Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Bài toàn khó của Hà Nội

 

Mục tiêu giảm tải hay mục đích tăng thu?

Dù hạ tầng giao thông Hà Nội những năm qua được cải thiện đáng kể, tuy nhiên do sự tăng dân số cơ học khu vực nội đô (cả cư trú và lưu trú) nên hạ tầng vẫn ngày một quá tải.

Đã có những đề xuất giải pháp mấy năm qua, tuy nhiên chưa có giải pháp nào tạo được đồng thuận cao và có tính khả thi. Gần đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp tục nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô với đề xuất lập 87 trạm thu phí tại vành đai 3, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày (chi phí đầu tư 2.646 tỉ đồng). Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025, mức phí đề xuất từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt tùy loại phương tiện và thời điểm.

Có thể hiểu đây là một giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện ô tô, nhất là của cá nhân vào nội đô để giảm tải giao thông.

Vậy khi có 87 chốt thu phí có hạn chế được phương tiện lưu thông vào trung tâm Hà Nội?


Ùn tắc giao thông đang là “bài toán khó” của Hà Nội

Lẽ thường, nếu tốn kém tiền phí thì người ta sẽ chọn loại hình giao thông khác kinh tế và tiện lợi hơn, đó là xe buýt và đường sắt đô thị, thậm chí chuyển sang xe máy.

Hệ thống xe buýt Hà Nội hiện còn rất nhiều bất cập. Thông thường khách hàng phải đi bộ khá xa mới đến được điểm đón vì xe buýt chỉ bao phủ trục đường chính. Sự bất tiện là yếu tố đầu tiên khiến hành khách không mặn mà với loại hình này. Bên cạnh đó, tốc độ xe buýt đang chậm hơn nhiều so với phương tiện cá nhân do đường phố hẹp lại quá đông xe máy. Những người đi làm cần độ chính xác về thời gian nếu đi xe buýt khó đạt được mục đích khi lưu thông.

Loại trừ những bất cập trên, nếu mọi người sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng thì xe buýt Hà Nội liệu có đáp ứng được nhu cầu? Được biết hiện giao thông công cộng Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 20%. Đường sắt đô thị vẫn chưa biết khi nào được vận hành và với một vài tuyến thì cũng khó đáp ứng nhu cầu. Trong khi theo kinh nghiệm các nước, để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô thì ít nhất giao thông công cộng phải bảo đảm đạt mức 40-60% nhu cầu. Những tuyến buýt chính khi chưa có dịch Covid-19 đã chứng kiến cảnh chen chúc quá tải hành khách giờ cao điểm, vậy khi thực hiện thu phí ô tô cá nhân thì tình trạng đó sẽ thế nào?

Đó chỉ là giả thuyết, tin rằng những người có ô tô cá nhân sẽ vẫn sử dụng phương tiện của họ, chấp nhận thêm một loại “thuế đường” mới. Nguy cơ ách tắc giao thông lúc này lại chính là 87 chốt thu tiền. Khi giãn cách phòng dịch Covid-19 chỉ với hơn 20 trạm kiểm soát ra vào thành phố, dù lượng phương tiện giảm đáng kể mà vẫn xảy ra ùn tắc. Vậy trong điều kiện giao thông bình thường, 87 chốt thu phí này sẽ gây ách tắc đến mức nào?

Nếu Hà Nội quyết thu phí ô tô vào nội đô thì chỉ có thể đạt được mục đích tăng thu ngân sách. Còn mục tiêu giảm tải phương tiện sẽ rất xa vời.

Gần đây nhất đã có thêm TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên “học tập” Hà Nội với mức phí dự kiến 40.000-70.000 đồng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 03 tháng 11 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét