Sống cho mình, mình còn có ai? Thời gian qua câu chuyện của Thanh Hương, cô gái người Hưng Yên quyết định nghỉ hưu từ 27 tuổi với một chiếc xe đạp, một tấm thảm yoga, chiếc iPad, điện thoại và tài khoản tiết kiệm hơn một trăm triệu đồng, khiến cộng đồng Yolo Hà Nội dậy sóng. Yolo (viết tắt cụm từ You only live once) nghĩa tiếng Việt “bạn chỉ sống một lần) đang là trào lưu trong bộ phận giới trẻ. Cô chia sẻ, trước khi về hưu mình từng là một nhân viên ngân hàng mẫn cán, mỗi ngày làm việc 12-14 tiếng. Sau khi quyết định “buông bỏ”, cô chỉ ngồi thiền, tập yoga, ngắm bình minh... Cô cũng thừa nhận “mình thậm chí còn nghèo hơn rất nhiều người cùng độ tuổi (về vật chất). Nhưng mình vẫn nghỉ hưu, có sao không? Không sao! Vui vẻ là được”. Có thể hiểu, đây là một quan điểm hướng theo chủ nghĩa cá nhân, sống cho mình, vì mình, một sự lựa chọn mà pháp luật không cấm. Chủ nghĩa cá nhân là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một cách nhìn nhận trên phương diện xã hội, chính trị hoặc đạo đức trong đó nhấn mạnh đến lợi ích, sự độc lập, tự do, tự lực của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân cũng đối lập với quan điểm truyền thống, tôn giáo, tức đối lập với bất cứ quan niệm nào cho rằng cần sử dụng các chuẩn mực đạo đức hay luân lí bên ngoài, để hạn chế sự lựa chọn hành động của cá nhân. Ảnh minh họa Ta biết, con người trên trái đất tồn tại được trước tự nhiên và xã hội phát triển được chính do sự gắn kết cộng đồng. Sức mạnh mỗi cá nhân tăng lên nhờ cộng đồng bởi sức mạnh cá nhân luôn có giới hạn còn sức mạnh cộng đồng là phi thường. Sức mạnh cộng đồng chính là “cỗ máy” đã và đang khắc chế, cải tạo tự nhiên và xã hội. Mỗi chúng ta được sinh ra trong cuộc đời là do có người thân, các thế hệ kế tiếp bao đời cho đến khi cha mẹ sinh hạ. Từ khi có mặt trên đời có nghĩa ta đã có quyền được sống. Song quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ và đó là nghĩa vụ đạo đức. Con người khi trưởng thành cũng là lúc cần thực hiện nghĩa vụ của mình, trước tiên là với chính các bậc sinh thành, người thân ruột thịt, xa hơn là cộng đồng, xã hội, những thành tố đã cho ta một môi trường để sinh sống, trưởng thành. Cuộc sống của mỗi chúng ta không bao giờ có thể mãi bình lặng, luôn biến động ngoài mong muốn. Thiên tai, dịch bệnh là những mối đe dọa thường trực với sức tàn phá mà mỗi cá nhân khó chống chọi nếu không có sức mạnh, nguồn lực cộng đồng. Một ngày kia ta hoặc người thân bị tác động bởi thiên tai, bệnh tật, hoạn nạn… lúc đó ai, nguồn lực nào đủ để giúp cá nhân vượt qua nếu lựa chọn tách biệt nghĩa vụ, quyền lợi với cộng đồng? Hơn trăm triệu đồng có thể đủ cho một cuộc đời bình lặng nếu ta chỉ sống cho mình. Nhưng tồn tại trên cuộc đời này chẳng lẽ chỉ có mình ta? Cha ông ta, có thể cả người thân của cô gái trên từng một thời tuổi trẻ đầy hoài bão, nằm lòng câu nói của Paven Coocsaghin: Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí.../. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05 tháng 11 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét