Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Tăng phí chỉ đạt mục tiêu tăng thu

 

Mục tiêu kiểm soát hay tăng thu?

Bộ Tài chính đang dự thảo tờ trình Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và cho biết, một loạt tỉnh đề nghị thu phí đối với ô tô và xe máy. Tuy nhiên Bộ Tài chính nêu quan điểm chưa đồng tình việc thu loại phí này trong điều kiện hiện nay. Vậy lí do thực sự là gì để các tỉnh sốt sắng đề xuất thu loại phí này, có thực sự xuất phát từ thực trạng ô nhiễm khí thải của phương tiện xe máy, ô tô với từng địa phương?

Cứ giả sử nhiều địa phương đang rất sốt sắng vấn đề môi trường liên quan đến phương tiện giao thông. Như vậy thì cách nhanh nhất, trực tiếp nhất giúp giảm thiểu ô nhiễm phải là kiểm soát khí thải của các phương tiện ô tô, xe máy. Để giúp giảm ô nhiễm thì trước tiên cần tổ chức tốt việc đo kiểm khí thải phương tiện, trên cơ sở đó dừng hoạt động với các phương tiện giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm; cùng với đó là có giải pháp hỗ trợ người dân trong duy tu, bảo dưỡng phương tiện để đạt tiêu chuẩn khí thải. Mọi người đều biết, với phương tiện dù cũ nhưng được bảo dưỡng, duy tu đúng thì vẫn có thể đạt chuẩn khí thải theo quy định.


Dù tăng thu phí thì vẫn rất khó hạn chế phương tiện

Lại nói về phương án nếu được thu phí khí thải thì liệu có giúp giảm thiểu nhanh chóng ô nhiễm môi trường hay không? Dù có thu phí thì tin rằng đa số người dân, doanh nghiệp đang sở hữu phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày hoặc dùng làm phương tiện mưu sinh sẽ không vì mất thêm chi phí khí thải mà không dùng phương tiện nữa, có chăng một tỉ lệ ít ỏi nào đó sẽ hạn chế sử dụng mà thôi. Và như vậy hiệu quả hạn chế ô nhiễm khí thải ô tô, xe máy rất khó có thể giảm xuống. Điều mang lại hiểu quả nhanh và dễ nhận ra nhất, đó là nguồn thu về ngân sách địa phương từ việc phí khí thải với ô tô, xe máy.

Hiện nay phí môi trường đã được thu ngay khi người dân mua xăng dầu với mức không thấp, dù đã được Quốc hội cho phép hạ bớt. Thu phí bảo vệ môi trường qua xăng dầu là trực tiếp, đúng đắn nhất và bình đẳng khi sử dụng cho giao thông hay sản xuất kinh doanh. Mặt khác nếu thu phí khí thải ô tô, xe máy tức là thêm một lần thu phí môi trường với xăng dầu, là phí chồng phí, trái với nguyên tắc thu thuế, phí mà Quốc hội đã đề ra.

Có lẽ nhận ra điều này nên dù nhiều địa phương đề xuất thu phí khí thải ô tô, xe máy song Bộ Tài chính đã không đồng tình. Đây là quan điểm đúng đắn, phù hợp trong tình hình hiện nay, dù Bộ Tài chính là cơ quan quản lí luôn muốn có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/12/2023

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Cần thay đổi chính sách quản lí vàng

 

 Bất thường chuyện “quản” vàng

Cách đây 11 năm Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lí hoạt động kinh doanh vàng. Điểm nhấn trong Nghị định là việc dừng nhập khẩu vàng với các doanh nghiệp, Nhà nước độc quyền nhập và kinh doanh bằng thương hiệu vàng miếng SJC.

Nhiều năm qua cơ bản không còn những cơn sốt giá vàng, dù thị trường này có lúc tăng giảm song không còn trào lưu đua nhau mua bán vàng. Có thể thấy Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh, loại bỏ một thị trường bất ổn đầy may rủi với cá nhân đầu tư theo phong trào.


Tuy nhiên việc “khóa van” lưu thông vàng với thị trường thế giới ngày càng bộc lộ những bất cập cả về giá cả và kinh doanh. Giá vàng trong nước đã không vận hành theo giá quốc tế và luôn neo ở mức chênh lệch quá cao, nhất là thương hiệu SJC (thường cao hơn đến 7-8 triệu đồng mỗi lượng, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng). Mấy ngày qua giá vàng SJC đã lên hơn 77 triệu động/lượng. Sự chênh lệch lớn này có sức hút mạnh mẽ với động cơ kinh doanh vàng qua đường nhập lậu. Thời gian qua đã phát hiện không ít vụ buôn lậu vàng có giá trị rất lớn. Ví dụ năm 2022 Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã phát hiện đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam tại Quảng Trị với trên 3 tấn vàng, tổng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng.

Liệu đã có bao nhiêu tấn vàng lậu từng “chui” được vào thị trường nội địa hàng chục năm qua? Thị trường, địa chỉ tiêu thụ vàng lậu ở đâu? Liệu hàng tấn vàng chui có thể biến hóa thành thương hiệu uy tín và lưu thông? Chỉ một vụ buôn lậu trên đã làm thiệt hại hơn 1,6 nghìn tỉ tiền thuế song có thể vẫn rất nhỏ so với nhiều nghìn tỉ rơi vào túi gian thương từ độ chênh hàng chục triệu đồng trên mỗi cây vàng.

Cùng với những bất ổn trên là chuyện lạ về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được giao độc quyền vàng miếng SJC. Cứ ngỡ độc quyền thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp này hưởng lợi thế kinh doanh và sẽ lãi khủng. Tuy nhiên, tưởng vậy mà không phải vậy. Trong năm 2022, theo báo cáo kiểm toán, doanh nghiệp SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỉ đồng nhưng chỉ đạt lợi nhuận vỏn vẹn gần 48,6 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có tổng doanh thu hơn 32.211 tỉ đồng đã đạt lợi nhuận sau thuế cùng năm đó là 1.811 tỉ đồng. Hiện SJC chưa có báo cáo 6 và 9 tháng năm 2023, trong khi PNJ báo lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng năm 2023 là gần 1.340 tỉ đồng trên doanh thu 23.617 tỉ đồng. Các năm 2020 và 2021 khi so sánh giữa hai doanh nghiệp trên cũng đều có chênh lệch khá xa, có thể ví như gã khổng lồ đứng cạnh chú bé tí hon, mà phần “bé tí” luôn là doanh nghiệp SJC!

Tại các kì họp Quốc hội đã qua, một số đại biểu từng nêu ý kiến về việc xem xét bãi bỏ hoặc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vì xảy ra những bất cập không nhỏ.

Chính sách quản lí cần linh hoạt để theo kịp thực tiễn cuộc sống. Một chính sách “bất biến” cả thập kỉ trong một thị trường đầy biến động có thể coi là một sự bất thường. Vậy ai hưởng lợi, ai thiệt hại với hiện tượng giá vàng dẫn đầu thế giới hiện nay?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29/12/2023

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Bó tay với "đinh tặc"?

 

“Đinh tặc” có phải “bệnh nan y”?

Gần đây báo chí nêu gương về việc một nhóm thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh có sáng kiến chế tạo ra chiếc máy hút đinh trên quốc lộ mang lại hiệu quả cao, chỉ vài tiếng đã hút được hàng cân đinh (loại được “chế thức” rải ra đường để bẫy phương tiện giao thông, nhất là xe máy).

Trước đó báo chí từng nêu gương một số cá nhân tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã tự chế tạo máy hút đinh và hằng ngày tự đi hút đinh trên đường giúp mọi người không bị rơi vào tay “đinh tặc” với dịch vụ chặt chém vô lương tâm. 


Một trong những sáng kiến máy hút đinh tại TP Hồ Chí Minh

Cách đây cũng khá lâu, chuyện đinh tặc từng xảy ra tại Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc. Sau khi một số vụ việc rải đinh xảy ra, báo chí phản ánh, các lực lượng chức năng đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ và bắt quả tang các nghi phạm, xử lí kiên quyết, mạnh tay. Chính vì vậy, những năm gần đây hầu như không còn tái hiễn nạn “đinh tặc” tại nhiều địa phương phía Bắc. Điều đó chứng tỏ nạn “đinh tặc” không phải là vấn đề quá nan giải khiến cơ quan quản lí an ninh trật tự phải bó tay.

Liệu những kinh nghiệm triệt “đinh tặc” của các đơn vị chức năng phía Bắc có áp dụng được ở những địa phương khác, nhất là tại một vài tỉnh thành phía Nam?

Những năm qua các vụ cướp giật, nhất là cướp tiệm vàng, ngân hàng đều được lực lượng chức năng tìm ra, bắt được thủ phạm trong thời gian ngắn chứng tỏ trình độ nghiệp vụ hiện khá tốt khiến tội phạm dạng này chùn tay.

Những sáng kiến, những tấm gương thiện nguyện vì cộng đồng khắc phục hệ quả nạn “đinh tặc” là đáng trân trọng và cần biểu dương. Tuy nhiên việc tạo ra những chiếc đinh và rải bẫy là quá dễ dàng, rẻ mạt so với lợi nhuận thu được khiến tội phạm phát triển. Điều đó khiến những việc làm tốt như trên chẳng khác nào công dã tràng xe cát Biển Đông!

Ai là kẻ rải những chiếc đinh trên đường? Theo một logic thông thường thì mọi người đều biết chắc chắn đó là một trong những chủ quán dịch vụ sửa chữa xe máy. Nghi phạm hoặc kẻ “hưởng lợi” từ hoạn nạn của người khác có thể khoanh vùng. Bằng biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành có lẽ không khó để tìm ra thủ phạm “đinh tặc”, vấn đề là lực lượng chức năng đã quan tâm và quyết tâm chống tội phạm đến cùng hay chưa. Bên cạnh đó chính quyền địa phương nơi thường xảy ra vấn nạn này cũng cần tích cực tuyên truyền vận động các cơ sở dịch vụ sửa chữa xe máy chấp hành nghiêm pháp luật, xây dựng uy tín bằng chất lượng và đạo đức kinh doanh.

Dẹp nạn “đinh tặc” cần phối hợp các lực lượng, đồng bộ các giải pháp để triệt từ gốc chứ không thể mãi trông vào những hành động nghĩa hiệp bất đắc dĩ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26/12/2023

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Bất ổn trường học

 

Băn khoăn phía sau cổng trường

Ở mọi quốc gia, ngôi trường là nơi ươm mầm cho tương lai. Trong quốc sách hàng đầu thì ngôi trường, học sinh và người thầy là những thành tố quyết định và quan trọng nhất. Phía sau cổng trường, những mầm ươm tương lai đang ngày ngày được chăm bẵm, vun trồng để mang về những cây đời xanh tương về nhân cách, tri thức. Như vậy, nơi đây phải là một môi trường lí tưởng nhất, nơi hội tụ những nhân cách, trí tuệ và tình yêu thương con người.

Tuy nhiên, gần đây liên tục phát lộ những chuyện không vui phía sau cổng trường khiến cả xã hội băn khoăn, đó là các vụ bạo hành. Điều đáng nói, những vụ việc buồn chỉ được biết khi nó được học sinh tung lên mạng xã hội. Đơn cử một vài vụ việc:

Ngày 29/9 xuất hiện clip phát tán hình ảnh một học sinh Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội quỳ khóc trước cửa lớp, sau đó được cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi vào lớp.

Ngày 30/10, lan truyền đoạn video khoảng 15 giây quay lại cảnh một nam sinh vừa chửi thề vừa tát và đấm tới tấp vào mặt nam sinh khác trong lớp học. Đó là sự việc xảy ra tại phòng học của Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).


Nhóm HS Trường THCS Văn Phú khóa cửa, chửi bới và ném dép vào người cô giáo.

Còn tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thì xảy ra việc nhiều học sinh trong một lớp có hành vi rất vô lễ với giáo viên. Sau tiết dạy âm nhạc, cô giáo đã bị nhóm học sinh lớp 7 liên tục chửi bậy, ném giấy rác vào người rồi chốt cửa lớp, không cho ra ngoài. Việc này cũng chỉ được biết khi xuất hiện đoạn video phát tán ngày 29/11, v.v.

Từ những sự việc như trên, dư luận không khỏi đặt sự nghi vấn, liệu còn bao nhiêu vụ tương tự tại nhà trường chưa bị phát lộ? Môi trường giáo dục liệu đang có những vấn đề gì?

Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” thì người thực hiện hành vi phát tán những thông tin trái với quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt. Hành vi phát tán clip bạo lực học đường được coi có thể gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, trái với thuần phong, mĩ tục, về nguyên tắc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với học sinh đã đưa video clip lên mạng. Song, ở khía cạnh khác, nếu những thông tin đó không được công khai rồi cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xử lí thì hệ quả sẽ thế nào?

Dư luận đang có những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên xử lí nặng với học sinh phát tán clip lên mạng, tựa ý kiến tranh luận lâu nay về hành vi tố cáo nặc danh nhưng là tố cáo đúng.

Dân chủ, công khai, minh bạch là nền tảng quản lí xã hội hiệu quả nhất trong thời đại bùng nổ thông tin. Pháp luật đang đòi hỏi có định chế, phương thức hiệu quả để tiếp nhận, xác minh và bảo vệ người cung cấp thông tin, kể cả khi họ dấu tên, nếu đó là thông tin có cơ sở. Trong nhà trường cũng vậy, cần có kênh phù hợp, khả dĩ để các em không e ngại hoặc lo sợ khi tố giác những chuyện tiêu cực phía sau cổng trường./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20/12/2023

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Cán bộ rất giàu

 

Chuyện cán bộ chơi golf

Môn thể thao golf được du nhập vào Việt Nam và phát triển nhanh cùng sự tăng tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên với chi phí cao nên rất ít người có điều kiện để tham gia môn thể thao này. Khách chơi chủ yếu là chủ doanh nghiệp, khách du lịch nước ngoài…

Không riêng ở ta, với nhiều nước trên thế giới, golf được coi là môn thể thao “quý tộc” bởi mức chi phí quá cao. Phí chơi gôn được chia làm 3 loại: Với hội viên mức phí dao động khoảng 15-27 đôla cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên khoảng 60-80 đôla. Phí cho khách vãng lai trên dưới 100 đôla. Để sở hữu một chiếc thẻ hội viên, người chơi golf phải trả chừng 30.000 USD - 130.000 USD tùy sân (khoảng 1,5 đến 3,15 tỉ đồng). Mỗi năm, phí thường niên dao động khoảng trên dưới 1.000 USD - 2.000 USD. Bộ đồ nghề cho mỗi tay chơi gồm một bộ gậy, túi, găng tay, giày. Trong đó, đắt nhất là bộ gậy, gồm đủ các loại từ gậy gỗ, sắt và loại chuyên biệt với giá dao động quanh mức 1.700 - 2.000 USD và cao hơn. Hội viên được miễn lệ phí sân khi chơi nhưng phải trả tiền “boa” cho người phục vụ khoảng 10-15 đôla. Để trở thành một tay golf chơi được phải tập luyện hàng năm trời, chi phí ban đầu cho thầy dạy cũng lên tới 50 đôla cho mỗi buổi tập/1 giờ…

Như vậy, để có điều kiện chơi golf phải là người có thu nhập cao, thậm chí rất cao.


Golf được coi là môn thể thao cho người giàu

Những ngày gần đây dư luận đang quan tâm đến chuyện một lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh trong một tuần làm việc “bận” tới 3 ngày đi… chơi golf!

Chuyện đúng sai của việc cán bộ chơi golf trong giờ hành chính rồi sẽ được làm sáng tỏ và mong lãnh đạo tỉnh này xử lí nghiêm nếu có vi phạm. Tuy nhiên điều đáng nói lại ở khía cạnh khác, đằng sau của câu chuyện cán bộ chơi golf. Với mức lương của một giám đốc Sở hiện chưa đến 20 triệu/tháng, trừ chi phí sinh hoạt tối thiểu cũng khó có thể đủ để tham gia môn thể thao quý tộc này. Vậy thì số chi phí không nhỏ chơi golf hằng tuần đó sẽ lấy từ đâu?

Nhiều người biết sân golf ở Việt Nam ta cũng là nơi không ít chủ doanh nghiệp lấy làm địa chỉ “tiếp khách” là công chức có quyền lực ở địa phương. Chủ doanh nghiệp không phải ai cũng thư thả, nhiều thời gian cho việc du hí, song sân golf lại là nơi thuận lợi để kết nối quan hệ, nơi có thể mang lại lợi thế và lợi ích cho chuyện làm ăn. Việc doanh nghiệp mời một cán bộ nào đó chơi golf, thậm chí bao trọn gói để họ trở thành hội viên sân golf sẽ tốn không ít tiền bạc, nhưng cũng rất khó để tìm ra dấu hiệu cụ thể của hành vi đưa và nhận hối lộ. Dân gian có câu “thóc đâu mà đãi gà rừng”, một đồng tiền của doanh nghiệp bỏ ra phải mang lại rất nhiều hơn thế thì họ mới “đầu tư”.

Khi một cán bộ công khai lối sống quá cao so với khả năng thu nhập của mình sẽ để lại cho cấp dưới, người dân nhiều câu hỏi, tâm tư, dù ít ai dám hỏi. Song niềm tin vào lãnh đạo cũng xói mòn và mất dần từ những “tấm gương” như thế./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09/12/2023

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Cần có chính sách phát triển xe điện

 

Hậu cần cho xe điện

Với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, việc sử dụng phương tiện giao thông sử dụng điện đang “bứt tốc”, từng bước thay thế xe nhiên liệu hóa thạch tại nước ta.

Hạ tầng giao thông ngoài hệ thống đường sá còn một thiết chế dịch vụ hậu cần không thể thiếu đó là các trạm bán xăng dầu. Hệ thống trạm xăng dầu hiện nay ngày càng được phủ rộng, trên các tuyến quốc lộ chỉ mươi cây số đã có một điểm, nhiều nơi chỉ cách vài cây số đã có mấy trạm cạnh tranh nhau. Tuy nhiên, nếu ai đã có ô tô điện khi đi trên đường thì không dễ để tìm thấy một trạm sạc điện - loại “nhiên liệu” của phương tiện này.

Là một doanh nghiệp sản xuất xe điện lớn nhất tại Việt Nam, hiện mới chỉ có hãng VinFast là đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện sử dụng riêng. Dù đã bắt đầu phủ sóng trạm sạc cho xe điện ở nhiều tỉnh, thành phố song hãng này đang quy định chỉ có khách hàng sử dụng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc VinFast, đồng nghĩa xe điện thương hiệu khác chưa được dùng trụ sạc của hãng. Điều này cũng dễ hiểu bởi doanh nghiệp đã bỏ ra một khoản chi phí lớn cung ứng dịch vụ cho phát triển hàng hóa của mình trên một thị trường cạnh tranh.


                           Một trạm sạc của 
VinFast 

Với xu thế phát triển phương tiện giao thông xanh hóa hiện nay, có thể một thời gian không lâu xe ô tô, xe máy điện sẽ trở thành loại phương tiện phổ biến. Đây cũng là một xu thế tích cực hỗ trợ cho mục tiêu giải pháp giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng đã cam kết trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78. Tuy nhiên để tiến trình này tăng trưởng tốt trước hết cần có một hạ tầng cung ứng dịch vụ tiện lợi là hệ thống trạm sạc điện.

Được biết, với chế độ sạc tiêu chuẩn thì thời gian sạc xe ô tô điện khoảng từ 8 tiếng - 12 tiếng cho 1 lần sạc đầy. Nếu ứng dụng chế độ sạc nhanh thì thời gian đầy pin cũng mất khoảng 1 tiếng. Rất khó để có thể thuyết phục tất cả các hãng sản xuất xe điện đều đầu tư xây dựng trạm sạc riêng bởi chi phí về trang thiết bị, đất đai là không nhỏ. Và khi không có hệ thống hậu cần tiện lợi thì khó kích thich được người dân sử dụng xe điện. Để giải bài toán cho loại hạ tầng cung ứng dịch vụ này rất cần đến sự điều tiết của Nhà nước bằng những cơ chế chính sách ưu đãi. Ví như chính sách giá mua bán điện tái tạo hấp dẫn của Chính phủ đã từng tạo ra sự bùng nổ phát triển hệ thống năng lượng gió, mặt trời tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Và khi có chính sách tốt cũng sẽ khuyến khích được cả các doanh nghiệp đã xây dựng hạ tầng loại này đưa vào kinh doanh chia sẻ.

Tin rằng, nếu có chính sách phù hợp thì sẽ không thiếu nguồn đầu tư vào loại hạ tầng dịch vụ là trạm sạc xe điện./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02/12/2023

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Chính sách không bảo vệ lợi ích nhóm nhỏ

 

Chung riêng trong một lợi ích

Quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng trong bộ Luật Đất đai hiện hành đang có nhiều ý kiến trái chiều. Cụ từ phát triển kinh tế-xã hội bao hàm quá rộng khiến nhiều công trình, dự án được hưởng lợi, gây thiệt thòi cho người sở hữu đất, trong khi đó chỉ là những công trình dự án kinh doanh, thương mại.

Nhằm khắc phục những bất cập của Luật Đất đai 2013, Dự thảo Luật Đất đai mới đang trình Quốc hội tại kì họp này đã cụ thể hóa việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng với 30 trường hợp (Điều 79). Tuy nhiên có một số đại biểu Quốc hội cho rằng phát triển du lịch, dịch vụ cũng là phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, vì thế đề nghị đưa đất phát triển khu du lịch vào trong “trường hợp” phải thu hồi đất.

Thử tìm hiểu cụm từ du lịch hoặc cụ thể hơn là khu du lịch trong luật pháp: Theo khoản 6 Điều 3 Luật Du lịch 2017, khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.  

Để được công nhận một khu du lịch cấp tỉnh thì khu du lịch đó cần phải đáp ứng các điều kiện: Có tài nguyên du lịch với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa, có ranh giới xác định; Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch; Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia; Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...


Một quần thể khách sạn tại khu du lịch Phú Quốc

Như vậy du lịch và khu du lịch là khái niệm bao hàm rất rộng chứ không phải là “trường hợp” cụ thể, chẳng hạn điều kiện “có dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch”. Để đáp ứng nhu cầu lưu trú thì cần hệ thống khách sạn, nhà nghỉ; để đáp ứng nhu cầu ăn uống thì cần có nhà hàng, quán ăn v.v. Và theo đó việc xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng kinh doanh du lịch cũng cần được Nhà nước thu hồi đất. Như thế liệu có bình đẳng với các dự án khách sạn, nhà hàng ngoài khu du lịch trong khi họ vẫn đang phục vụ du lịch?

Ai nghiên cứu lí luận môn triết học biện chứng mà không từng mung lung, khó hiểu trước khái niệm cái chung và cái riêng: Giữa cái riêng và cái chung luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Cái chung tồn tại bên trong cái riêng, thông qua cái riêng để thể hiện sự tồn tại của mình; còn cái riêng tồn tại trong mối liên hệ dẫn đến cái chung.

Theo các ý kiến đề xuất của một số đại biểu như nêu trên thì bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào trong nền kinh tế cũng có thể minh chứng được là cần đưa vào danh mục Nhà nước thu hồi đất.

Nền kinh tế thị trường rất cần bàn tay vô hình là thị trường để điều tiết những lợi ích mang tính thị trường. Nhà nước càng can thiệp sâu thì đương nhiên tính thị trường càng giảm đi, tạo nên những bất bình đẳng, méo mó trên thị trường./. 

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25/11/2023

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Hội kín cũng cần quản lí

 

 Chuyện hội trên mạng

Những hội, nhóm công khai và kín trên nền tảng mạng xã hội có lẽ đã hình thành ngay sau khi những trang mạng được thiết lập và ứng dụng. Sự xuất hiện hội nhóm là tất yếu bởi sự tiện lợi của nó trong kết nối quan hệ, chia sẻ thông tin, trao đổi vấn đề cùng quan tâm. Nhiều hội, nhóm có giá trị tích cực giúp người dùng có thể chia sẻ thông tin hữu ích, tiện dụng, tuy nhiên cũng có nhiều nhóm “rác”, lan truyền quan điểm tiêu cực, sai trái, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Trên các trang mạng có chức năng ẩn danh như Zalo, Instagram… trong đó phổ biến nhất là mạng Zalo đang được nhiều người sử dụng với hình thức nhóm riêng tư. Thông thường những hội nhóm nhỏ chừng mấy chục hoặc vài trăm thành viên nhưng cũng có những nhóm thu hút hàng nghìn người tham gia. Rất nhiều nhóm tiêu cực được hình thành gần đây như: “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”,  “Hội lô đề miền Bắc”, “Hội thông chốt giao thông”. Riêng “Hội bùng app (ứng dụng) vay tiền” đã có tới hơn ba mươi nghìn thành viên...


Một hội chia sẻ cách "bùng" tiền các ứng dụng cho vay.

Tuy là những hội có quan hệ lỏng lẻo, ít ràng buộc nhưng nó lại có sức lan tỏa, tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Nếu đó là những vấn đề tiêu cực, thậm chí trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chi phối tới công tác quản lí xã hội của cơ quan chức năng thì hệ quả có thể sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí là an ninh quốc gia.

Hiện chưa có bộ luật về tổ chức hội song Chính phủ đã có Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định cụ thể về điều kiện thành lập, tên gọi, trụ sở, tôn chỉ mục đích, nội dung hoạt động cụ thể với các hội.

Tại khoản 1 Điều 2 Nghị đinh này thì Hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật… Tóm lại, mọi tổ chức Hội đều được pháp luật quy định rất cụ thể, quản lí chặt chẽ. Dù vậy thực tiễn vẫn xảy ra những lệch lạc, tiêu cực trong quý trình hoạt động khiến các cơ quan quản lí phải vào cuộc chấn chỉnh.

Dù trong môi trường cuộc sống thực tiễn hay trên môi trường mạng xã hội thì mọi hội nhóm đều không thể tự do vô chính phủ. Mỗi hội, nhóm khi hình thành cần có người chịu trách nhiệm, được đặt dưới quản lí chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Đã đến lúc cần có quy định cụ thể để quản lí các hội nhóm trên môi trường mạng, nhất là trong thực hiện chủ trương của Nhà nước ta về xây dựng một xã hội số lành mạnh, văn minh và an toàn./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18/11/2023

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Quản lí học sinh tham gia giao thông

Bằng lái cho học sinh

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải thì bằng lái xe máy A1 được cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.

Còn tại Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, độ tuổi của người lái xe quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì bằng lái xe máy A1 sẽ được cấp cho người từ đủ 18 tuổi trở lên khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Các đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn được sử dụng một số phương tiện giao thông mà không cần bằng lái.


Nhiều học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy phân khối lớn

Thực tiễn hiện nay học sinh sử dụng phương tiện xe máy dưới 50cm3, xe máy điện, xe đạp điện là khá phổ biến, chưa kể không ít học sinh sử dụng xe phân khối lớn trong khi chưa được cấp bằng. Do lứa tuổi chưa trưởng thành, tính khí bồng bột nên các em đưa phương tiện ra đường thường lái xe theo cảm tính, chưa quan tâm tới sự an toàn của người xung quanh và cả chính bản thân. Khi không được cấp bằng lái thì đương nhiên các em cũng chưa có kĩ năng điều khiển phương tiện, đặc biệt là chưa nắm được các quy định của Luật Giao thông đường bộ - một kiến thức vô cùng quan trọng khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Có lẽ vì thực trạng này mà số vụ tai nạn giao thông do học sinh gây ra ngày một tăng, không ít vụ nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

So với năm 2008, khi bộ luật về giao thông ra đời thì hiện nay phương tiện giao thông đã tăng lên nhiều lần, hệ thống đường sá phát triển cho phép phương tiên đi với tốc độ khá cao, kể cả ở các tuyến đường liên thôn, liên xã. Với phương tiện thì ngay cả xe đạp điện, xe máy điện cũng có thể đi tới tốc độ 40-50km/h.

Phải chăng pháp luật về an toàn giao thông đang bị bỏ ngỏ một lượng lớn xe máy phân khối nhỏ, xe máy điện, xe đạp điện trong khi đây không chỉ là phương tiện cho học sinh, nó đang được nhiều người lớn sử dụng cùng xu hướng sử dụng xe máy điện ngày một tăng, dần thay thế xe động cơ nhiên liệu.

Nên chăng cơ quan chức năng nghiên cứu quy định về cấp một loại chứng nhận cho loại hình phương tiện giao thông cá nhân mức dưới bằng A1 cho đối tượng sử dụng xe máy dưới 50cm3, xe máy điện, xe đạp điện. Quyền hạn cấp chứng nhận này có thể phân quyền cho cấp xã và phối hợp giữa chính quyền với nhà trường trong tổ chức thi tuyển.

Khi được cấp giấy chứng nhận lưu thông trên đường không chỉ bảo đảm an toàn chung mà nó cũng là căn cứ để xử phạt các vi phạm trật tự an toàn giao thông./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15/11/2023


Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Vòng kim cô mang tên quy hoạch

 

Quyền lực của Quy hoạch

Với mỗi cá nhân đang sở hữu đất đai thì điều không may là bỗng dưng loại tài sản đặc biệt này được đưa vào quy hoạch. “Đáng sợ” hơn là quy hoạch đó lại đang bị “treo”!

Khi đất được quy hoạch có nghĩa nó đã được đưa vào một kế hoạch sử dụng trong tương lai phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… Trường hợp đất đai được thu hồi và đưa ngay vào cho một kế hoạch, dự án cụ thể trước mắt thì khác, khi đó người dân sẽ sớm được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Còn đất đai đưa vào quy hoạch mới chỉ là dự án trên văn bản pháp quy, có thể 10, 15, 20 và xa nhất là 50 năm sau mới triển khai. Tuy chưa biết khi nào đất mới thu hồi, triển khai dự án song khi đã vào quy hoạch thì người sở hữu lập tức hạn chế những quyền quan trọng nhất với tài sản của mình. Ví dụ nếu là đất ở thì chủ sở hữu không thể đầu tư xây dựng nhà cửa, chia tách sở hữu cho con cháu…  


Quy hoạch treo khiến cuộc sống người dân khó khăn trăm bề

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội ban hành năm 2017 bao gồm nhiều lĩnh vực song được quan tâm nhất có lẽ là quy hoạch về đất đai. Trong 59 điều khoản của bộ luật, không có quy định về hủy mà chỉ được phép điều chỉnh quy hoạch. Do đó đòi hỏi cơ quan chức năng khi xây dựng quy hoạch cần hết sức cẩn trọng không chỉ với lợi ích công cộng mà còn là lợi ích của người dân. Khi một quy hoạch xây dựng không phù hợp thực tiễn, thiếu tính khả thi nó sẽ dần trở thành “quy hoạch treo”. Thời gian của một quy hoạch được quy định từ 20 đến 50 năm, nếu bị treo đương nhiên sẽ dài hơn những mốc thời gian trên. Quyền lợi của người sở hữu đất sẽ thế nào khi tài sản của mình bị “treo” hàng chục năm trời? Quy hoạch sử dụng đất có thể ví như “chiếc vòng kim cô” đã được “gắn lên đầu” khiến người có đất không thể vùng vẫy! “Đất đã quy hoạch” cũng là “câu niệm thần chú” của công chức quản lí đất đai mỗi khi người dân đòi hỏi, khiếu nại quyền lợi chính đáng.

Việc xây dựng quy hoạch hiện nay đang mang dấu ấn của một thời kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa. Những quy hoạch hoành tráng được thiết kế một cách dễ dãi, thiếu minh bạch, không lường hết khả năng, nguồn lực để thực hiện. Đôi khi quy hoạch chỉ như nhằm tạo dấu ấn cho một nhiệm kì lãnh đạo. Đây là căn nguyên khiến rất nhiều quy hoạch đang trở thành “quy hoạch treo”.

Quy hoạch như một thứ quyền lực vô hình. Chưa có cán bộ, công chức nào bị quy trách nhiệm, xử lí kỉ luật khi tạo ra những bản “quy hoạch treo”. Cũng chưa có người dân nào bị quy hoạch treo gây tổn hại về kinh tế, ảnh hưởng đời sống vật chất, tinh thần đã được bồi thường từ cơ quan chức năng. Dù mới qua 6 năm đi vào thực tiễn song xem ra đã có không bấ ít bất cập với một bộ luật rất quan trọng là Luật Quy hoạch.

Bác Hồ từng dặn: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh...”. Thực hiện quy hoạch đang xảy ra những bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người dân rất cần được điều chỉnh./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08/11/2023

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Tiêu dùng là tăng trưởng

 

Nên kích cầu qua thuế

Nhu cầu tiêu dùng tăng là một kênh quan trọng và bền vững nhất kích thích nền kinh tế của một quốc gia tăng trưởng, nhất là những nước có dân số đông.

Với quy mô dân số một trăm triệu người như Việt Nam thì nhu cầu tiêu dùng chính là một nguồn đầu tư không nhỏ cho nền kinh tế tăng trưởng. Nhà đầu tư cộng đồng này đôi khi chưa được quan tâm đúng mức với một nền kinh tế hướng ngoại, tập trung mạnh cho xuất khẩu như nước ta.

Hiện nay trước thực trạng nền kinh tế thế giới đang đà suy giảm tăng trưởng cộng với bất ổn địa chính trị cho thấy chưa có nhiều triển vọng kinh tế tăng trưởng mạnh trong tương lai gần. Do đó nhu cầu hàng xuất khẩu khó có thể tăng lên, thậm chí còn suy giảm. Cùng với đầu tư công, tiêu dùng nội địa đang đóng vai trò quan trọng giữ ổn định và bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên yếu tố tiêu dùng lại liên quan trực tiếp đến thu nhập của dân cư và giá cả hàng hóa. Khi thu nhập tăng, giá cả hàng hóa rẻ thì tiêu dùng tất yếu sẽ tăng.

Hồi tháng 9, Chính phủ Chính phủ Thái Lan từng đề ra kế hoạch phát 560 tỉ baht (tương đương 16 tỉ đô la Mỹ) dưới dạng tiền kĩ thuật số cho 55 triệu dân (281 đô la mỗi người) để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước. Đây là một trong những biện pháp được Thủ tướng nước này triển khai nhằm vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng trì trệ. Năm 2020 thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng từng phát hàng triệu phiếu khuyến mãi (trị giá 1,7 tỉ đô la) để người dân mua hàng giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm kích cầu tiêu dùng.


Giảm thuế sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Đây là một giải pháp trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và gián tiếp hỗ trợ người tiêu dùng rất hiệu quả, bởi cuối cùng thì tiền thuế cũng được tính vào giá cả hàng hóa. Tuy nhiên với một số nhóm hàng hóa không được giảm theo Nghị định và việc giảm 2% thuế VAT trong thời gian này cũng chỉ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỉ đồng.

Theo các báo cáo của chính phủ trước kì họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay không thể đạt mục tiêu đề ra là 6,5%. Một số ý kiến đang đề xuất nên giảm thuế VAT 2% cho tất cả các nhóm hàng hóa, vừa tránh được những phức tạp khi áp dụng (vì phải phân loại khi doanh nghiệp cùng lúc kinh doanh nhiều nhóm, loại hàng hóa) vừa hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn chung và hỗ trợ người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu. Chính phủ nên cân nhắc đề xuất này bởi kết quả thu ngân sách của ngành thuế trong 10 tháng qua có những tín hiệu khả quan./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02/11/2023

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Học sinh đang được nhồi kiến thức

 

Nhu cầu của học thêm hay dạy thêm?

Việc học thêm, dạy thêm tại các trường hệ phổ thông của ta đã có từ hàng chục năm qua, song hình như cho đến nay chưa có một sự khảo sát, đánh giá tổng hợp nào trên quy mô lớn để đưa ra kết luận: Học thêm có phải là nhu cầu và cứu cánh cho chất lượng giáo dục? Duy điều mà ai cũng biết là một số giáo viên có thêm thu nhập, các phụ huynh học sinh phải bỏ ra một khoản chi phí ngoài học phí từ túi tiền của mình.

Không ít học sinh cấp tiểu học, THCS tại các đô thị hiện nay có chung cảnh ngộ: Sáng bố mẹ đưa đến trường học hai buổi, chiều khi tan trường lại được đưa thẳng đến nơi học thêm, tối về sau khi ăn uống vệ sinh cá nhân xong lại ngồi ngay vào bàn học, vài tiếng sau mới được đi ngủ... Các em học sinh bị học thêm nhồi nhét như vậy làm sao có thời gian để “tiêu hóa” hàng đống kiến thức? Người độ tuổi lao động còn phấn đấu để được 8 giờ làm việc, 8 giờ vui chơi, 8 giờ nghỉ ngơi, vậy các em nhỏ phải học 10-12 giờ mỗi ngày liệu có công bằng và văn minh?


Nền giáo dục nhồi nhét kiến thức

Một thời gian dài trước đây học sinh chỉ học một buổi, thời gian còn lại các em có thể tự sắp xếp ôn bài vào buổi chiều hoặc buổi tối. Nếu không quá ham chơi hoặc phải dành thời gian làm việc phụ giúp gia đình thì mọi học sinh vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu ôn luyện, nắm lại bài cũ.

Một câu hỏi có lẽ chưa nhiều người đặt ra là tại sao ngày nay học sinh phải học thêm nhiều đến thế? Phải chăng chất lượng giảng dạy của giáo viên quá thấp nên trong phạm vi thời gian tại trường chưa đủ để truyền tải kiến thức theo mục tiêu, yêu cầu đề ra cho học sinh? Nếu quả thực do nguyên nhân này thì việc khắc phục trước hết phải là nâng cao chất lượng giảng dạy của người thầy chứ không chỉ bắt học sinh “tăng ca”. Và, có nên lấy tiêu chí số học sinh phải học thêm để đánh giá chính chất lượng, thành tích giảng dạy của mỗi giáo viên?

Trên thế giới, nhất là các nước tiên tiến liệu có nơi đâu việc dạy thêm, học thêm “phủ rộng” như Việt Nam? Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc ta có thể tham khảo. Nạn dạy thêm tại đây từng được coi là một “ngành công nghiệp” trị giá 100 tỉ đô la. Vậy mà cách đây vài năm nước này đã ban hành một quyết định lịch sử, đó là cấm tuyệt đối dạy thêm vì lợi nhuận và yêu cầu trường học giảm tải lượng bài tập cho học sinh. Điều này cho thấy nước bạn đã nhìn ra vấn đề “lợi nhuận” chính là yếu tố chi phối tới “nhu cầu” dạy thêm, học thêm!

Lợi nhuận dưới nền kinh tế thị trường là tất yếu, tuy nhiên ngay tại các nước tư bản thì nền giáo dục vẫn tiên tiến, văn minh, không bị yếu tố này chi phối. Việt Nam là nước đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để hướng tới mục tiêu đó thì trước tiên môi trường giáo dục cần lành mạnh, không thể để yếu tố lợi nhuận chi phối.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26/10/2023

Nông dân luôn thiệt thòi khi bị thu hồi đất

 

Thu hồi đất cần lợi ích hài hòa

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bồi thường khi thu hồi đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất được thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Một trong những nội dung thu hồi đất đai thường dẫn đến xung đột lợi ích, nảy sinh khiếu kiện nhất hiện nay là thu hồi đất nông nghiệp, đất rừng… rồi chuyển mục đích sử dụng đất cho pháp nhân mới kinh doanh. Sau một quyết định hành chính về chuyển mục đích sử dụng, giá đất lập tức tăng lên theo mặt bằng giá loại đất cùng mục đích sử dụng tại khu vực. Đất nông nghiệp giá trị thấp nhưng được chuyển thành đất ở sẽ tăng gấp nhiều lần, nhất là các khu vực ven đô. Khi Nhà nước ra quyết định thu hồi đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất sẽ tạo ra một sự chênh lệch địa tô không nhỏ, về nguyên tắc, phần chênh lệch này Nhà nước được lợi. Khi Nhà nước thu đồi đất rồi chuyển sang đất ở sẽ phải giao cho một doanh nghiệp triển khai chứ Nhà nước không có chức năng trực tiếp thực hiện dự án. Quá trình chuyển giao đất cho doanh nghiệp nếu không có sự giám sát chặt chẽ, minh bạch rất dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Lẽ ra khi một doanh nghiệp muốn có đất để làm dự án thương mại thì phải thỏa thuận với người dân về giá cả để mua lại. Tuy nhiên nếu làm như vậy sẽ rất khó với một dự án lớn nên Nhà nước đứng ra với vai trò trung gian là cần thiết.


Đất nông nghiệp tăng giá hàng chục lần nhờ một quyết định hành chính

Mảnh đất của người nông dân bỗng dưng tăng giá hàng chục lần là cái tác động nhanh và rõ nhất với người mất đất. Họ có cảm giác như bị tước đi quyền lợi chính đáng. Lợi ích đó như đã được chuyển sang chủ doanh nghiệp khi mà tiền bồi thường cả hecta đất không đủ mua một căn chung cư mọc lên từ mảnh đất của chính mình.

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là quan điểm, chủ trương đúng đắn, nhất quán của Chính phủ trong hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Để người nông dân không “đứng ngoài” lợi ích trong sự phát triển kinh tế xã hội thì rất cần cách nhìn nhận mới trong bồi thường khi thu hồi đất đai. Thay vì bồi thường theo giá đất đang sử dụng (ví dụ đất nông nghiệp), Nhà nước nghiên cứu bồi thường giá đất theo mục đích sử dụng đất được chuyển đổi (ví dụ đất ở) sẽ phần nào giúp người mất đất được hưởng chút lợi ích trong tiến trình phát triển. Làm như vậy mới thực sự hướng tới được mục tiêu “lợi ích hài hòa”./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25/10/2023

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Nhập nhèm nhà trọ, chung cư

 

 Nhà trọ và chung cư

Cách đây hơn bốn chục năm, khi là học sinh cấp 3 tôi đã được trải nghiệm cuộc sống ở trọ vì trường xa nhà, không có phương tiện tối thiểu như hiện nay là chiếc xe đạp. Phòng trọ khi đó chỉ là một hai chiếc giường hay gian phòng còn trống của gia chủ, khách trọ và chủ nhà ở chung trong những ngôi nhà đơn sơ.

Ngày nay kinh tế phát triển nhiều người có vốn đã đầu tư xây các phòng trọ khép kín tương đối tiện nghi để chuyên cho thuê kinh doanh. Đối tượng thuê trọ chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp... Có những khu phòng trọ nhiều tầng, cho hàng chục người cùng lưu trú, trong đó có nhiều căn được các gia đình ba bốn người cùng ở nên nó chẳng khác nào một khu chung cư.

Có lẽ do danh nghĩa phòng trọ nên cơ quan chức năng chưa có sự quan tâm đúng mức hoặc lơi lỏng việc quản lí chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, bảo đảm trang thiết bị đảm an toàn cũng như mô hình quản trị, vận hành hoạt động.


Nhà trọ cũng cần đưa vào quản lí trật tự xây dựng

Hiện pháp luật chỉ có quy định chặt chẽ và cụ thể với mô hình chung cư, không có khái niệm phòng trọ và có lẽ mọi người mặc định suy nghĩ phòng trọ chỉ trong phạm vi căn hộ của cá nhân, gia đình kết hợp kinh doanh.

Theo pháp luật, Điều 70 của Luật Nhà  ở số 56/2005/QH11 chỉ rõ, chung cư là loại hình nhà ở có từ 2 tầng trở lên, có lối đi, cầu thang và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho nhiều hộ gia đình. Như vậy rất nhiều phòng trọ cao tầng hiện nay thực chất là chung cư dù nó mang danh căn hộ riêng lẻ của cá nhân. Các chung cư mini hiện nay tại nhiều thành phố lớn cũng lợi dụng khe hở này của pháp luật để né tránh tuân thủ các quy chuẩn khi xây dựng khu chung cư mà nó bắt buộc phải có. Việc xây dựng các căn hộ riêng lẻ nhiều tầng rồi cho thuê và “bán đứt” từng căn tựa một tòa chung cư thương mại là một sự biến báo, lách luật. Việc này còn tạo hệ lụy bất bình đẳng trong kinh doanh với các chủ đầu tư chung cư thương mại đang chấp hành nghiêm pháp luật. Liệu chính quyền, cơ quan quản lí chuyên ngành không nhận ra việc này hay biết song đã làm ngơ?

Sau vụ hỏa hoạn tại chung cư ở Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) chắc chắn việc quản lí xây dựng loại hình chung cư mang danh mini sẽ được siết chặt về quản lí theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên với loại hình phòng trọ, nhất là ở các vùng phát triển khu công nghiệp đang nở rộ cũng cần được đưa vào quản lí như mô hình chung cư để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc về an ninh, an toàn, nhất là an toàn phòng chống cháy nổ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 24/10/2023

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

Y bất nhân

 

Lương y hay cướp giật?

Vừa qua tại Thủ Dầu Một cùng lúc có 9 người bệnh làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương tố cáo Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi cố tình “vẽ bệnh moi tiền”.

Trong những người tố cáo này, một số người bệnh khám bệnh nam khoa, cắt bao quy đầu, điều trị sinh lí nam nữ và các bệnh xã hội... Dịch vụ được quảng cáo thường chỉ mấy trăm ngàn đồng, tuy nhiên đa số đều rơi vào tình huống khi đang phẫu thuật mới phát hiện thêm bệnh khác trầm trọng cần đóng thêm tiền để xử lí, nếu không sẽ nguy cơ đến tính mạng!

Trước đó tại TP Hồ Chí Minh cũng có một cơ sở khám chữa bệnh, đó là Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (địa chỉ số 153-155 Nguyễn Văn Cừ, Phường 2, Quận 5) có thủ đoạn tương tự. Không ít người đang nằm trên bàn phẫu thuật phải điện thoại cầu cứu gia đình mang tiền đến nộp để tiếp tục được hoàn thành ca mổ, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ nghiêm trọng, thậm chí tới an toàn tính mạng!?


Một phòng khám vẽ bệnh làm tiền đã bị xử lí

Những vụ việc trên được gọi chung cụm từ “vẽ bệnh moi tiền”. Tuy nhiên đây là cách gọi hạ thấp tính nghiêm trọng của hành vi. Đây không phải “moi” mà là đe dọa để kiếm tiền, hành vi đã được pháp luật khái niệm cho tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản.

Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) theo đó, cướp tài sản là hành vi của một người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân nằm trên bàn mổ ở tình trạng không thể chống cự được, đây thuộc khái niệm “có hành vi khác” trong điều luật trên.

Được biết nhiều trường hợp vi phạm tương tự xảy ra thời gian qua chỉ bị xử lí hành chính, phạt tiền hoặc tước giấy phép hành nghề. Dù số tiền phạt tới hàng trăm triệu thì so với lợi nhuận họ thu được chẳng thấm tháp vào đâu. Bị tước giấy phép thì họ lại xin cấp phép với pháp nhân, nhân sự mới, việc này chẳng mấy khó khăn, do vậy các biện pháp xử lí đã qua chẳng khác gì “muỗi đốt inox”!

Với tội cướp giật dù chỉ sử dụng khẩu súng đồ chơi, giá trị số tiền cướp vài triệu đồng là đã có thể bị kết hán tù từ 3-10 năm. Vậy việc sử dụng nghiệp vụ khám chữa bệnh để đe dọa tống tiền khác nào một hành vi cuớp giật tinh vi, có tổ chức? Nếu những việc làm bất nhân như trên không được điều tra, xử lí nghiêm minh thì những vụ “cướp trên bàn mổ” sẽ còn xảy ra./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19/10/2023