Ai đã “khai” và ai sẽ “đăng”? Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 1/2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đề nghị xây dựng Luật Đăng kí tài sản. Ông cho rằng, nếu có luật này, khi một người đăng kí tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị “thăm hỏi” ngay. Đây cũng là cơ sở pháp lí để xử lí, “không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng”. Tại kì họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp tục đề nghị xây dựng Luật Đăng kí tài sản để phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kì này.
Từ đăng kí theo từ điển tiếng Việt có nghĩa đứng ra khai báo với cơ quan quản lí để chính thức được công nhận cho hưởng quyền lợi hay làm nghĩa vụ nào đó. Đăng kí kết hôn để được pháp luật thừa nhận và bảo vệ mối quan hệ hôn nhân; đăng kí dự thi để được kiểm tra và công nhận kiến thức, trình độ; đăng kí bản quyền để được xác nhận và bảo vệ quyền sở hữu sáng chế... Do vậy, cá nhân đưa tài sản vào đăng kí sẽ nhằm mục đích được Nhà nước xác nhận và bảo vệ tài sản… Đăng kí là một hành động tự nguyện gắn với trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên (cá nhân và tổ chức). Nếu Nhà nước đứng ra chứng nhận đăng kí thì phải xác minh tính chính xác của nội dung đăng kí, nếu không sẽ xảy ra sự thiếu trung thực. Nếu xảy ra gian lận thì vô hình trung Nhà nước thừa nhận và bảo vệ cái sai. Còn muốn xác minh được tài sản của hàng chục triệu người sẽ cần thêm một bộ máy không nhỏ làm việc này. Vậy đã đến lúc cần một bộ luật về vấn đề này và khi có luật liệu tính khả thi ra sao? Chưa nói chuyện đăng kí, việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện phải kê khai những năm qua với hàng triệu người nhưng việc thực hiện đang mang nặng tính hình thức. Báo cáo nhiều năm cho thấy chỉ phát hiện một vài trường hợp kê khai không trung thực trong cán bộ, công chức khiến người dân khó tin, khi mà liên tiếp phát lộ những khối tài sản quan chức tham nhũng lên tới hàng triệu đô la. Người có chức, có quyền phải “khai” còn khó minh bạch tài sản, thu nhập, thậm chí lách luật thì với người dân, tỉ lệ tự giác đăng kí sẽ được bao nhiêu? Trên thực tế đã có đăng kí tài sản, đó là những tài sản có giá trị như nhà cửa, ô tô, xe máy... Tuy nhiên, nếu người nào cố tình nhờ người khác đứng tên hộ tài sản thì vẫn có thể nhờ được. Hoặc khi cán bộ kê khai có tài sản lớn dù không rõ nguồn gốc, không xác minh được thì cũng chưa có quy định phải chứng minh và vẫn chưa có chế tài xử lí. Bên cạnh đó, khi tài sản được đăng kí, không ai có thể bảo đảm chắc chắn nó sẽ được giữ bí mật. Bí mật tài sản của công dân vừa là quyền chính đáng, vừa là yếu tố giúp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của chính người sở hữu. Thực hiện được việc đăng kí tài sản và luật hóa nó là điều quá tốt đẹp, văn minh. Tuy nhiên tính khả thi mới là một câu hỏi lớn không dễ có lời giải./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02 tháng 11 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét