Giữ trọn nghề cao quý Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Từ xưa các cụ ta đã đặt vị trí trong xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ tử cùng những người thầy luôn là tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào sáng 11/11, về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tin rằng, đây chỉ là mong muốn của vị tân bộ trưởng nhằm đưa thực trạng dạy thêm, học thêm vào quy củ, chất lượng, tránh biến tướng chứ không vì lợi ích kinh tế riêng của thầy cô giáo.
Đã gọi là nghề kinh doanh thì có chủ thể và mặt hàng, đối tượng kinh doanh. Như vậy, nếu đề xuất được chấp nhận, thầy cô sẽ có thêm “nghề phụ” là dạy thêm, còn học trò cùng phụ huynh là đối tượng, “mặt hàng” chính là chất xám giáo viên. Ai cũng biết, trong phạm vi lớp học, thầy cô chỉ truyền thụ lượng kiến thức nhất định, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người học. Bên cạnh đó khả năng nhận thức, tiếp thu của mỗi học sinh khác nhau sẽ dần tạo ra sự chênh lệch kiến thức. Khi đó, việc học thêm, dạy thêm là điều chính đáng, cần ủng hộ. Một thời việc kèm cặp, phụ đạo cho học sinh yếu là việc làm vô tư, đầy trách nhiệm của người thầy với mục tiêu giúp các em vươn lên cho bằng chúng bạn cùng lớp, đồng trang lứa. Dần dà việc phụ đạo được nâng lên thành dạy thêm, học thêm, phụ huynh cũng trả ơn thầy cô bằng những đồng tiền bồi dưỡng chính đáng để bù đắp sức lao động. Đến khi việc dạy ngoài giờ có thu tiền thì cũng là lúc hình thức kèm cặp, phụ đạo biến mất và người ta gọi đúng nghĩa hoạt động này là dạy thêm. Đi xa hơn chút nữa chính là những biến tướng. Đã có nhiều câu chuyện dạy thêm méo mó như “cài bài”, gợi ý bóng gió với phụ huynh để học sinh đến lớp dạy thêm của mình, khi học tại lớp sẽ có điểm cao và ngược lại… Lúc này, việc giảng dạy tại lớp cùng việc học thêm dễ bị “tung hứng”, biến thành những thủ thuật moi tiền phụ huynh! Dạy thêm nếu được “luật hóa” liệu sau này bài giảng của cùng một thầy cô trong nhà trường tham gia dạy thêm thì nơi nào sẽ là “chính khóa”? nơi nào chất lượng tốt hơn? Nhà trường là môi trường đào luyện, hình thành nên nhân cách, tri thức con người, nơi đây không thể có hàng hóa hay sự bán mua. Người ta không thể mua được tri thức và nhân cách con người. Với người thầy, chỉ có một nghề cao quý, vẻ vang duy nhất - Nghề trồng người./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 11 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét