Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

Ứng xử với sản phẩm văn hóa nghệ thuật

 

 Hồi tố tác phẩm điện ảnh

Hệ thống pháp luật có quy định những trường hợp nhất định nhưng cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân thì dù các hành động đã diễn ra trong quá khứ trước khi có pháp luật điều chỉnh thì vẫn có thể áp dụng pháp luật hiện hành. Việc áp dụng này được gọi là hồi tố.

Một lãnh đạo từng kí các văn bản pháp quy khi đương chức, sau đó ông ta vi phạm pháp luật, thậm chí bị truy tố, vào tù. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tất cả các quyết định, văn bản điều hành do ông ta đã kí bị vô hiệu hóa, nó vẫn được duy trì hiệu lực đến khi có văn bản thay thế. Nếu không được hồi tố, mọi sự sẽ vô cùng phức tạp, thậm chí rối loạn hoạt động xã hội, thiệt hại về vật chất, tinh thần.

                Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về phát biểu của một đại biểu Quốc hội liên quan đến việc đề xuất quy định dừng chiếu hoặc rút phép với các tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của những nghệ sĩ vi phạm về đạo đức, an ninh, phát ngôn…

Câu chuyện này có phần nào giống với tình huống hồi tố của luật pháp. Ở đây là một đề xuất không “hồi tố” với sản phẩm điện ảnh, khi một trong số những người tạo ra tác phẩm vi phạm đạo đức, pháp luật.

Có một số ý kiến đồng tình với đề xuất trên, tuy nhiên nhiều đạo diễn, diễn viên nổi tiếng trong nghề cho rằng, đề xuất “cấm chiếu phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức” là bất công đối với người sản xuất phim.  


Một cá nhân không thể vô hiệu hóa một tác phẩm do sáng tạo tập thể trong qúa khứ vì hành vi hiện tại.

Để một bộ phim ra đời, phải trải qua rất nhiều khâu: từ sáng tác kịch bản, casting tìm chọn diễn viên, quá trình sáng tạo của đạo diễn, diễn viên, quay phim, hậu kì và quảng bá... Mỗi bộ phim là tâm huyết của bao người để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, vốn đầu tư cũng không ít, có thể lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Nếu vì vi phạm của một cá nhân mà cấm chiếu thì đó là sự thiệt thòi lớn cho nhà sản xuất, cả ekip làm phim và sự lãng phí cho tổ chức, xã hội.

Nghệ sĩ vi phạm đạo đức cần được xã hội lên án, tẩy chay. Việc này cũng nhằm giáo dục, cảnh tỉnh để nghệ sĩ coi trọng giữ gìn phẩm giá, hình ảnh. Với những người của công chúng cần có cả tài năng và đạo đức. Tuy nhiên những đóng góp hoặc sản phẩm trước đó của họ, nhất là sản phẩm mang tính tập thể thì cần được hồi tố. Để hạn chế tác động xấu đến công chúng, cũng có thể điều chỉnh, sửa chữa, biên tập những phần mà cá nhân đó tham gia, song với tác phẩm điện ảnh sẽ rất khó và tốn kém.

Cách xử lí khi sử dụng tác phẩm rơi vào tình thế trên có thể đơn giản: Mỗi khi công chiếu phim có nghệ sĩ tham gia nay vi phạm đạo đức chỉ cần thêm dòng phụ đề “diễn viên A trong vai nhân vật X đóng phim trước khi xảy ra vi phạm…” vào góc màn ảnh phim. Chương trình truyền hình sử dụng tư liệu hình ảnh có người không đeo khẩu trang do ghi hình trước thời điểm có Chỉ thị phòng chống dịch của Chính phủ đang thực hiện theo cách này./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 06 tháng 11 năm 2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét