp con người hòa đồng, tận hưởng những giá trị tốt đẹp mà hệ môi trường sinh thái tự nhiên mang lại. Để quan hệ tương tác (giữa du lịch với sinh thái) mang tính bổ trợ phát triển bền vững thì hai đối tượng này không thể xâm hại lẫn nhau. Du lịch phải giúp hệ sinh thái tồn tại bền vững và ngược lại, hệ sinh thái giúp con người nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần.

Vẻ đẹp hoang sơ tại Côn Đảo

Tuy nhiên nhiều dự án du lịch sinh thái đang bị lạm dụng mà thực chất người ta đang tận dụng, khai thác hệ sinh thái cho mục tiêu kinh doanh. Xin điểm một vài đề án phát triển du lịch của các địa phương:

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vườn quốc gia Côn Đảo, giai đoạn 2021-2030. Theo đó, vườn quốc gia sẽ phát triển 17 tuyến du lịch sinh thái, cho thuê hơn 888 héc ta rừng đặc dụng, thời gian thuê 30 năm.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đang rà soát hồ sơ trình xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án mở rộng khu du lịch Casa Marina Resort và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh tại thành phố Quy Nhơn, cả hai dự án đều được làm trên đất rừng đặc dụng…

Thật khó để khẳng định các dự án du lịch nghỉ dưỡng trên thuê hàng nghìn héc ta đất rừng chỉ là để du khách đến ngắm rừng! Tại đó chắc chắn sẽ xây dựng các công trình như khách sạn, nhà hàng, khu chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, dịch vụ… Chẳng lẽ những công trình đó không cần lấy đất rừng? Có lẽ từ sinh thái được gắn vào dự án du lịch chủ yếu để tạo cảm giác giảm nhẹ nguy cơ tác động hủy hoại môi trường.

Công trình sai phạm tại vịnh Lan Hạ thuộc Vườn quốc gia Cát Bà

Đã có bài học đắt giá xảy ra như tại vườn quốc gia Cát Bà (TP Hải Phòng), khi địa phương này cho 7 doanh nghiệp liên danh, liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây. Mỗi doanh nghiệp dựng lên một dự án quy mô lớn trong khu vực đảo Cát Bà. Cuối cùng sự lạm dụng đã vượt ngưỡng khiến dư luận bức xúc, cơ quan quản lí phải vào cuộc. Và cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại vườn quốc gia Cát Bà.

Con người cần tạo ra sinh thái chứ không thể mãi “ăn bám” vào sinh thái. Ví như Khu đô thị Ecopark, với hơn 500ha, dự án này đã thực sự tạo ra một hệ sinh thái riêng của mình, giúp cư dân như được nghỉ dưỡng tại chính nơi cư trú.

Phát triển du lịch sinh thái rất đáng khuyến khích song hãy đưa các dự án đến những nơi cần tạo ra sinh thái chứ không để tất cả chỉ mang danh sinh thái rồi “nhảy vào” những khu rừng đặc dụng, vườn quốc gia./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 11 năm 2021

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Chưa có văn hóa từ chức

 

Quy định 41 và văn hóa từ chức

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Quy định nêu rõ nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lí; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lí trong hệ thống chính trị.

Theo cách hiểu phổ biến lâu nay, từ chức là việc một cán bộ được tổ chức cử ra hoặc người dân tín nhiệm bầu lên để đảm trách một chức vụ với các yêu cầu tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể trong thời hạn nhất định, nay cá nhân tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết thời hạn, được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

 

Với nhiều quốc gia trên thế giới, việc từ chức đã trở thành nét văn hóa khi người lãnh đạo thấy bản thân có khiếm khuyết, sai lầm hoặc tự thấy không còn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ, có thể gây thiệt hại cho tổ chức, tập thể hoặc rộng rớn hơn là cho đất nước, họ xin từ chức vì lợi ích chung. Gần đây nhất có Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, khi thấy sức khỏe không bảo đảm đã xin từ chức dù ông đang có uy tín cao và năng lực tốt.

Với Việt Nam ta, từ chức chưa hình thành nét văn hóa dù đã có tấm gương dũng khí thực hiện. Không như những giai đoạn đất nước khó khăn gian khổ, nay cán bộ, công chức nắm giữ quyền lực cùng với trách nhiệm lớn lao còn đi liền với những lợi ích về vật chất, tinh thần. Khi từ chức là người ta sẵn sàng chấp nhận từ bỏ những lợi ích không nhỏ trên cương vị hiện tại. Thế nên đã có những lãnh đạo dù để lĩnh vực, phạm vi thuộc quyền xảy ra nhiều thiếu sót, tiêu cực, tham nhũng, uy tín trong con mắt Nhân dân sa sút nghiêm trọng, có ý kiến thẳng thắn là nên xem xét việc từ chức song họ quyết không tiếp thu. Họ dựa vào thể chế “Đảng cử, Dân bầu” cho rằng Đảng, Dân giao trách nhiệm thì phải hoàn thành và coi đó như sự tuân thủ kỉ luật. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, đó chỉ là biện minh, là tấm khiên che để người ta bước qua liêm sỉ.

Có lẽ vì những tồn tại, khó khăn của việc từ chức, khi nó chưa trở thành nét văn hóa, ý thức tự giác và liêm sỉ của cán bộ trước lợi ích chung nên Bộ Chính trị đã đưa ra Quy định 41 nêu trên.

Quy định 41 sẽ là hành lang pháp lí, là “đường ray” để mọi cán bộ, công chức có chức, có quyền trong hệ thống chính trị phải tuân thủ để “con tàu” vận hành tốt nhất. Dù là thể chế “Đảng cử, Dân bầu” song nó cũng gắn liền với tiêu chuẩn, tiêu chí trong cả nhiệm kì, trong suốt thời hạn thực hiện sứ mệnh được “cử” được “bầu”. Khi mà những tiêu chuẩn, tiêu chí không còn đầy đủ như ban đầu thì cũng cần đưa cán bộ đó ra khỏi vị trí vì lợi ích chung, vì uy tín của Đảng.

Có thể việc thực hiện Quy định 41 sẽ gặp khó khăn, nhất là khi người cần từ chức đang đứng đầu, có quyền lực và ảnh hưởng không nhỏ trong một tập thể lãnh đạo mà tập thể đó lại là nơi làm “quy trình” cho việc từ chức. Khi đó cần có sự hỗ trợ thực sự, đủ mạnh của tổ chức và lãnh đạo cấp trên./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 11 năm 2021

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Lạm dụng trong kinh doanh âm nhạc

 

Bản quyền và “công nghệ lạm dụng”!

Họa sĩ A vẽ bức tranh X. Họa sĩ sao thêm một bản, mời anh thợ mộc phối hợp đóng bộ khung tranh rồi cho phép anh thợ bán tranh. Anh thợ mộc lại hợp đồng với nhà buôn Y sao chép tranh, tân trang thêm khung, giá, phụ kiện cho bức tranh. Rồi nhà buôn Y đăng kí sở hữu để bán kiếm lời. Một ngày kia, họa sĩ A mang tranh đi triển lãm liền bị nhà buôn Y đến nhắc nhở, cảnh báo rằng họa sĩ A vi phạm bản quyền, vì bức tranh “có nét giống” với tranh mình đang sở hữu.

Xin giả định câu chuyện trên vì nó có nét tương đồng với câu chuyện lùm xùm bản quyền âm nhạc trên môi trường số đang diễn ra.

Chuyện là, nhạc sĩ Giáng Son đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” (Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube, một sản phẩm trong album của cô được phát hành từ năm 2007, do chính mình làm nhạc, phối khí đã bị thông báo vi phạm bản quyền. 

Nhạc sĩ Giáng Son

Thông báo từ hệ thống YouTube cho biết, video do Giáng Son đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh (thuộc sở hữu của BH Media và Hồ Gươm Audio).

Chia sẻ với báo chí, nghệ sĩ Dương Thùy Anh cho biết, đĩa hòa tấu đàn nhị tác phẩm trên (được phép của ca sĩ Giáng Son), chị tự bỏ tiền sản xuất toàn bộ, chỉ nhờ Hồ Gươm Audio Video phát hành và được chia phần trăm rất nhỏ.

Cách giả thích của BH Media về quy trình và cách hoạt động công nghệ “đánh gậy bản quyền” trên YouTube khá dích dắc, khiến nhiều nhạc sĩ hoang mang và không phải ai cũng hiểu được đúng sai thế nào.

Dù phía BH Media đưa ra giả thích rườm rà, phức tạp về những điều luật, cách vận hành của YouTube song cái quan trọng nhất lại chưa có, đó là hợp đồng với nghệ sĩ Dương Thùy Anh cụ thể ra sao?

Trung tâm Tin tức VTV24 ngày 4/11 đưa tin ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc) bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền. Thậm chí chương trình quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu trên YouTube!

Như sự bùng nổ dây chuyền, rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã lên tiếng xung quanh những “mù mờ” trong việc kí kết hợp đồng và khai thác bản quyền tác phẩm âm nhạc với BH Media. Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã công bố 76 album, tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các thành viên cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. VCPMC khẳng định 100% quyền tác giả và quyền liên quan của loạt album này thuộc về các tác giả. 


Trang Facebook giả mạo NSND Thu Hiền

Kinh ngạc hơn, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền đã bị BH Media “giúp” lập một kênh Youtube và trang Facebook mang tên NSND Thu Hiền, mạo danh nghệ sĩ để trả lời các bình luận của khán giả! Việc làm này có lẽ khó “đổ lỗi” cho công nghệ?

Việc đổ lỗi do công nghệ hay “công nghệ lạm dụng” nhằm khai thác bất hợp pháp tác phẩm âm nhạc cần sớm được cơ quan chức năng làm rõ, trả lại quyền lợi cho các nghệ sĩ và lành mạnh hóa thị trường âm nhạc trên môi trường số./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 11 năm 2021

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Lại chuyện BOT

 Làm BOT sướng nhất!

BOT là một trong các hình thức thực hiện hợp đồng đối tác công tư (PPP) với ý nghĩa là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, được kí giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) để xây dựng công trình hạ tầng. Nhà đầu tư, DN dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, dự án được chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước quản lí.

Nhà nước thực hiện loại dự án này nhằm mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, khi nguồn ngân sách khó khăn, không thể đầu tư cùng lúc nhiều công trình, nhất là giao thông. Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh, các dự án BOT giao thông từng gặt hái nhiều lợi nhuận, thậm chí có DN bị nghi ngờ dấu doanh thu hay dự án liên danh đã xảy ra hiện tượng nghi ngờ nhau về doanh thu, lợi nhuận. Khi đó tuyệt nhiên chẳng thấy DN nào đòi trả BOT cho Nhà nước.

Cách đây mấy năm, Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép trả lại dự án BOT tại trạm thu phí T2 (Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang); hoặc hoàn trả lại cho đơn vị này 880 tỉ đồng! Động thái này, gây ra những ý kiến trái chiều và lo ngại sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Lí do đươc Công ty này đưa ra là chủ đầu tư sau 3 năm hoạt động hiện đang bị lỗ 99 tỉ đồng và có nguy cơ nợ xấu ngân hàng, nhất là khi trạm thu phí T2 có thời gian buộc phải xả trạm.

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có thời điểm liên danh nghi ngờ nhau về doanh thu

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề nghị sử dụng nguồn vốn từ gói kích thích kinh tế để xử lí các dự án BOT không thể tiếp tục thu phí hoàn vốn, số tiền hơn 9 nghìn tỉ đồng. “Xử lí” hiểu nôm na là Nhà nước dùng tiền ngân sách mua lại các BOT đang “khó khăn”! Đề xuất này gây nên sự tranh luận trái chiều. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hoàn trả lại dự án sẽ làm sai lệch ý nghĩa của dự án công tư và có thể vi phạm các điều khoản kí kết hợp đồng.

Thời gian qua, một số dự án BOT khi được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm, lỗ hổng và thiếu minh bạch. Không ít trạm BOT đã phải cắt giảm hàng chục năm thu phí với số tiền hàng trăm tỉ đồng vì đầu tư ít, khai nhiều. Nay nếu mua lại BOT, có thể Nhà nước sẽ “hớ”!

Bất kì loại hình kinh doanh nào cũng có thể gặp thuận lợi hoặc rơi vào tình huống khó khăn. Thuận lợi thì DN được hưởng nhưng khó khăn, rủi ro DN cũng phải lường trước. May rủi trong kinh doanh là một phần khó tránh. Khi có vướng mắc, khó khăn thì trước tiên DN cần tìm cách tháo gỡ, nếu bất khả kháng thì đề nghị cơ quan quản lí cùng tìm cách tháo gỡ.

Có loại hình kinh doanh mà khi lợi nhuận thì DN đắc lợi, khi rủi ro lại được người khác “gánh đỡ” thì ai chẳng muốn làm? Nhà nước “cứu” BOT sẽ tạo tiền lệ và bất bình đẳng với DN khác.

Nếu đề xuất trên của Bộ Giao thông Vận tải được chấp nhận thì rõ ràng… làm BOT là “sướng nhất”!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 11 năm 2021


Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Y đức và tham nhũng

 

 Liệu họ có thiếu trách nhiệm?

Cách đây hơn 4 năm, nhân vụ án một số cựu cán bộ Công ty dược VN Pharma và cơ quan quản lí dược Bộ Y tế được đưa ra xét xử về hành vi nhập khẩu thuốc ung thư giả, người viết bài này đã có bài trên Báo Người cao tuổi tựa đề “Hoa hồng tội ác”.

Không phải những cán bộ vi phạm do trình độ năng lực yếu kém nên bị đối tác lừa mà sự thật phát lộ nhiều bác sĩ các bệnh viện đã được hưởng “hoa hồng” với số tiền lên tới 7,5 tỉ đồng từ thuốc ung thư giả! Khi đó đã có ý kiến của một vài cán bộ quản lí tranh luận biện minh rằng đây không phải thuốc giả, chỉ là thành phần hóa dược chưa đạt tiêu chuẩn, hồ sơ đăng kí hợp pháp... Song với những chứng cứ xác đáng, lô thuốc giả đã được khẳng định.

Với đa số bệnh nhân ung thư, bản thân và người nhà đều rơi vào trạng thái tuyệt vọng về tinh thần, tiêu tán tiền của chỉ với hi vọng “còn nước còn tát”. Những viên thuốc giả vừa chiếm đoạt đồng tiền ít ỏi, khốn khó của bệnh nhân, vừa nhẫn tâm tước đi cơ hội kéo dài sự sống của họ.

Vụ "thuốc ung thư giả" gây rúng động dư luận.

Liên quan tới vụ thuốc ung thư giả, vừa qua Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360, Bộ luật Hình sự. Tội này cũng được coi “nhẹ nhàng” hơn tội tham ô, tham nhũng. Không biết liệu vị cựu Thứ trưởng trên có dính dáng gì với khoản hoa hồng hàng tỉ đồng? Rồi chuyện sân sau, cổ phần, lợi ích nhóm?...

Cụm từ “thiếu trách nhiệm” trong điều luật đôi khi bó hẹp và đơn giản hơn nhiều so với mối quan hệ nhằng nhịt giữa cán bộ và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lí. Nếu cán bộ có trách nhiệm “gác cửa” nhưng “mắt kém”, không nhận ra gian lận để doanh nghiệp làm sai thì cụm từ “thiếu trách nhiệm” có thể chấp nhận. Song nếu doanh nghiệp có mối quan hệ “thân tình”, thường tặng những món quà, hay khoản “hoa hồng” giá trị lớn cho người “gác cửa” rồi họ làm ngơ cho doanh nghiệp tự tung tự tác thì khi đó cụm từ “thiếu trách nhiệm” không phản ánh đúng bản chất vấn đề, đó phải là vô trách nhiệm hoặc lạm dụng trách nhiệm.

Trong những năm qua rất nhiều vụ án lớn với một số cán bộ chức quyền gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng nhưng cũng chỉ bởi lí do “thiếu trách nhiệm” - một lỗi rất hiếm khi chưa phát lộ sai phạm. Mỗi cán bộ cùng với năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm nhiều năm công tác mới được cất nhắc lên vị trí quyền lực cao. Ở những vị trí đó rất khó xảy ra tình trạng “thiếu trách nhiệm”, thậm chí họ luôn là tấm gương, là người đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới về tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Đã đến lúc cần sửa đổi khái niệm “thiếu trách nhiệm” trong luật với hành vi của cán bộ quản lí giúp kẻ sai phạm có cơ hội chiếm đoạt tài sản công hoặc trợ giúp sai phạm thu lợi bất chính.

Nếu cứ “thiếu trách nhiệm” để rồi cán bộ nắm quyền có “thừa nhiều thứ khác” thì căn bệnh “thiếu trách nhiệm” sẽ tiếp tục “di căn”, rất khó có phương thuốc đặc trị./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 11 năm 2021