Giao thông “triệt hạ” nhau! Cách đây hơn ba mươi năm, khi hệ thống
giao thông đường bộ chưa phát triển, ngành hàng không non trẻ và cũng không
nhiều hành khách bình dân có điều kiện để đi, đó là giai đoạn đỉnh cao của
giao thông đường sắt. Đúng như lời ca “Đường tàu mùa Xuân” là “Con tàu Việt
Nam đi suốt bốn mùa vui”. Tuyến tàu Thống nhất Bắc - Nam khách đi trong dịp
bình thường cũng phải chen chúc mua vé. Còn dịp Tết Nguyên đán nếu chậm chân
chỉ có cách mua vé chợ đen. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải tổ chức mua vé
tập thể từ trước Tết hai, ba tháng. Trong khi ngành đường sắt đang “mơ màng”
trong giấc mơ đẹp thì hai “người anh em” là đường bộ và hàng không từ từ bứt
tốc. Có vẻ như ngành giao thông đường bộ được
ưu ái hơn bởi trong nhiều năm, nhất là vài chục năm lại đây, ngân sách đầu tư
cho giao thông đường bộ luôn ở top đầu. Nhờ vậy mà hệ thống giao thông đường
bộ và đường bộ cao tốc phát triển nhanh chóng, góp phần to lớn vào sự tăng
trưởng của các ngành kinh tế. Trong khi đó, nếu thử nhìn lại có thể
nhận ra mấy chục năm qua chưa có tuyến đường sắt mới nào được xây dựng và đi
vào vận hành. Hệ thống đường sắt cũ với khổ rộng 1.000mm (chiếm tới 83%) vẫn
như được giữ nguyên từ thuở sơ khai, chỉ được tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa để
bảo đảm chạy tàu thường xuyên. Khổ đường chuẩn 1.435mm chỉ chiếm 6,8%,
điều này đã hạn chế tốc độ và hiệu quả chạy tàu của toàn mạng đường sắt. Hệ
thống đầu máy, toa xe cũng vậy, chủ yếu sửa chữa, chắp vá. Có lẽ vì thế mà
ngành này đến nay cũng chỉ dám “mơ” mua được những đầu máy toa xe của nước
Nhật đã dùng 40 năm đang muốn thải loại. Ngành đường sắt muốn biến đường làng thành ngay cao tốc! Đầu tư mạnh cho giao thông đường bộ là
một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên có vẻ như ngành giao thông đã lãng quên
“đứa con” đường sắt quá lâu, nay nhà quản lí giật mình vội “sửa sai”. Và với
nỗ lực tham mưu của ngành giao thông, quy hoạch đường sắt thời kì 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Tổng chi phí cho việc
thực hiện quy hoạch này lên tới 56 tỉ USD, số tiền không nhỏ với cả nền kinh
tế nước ta. Và đường sắt cũng không thể chỉ một trục Bắc Nam mà cần có hệ
thống đường nhánh khác với hàng tỉ USD nữa. Với mục tiêu xây dựng tuyến đường
sắt tốc độ cao (300-350km/h), những người đề xuất quy hoạch có mục tiêu rõ
ràng là cạnh tranh với “người anh em” hàng không. Như vậy là từ lãng quên nay lại chuyển
sang thái cực ngược lại, hơi “ưu ái” nguồn ngân sách cho đường sắt. Rất “đáng
lo” cho các hãng hàng không nếu đến năm 2050 khách hàng nội địa đổ xô hết
sang đi tàu cao tốc! Có chuyên gia giao thông đã chỉ ra, đây là một “bài toán
sai” về dữ liệu giả thuyết, khi các ngành giao thông “tranh giành khách”,
triệt tiêu lẫn nhau mà lẽ ra nó cần bổ trợ để cùng phát triển. Đáng nói nữa,
tuyến cao tốc chỉ để vận chuyển hành khách, không vận chuyển hàng hóa! Nếu đúng là một “bài toán sai” thì hệ
quả sẽ rất lớn với nền kinh tế trong tương lai, bởi khi nhận ra hệ quả xấu
thì khi đó khó có thể “sửa sai”./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí
Người cao tuổi ngày 27 tháng 11 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét