Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

 Quốc tịch và yêu nước

Nhiều người được biết câu chuyện người lính lê dương Nguyễn Văn Lập (tên khai sinh Kostas Sarantidis) là người Hy Lạp phục vụ trong quân đội Pháp. Nhận ra tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà người Pháp thực hiện tại Việt Nam sau năm 1945, ông đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Kể từ đó ông đã tham gia chiến đấu, lao động, cống hiến trọn đời cho dân tộc Việt Nam như một người yêu nước thực thụ.
Thể theo nguyện vọng cá nhân, năm 2010, ông được Chủ tịch nước ra quyết định công nhận là công dân Việt Nam. Năm 2013 ông được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Xin nhập quốc tịch, trở thành công dân một nước không phải là nơi mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành thường xuất phát từ những lí do đặc biệt. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Lập kể trên là do tình yêu đất nước Việt Nam rất sâu sắc, lớn lao.
Mấy ngày qua dư luận dậy lên chuyện nghi vấn đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh) mang quốc tịch Síp. Theo như phân trần của vị đại biểu này trước báo giới thì có thể đó là chuyện có thực.
Theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội ngay điểm đầu tiên đã nêu “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khi người ta mang một quốc tịch nước khác, nhất là khi quốc gia đó có những quan điểm khác với thể chế họ đang phụng sự thì liệu tư tưởng, hành động có bị chi phối? Như trường hợp ông Phạm Phú Quốc, khi là công dân Síp, liệu còn đủ tư cách đại diện cho cử tri Việt Nam?

Để có quốc tịch Sip phải đầu tư hàng triệu USD

Do pháp luật không cấm nên những năm qua đã có một số doanh nhân, người giàu sở hữu hai quốc tịch. Riêng công chức, lãnh đạo, cán bộ doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những điều Nhà nước cho phép. Rất khó tin rằng những trường hợp hai quốc tịch đó xuất phát từ tình cảm đặc biệt như lòng yêu đất nước, yêu con người quốc gia đó. Đa số xuất phát từ nhu cầu cá nhân, chẳng hạn như có mục tiêu đến định cư vào thời điểm nào đó.
Hiện có rất nhiều nước cho công dân nước ngoài nhập tịch thông qua đầu tư. Công dân nước khác nhập tịch nộp một khoản phí nhất định, thông qua những chương trình có tên gọi “cấp quyền công dân và hộ chiếu thứ hai thông qua hoạt động đầu tư”. Ví dụ để được cấp hộ chiếu New Zealand, nhà đầu tư cần chi ít nhất 2 triệu USD trong vòng 4 năm. Cộng hòa Síp đòi hỏi các khoản đóng góp và đầu tư bất động sản trung bình 2,5 triệu USD, trong khi chi phí để được cấp hộ chiếu Áo tối thiểu là 3,5 triệu USD...
Như vậy, để có quốc tịch nước ngoài là không thể với mức thu nhập của một công chức ăn lương. Chỉ chủ doanh nghiệp lớn, sở hữu tài sản nhiều tỉ đồng mới có khả năng sở hữu quốc tịch tại một số nước kể trên. Chắc chắn các cơ quan chức năng nơi ông Quốc công tác và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm rõ nguồn tiền để ông Quốc "đầu tư" và có được quốc tịch nước ngoài đồng thời xử lí việc không trung thực về lí lịch cá nhân.

Đảo Sip là "thiên đường" của tội phạm trốn truy nã, trốn thuế

Gần đây, một số trường hợp tội phạm tham nhũng khi trốn truy nã thường sử dụng hộ chiếu, quốc tịch nước ngoài làm “bảo bối” nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Vì vậy mỗi khi phát lộ công chức, người đại diện quyền lợi của Nhân dân có quốc tịch thứ hai thường khiến người ta liên tưởng, nghi ngờ về lòng yêu nước, sự trung thành với chế độ mà họ đang phụng sự./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 8 năm 2020

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Lo ngại chuyện tiêu tiền

Sau khi thắng lợi chống dịch Covid-19 lần 1, Chính phủ đã nhanh chóng có những giải pháp nhằm khắc phục hệ quả của dịch bệnh, đưa hoạt động của nền kinh tế và đời sống người dân vào trạng thái bình thường mới.
Thúc đẩy đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là hai quyết sách đúng đắn, cần được triển khai khẩn trương, hiệu quả.
Sự đình đốn nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi lúc này chủ yếu trông vào nội lực. Đầu tư công là công cụ quan trọng và thiết thực nhất của nền kinh tế trong thời điểm này. Mỗi đồng tiền đầu tư được giải ngân liên quan trực tiếp, nhanh nhất đến công ăn việc làm của người lao động và sự tăng giảm của tỉ lệ thất nghiệp.


Đầu tư công giúp đẩy mạnh tăng trưởng, giải quyết việc làm

Tuy nhiên, sự nhiệt huyết, trách nhiệm trong triển khai gói đầu tư công ở một số nơi như đoàn tàu đang “đủng đỉnh” chưa muốn tới ga. Tại Hội nghị đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 (ngày 21/8) được biết có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương đề nghị chuyển trả lại vốn với tổng số 6.338 tỉ đồng.
Lâu nay người ta thường lo xin cho được nhiều vốn đầu tư, nay có tiền lại xin trả không tiêu là sự lạ. Tổng vốn 630.000 tỉ đồng đầu tư công đến nay mới chỉ giải ngân đạt hơn 42%. Tại hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ đã phải gay gắt yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh.
Thực trạng “không chịu tiêu tiền” xuất hiện gần đây khi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng ta ngày càng quyết liệt, không có vùng cấm. Lãnh đạo, chủ trì một số địa phương đang thu mình, sợ trách nhiệm, không dám đưa ra quyết sách, dù luật pháp đã có quy định cụ thể nhưng vẫn né tránh, đùn đẩy lên Trung ương, lên Chính phủ.
Còn một chuyện “tiêu tiền” cũng đang khiến người dân lo ngại, bức xúc, đó là đồng tiền hỗ trợ “đến nhầm” địa chỉ. Việc “phát lộ” đầu tiên tại thôn Lý Nhân, xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ở đây có một số hộ thuộc diện giàu có vẫn có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19, trong khi đó có hộ nghèo thực sự lại được “thoát nghèo”. Gần đây nhất, tại Thủ đô cũng “diễn lại kịch bản” ở Thanh Hóa. Tại thôn Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) có tới 40 hộ khá giả được nhận tiền hỗ trợ trong khi các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thực sự lại nằm ngoài danh sách khiến người dân bức xúc. Có điểm chung tại hai địa phương, nơi đồng tiền “đi nhầm” lại là địa chỉ của trưởng thôn, bí thư chi bộ… cùng những thân tộc của họ.
Thế mới biết việc “tiêu tiền” không hề dễ dàng. Song nếu người ta giữ được cái tâm trong sáng, nhận thức rõ trách nhiệm trước người dân, công đồng, địa phương, đất nước thì mọi việc vẫn có thể được giải quyết tốt. Chẳng hạn ngoài 31 bộ, cơ quan trung ương, 13 địa phương được điểm ở trên vẫn có nhiều nơi thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công. Và, số làng xã mà tiền hỗ trợ “đi nhầm” địa chỉ cũng chỉ là “con sâu là rầu nồi canh” chứ đâu phải tất cả./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 8 năm 2020

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Tài nguyên rác và rác tài nguyên

 

Rác là tài nguyên.
Câu này ai cũng được nghe không dưới đôi lần. Nghe vậy nhưng nhìn thấy nó được hiện thực hóa không nhiều. Và, rác đơn thuần vẫn chỉ là… rác!
Trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 6.500 tấn rác, còn tại TP Hồ Chí Minh khoảng 9.000 tấn.
Chỉ cần các “kho tài nguyên” đóng cửa dăm ba ngày là người dân 2 thành phố lớn nhất cả nước này sẽ không chịu nổi vì phố xá bốc mùi. Khi đó, chẳng ai nghĩ rằng đó là mùi… tài nguyên!


Sau 5 ngày bãi rác Nam Sơn “đóng cửa” gần đây, rác thải trong nội thành Hà Nội ùn ứ, chất đống tại các điểm trung chuyển. 

Thế nhưng tại không ít quốc gia như Hà lan, Thuỵ Điển, Áo, Bỉ hoặc Nhật họ lại không gọi rác là rác, không gọi nước thải là chất thải mà đơn thuần đó là những nguồn vật chất chưa được khai thác. Tại Hà Lan, trong giai đoạn 2010-2014, tổng lượng rác được tái chế là 80%. Lượng rác còn lại sau xử lí được đốt để tạo ra điện. Rác nằm trong chuỗi của nền kinh tế tuần hoàn mỗi năm mang lại doanh thu tăng thêm 7,3 tỉ euro, tạo thêm 54.000 việc làm mới.
Còn rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại Việt Nam ta đang thực sự là vấn nạn ô nhiễm chưa tìm ra lời giải hiệu quả. Khi các doanh nghiệp xử lí rác vẫn trông chờ chút lợi nhuận từ chôn lấp thì thứ tài nguyên này chỉ mang lại hiểm họa môi trường chứ chưa trở thành tài nguyên đúng nghĩa.
Còn một thứ “rác tài nguyên” cũng đang là vấn nạn với mọi người chưa có lời giải thỏa đáng, đó là rác viễn thông (sim rác, tin nhắn, cuộc gọi rác). Nếu bạn đang sở hữu chiếc điện thoại cầm tay thì chí ít mỗi ngày cũng “được nhận” vài ba cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo bất đắc dĩ.


Vấn nạn rác viễn thông lại là tài nguyên của nhà mạng

Trước vấn nạn này, mấy năm trước cơ quan quản lí và các nhà mạng lớn đã vào cuộc với quyết tâm cao nhằm dẹp nạn sim rác, căn nguyên xả ra rác. Tuy nhiên, đến nay vấn nạn rác viễn thông chưa thuyên giảm.
Một tin mừng là từ ngày 1/10, theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác vừa được Chính phủ ban hành. Doanh nghiệp viễn thông sẽ phải cung cấp cho người dùng các công cụ, ứng dụng để phản ảnh và cho phép khách hàng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Ai cũng biết, dù là “rác” nhưng mỗi phát sinh giao dịch (tin nhắn, cuộc gọi, bán sim) cũng đồng nghĩa nhà mạng của số thuê bao được hưởng lợi nhuận.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao điện thoại được đăng kí và đang hoạt động trên toàn quốc là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Chỉ cần mỗi số thuê bao trong ngày phát sinh vài ba cuộc gọi, tin nhắn (mấy trăm đồng đến vài nghìn đồng) nhân lên sẽ cho ra một con số rất… không nhỏ. Vậy, loại rác này đúng là một thứ “tài nguyên” mà chỉ nhà mạng mới người cảm nhận được “mùi vị”. Nó không hề khó ngửi như rác sinh hoạt!
Chỉ khi các doanh nghiệp xử lí rác thải thấy được đó đúng là tài nguyên, còn các doanh nghiệp viễn thông không coi sim, tin nhắn, cuộc gọi rác là tài nguyên, khi đó vấn nạn rác mới có cơ được xử lí triệt để!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26 tháng 8 năm 2020

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Thu rồi… thu nữa!

Những năm qua mạng đường giao thông Việt Nam phát triển khá nhanh. Nhiều tuyến đường đẹp, rộng như Đại lộ Thăng Long, đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội; đoạn quốc lộ 18 Nội Bài - Bắc Ninh và một số đường cao tốc mới xây dựng bằng vốn đầu tư của Nhà nước nên người dân không phải nộp phí.
Tới đây, khi tuyến cao tốc Bắc Nam hoàn thành (bằng vốn đầu tư công), người dân, doanh nghiệp sẽ được lưu thông trên tuyến huyết mạch hàng nghìn ki lô mét không phải trả khoản chi phí đáng kể so với các tuyến đường BOT.
Liệu có thể coi những tuyến đường như trên người dân, doanh nghiệp đang được giao thông miễn phí?


Đường Võ Nguyên Giáp từ trung tâm Hà Nội ra sân bay Nội Bài

Ta biết, hiện nhà nước đã và đang đầu tư một nguồn lực rất lớn từ thuế, phí thu được để đầu tư xây dựng các công trình trong đó có hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm dân sinh. Ngoài các nguồn từ thuế, phí ra, Nhà nước phải vay vốn từ nước ngoài (ODA) chịu lãi suất. Theo con số thống kê vào năm 2019 nợ công của Việt Nam ở mức 56,1% GDP. Với quy mô GDP khoảng 266,5 tỉ USD thì số nợ không nhỏ. Tất nhiên, số tiền trả nợ nước ngoài cũng từ nguồn thu nền kinh tế trong đó thuế, phí là chủ yếu…
Vì vậy, nói người dân, doanh nghiệp đang được đi trên những tuyến giao thông đẹp “miễn phí” là không chính xác bởi nó được người dân đóng thuế, phí để xây dựng nên.
Có lẽ xuất phát từ tư duy “đường miễn phí” hiện rất… phí nên Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo hoàn thiện Đề án thu phí sử dụng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, có thu phí và đã hết thời gian thu) trình Thủ tướng. Tuy nhiên, việc này lại không có cơ sở pháp lí (Luật Đầu tư công không cho phép thu phí công trình từ nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước). Bộ này đang muốn đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công để thực hiện mục tiêu trên. Nếu được sẽ là tiền lệ, sau này tuyến cao tốc Bắc Nam hứa hẹn thu được nguồn phí không nhỏ!
Gần đây, tại hội nghị trực tuyến với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”, một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội hêt 80 triệu đồng! Đây quả là một sự phi lí có thực. Hiện nay trên nhiều tuyến đường BOT, chi phí vé đường còn đắt hơn tiền xăng dầu. Nếu các đường do Nhà nước đầu tư cũng thu phí thì chi phí logistics sẽ còn tăng hơn nữa.


Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng xảy ra "lùm xùm" thiếu minh bạch việc thu phí.

Xây dựng trạm và duy trì bộ máy thu phí tuyến đường đầu tư công sẽ mất thêm một khoản chi phí. Trong khi đó việc thu phí BOT hiện thiếu minh bạch, có hiện tượng giấu doanh thu nên nguy cơ thất thoát tiền phí là hoàn toàn có thể.
Tất cả những chi phí trên sẽ đè lên vai người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi điều luật vì những giải pháp bất hợp lí sẽ tạo tiền lệ đáng lo ngại cho cả công tác xây dựng luật pháp./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 8 năm 2020

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Cần rà lại những kho “bom nổ chậm”

Vụ nổ kho hóa chất tại cảng Beirut (Lebanon) hôm 4/8 vừa qua gần như san phẳng một góc thành phố cảng khiến hàng chục nghìn người thương vong, cả thế giới sững sờ!
Sau vụ nổ này chắc chắn người ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về những kho hóa chất, kể cả thứ để sản xuất ra những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống.
Cách đây tròn 1 năm, Hà Nội cũng chấn động bởi vụ hỏa hoạn tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Vụ cháy khiến hàng chục tấn thủy ngân, thứ hóa chất cực kì nguy hiểm phát tán ra khu vực dân cư giữa trung tâm Thủ đô. Hậu quả của vụ hỏa hoạn với sức khỏe cộng đồng khó có thể đo đếm, khi mà thứ hóa chất độc hàng đầu này không phải ngay tức thì đã cảm nhận hay nhìn thấy được.

Vụ cháy tại kho Công ty Rạng Đông chách đây 1 năm gây hậu quả nghiêm trọng

Gần đây nhất, vụ cháy tại kho của Công ty hóa chất Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) thêm một lần khiến người dân lo ngại dù hậu qủa không nghiêm trọng như tại Công ty Rạng Đông năm trước.
Trong quân đội, hầu hết các đơn vị đều có một vài khu kho cất trữ vũ khí, chất nổ, bom đạn phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các kho này thường được xây dựng kiên cố, cách xa nơi ở trong doanh trại, xa khu dân cư, được bộ đội canh gác nghiêm ngặt 24/24 và giới hạn phạm vi người, các hoạt động được tiếp cận. Công tác bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra an toàn, xử lí, “đổi hạt”… được duy trì nghiêm theo quy định riêng. Chính vì vậy, dù đang lưu trữ cả trăm nghìn tấn bom, đạn song hàng chục năm qua quân đội không xảy ra vụ tai nạn nổ kho vũ khí nào.
Có thể ví những vụ hỏa hoạn liên quan đến phát tán hóa chất kể trên là những vụ nổ “kho bom không có bom”, đồng thời là những cảnh báo nhãn tiền đáng lưu tâm với những kho “chờ nổ”.


Vụ hỏa hoạn xảy ra tại kho của công ty hóa chất Đức Giang tại địa bàn quận Long Biên, Hà Nội

Vậy, ngoài các cơ sở sản xuất mặt hàng giống như của Công ty Rạng Đông, còn những công ty, doanh nghiệp nào đang sở hữu, sản xuất có sử dụng các loại hóa chất tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa? Các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, các nhà máy phân đạm ở Ninh Bình, Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cà Mau, Tổng công ty phân đạm và hóa chất dầu khí, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao…, liệu có đang lưu trữ những loại hóa chất tương tự như kho hóa chất ở Beirut? Nếu có thì quy trình vận chuyển, quy chuẩn lưu trữ, quản lí, sản xuất có bảo đảm tuyệt đối an toàn? Còn nữa, tại các cảng biển với hàng nghìn chiếc contairne liệu có những hóa chất nguy hiểm đang tồn trữ?
Để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí là những thảm họa, đã đến lúc các cơ quan quản lí chức năng cần khẩn trương rà soát lại việc quản lí, sản xuất, sử dụng các hóa chất nguy cơ tiềm tàng đến an toàn cháy nổ tại các khu dân cư, khu công nghiệp, cảng biển... Phải coi nơi chứa hóa chất nguy hiểm thực sự là những kho “bom nổ chậm” đe dọa cả an toàn và an ninh để có quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lí tuyệt đối nghiêm ngặt như những kho vũ khí quân dụng./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 8 năm 2020

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Đề xuất sửa đổi hay tăng giá?

Bộ Công Thương vừa trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định 28/2014/QĐ-TTg để lấy ý kiến.
Đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, mục giá điện cho mục đích sinh hoạt luôn được người dân quan tâm nhất. Dự thảo được Bộ đề xuất 2 phương án để lựa chọn, gồm hoặc 5 bậc theo phương án 1, hoặc 5 bậc và một giá theo phương án 2.
Ai cũng dễ nhận ra phương án hai 5 bậc và 1 giá có lợi cho “nhà giàu” và trái với mục tiêu hạn chế sử dụng điện bằng cách điều tiết dùng điện càng nhiều giá càng cao. Điều đó có nghĩa đa số người dân sẽ chọn phương án bậc thang 5 bậc, số ít thu nhập cao sẽ chọn một giá. Nhiều khả năng phương án 1 giá sẽ bị loại vì nó đi ngược với chủ trương chung là tiết kiệm điện, chỉ mang lại quyền lợi cho số ít đồng thời gây thiệt hại cho chính ngành điện. Việc đưa vào lấy ý kiến thêm phương án này (1 giá) có vẻ như một sự “đột phá”, cởi mở của ngành điện!
Hiện người sử dụng điện sinh hoạt đang mua điện theo biểu giá bậc thang 6 bậc (thấp nhất là 1.678 đ/kWh, cao nhất 2.927 đ/kWh). Nếu thực hiện theo các phương án bậc thang mới 5 bậc, bậc 1 bằng 90% giá điện bình quân (1.864,44đ/kWh) thì chỉ giá bậc này được giữ so với biểu giá hiện hành là 1.678đ/kW, còn lại các bậc giá khác đều tăng cao hơn biểu giá cũ từ 279 đ đến 2.274 đ/kWh!
Với biểu giá điện cũ mà mấy năm qua người dân đã kêu trời mỗi khi mùa nóng đến. Do vậy, nếu theo biểu giá mới sửa đổi này, nhiều khả năng hoá đơn tiền điện mùa nóng tới sẽ còn “nóng” hơn nữa.
Giá điện bán lẻ bình quân luôn được điều chỉnh tăng những năm qua (2014, 2017, 2019). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngành điện cần công khai các chi phí làm cơ sở cho ra giá điện bình quân (1.864,44đ/kWh) và cần loại đi những chi phí không hợp lí. Tại tọa đàm “Giá điện sinh hoạt - Bao nhiêu bậc thì hợp lí và minh bạch” vào cuối tháng 7 vừa qua có ý kiến cho rằng trong công thức tính giá điện bình quân có cả chi phí điều độ, điều tiết thị trường điện lực (đây là việc của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương). Làm như vậy chẳng khác nào cán bộ Cục Điều tiết điện lực ăn lương của EVN trong khi công chức đã được Nhà nước trả lương. Thêm nữa, giá điện bình quân như trên đã là mức giá bảo đảm lợi nhuận cho ngành điện, tại sao các bước giá lại tăng cao như vậy, dù biết rằng cần tăng ở các bậc để hạn chế sử dụng điện?


Khả năng hóa đơn tiền điện sẽ nóng hơn nếu theo phương án 5 bậc mới

Năm nay, nếu thực hiện theo các phương án sửa đổi như trên, chưa cần điều chỉnh giá điện bình quân, nhiều hộ sử dụng điện sinh hoạt đã “được” tăng giá điện (vì khả năng hộ ở bậc 1 tỉ lệ rất ít)! Trong khi đó ngành điện chẳng mang tiếng là tăng giá mà thực ra giá đã được tăng thông qua việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 5 bậc mới./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 8 năm 2020

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Chọn “không vướng” và… không thuận!

       Khi Bắc Ninh công bố quyết định chỉ định một bí thư thành ủy trẻ, thông tin được báo chí đăng tải khiến dư luận quan tâm.
Thực ra, ở tuổi 36 đảm nhiệm bí thư thành ủy một thành phố cũng không phải là trẻ, nếu so với những lãnh đạo một thời dấn thân vào tù đày, coi thường cái chết vì sự nghiệp của Đảng.
Dư luận quan tâm vì tân bí thư chính là con đẻ của đương kim bí thư tỉnh này, hơn nữa chuyên ngành đào tạo cơ bản ban đầu là môn cờ vua. Khi vị cán bộ tổ chức tỉnh này nói với báo chí rằng việc chỉ định “không vướng quy định nào của Đảng cả” như đã “góp thêm gió” vào cơn bão dư luận với chiều hướng không thuận.


Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan trao quyết định cho ông Nguyễn Nhân Chinh - Ảnh: VietnamNet

Lâu nay mọi người tin và biết công tác cán bộ luôn theo tiêu chí phẩm chất, năng lực và uy tín để chọn người vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Nay nhiều người mới ngộ ra rằng, chỉ cần “không vướng” quy định (của tổ chức) là có thể chỉ định, bổ nhiệm người vào vị trí trọng yếu.  
Thực trạng cả họ làm quan, cấp ủy gia đình đã khiến dư luận đồn đoán lâu nay, từ tỉnh miền núi Hà Giang đến hai tỉnh đồng bằng Hải Dương, Bắc Ninh… song chưa thấy tỉnh nào được rà xét, xử lí thấu đáo nhằm “đánh tan” dư luận. Rõ ràng đây là một “việc khó”, khi người có động cơ không trong sáng, đưa người thân, họ hàng vào các vị trí công quyền thì họ luôn lường trước mọi chuyện, khá bài bản trong từng đường đi, nước bước để không bị “vướng”.
Thế nhưng, nếu quyết tâm làm đến nơi đến chốn để xem có “không vướng” hay đang vướng thì mọi chuyện đều có thể làm rõ. Ví như vụ bí thư thành ủy Bắc Ninh kể trên rõ ràng vẫn có “vướng”. Cái vướng trước tiên là lòng tin của người dân, sau đó là uy tín của nhân sự và cuối cùng là cách làm của tổ chức. Có thể cấp ủy tỉnh này sẽ viện dẫn công tác cán bộ thực hiện theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Quy định số 90-QĐ/TW (năm 2017) được thay thế bằng Quy định số 214-QĐ/TW (ngày 2/1/2020). Liệu cấp ủy nơi đây đã đọc kĩ nội dung Mục 1.5 trong Tiêu chuẩn chung của Quy định 214 về tiêu chuẩn nhân sự, nêu: “Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lí chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn”. “Vướng” tiêu chuẩn có lẽ là ở đây, vì tân bí thư trước đó đảm nhiệm cương vị một tổ chức quần chúng (Tỉnh đoàn), không phải tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp (phó bí thư huyện ủy hay thành ủy).
Trước yêu cầu của Ban Tổ chức Trung ương, tỉnh này đã buộc phải điều chuyển tân bí thư thành ủy, thay bằng nhân sự khác chỉ sau chưa đầy 2 tuần chỉ định.
Tham nhũng quyền lực là một thực tế Đảng ta đã nhận ra và đang quyết tâm loại trừ. Nghị quyết số 04-NQ/TW đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái để mọi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy soi rọi, thực hiện.
Khi mà một cấp ủy có thể trở thành công cụ “hợp thức” cho động cơ tư lợi thì việc đấu tranh loại trừ tham nhũng quyền lực sẽ vô cùng khó khăn./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 8 năm 2020

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Bao giờ bỏ thi tốt nghiệp?

Nhiều năm qua, dù có những thay đổi, điều chỉnh trong cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhưng “đáp số” chung đều là gần 100% học sinh bước qua “cửa vũ môn” sau 12 năm đèn sách. Và năm nào cũng vậy, chỉ để loại ra một vài phần trăm học sinh yếu kém, cả xã hội như bước vào một “trận chiến” nhọc nhằn, hao tổn để khẳng định tầm tri thức mà chưa chắc đã thực chất.
Cũng chính vì những kết quả có thể dự đoán trước đã không ít ý kiến đề xuất nên thay kì thi tốt nghiệp bằng hình thức xét tuyển và chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho các học sinh đạt yêu cầu trở lên. Như vậy sẽ giảm áp lực thi cử, tiết kiệm chi phí xã hội đồng thời là tiền đề để các trường cao đẳng, đại học cải tiến phương thức tuyển sinh dựa trên nền tảng học lực cả quá trình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra khi dịch Covid-19 tái bùng phát (ảnh minh họa)

Năm nay kì thi THPT diễn ra đúng lúc dịch Covid-19 quay lại và tất nhiên đã có những ý kiến băn khoăn sự an toàn cho sức khỏe học sinh trước quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dù sao quyết tâm đó cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hi vọng kì thi sẽ đạt kết quả tốt và quan trọng nhất là an toàn dịch bệnh.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, với cách tổ chức thi cử như hiện tại, các trường và các địa phương sẽ luôn “phấn đấu” để học sinh của mình có điểm tốt nhất chứ không vì một kì thi nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng của học sinh. Mục tiêu của học sinh là có điểm số cao nhất. Mục tiêu của nhà trường, đội ngũ giáo viên là khẳng định kết quả đào tạo của mình thông qua tỉ lệ tốt nghiệp và điểm số các môn thi. Còn lãnh đạo các địa phương đều muốn bằng kết quả kì thi minh chứng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống giáo dục phổ thông địa phương mình là tốt.


Thực hiện nghiêmcông tác phòng, chống dịch Covid - 19 tại điểm thi.

Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Hà Lan… nhưng áp lực thi cử có lẽ không cao như Việt Nam ta. Tại nhiều nước, học sinh chỉ dùng bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ tốt nghiệp để đăng kí vào các trường đại học dựa trên năng lực, khả năng của cá nhân.
Xưa kia ông cha ta định hình nền giáo dục là học để làm quan, thành tài, để “vinh quy bái tổ”. Điểm khác biệt của giáo dục khoa cử xưa là người có điều kiện và ý chí quyết tâm đèn sách đi đến kì ứng thí tỉ lệ vô cùng ít so với số dân. Số ít đó được rèn dũa, đã đỗ đạt thì thực sự là người vừa có nghị lực vừa thành tài về học vấn, là tinh hoa của xã hội.
Không thể phủ nhận những tích cực nền khoa cử một thời gian dài của lịch sử phát triển, nó đã định hình phẩm chất hiếu học của dân tộc ta. Nay nền giáo dục là phổ thông, toàn dân được đến trường nên không thể có chuyện ai cũng đỗ đạt cao, làm quan, được “vinh quy bái tổ”. Ngày nay người ta học để có cái nghề, để lao động kiếm sống.
Nền giáo dục cần thay đổi, trước hết về quan điểm thi cử. Có thoát khỏi “cái bóng” của nền giáo dục khoa cử mới có thể bắt nhịp nền giáo dục hiện đại./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 8 năm 2020

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Những tươi tắn “chết chóc”

Cổ tích đã có câu chuyện mụ phù thủy độc ác đang tâm đầu độc nàng Bạch Tuyết bằng trái táo ngon tẩm độc.
Nay không có mụ phù thủy nào nhưng những “phù thủy lợi nhuận” đang đầu độc hàng nghìn người tiêu dùng bằng những trái cây tươi ngon 4 mùa không hỏng.

Hè năm trước khi về quê đúng ngày đầu tháng tôi có lau dọn ban thờ và phát hiện ra một quả lê khuất sau bát hương bị mạng nhện và bụi phủ. Lau sạch bụi thì thấy trái còn tươi nguyên như mới hái. Vốn dị ứng với những trái táo, lê nhập khẩu kiểu này nên không bao giờ tôi mua dùng. Sau hỏi ra mới biết dịp Tết Nguyên đán có người cháu mua về thắp hương hôm 30. Vì trái lê lăn xuống khuất sau bát hương nên không ai để ý và nó bị bỏ quên suốt hơn 4 tháng. Nhìn trái thì tươi nhưng bổ ra thấy bên trong đã ung ruỗng, ngả màu đen. Chắc chắn trái lê này đã được tẩm loại hóa chất gì đó mà mọi vi sinh vật không thể xâm nhập, phá hủy, chỉ bên trong ruột do thuốc không ngấm tới thì mới bị hỏng.
Mới đây, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) tiến hành kiểm tra đột xuất, bắt giữ 3 xe tải chở dâu tây không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ Cảng hàng không Liên Khương lên thành phố Đà Lạt. Lô hàng sau đó được xác định là dâu tây Trung Quốc với hơn 10 tấn nhập khẩu trái phép từ hơn 20 ngày trước nay vẫn tươi rói. Qua kiểm nghiệm xác định được dư lượng thuốc trừ sâu cao gấp 3 lần cho phép!


Quả dâu TQ tươi rói như mới hái ngoài vườn.

Nếu vụ việc tiêu thụ 10 tấn dâu tây trên trót lọt trên thị trường (có thể khi đó đã mang nhãn dâu Đà Lạt) thì không biết sẽ có bao nhiêu người bất dắc dĩ trở thành “nàng Bạch Tuyết” bị đầu độc? Ngoài dâu tây, liệu còn những loại trái cây, củ quả nào từ nước ngoài đã nhập lậu và tiêu thụ mà không được kiểm soát hóa chất độc hại?
        Một thực trạng đáng lo là hiện nay có cả những rau quả, thực phẩm trong nước cũng bị sử dụng chất bảo quản bừa bãi mà không được kiểm soát. Rau quả tươi là mặt hàng khó có thể giữ được tươi vài tuần giữa mùa nắng nóng mà không hỏng nếu không được bảo quản (kho lạnh, hóa chất hoặc thuốc bảo vệ thực vật). Tuy vậy, các loại rau quả trái vụ nay thấy xuất hiện quanh năm trên các sạp hàng từ chợ nông thôn đến siêu thị. Chỉ những mặt hàng vào siêu thị lớn hoặc xuất khẩu mới được vận chuyển đúng cách, được quan tâm kiểm nghiệm hóa chất do yêu cầu bắt buộc của đối tác, nhất là thị trường nước ngoài. Còn hàng hóa tại các chợ truyền thống, chợ cóc… hầu như đang bị bỏ ngỏ khâu quản lí an toàn thực phẩm trước hóa chất độc hại.
Sự lơi lỏng trong quản lí sử dụng hóa chất bảo quản khiến hàng triệu người tiêu dùng đang đứng trước nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại từ những bữa ăn hằng ngày.
Sự gia tăng căn bệnh ung thư những năm qua với nhiều làng, xã ung thư rất có thể đã được các loại rau quả “tươi ngon” như trên “góp phần” đầu độc từ từ theo một tiến trình không thể đảo ngược./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07 tháng 8 năm 2020

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

Một tập quán nên bỏ  

Có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Nay cuộc sống khá giả hơn nên cái “lễ nghĩa” đang phát triển như một phong trào. Thăm viếng đã thực sự trở thành thứ “lễ nghĩa” nhiều người không thể không theo vì nó hàm chứa cả “lễ lạt” và “nghĩa vụ” trong các mối quan hệ.
Trong nhiều chuyện để người ta thăm viếng nhau, thăm người bệnh nay như một một “nghĩa vụ” và cả cơ hội trong mối quan hệ từ họ hàng đến cơ quan, công sở, giữa cấp trên, cấp dưới...
Khi một vị lãnh đạo, người có chút quyền hành ốm đau hoặc người thân phải vào viện thì nhân viên dưới quyền hầu như chẳng thiếu ai, sẽ lần lượt đến thăm. Có khi họ còn tổ chức cùng nhau đi thăm gây nên những ồn ào không đáng có ở chốn vốn ưu tiên tĩnh lặng cho công việc chữa trị, nghỉ ngơi của người bệnh.
Cái gì cũng vậy, khi “quá đà” sẽ mang theo những hệ lụy, phiền toái. Điều mang đến tất yếu, trước tiên là sự phiền phức, khó khăn cho các bệnh viện.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện (trong ảnh: Bệnh tại BV Phụ sản HN)

Ai cũng biết, bệnh viện là nơi người bệnh đến để nhận được sự chăm sóc, cứu chữa của y, bác sĩ. Môi trường bệnh viện vì vậy sẽ là tốt nhất nếu giữ được vệ sinh, trật tự. Khi bệnh viện lại trở thành điểm đến để nhiều người thể hiện tình cảm với bệnh nhân cùng gia đình họ thì khó có thể giữ được một môi trường trật tự, vệ sinh tốt nhất.
Trước bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tập quán thăm bệnh nhân tại bệnh viện không chỉ gây những phiền phức, đây thực sự là mối nguy rất lớn lan truyền bệnh tật cần được hạn chế hoặc loại bỏ. Ổ dịch tại các bệnh viện ở Đà Nẵng hiện nay nhiều khả năng ban đầu từ bên ngoài xâm nhập vào rồi lại từ đó phát tán nhanh chóng ra cộng đồng.


Bệnh viện Đà Nẵng trở thành ổ dịch Covbid-19 từ đầu tháng 7/2020

Theo thông tin tại cuộc làm việc trực tuyến của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đơn vị thường trực chống dịch tại Đà Nẵng ngày 1/8, trong giai đoạn xuất hiện vụ dịch đã có khoảng 11.000 người đến Bệnh viện Đà Nẵng gồm người đến khám chữa bệnh, chăm sóc người nhà và đặc biệt không ít người đến chỉ để thăm người bệnh. Chắc chắn đã có những người vì đến thăm người bệnh mà nhiễm hoặc truyền bệnh cho người khác, trước tiên chính là người thân trong gia đình họ.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 (được Quốc hội Khóa XII thông qua vào năm 2009) đã qua hơn 10 năm thực hiện. Trong bộ luật không có nội dung hạn chế hoặc không cho phép việc thăm viếng đông người tại bệnh viện. Thực tiễn đã bộc lộ những bất cập, nhất là việc bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh tại bệnh viện thời gian qua còn những lỗ hổng khiến đội ngũ y, bác sĩ một số bệnh viện bất an và chưa thật an toàn.
Để bảo đảm môi trường an toàn cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, đã đến lúc cần có những quy định mang tính pháp lí để điều chỉnh việc quản lí môi trường bệnh viện trong khi Luật chưa thể sớm điều chỉnh, sửa đổi một sớm một chiều./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 6 tháng 8 năm 2020