Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

 Đừng “điên” theo giá vàng!

Giá vàng thế giới hôm 28/7 tăng sốc lên mức 1.977,2 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng lên cao kỉ lục: 58,1 triệu đồng/lượng.
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền để chống lại khủng hoảng, lạm phát cũng như sự mất giá của tiền tệ. Chính vì thế, khi giá vàng tăng càng mạnh, người ta thường nghĩ đến một kịch bản kém lạc quan của nền kinh tế.


Giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh những ngày qua

Trong thời gian qua, bên cạnh yếu tố dịch bệnh COVID-19, thế giới còn chứng kiến các vấn đề về chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Brexit, nội bộ Mỹ bất ổn trong cuộc đua bầu cử Tổng thống… Và khi mà những dự đoán về khủng hoảng, suy thoái, lạm phát… vẫn còn phủ bóng đen trên nền kinh tế toàn cầu thì vàng vẫn còn nhận được sự hỗ trợ tăng giá.
Phía sau đà tăng mạnh của giá vàng, giới chuyên gia dự đoán, kinh tế thế giới cần một lượng tiền khổng lồ để giải quyết các vấn đề bất ổn và cái giá phải trả là lạm phát tăng vọt. Nhất là trong bối cảnh USD - đồng tiền định giá vàng trên thị trường tài chính thế giới liên tục suy yếu.
Tuy giá thế giới tăng “điên loạn” nhưng đối với Việt Nam, vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Mức độ lạm phát đồng tiền những năm qua luôn trong tầm kiểm soát vĩ mô và ở mức thấp. Vì thế, dù giá vàng trên thế giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, tại Việt Nam giá vàng tăng có sự độc lập tương đối.  
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, cung cầu thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, nhu cầu không tăng cao, nguồn cung cũng khá dồi dào. Giá vàng bị đẩy lên là do yếu tố tâm lí trước biến động tình hình thế giới. Dù tác động của dịch bệnh và chuỗi cung ứng toàn cầu song nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự độc lập nhất định trong sự tăng trưởng và được dự báo nằm trong số ít quốc gia tăng trưởng dương. Điều này đã hạn chế tác động đến sự lạm phát, đồng tiền tiếp tục được giữ ổn định giá trị và lãi suất cho vay vẫn đang trong xu hướng giảm.
Sau một thời gian khách hàng đầu cơ “phớt lờ” sự tăng giá của vàng, khi giá vượt lên trên 50 triệu/lượng và cứ thế tăng cao thì mấy ngày qua, đây đó đã xuất hiện những người “sốt ruột”. Bắt đầu thấy cảnh mua bán tăng lên ở một số cửa hàng vàng.

Cảnh mua bán vàng ngày 22/7 khi giá vàng trong nước vượt ngưỡng 53 triệu đồng mỗi lượng.
Nếu ai từng mua vàng giá 49,15 triệu đồng/lượng cách đây 9 năm có lẽ sẽ không còn tâm lí “sốt ruột”, nhất là đã phải bán ra khi vàng tụt xuống 32 triệu đồng/lượng mấy năm sau đó. Dù giá vàng thế giới nay đang cao nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn mức giá vào tháng 9/2011 (1.920 USD/oz).
Ai có vàng mang bán lúc này thì không có vấn đề gì, nhưng nếu để đầu tư mong hưởng “trái ngọt” thì hãy cân nhắc.
Vàng lúc này là cuộc chơi của những người trường vốn, tính toán cho kì vọng lợi nhuận sau nhiều năm, chẳng hạn với người đã đầu tư cách đây 9 năm thì đây là thời điểm gặt hái lợi nhuận. Còn với những ai muốn “ăn xổi” ngắn hạn bằng chiêu “lướt sóng” thì sẽ là sự điên rồ!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31 tháng 7 năm 2020

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Farmstay đang “theo vết” Condotel

Farmstay là một loại mô hình du lịch sinh thái dành cho gia đình, phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá nông trại, thưởng thức món ăn dân dã, rau sạch và các nguồn thực phẩm được nuôi trồng, chế biến trực tiếp tại trang trại.
Mô hình này đã có ở Italia từ năm 1980, sau đó có mặt và phát triển ở Bắc Mỹ, Australia và ở châu Á. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, loại hình du lịch này đã sớm có sự biến đổi. Đa số các Farmstay Việt Nam chỉ hướng đến giá trị nghỉ dưỡng hơn là trải nghiệm, điểm đến cuối cùng là chia nhỏ để kinh doanh bất động sản dưới hình thức hợp tác đầu tư hưởng lợi nhuận.
Mô hình Farmstay bán đất trang trại nghỉ dưỡng mới xuất hiện trên thị trường, là sản phẩm lai kết hợp giữa 2 từ farm (nông trại) và homestay (khu lưu trú địa phương). Xu hướng mua đất nông nghiệp làm nhà vườn, Farmstay bắt đầu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và theo dự báo trong tương lai nó sẽ tạo ra một làn sóng mua bán bất động sản lớn, rời xa bản chất ban đầu của mô hình này.


Farmstay đang được quảng cáo là hình thức đầu tư "gà đẻ trứng vàng"

Condotel du nhập vào nước ta với các dự án khách sạn nghỉ dưỡng được quyết định đầu tư trên đất dịch vụ, khách sạn. Để hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp, các chủ đầu tư đã vẽ ra một viễn cảnh sở hữu một căn hộ chung cư, lúc nào thích thì đến ở, thời gian còn lại cứ ngồi hưởng lãi suất gấp đôi gửi tiền vào ngân hàng. Các nhà đầu tư thứ cấp đã chẳng quan tâm xem làm sao lại có cái lãi suất hấp dẫn ấy trong khi thực chất căn hộ chỉ mang lại lợi nhuận bằng lấp đầy khách du lịch nhiều nhất có thể. Sự đổ vỡ, thoái trào của Condotel hiện nay thực ra đã được các chuyên gia dự báo từ trước, ngay khi nó còn đang “hot”.
Các dự án hợp tác đầu tư nông trại nghỉ dưỡng hiện nay đang nở rộ từ Bắc vào Nam như tại Hà Nội, Hòa Bình, Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Long An... Không ít dự án trong đó cũng đưa ra cam kết lợi nhuận với tỉ lệ cao dạng Condotel. Nếu chỉ trông cậy vào lợi nhuận từ hoạt động nghỉ dưỡng của khách du lịch thì lợi nhuận cao sẽ là “bài toán khó”.


Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” vì không bảo đảm trả được lãi 12% cho nhà đầu tư Condotel


Theo thông tin quảng cáo tại nhiều dự án Farmstay, người mua có quyền sở hữu và chuyển nhượng cho bên thứ 3 chốt lời nếu muốn. Dự án có chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm; kí hợp đồng hợp tác đầu tư giao đất 40 năm, hết 40 năm gia hạn lại và tái sử dụng theo dự án… Nhiều nhà đầu tư như cố quên đi rằng, đất nông nghiệp cuối cùng vẫn là nông nghiệp và cao lắm cũng chỉ kinh doanh trang trại nghỉ dưỡng để thu lợi nhuận. Những quảng cáo trên cũng na ná như của Condotel, đã “cầm đèn chạy trước pháp luật” và cuối cùng sẽ được đổ tại… rủi ro pháp lí rồi tìm cách tác động để điều chỉnh pháp luật!
          Đã có bài học mang tên Condotel, liệu các nhà đầu tư thứ cấp có một lần nữa nhắm mắt đi theo “vết xe đổ”?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 7 năm 2020

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Bình đẳng giới cần “sạch” từ nhận thức

Ở khu phố tôi sinh sống, cứ mỗi sáng thư Bảy từ tinh mơ đã thấy bà chi hội trưởng phụ nữ đi thúc dục: “Mời chị em các gia đình dậy làm tổng vệ sinh nào”!
Nghe quen rồi nên cũng chẳng để tâm, nhưng hôm đó vợ, con dâu tôi đi vắng mới chợt nghĩ: Tại sao lại chỉ có chị em làm vệ sinh ngõ phố nhỉ? Lí gì mà cánh đàn ông lại có đặc ân được nằm ườn, không phải dậy sớm để lao động công ích?


Hội viên Chi hội Phụ nữ thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) tập dọn vệ sinh “Đoạn đường phụ nữ tự quản”.

Hôm về quê dự đám cưới đứa cháu. Cỗ bàn thôn quê vẫn chủ yếu “tự biên tự diễn”. Tôi quan sát thấy lực lượng làm cỗ hầu hết là các chị, các bà trổ tài giữa cái nắng hè khiến ai nấy nhễ nhại mồ hôi trong khi cánh đàn ông lại chỉ ngồi trà nước bên những chiếc quạt quay vù vù. Đến khi mấy ông trung niên gọi nhau ngồi vào mâm rượu bỗng có một vị bị xua ra mâm khác: Ông toàn “máy khâu con bướm (ý nói sinh toàn con gái)”, xin mời xuống mâm dưới! Khi cỗ tàn, trà dư tửu hậu, cánh đàn ông tranh nhau nói mọi chuyện trên trời dưới biển, còn các chị, các bà thì “bơi” giữa núi nồi niêu bát đĩa từ các mâm tuôn ra!
Là đất nước ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Nho giáo nên định kiến trọng nam kinh nữ hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều thế hệ người Việt hàng nghìn năm qua. Giới nho học xưa thì định hình tư tưởng về giới “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam cũng là có, mười nữ cũng bằng không). Người dân thường thì mặc định chỉ có nam nhi mới “nối dõi tông đường” trong khi trách nhiệm với cái “tông đường” ấy lại là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”!
Thực hiện Hiến pháp Nhà nước, vào năm 2006 Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua tại kì họp thứ 10. Cả chương II, từ Điều 11 đến Điều 18 của Luật này đã quy định chi tiết nội dung bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và cả trong gia đình.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, nhất là sau khi có Luật Bình đẳng giới, mục tiêu nam nữ bình quyền tại nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện.
Qua 10 năm thi hành Luật, tỉ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến rõ nét. Tỉ lệ nữ trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước liên tục tăng, số tham gia vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á...


Thế nhưng, từ điều luật đến thực tiễn cuộc sống xem ra vẫn còn khoảng cách không nhỏ, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ chịu nhiều hậu quả từ bất bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng đến từ sức ì tư duy định kiến không chỉ ở nam giới mà chính từ phụ nữ, khi bản thân họ mặc nhiên thừa nhận những thua thiệt.
Tâm lí tự ti càng làm cho phụ nữ yếu thế và một số nam giới quên đi rằng mọi người đều bình đẳng, họ cư xử vi phạm luật pháp mà cứ tưởng đó là quyền!
Muốn có bình đẳng giới thực sự cần làm sạch từ nhận thức, tư duy của mọi giới./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 7 năm 2020

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Hãy nhường ghế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói tại một hội nghị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng năm 2019: Có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm…”.


Đảng cử, dân tin đưa cán bộ vào vị trí lãnh đạo, chủ trì không phải đó là “chốn bồng lai tiên cảnh” để du ngoạn. Cán bộ nay không còn phải dấn thân như những năm chưa có chính quyền, luôn đối mặt sinh tử vì sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, với trách nhiệm mang lại cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn cho người dân, công việc của người cán bộ lãnh đạo không phải một cuộc “vãng cảnh, xem hoa”. Vì vậy, người cán bộ có năng lực, bản lĩnh, chí công vô tư mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không bị vấp ngã.
Tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây nguyên mới đây nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, có lãnh đạo tỉnh nói: “Trước tình hình khó khăn này, cán bộ rất muốn làm mạnh, bứt phá nhưng mà làm không khéo thì một ngày đẹp trời nào đó lại bị kỉ luật…”. Một số lãnh đạo các tỉnh khác có tâm tư tương tự cũng chia sẻ ý trên.
Thông tin này có lẽ khiến không ít đảng viên và người dân phiền lòng. Chẳng lẽ cán bộ, đảng viên cốt cán lại nhụt chí thế sao!?
Đội ngũ cán bộ đã lên tới cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cao hơn phải trải qua quá trình đào tạo, tôi luyện trong thực tiễn về trí tuệ, năng lực và bản lĩnh. Ở những vị trí đó rồi mà lại lo vô tình làm sai, vi phạm luật pháp thì dân, Đảng trông cậy vào ai?
Hiện nay Nhà nước ta đã có hệ thống luật pháp khá đầy đủ, đồng bộ như tuyến “đường ray” để những người có trách nhiệm cầm lái, điều hành mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lí nay đều sở hữu bằng cấp rất cao mà nhiều nước trong khu vực còn thua kém, ngưỡng mộ. Với hành trang như vậy khó có thể nói khi làm lại không biết đâu là đúng, đâu là sai. Số cán bộ mắc sai phạm sa vào vòng lao lí những năm qua hầu hết là do cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, và điều quan trọng là họ đều biết, việc làm sai đó mang lại lợi ích cá nhân hàng tỉ, hàng nghìn đồng.
Lịch sử đảng ta từng có lãnh đạo cao nhất bị thi hành kỉ luật. Tuy nhiên, dù đó là vi phạm nghiêm trọng nhưng không phải vì động cơ tư lợi. Những cán bộ, đảng viên vi phạm dạng đó đều được đồng chí đồng đội giúp “đứng dậy” và vẫn tiếp tục có cống hiến lớn cho cách mạng sau này.
Khi người cán bộ dấn thân vì lợi ích chung, họ sẽ chẳng lo vướng vào oan sai kỉ luật vì cán bộ, đảng viên và Nhân dân nay có con mắt tinh tường, khó nhầm lẫn vàng với thau.
Nếu ai đó ngồi vào “cái ghế” lại không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, chỉ lo an toàn chỗ ngồi thì có lẽ Nhân dân chẳng cần đến họ.
Ai không còn dũng khí, hãy “nhường ghế” cho những người đủ bản lĩnh, năng lực và vì dân!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 24 tháng 7 năm 2020

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

 Có đang đánh đổi?

Không biết có nơi nào trên trái đất người ta cho phép chôn lấp chất thải xuống lòng đất?
Lâu nay chủ yếu mọi người biết đến công nghệ chôn lấp chất thải hạt nhân. Đây là một công nghệ công phu, phức tạp và đắt đỏ mà một vài nước đã làm như Ukraine (sau vụ Chernobyl), Nhật Bản (sau sự cố động đất sóng thần gây rò rỉ nhà máy hạt nhân Fukushima I). Dù vậy, chất thải tại những khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục rò rỉ phóng xạ ra môi trường.
Tại Việt Nam ta công nghệ chôn lấp và kĩ thuật xử lí… hòa tan đang được áp dụng phổ biến.
Các bãi tập kết rác lớn tại các thành phố, tỉnh thành hiện nay chủ yếu là phân loại đơn giản, sau đó chôn lấp chất thải có thể tự phân hủy theo thời gian. Một số khác thì được xử lí bằng đốt. Tỉ lệ được xử lí bằng công nghệ hiện đại có lẽ chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) mỗi ngày nhận khoảng hơn 4.000 tấn; bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày nhận gần 3.000 tấn… chủ yếu được chôn lấp.


Bãi rác Nam Sơn

Có lẽ do khối lượng quá lớn nên hầu hết các bãi chôn lấp chưa được các đơn vị tham gia xử lí đầu tư đủ cho việc xây dựng kiên cố, an toàn. Vì vậy, những chất thải “tinh túy” nhất vẫn có thể ngấm ra môi trường, thâm nhập vào mạch nước ngầm và “tìm đến” với… nước sinh hoạt. Thực trạng này khiến các địa phương vô cùng khó khăn trong tìm vị trí xử lí chôn lấp chất thải mới hoặc mở rộng bãi chôn. Chỉ cần manh nha thông tin sẽ có dự án khu tập kết, xử lí chất thải là người dân lập tức phản đối…
Hầu hết các dòng sông hiện nay đang dần trở thành tuyến vận chuyển nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề. Khi mà chi phí xử lí đắt đỏ, việc kiểm soát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo thì các doanh nghiệp đều lựa chọn phương án xử lí đơn giản, không đạt chuẩn hoặc xả thải thẳng ra môi trường. Có lẽ tiết kiệm chi phí xử lí chất thải cũng là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam.


Nơi chứa nước thải của bãi rác Đa Phước

Hồi năm 2018, Tổ chức Ung thư toàn cầu đưa ra con số thống kê: Mỗi năm Việt Nam có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết vì ung thư. Con số mỗi ngày hơn 20 người ra đi không trở về vì tai nạn giao thông tưởng đã là lớn, vậy mà mỗi ngày có 315 bệnh nhân ung phải “đến nghĩa trang”! Nguyên nhân kỉ lục buồn này không thể thiếu sự “liên đới trách nhiệm” của môi trường nếu không muốn nói là thủ phạm chính. Cuộc sống của người dân đang phải đối mặt đủ nguồn ô nhiễm độc hại: Trên trời là khói bụi, dưới lòng đất là nguồn nước nhiễm độc, trong mâm cơm thì nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm… Vì vậy, cơ thể con người không nhiễm độc hại mới là chuyện lạ!
Chính phủ luôn đặt lợi ích sức khỏe con người lên trên lợi ích kinh tế.
Thế nhưng các thành tố trong một nền kinh tế đang tăng tốc hiện nay lại có sự ưu tiên khác: Lợi nhuận là số 1, sức khỏe con người là thứ yếu.
Một sự đánh đổi đắt giá!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 7 năm 202

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

 Lại “sản xuất” tượng đài  

Nhiều nước trên thế giới có những tượng đài đẹp, nổi tiếng như tượng Nữ thần Tự Do (Mỹ); tượng Chúa Kito cứu thế tại Rio de Janeiro (Brazil); tượng Nhân sư ở tỉnh Giza (Ai Cập); tượng David tại Firenze (Italia); tượng mẹ Nga ở thành phố Volgograd (Liên bang Nga)… Những bức tượng trên chỉ cần được nhìn ngắm một lần sau đó người ta có thể mường tượng lại rõ nét mỗi khi nhắc đến. Được như vậy vì đó là những tác phẩm hội tụ từ giá trị nghệ thuật, kiến trúc đến chiều sâu tư tưởng.


Tượng Thánh Gióng tại khu di tích đền Sóc (Hà Nội).

Có lẽ Việt Nam ta đang “phấn đấu” trở thành đất nước của những tượng đài? Rất nhiều tượng đài đã được dựng lên tại các tỉnh thành trong những năm qua. Tuy nhiên, số tượng đài đạt giá trị nghệ thuật, mĩ thuật, kiến trúc, có chiều sâu tư tưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay và còn xa mới vươn tầm thế giới. Tâm lí “con gà tức nhau tiếng gáy” khiến một số địa phương chưa có tượng đài “hoành tráng” đang tìm cách xây dựng cho được để “ghi dấu ấn”. Mấy năm trước tại một số địa phương dự định xây dựng tượng đài hàng nghìn tỉ đồng nhưng do dư luận không đồng thuận đã phải tạm dừng.
Gần đây lại rộ lên trào lưu xây dựng tượng đài xuống tới… cấp huyện trong khi cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19: UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) dự định xây dựng tượng đài Bà Triệu với tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng trong khi Huyện ủy, UBND huyện này đang nợ tiền tiếp khách lên đến 52 tỉ đồng; tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) chi phí 48 tỉ đồng đang gây tranh cãi về tính chính xác về lịch sử (đồng bào dân tộc Ba Na cầm giáo, mác tham gia khởi nghĩa thì tượng cầm rìu; phụ nữ Ba Na mặc váy hở, tượng lại váy kín; người Ba Na bắn nỏ, bắn ná thì tượng lại bắn súng); huyện miền núi nghèo Phước Sơn (Quảng Nam) cũng “mạnh tay” chi 14 tỉ đồng để xây tượng đài chiến thắng Khâm Đức v.v.


Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh nhiều chi tiết chưa phù hợp, không phải của người Ba Na.

Mục tiêu xây dựng tác phẩm tượng đài là giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau thông qua hình tượng nghệ thuật, giá trị thẩm mĩ, tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, những tượng đài được xây dựng thời gian qua có lẽ chỉ quan tâm tới mức độ hoành tráng, chưa đầu tư kĩ lưỡng để đạt giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ, thậm chí còn có những sai sót về lịch sử, vậy tượng đài ấy đi vào lòng người theo con đường nào?
Theo nhiều chuyên gia văn hóa, mĩ thuật, việc xây dựng tượng đài ở Việt Nam “chẳng giống ai” khi Nhà nước bỏ ngân sách ra để làm và dễ dãi chấp nhận những tác phẩm chất lượng hạn chế. Lẽ ra phải từ tác phẩm để lại dấu ấn hoặc dự án đạt giải được đông đảo dư luận ghi nhận, giới chuyên môn đánh giá cao mới tính đến hiện thực hóa bằng tượng đài thì nay nhiều nơi như làm ngược lại, tìm được nguồn tiền rồi đặt hàng “sản xuất” tác phẩm để giải ngân!
Tượng đài là tác phẩm nghệ thuật nhằm khắc họa lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc và nét đẹp con người Việt Nam. Muốn có tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, không thể làm tượng đài theo cách “sản xuất” hay xây dựng một công trình đơn thuần!/. 
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15 tháng 7 năm 2020

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

 Để sách… “dễ tiêu”

Hồi nhỏ, khi mới là học sinh cấp 1, tôi được ông bố mua cho 3 cuốn sách truyện và thơ. Đó là cuốn “Góc sân và khoảng trời” của tác giả đồng trang lứa Trần Đăng Khoa; cuốn “Truyện kiều” của đại thi hào Nguyễn Du và cuốn “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” của Xuân Sách. Sau thấy tôi cũng ham đọc sách nên thi thoảng ông lại mua về, nhưng chủ yếu là sách dành cho tuổi thiếu nhi.
Thời đó sách cực hiếm, thường thấy các anh chị thanh niên mượn truyền tay nhau đọc những cuốn truyện nhàu nhĩ, chẳng mấy ai mua được cuốn sách mới còn thơm mùi mực in. Vậy nên 3 cuốn sách trên, tôi đọc xong cuốn nào là có người “xếp hàng” chờ mượn lấy đi liền. Đã đôi lần tôi phải truy tìm để đòi lại sách (sợ nếu bố hỏi đến thì sách vẫn còn), nhưng rồi lại nhanh chóng phải đưa người khác mượn. Cứ thế, tay chuyền tay, sau đó 3 cuốn sách của tôi (và sau này còn một số cuốn khác) đều “mất tích”!


Một thời sách hiếm bởi có lẽ khi đó kinh tế khó khăn nên số đầu sách và số bản sách được phát hành không nhiều. Những cuốn sách được lựa chọn xuất bản đều là những tác phẩm chất lượng cao. Chính vì vậy những tên sách mới “ra lò” (cả tác phẩm trong nước và nước ngoài) đều được cánh trẻ săn lùng, tìm đọc bằng được. Những cuốn sách hay khi đã đến được vùng nông thôn đều đã ố bóng màu mồ hôi tay người chứ chẳng bao giờ thấy còn mới, thậm chí đã bong mất cả bìa, quăn nếp các trang.
Nhớ lại chuyện một thời “món ăn tinh thần” tuy thiếu thốn mà sao “ngon lành”. Ngày nay sách nhiều tựa “mùa bội thu” nhưng lại chịu cảnh “được mùa mất giá”! Nay nhà nhà làm sách, người người in sách, đủ các thể loại nhưng người đọc sách lại quá “thờ ơ”. Những “cơn sốt” sách hay chỉ còn là chuyện của một thời quá vãng.
Nay bất kì ai công tác, làm việc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ mà trong nhà lại không có một giá sách nho nhỏ. Người chịu khó sưu tầm, lưu giữ thậm chí còn có một góc thư viện gia đình với những tủ chưng đầy sách quý. Hình như tủ sách cũng là “mốt” với một số cán bộ lãnh đạo để thể hiện tầm tri thức. Không ít cán bộ khi có dịp phỏng vấn báo chí thường thấy hình nền là chiếc tủ kính bày hàng hàng lớp lớp những cuốn sách dày cộp, mới toanh.

Thị trường sách xuất bản tràn lan nhưng ít có những đầu sách hay

Phải thừa nhận thị trường sách ế ẩm một phần do nay bùng nổ các kênh thông tin, nhiều phương tiện để tiếp cận tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuy vậy, cũng phải thấy thực trạng in ấn, xuất bản quá dễ dãi hiện nay khiến “vàng thau lẫn lộn”. Thú thực ngay bản thân tôi cũng có tủ sách nho nhỏ song chưa có đủ thời gian đọc hết số sách trong đó, nhất là những sách tư liệu lịch sử truyền thống của các đơn vị, sách hồi kí, tổng tập… của cá nhân, bạn hữu tặng. Vì trân trọng người tặng, thông thường tôi đều gắng dành thời gian để đọc. Những cuốn thấy có chất liệu cuộc sống, thông tin mới, giá trị sáng tạo cá nhân… tôi đều đọc hết. Còn những cuốn mà người in sách ra “cốt để có sách” thì đọc mươi trang sẽ biết ngay là vô vị, không thể tốn thời gian vì nó chẳng để lại điều gì thiết thực.
Có thể nói, sách nay rất nhiều cuốn “khó tiêu” với độc giả. Một phần do sự thoái trào của văn hóa đọc, phần khác chính là chất lượng tác phẩm. Nếu các nhà xuất bản “khắt khe” hơn về chất lượng, có lẽ sẽ có những tác phẩm hay không bị “rừng sách” giá rẻ che lấp./.
Đinh Hoàng
Bài trao đổi đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 7 năm 2020
 Lợi quản

Nỗ lực thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, mấy năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt các bộ, ngành thực hiện chủ trương này.
Gần đây nhất, ngày 12/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 cũng với mục tiêu trên.
Mặc dù các bộ, ngành đã có những động thái tích cực trong rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh song hiệu quả thực chất còn hạn chế, thậm chí không ít những quy định cũ chỉ thay đổi hình thức trong khi những quy định mới lại được “sinh ra” khiến cộng đồng doanh nghiệp lo ngại.
Mới đây Bộ Công an ban hành Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng kí, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tại điểm đ, khoản 6, Điều 25 của Thông tư này quy định biển số ô tô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen…


Hiện nay biển số phương tiện có 3 loại màu cho 3 khu vực: xanh cho xe công, đỏ cho xe quân đội, còn màu trắng là xe dân sự (gồm cá nhân và doanh nghiệp). Vậy nay tách ra khu vực dân doanh thêm 1 màu nữa sẽ mang lại lợi ích gì?
Có thể khẳng định ngay là đối với doanh nghiệp, người dân, màu của chiếc biển số không thể làm tăng năng suất, chất lượng hoạt động kinh doanh hoặc tiện lợi khi lưu thông. Trong khi đó việc chuyển đổi màu lập tức chủ sở hữu phương tiện phải bỏ ra một lượng chi phí. Với khoảng 1,6 - 1,7 triệu ôtô kinh doanh vận tải (bao gồm xe khách, xe tải và taxi theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông) thì chi phí các doanh nghiệp, cá nhân bỏ ra là không nhỏ.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, việc phân định màu sắc phương tiện, màu sắc biển số đối với xe kinh doanh vận tải là để tạo thuận lợi, giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lí hoạt động xe kinh doanh.
Chỉ với mục đích là “tiện cho việc quản lí” thì thay đổi này liệu có đáng?


"Bến cóc, xe dù" ngang nhiên bắt khách trên đường Giải Phóng Hà Nội không khó nhận diện nhưng không có cơ quan nào quan tâm xử lí

Thời gian trước, khi lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông Vận tải cũng từng có những đề xuất thay đổi có tính thủ công như trên khiến dự luận chưa đồng thuận. Dù sao thì một số quy định nhận dạng taxi công nghệ đã được đưa vào Nghị định 10, nay thêm quy định biển vàng, doanh nghiệp lại cần “một chút” chi phí nữa! Đã bước sang cuộc cách mạng 4.0, tại sao việc quản lí của cơ quan chức năng không cập nhật, tận dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để quản lí, vừa nâng cao hiệu quả, vừa đỡ gây tốn kém cho xã hội?
Có lẽ ai cũng thuộc câu nói của Bác: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
Vậy mà nhiều việc hiện nay các cơ quan đang có xu hướng “trước tiên phải tiện cho việc quản lí”!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 7 năm 2020

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Xa dân

Mấy ngày qua dân mạng xã hội xôn xao về việc ông Lương Minh Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên đưa ô tô biển xanh vào tận cầu thang máy bay để đón mình và người nhà. 
Việc xe công đưa người vào tận cầu thang máy bay lâu nay mọi người chỉ quen với hình ảnh đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên thủ nước ngoài vì nó thể hiện tính trang trọng của nghi lễ.


Xe đón ông Sơn và người nhà tại cầu thang máy bay

Ông Sơn đã có giải thích với báo chí, cho rằng việc ô tô biển xanh vào tận cầu thang máy bay để đón ông và người nhà không trái các quy định của Chính phủ. Sự giải thích này có lẽ chỉ đúng “một nửa”. Cụ thể tại Điều 14, Thông tư 13/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam về đối tượng, điều kiện, phạm vi cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay không có mục cán bộ được… kèm theo người nhà!
Việc sử dụng phương tiện công cộng của lãnh đạo, chính quyền các cấp hiện nay rất hãn hữu ngoài phương tiện cao cấp là máy bay bởi từ cấp tương đối nhỏ đã được dùng xe công. Chính điều này cũng là một lí do khiến cán bộ ngày nay không được gần dân như những năm tháng đất nước khó khăn. Nay cán bộ rời phòng lạnh, lên xe lạnh, tới nơi họp hành cũng phòng lạnh. Có lẽ đi phương tiện máy bay là dịp ít ỏi họ có thể được gần dân. Cán bộ lãnh đạo lúc nào cũng cách biệt, xa dân sẽ không hiểu được cuộc sống nơi dân dã, dễ rơi vào quan liêu khi đưa ra các quyết sách ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Hiện nay các cấp ủy đảng, chính quyền vẫn đang thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Một trong những phong cách rất cần thiết của người cán bộ lãnh đạo là gần dân để hiểu dân và phục vụ Nhân dân. Bác là người đứng đầu Chính phủ bận trăm công nghìn việc nhưng lại luôn gần dân, lúc nào cũng nghĩ về dân. Có câu chuyện về tác phong gần dân của Bác chúng ta từng nghe: Một buổi trưa, Bác nằm dưới tán cây to ở Phủ Chủ tịch, Người gọi đồng chí Vũ Kỳ lại hỏi: “Trời nắng thế này, mình nằm dưới tán cây mà còn thấy hầm hập, không biết anh em trực chiến trên nóc nhà Quốc hội có đủ nước dùng không? Bác dạo này yếu quá, sợ lên không nổi”. Rồi Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ lên kiểm tra về nói lại đúng thực tế với Bác…


Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7-1960). Nguồn: TTXVN

Là lãnh đạo hàng tỉnh, đi sân bay “nhà mình” có lẽ vấn đề an ninh, an toàn của lãnh đạo không đáng phải lo ngại. Thêm nữa, nếu vào xếp hàng cùng mọi hành khách biết đâu lãnh đạo còn biết thêm được những câu chuyện thực tiễn bổ ích cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo địa phương.
Mong sao mỗi cán bộ lãnh đạo khi phát động, tuyên truyền cho đội ngũ công chức, viên chức và Nhân dân học tập tư tưởng, phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh cũng cần nhớ đến những ví dụ cụ thể mà Bác đã thực hành để trước hết bản thân noi gương bằng hành động chứ không chỉ lời nói./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 7 năm 2020

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Tín dụng… xám!

          Hôm cuối tháng 6, tờ Tài chính Vietnam Finance thông tin việc Công ty tài chính FE Credit phát thông báo liên quan đến sự việc khách hàng vay tiêu dùng của công ty là ông Lê Thành Tâm (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) nhảy sông tự tử sau khi bị một nhóm côn đồ đến đòi nợ.
Lâu nay chỉ nghe tới chuyện xã hội đen cho vay nặng lãi rồi cho những kẻ “đầu gấu” dùng mọi thủ đoạn khủng bố, đe dọa và hành hung nhằm thu hồi khoản nợ. Vậy mà doanh nghiệp - công ty tài chính tiêu dùng, vốn là “con đẻ” của một ngân hàng thương mại cổ phần cũng có cách đòi nợ khiến khách hàng phải tìm đến cái chết!


Hoạt động cho vay tài chính ngày càng nở rộ tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian không dài, nhất là khi có quy định của pháp luật về hoạt động công ty tài chính, hàng loạt doanh nghiệp ra đời. Mỗi công ty có hàng trăm, hàng nghìn điểm cho vay nên hoạt động cho vay xuất hiện ở khắp nơi, như thể lấn át được tín dụng đen. Với thủ tục dễ dàng, nhanh chóng và đặc biệt không cần thế chấp, các tổ chức này không khó để thu hút được sự tham gia của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi kèm sự dễ dãi là điều kiện không “dễ thở”, đó là lãi suất “cắt cổ” (chừng 20 - 30% hoặc hơn). Công ty tài chính được hoạt động cho vay với mức lãi suất chủ động trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước với những điều kiện cụ thể. Thế nhưng, không ít công ty tài chính thấy “thấp thoáng bóng dáng” ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh khác “đứng sau” như những đối tác tin tưởng. Những “bóng dáng” này rất có tiềm năng cung cấp nguồn vốn lớn một cách hợp pháp cho công ty tài chính cho vay lại với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất của ngân hàng. Với lãi suất cao như vậy, khách hàng của công ty tài chính phải kinh doanh gì đó có lợi nhuận vượt trội thì mới có khả năng trả nợ. Vậy thực tiễn hiện nay mảng kinh doanh nào và liệu có nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận vượt 30%? Rủi ro đồng tiền đi vào các hoạt động phi pháp (như cờ bạc, cá độ…) là hoàn toàn có thể, khi mà điều kiện vay thông thoáng, dễ dàng.


Hãy cẩn trọng khi vay tiêu dùng từ công ty tài chính

Thực tế nhiều công ty tài chính hiện nay thay vì có bộ phận xử lí nợ lại thường ủy quyền cho đơn vị thứ 3 (công ty thu nợ) thực hiện thu hồi nợ, người được ủy quyền khi đó sẽ có quyền và trách nhiệm như chủ nợ. Khi đối tác nhận ủy quyền thu hồi công nợ có hành vi vượt quá giới hạn cho phép sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp khách hàng Lê Thành Tâm kể trên nhiều khả năng đã chịu áp lực quá lớn, dạng như hành xử của xã hội đen với con nợ.
Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”.
Đối tác của công ty tài chính là công ty thu nợ. Công ty thu nợ thực hiện quyền thu nợ có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mang lại lợi ích cho công ty tài chính. Công ty tài chính lại là đối tác “ruột” của ngân hàng thương mại.
Trong “vòng luân hồi” ấy, có khi nào tổ chức tín dụng chuyển sang… màu xám?/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 7 năm 2020

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

 Chạy theo… bất cập!

Cầu Long Biên là một trong 2 cây cầu ở Việt Nam được tổ chức lưu thông ngược chiều, đi trái phần đường, (còn cây cầu nữa là Việt Trì).
Thực ra, ban đầu người Pháp thiết kế theo kiểu Pháp, lối đi cũng như các cây cầu bình thường khác là đi bên phải. Nhưng khi thực hiện công cuộc khai phá thuộc địa miền Bắc, mọi sản vật, khoáng sản đều được chuyển về “mẫu quốc” theo đường cảng Hải Phòng. Xe cơ giới chở hàng đi Hải Phòng thì nặng ì ạch, quay về Hà Nội thì nhẹ tênh, trong khi đó việc thăm dò địa chất khi thi công móng cầu chưa thật tốt, nên càng ngày bên phải cầu càng phải chịu tải trọng lớn hơn bên trái và... nghiêng dần sang phải! Nhằm khắc phục tạm việc nghiêng cầu, người Pháp đã phân luồng xe chạy hướng Hải Phòng lên Hà Nội sang bên trái và ngược lại để chuyển tải trọng sang phần đối diện. Như vậy, người Pháp tổ chức giao thông khác thường này chỉ vì sự một bất cập không thể khắc phục.


Cầu Long Biên nay chỉ danh cho xe máy, xe đạp nhưng vẫn luôn có lượng người lưu thông rất đông.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến vào dự thảo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, tại điều Điều 41 quy định về người đi bộ, điểm 1 nêu: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có hè phố, lề đường hoặc đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi theo hàng một sát mép đường và ngược chiều xe chạy (trừ trường hợp người dắt xe hoặc nhóm người diễu hành đi bộ có người dẫn đầu phải đi cùng chiều)”.
Mới nghe tưởng cũng hợp lí bởi người đi bộ đi cùng đường với phương tiện mà không quan sát thấy dòng lưu thông tốc độ cao thì rất nguy hiểm, phải nhìn được và sẵn sàng tránh nếu có người đi ngược chiều không chú ý quan sát. Tuy nhiên, suy nghĩ kĩ lại có điểm chưa ổn, nhất là với thực trạng đường và vỉa hè tại nhiều đô thị hiện nay. Ngay tại Thủ đô, rất nhiều đoạn đường phố không còn vỉa hè hoặc vỉa hè bị các công trình khác (cột đèn, bốt điện và cả cây xanh) chiếm dụng. Đó là chưa kể hoạt động kinh doanh hàng quán nhiều khu phố ngang nhiên chiếm dụng, không bị ngăn cản. Giả sử đang đi trên vỉa hè gặp đoạn không thể đi được, lẽ thường chỉ cần xuống phần đường dành cho xe cơ giới cùng đi là được. Nhưng nếu theo điều luật trên thì người đi bộ lại phải sang bên kia đường thì mới có thể đi ngược hướng phương tiện. Mà đã sang bên kia đường trong khi bên đó lại có hè, lề đường thì lên đó đi, cần gì đối diện với phương tiện giao thông?


Một đoạn trên tuyến đường Hai Bà Trưng nằm ngay ngã tư giao nhau với đường Lê Duẩn

Luật pháp xây dựng cần theo hướng văn minh, hiện đại và buộc các hoạt động khác đáp ứng, tuân thủ. Lề đường, hè đường đô thị là những thiết chế buộc phải có. Những bất cập, vi phạm cần được khắc phục và luật pháp không thể điều chỉnh theo kiểu “né tránh”. Người Pháp điều chỉnh chiều đi cầu Long Biên vì bất khả kháng, nhưng chẳng nhẽ dẹp vỉa hè, lề đường, tạo lối đi người đi bộ cũng là bất khả kháng?
Khi đã có điều luật “né” thực trạng như trên, sự quyết tâm của cơ quan quản lí trong khắc phục những vi phạm sẽ giảm đi và bất cập sẽ mãi tồn tại!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 7 năm 2020