Quy định 41 và văn hóa từ chức Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định nêu rõ nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lí; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lí trong hệ thống chính trị. Theo cách hiểu phổ biến lâu nay, từ chức là việc một cán bộ được tổ chức cử ra hoặc người dân tín nhiệm bầu lên để đảm trách một chức vụ với các yêu cầu tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể trong thời hạn nhất định, nay cá nhân tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết thời hạn, được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Với nhiều quốc gia trên thế giới, việc từ chức đã trở thành nét văn hóa khi người lãnh đạo thấy bản thân có khiếm khuyết, sai lầm hoặc tự thấy không còn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ, có thể gây thiệt hại cho tổ chức, tập thể hoặc rộng rớn hơn là cho đất nước, họ xin từ chức vì lợi ích chung. Gần đây nhất có Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, khi thấy sức khỏe không bảo đảm đã xin từ chức dù ông đang có uy tín cao và năng lực tốt. Với Việt Nam ta, từ chức chưa hình thành nét văn hóa dù đã có tấm gương dũng khí thực hiện. Không như những giai đoạn đất nước khó khăn gian khổ, nay cán bộ, công chức nắm giữ quyền lực cùng với trách nhiệm lớn lao còn đi liền với những lợi ích về vật chất, tinh thần. Khi từ chức là người ta sẵn sàng chấp nhận từ bỏ những lợi ích không nhỏ trên cương vị hiện tại. Thế nên đã có những lãnh đạo dù để lĩnh vực, phạm vi thuộc quyền xảy ra nhiều thiếu sót, tiêu cực, tham nhũng, uy tín trong con mắt Nhân dân sa sút nghiêm trọng, có ý kiến thẳng thắn là nên xem xét việc từ chức song họ quyết không tiếp thu. Họ dựa vào thể chế “Đảng cử, Dân bầu” cho rằng Đảng, Dân giao trách nhiệm thì phải hoàn thành và coi đó như sự tuân thủ kỉ luật. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, đó chỉ là biện minh, là tấm khiên che để người ta bước qua liêm sỉ. Có lẽ vì những tồn tại, khó khăn của việc từ chức, khi nó chưa trở thành nét văn hóa, ý thức tự giác và liêm sỉ của cán bộ trước lợi ích chung nên Bộ Chính trị đã đưa ra Quy định 41 nêu trên. Quy định 41 sẽ là hành lang pháp lí, là “đường ray” để mọi cán bộ, công chức có chức, có quyền trong hệ thống chính trị phải tuân thủ để “con tàu” vận hành tốt nhất. Dù là thể chế “Đảng cử, Dân bầu” song nó cũng gắn liền với tiêu chuẩn, tiêu chí trong cả nhiệm kì, trong suốt thời hạn thực hiện sứ mệnh được “cử” được “bầu”. Khi mà những tiêu chuẩn, tiêu chí không còn đầy đủ như ban đầu thì cũng cần đưa cán bộ đó ra khỏi vị trí vì lợi ích chung, vì uy tín của Đảng. Có thể việc thực hiện Quy định 41 sẽ gặp khó khăn, nhất là khi người cần từ chức đang đứng đầu, có quyền lực và ảnh hưởng không nhỏ trong một tập thể lãnh đạo mà tập thể đó lại là nơi làm “quy trình” cho việc từ chức. Khi đó cần có sự hỗ trợ thực sự, đủ mạnh của tổ chức và lãnh đạo cấp trên./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 11 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét