“Tiên học lễ” và triết lí trồng người Nền giáo dục hàng nghìn năm của dân tộc ta chịu ảnh hưởng sâu sắc nền nho học của Trung Hoa. Triết lí của nền giáo dục đó được đúc kết trong câu thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Suy rộng ra, có thể hiểu đây cũng là triết lí xây dựng trật tự xã hội và nền quản trị quốc gia. Không thể phủ nhận quan điểm khoa học, tiến bộ của triết lí này vì nó đã đồng hành cùng nền giáo dục trong lịch sử phát triển văn hóa của dân tộc ta. Bao danh nhân, hào kiệt, văn sĩ tài năng lỗi lạc và nhân cách sáng ngời suốt chiều dài lịch sử là những minh chứng sống động cho nền giáo dục Việt Nam.
Thế nhưng đã có giai đoạn người ta tranh luận về việc có nên gỡ bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tại các trường học hệ giáo dục phổ thông. Một số ý kiến cho rằng đây là quan điểm cũ kĩ của phong kiến nho giáo, nay không còn phù hợp, nhất là dưới chế độ dân chủ, học sinh cần được cởi bỏ khỏi những khuôn mẫu, khuyến khích sự phản biện để phát huy tính sáng tạo. Trong tiến trình phát triển, nền văn minh nhân loại hay nền văn hóa mỗi dân tộc luôn có tính kế thừa. Những giá trị văn hóa tinh hoa hàng nghìn năm nay vẫn được giữ vững, trường tồn, như truyền thống yêu nước thương nòi, ý chí bất khuất vượt qua phong ba bão táp khắc chế thiên nhiên, hay truyền thống đoàn kết trong đấu tranh chống ngoại xâm… Đó cũng là sản phẩm từ xã hội phong kiến kế truyền cho đến ngày nay. Tư duy sáng tạo, ý thức phản biện của cá nhân không phải tới thời dân chủ mới có và nó không mâu thuẫn với kỉ cương, luật pháp và đạo đức. Khi vua Trần Thánh Tông từng vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Quốc Tuấn đã trả lời cương quyết: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Hay Chu Văn An thẳng thắn dâng “Thất trảm sớ” dù biết trái ý vua; rồi Cao Bá Quát bộc trực không e sợ quyền lực… Đó là những tấm gương tài năng nhưng cũng đầy dũng khí phản biện… Chữ lễ trong câu thành ngữ trên cần hiểu một cách tổng quát, rộng mở, không nên bó hẹp, định kiến như một sự quy phục, yếu đuối. Học lễ là học lễ nghĩa, đạo đức làm người. Lễ ở đây là văn minh, kỉ cương, phép cư xử trong gia đình và xã hội, là những nền tảng luân lí, pháp luật, đạo đức để tổ chức gia đình, quản lí xã hội, quản trị quốc gia. Lễ và văn (tri thức và văn hóa) với mỗi con người là hai mặt của một thể thống nhất, cân đối không thể thiếu mặt nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc nói chuyện với học sinh đã nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Trong quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay của Đảng ta, yếu tố nhân cách đạo đức bao giờ cũng giữ vị trí quan trọng, trước tiên. Một người tài giỏi đến đâu nhưng không tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, lối sống dẫn đến suy thoái về chính trị, tư tưởng thì sớm muộn sẽ sa vào sai phạm. “Tiên học lễ, hậu học văn” không chỉ là triết lí giáo dục, nó còn là triết lí của cả nền quản trị từ vi mô tới vĩ mô./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 11 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét