Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Lạm dụng trong kinh doanh âm nhạc

 

Bản quyền và “công nghệ lạm dụng”!

Họa sĩ A vẽ bức tranh X. Họa sĩ sao thêm một bản, mời anh thợ mộc phối hợp đóng bộ khung tranh rồi cho phép anh thợ bán tranh. Anh thợ mộc lại hợp đồng với nhà buôn Y sao chép tranh, tân trang thêm khung, giá, phụ kiện cho bức tranh. Rồi nhà buôn Y đăng kí sở hữu để bán kiếm lời. Một ngày kia, họa sĩ A mang tranh đi triển lãm liền bị nhà buôn Y đến nhắc nhở, cảnh báo rằng họa sĩ A vi phạm bản quyền, vì bức tranh “có nét giống” với tranh mình đang sở hữu.

Xin giả định câu chuyện trên vì nó có nét tương đồng với câu chuyện lùm xùm bản quyền âm nhạc trên môi trường số đang diễn ra.

Chuyện là, nhạc sĩ Giáng Son đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” (Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube, một sản phẩm trong album của cô được phát hành từ năm 2007, do chính mình làm nhạc, phối khí đã bị thông báo vi phạm bản quyền. 

Nhạc sĩ Giáng Son

Thông báo từ hệ thống YouTube cho biết, video do Giáng Son đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh (thuộc sở hữu của BH Media và Hồ Gươm Audio).

Chia sẻ với báo chí, nghệ sĩ Dương Thùy Anh cho biết, đĩa hòa tấu đàn nhị tác phẩm trên (được phép của ca sĩ Giáng Son), chị tự bỏ tiền sản xuất toàn bộ, chỉ nhờ Hồ Gươm Audio Video phát hành và được chia phần trăm rất nhỏ.

Cách giả thích của BH Media về quy trình và cách hoạt động công nghệ “đánh gậy bản quyền” trên YouTube khá dích dắc, khiến nhiều nhạc sĩ hoang mang và không phải ai cũng hiểu được đúng sai thế nào.

Dù phía BH Media đưa ra giả thích rườm rà, phức tạp về những điều luật, cách vận hành của YouTube song cái quan trọng nhất lại chưa có, đó là hợp đồng với nghệ sĩ Dương Thùy Anh cụ thể ra sao?

Trung tâm Tin tức VTV24 ngày 4/11 đưa tin ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc) bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền. Thậm chí chương trình quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu trên YouTube!

Như sự bùng nổ dây chuyền, rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã lên tiếng xung quanh những “mù mờ” trong việc kí kết hợp đồng và khai thác bản quyền tác phẩm âm nhạc với BH Media. Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã công bố 76 album, tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các thành viên cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. VCPMC khẳng định 100% quyền tác giả và quyền liên quan của loạt album này thuộc về các tác giả. 


Trang Facebook giả mạo NSND Thu Hiền

Kinh ngạc hơn, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền đã bị BH Media “giúp” lập một kênh Youtube và trang Facebook mang tên NSND Thu Hiền, mạo danh nghệ sĩ để trả lời các bình luận của khán giả! Việc làm này có lẽ khó “đổ lỗi” cho công nghệ?

Việc đổ lỗi do công nghệ hay “công nghệ lạm dụng” nhằm khai thác bất hợp pháp tác phẩm âm nhạc cần sớm được cơ quan chức năng làm rõ, trả lại quyền lợi cho các nghệ sĩ và lành mạnh hóa thị trường âm nhạc trên môi trường số./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 11 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét